Tuyệt đại đa số ĐQBH đồng tình với mức kinh phí công đoàn 2% - nguồn kinh phí hiện nay được để lại 75% cho công đoàn cơ sở để chăm lo cho người lao động.
Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết như trên khi giải trình, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV ngày 24.10.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Nguyễn Đình Khang một lần nữa nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo quán triệt và thể chế hoá sâu sắc các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng liên quan đến việc xây dựng và phát triển đất nước; phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối toàn diện của Đảng đối với tổ chức công đoàn công đoàn.
“Việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động tham gia” - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.
Cùng với đó, sửa Luật Công đoàn cần kế thừa và giữ nguyên những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thực hiện vừa qua. Sửa luật có tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; bảo đảm phù hợp với thể chế chính trị, yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giải trình về những vấn đề cụ thể, về bảo đảm tổ chức bộ máy và cán bộ công đoàn, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, Tổng Liên đoàn hết sức trân trọng, cảm ơn những ý kiến đại biểu Quốc hội về sự cần thiết phải quan tâm công tác cán bộ và bảo đảm về cán bộ công đoàn trong dự thảo Luật, xuất phát từ đặc thù của tổ chức công đoàn.
Trên tinh thần Nghị quyết số 02 ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị, trong đó đã quy định “nghiên cứu, đề xuất cơ chế giao biên chế cho công đoàn hợp lý, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế”, Tổng Liên đoàn sẽ tiếp tục báo cáo cơ quan có thẩm quyền có sự quan tâm đặc biệt đối với lực lượng cán bộ công đoàn để đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng, tạo điều kiện để tổ chức công đoàn hoạt động ngày càng hiệu quả, nhất là trong bối cảnh xuất hiện cạnh tranh trong hoạt động công đoàn.
Về kinh phí công đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tuyệt đại đa số các đại biểu đồng tình với mức 2% và trong quá trình soạn thảo đã có báo cáo tiếp thu giải trình những ý kiến có liên quan về kinh phí công đoàn. Kinh phí công đoàn được để lại công đoàn cơ sở 75% để chăm lo cho người lao động. Ông Nguyễn Đình Khang hoan nghênh trong thực tế các chủ doanh nghiệp tại các doanh nghiệp có chế độ phúc lợi cao hơn, có lợi cho người lao động…
Ông Nguyễn Đình Khang cũng giải trình, giám sát của công đoàn là mang tính xã hội tại Điều 16 và giám sát của nhân dân được thể chế hóa từ Quy định 217 của Bộ Chính trị ngày 12.12.2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội; trong báo cáo cũng đã giải thích, giám sát theo Điều 10 Hiến pháp là giám sát mang tính quyền lực của Nhà nước.
Ông Nguyễn Đình Khang cho biết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trân trọng tiếp thu ý kiến các đại biểu, tiếp thu chỉnh sửa trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).