15:29 09/05/2022
Vất vả nơi xóm trọ
Nóng nực, chật chội, mất điện... thời tiết mùa hè của miền Trung đúng là cơn ác mộng đối với người dân nói chung, nhất là những người lao động đang thuê trọ tại các khu công nghiệp nói riêng. Sự bí bách không chỉ ở thời tiết, mà còn ở những khó khăn về nơi ăn chốn ở hàng ngày.
Sau giờ làm việc, anh Phạm Ngọc Đạt thường bế con ra hành lang chơi cho thoải mái
Anh Phạm Ngọc Đạt - công nhân tại Khu công nghiệp VSIP, đang thuê trọ tại xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên), căn phòng hai vợ chồng thuê chỉ khoảng 10m2 ngoài vợ chồng còn có 2 con nhỏ. Quan sát một lượt căn phòng, thực ra chúng tôi chỉ cần đảo mắt một vòng là hết. Vì phòng bé nên đồ đạc trong nhà cũng hết sức tối giản, không có gì nhiều. 1 chiếc giường để mấy mẹ con nằm ngủ, 1 cái tủ vải để đựng quần áo, 2 cái quạt và góc bếp cùng nhà vệ sinh. Trong căn phòng này, sàn nhà được sử dụng đa chức năng, rất linh động, đó cũng là chỗ chơi cho con vừa là nơi quây quần bữa ăn tối và cũng là chỗ ngủ của chồng chị buổi tối. Khi được hỏi về thu nhập, giá phòng, điện nước, anh Đạt cho biết: Lương mỗi tháng trung bình cả hai vợ chồng khoảng 10 triệu đồng nhưng do nuôi con nhỏ nên phải chấp nhận ở phòng nhỏ hẹp, hạn chế tối đa các vật dụng nhằm tiết kiệm chi phí, có tiền lo bỉm sữa, học hành cho các con.
Tại khu nhà trọ Khu Công nghiệp Bắc Vinh, tới thăm trực tiếp vợ chồng chị Nguyễn Thị Trà (công nhân Công ty TNHH Matrix Vinh). Trước đây, khi con còn bé vợ chồng chị Na đưa mẹ xuống ở cùng để bà chăm sóc cháu cho vợ chồng chị đi làm. 4 mẹ con bà cháu sống trong ngôi nhà khoảng 7-8m2 nên rất chật chội. Nay, con cứng cáp hơn chị đành phải gửi con về cho ông bà trông, vì phòng trọ chật, mùa hè nóng bức, mùa đông ẩm thấp, hơn nữa do đặc thù làm ca kíp nên vợ chồng chị không thể đi đón con đúng giờ được. Chị Trà tâm sự: “Thu nhập của cả hai vợ chồng khá thấp, nên cả hai vợ chồng phải làm thêm, tăng ca để có thêm thu nhập, rất khó để dạy dỗ, chăm sóc con được tốt nhất. Vì vậy, hai vợ chồng tôi bàn nhau để con về quê. Ở quê, con có không gian sống tốt hơn, thoải mái hơn, có chỗ vui chơi, lại còn được ông bà hỗ trợ thêm. Cuối tuần không phải tăng ca thì hai vợ chồng tranh thủ về thăm con”.
Đời sống của CNLĐ ở các khu nhà trọ còn gặp rất nhiều thiếu thốn, vất vả
Nguyễn Hà An, làm việc cho một công ty trong Khu công nghiệp Nam Cấm (huyện Nghi Lộc). Trong căn phòng trọ của An, không có gì nhiều ngoài mấy bộ quần áo, nồi cơm điện, ấm nước và cái bếp ga mi ni cùng mấy cái nồi be bé.
Hà An bộc bạch: Với số tiền lương nhận được, hằng tháng, em phải chắt chiu, dành dụm để gửi về cho gia đình từ 2 đến 3 triệu đồng phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học, còn chỉ giữ lại cho mình một ít để chi trả tiền nhà trọ cùng tiền ăn hằng ngày. Với thu nhập như vậy, nên em phải chắt bóp chi tiêu, bữa sáng thì ăn qua loa chiếc bánh mì, bánh bao, bữa trưa ăn tại công ty, còn bữa tối tăng ca về muộn, mệt nên nhiều hôm em ăn tạm bát mỳ tôm, có khi cơm bụi vỉa hè hoặc bát cơm với rán quả trứng cho xong bữa để còn nghỉ ngơi. Cuộc sống xa gia đình đã có nhiều vất vả thiếu thốn, bên cạnh đó, công nhân ở trọ như bọn em cũng ít có các điểm vui chơi, giải trí nên buổi tối, bọn em thường làm bạn với chiếc điện thoại cho đỡ buồn.
Đến nhà trọ với công nhân
Đó chỉ là 3 trường hợp trong hàng ngàn công nhân rời xa quê hương, phải ở trọ với điều kiện sống khó khăn, vất vả để mưu sinh lập nghiệp. Thấu hiểu với những nhọc nhằn ấy, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đã có hướng dẫn tổ chức Chương trình “Đến nhà trọ với công nhân” nhằm chia sẻ với những khó khăn, vất vả của công nhân lao động tại các khu nhà trọ.
Cán bộ LĐLĐ tỉnh cùng CĐ Khu kinh tế Đông Nam khảo sát tình hình ở trọ của công nhân lao động
Theo bà Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam, thì do đặc thù Công đoàn KKT Đông Nam có đông công nhân lao động ở trọ, để nắm và hiểu tình hình đời sống người lao động nên chúng tôi thường xuyên đến các khu nhà trọ để thăm hỏi, tặng quà, tổ chức các hoạt động văn hoá tinh thần cho công nhân lao động. Đặc biệt là đợt dịch Covid-19 bùng phát, Công đoàn KKT Đông Nam đã hỗ trợ nhu yếu phẩm cho gần 1.000 công nhân ở trọ tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tháng Công nhân năm nay, chúng tôi tiếp tục có các hoạt động thiết thực dành cho công nhân lao động đang ở trọ.
Ông Phạm Quốc Dương - Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế chia sẻ: Có đến tận nơi mới thấy đời sống của người lao động thuê trọ hầu hết đều rất khó khăn, điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn. Hiện nay, Công đoàn ngành Y tế đã tiến hành khảo sát về thực trạng người lao động ở trọ và có kế hoạch đến thăm tặng quà để động viên người lao động yên tâm công tác, vượt qua khó khăn.
Cán bộ Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam khảo sát tình hình nhà trọ công nhân
Bà Nguyễn Thị Thu Nhi - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, cho biết: Liên đoàn Lao động tỉnh đã có hướng dẫn chương trình “Đến với nhà trọ công nhân” trong các cấp công đoàn tỉnh. Thông qua Chương trình “Đến với nhà trọ công nhân” để các cấp công đoàn tỉnh Nghệ An nắm bắt thực trạng về đời sống, tư tưởng, nguyện vọng của CNVCLĐ đang ở trọ tại các nhà trọ, khu nhà trọ, ký túc xá, nhà công vụ để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, động viên CNVCLĐ nhân dịp “Tháng Công nhân” năm 2022.
Đồng thời, đây cũng là cơ sở để tổ chức Công đoàn tham mưu, kiến nghị, đề xuất với cấp ủy Đảng; phối hợp với chính quyền, chuyên môn, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội tổ chức các hoạt động chăm lo cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2022 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” – bà Nguyễn Thị Thu Nhi cho biết thêm.
Hoàng Yến - CĐ Khu kinh tế Đông Nam
THÔNG BÁO
Kế hoạch Tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động với Đoàn Đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8 và tặng quà cho Công nhân lao động Năm 2024
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô và tài sản cố định khác năm 2024
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp năm 2023
Thông báo công khai tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công năm 2023
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
TƯ VẤN PHÁP LUẬT
LIÊN KÊT WEBSITE
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP