Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu
Thưa đồng chí, nếu được bình chọn 10 hoạt động, sự kiện lớn, ấn tượng của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong năm 2021, đồng chí sẽ đề xuất những hoạt động, sự kiện nào?
- Cái nhìn của một cá nhân sẽ khó tránh khỏi phiến diện, nhưng tôi thường có thói quen tự tổng kết lại công việc của mình, của tập thể mà mình là thành viên sau một năm, xem cái gì làm được, cái gì chưa và cần thay đổi thế nào.
Trước hết phải khẳng định, năm 2021 là một năm đặc biệt đối với thế giới, đất nước và tổ chức Công đoàn. Dịch bệnh COVID-19 trực tiếp tấn công vào các khu công nghiệp, lây lan nhanh trong công nhân, làm cho hàng chục triệu người lao động bị ảnh hưởng, trong đó có gần một nửa bị ảnh hưởng nặng nề. Khó khăn của đoàn viên, người lao động, một phần đặt lên vai tổ chức Công đoàn. Trong một năm đất nước có nhiều sự kiện chính trị trọng đại, cả hệ thống căng mình phòng, chống dịch bệnh, nỗ lực vượt khó, Công đoàn Việt Nam đã để lại những dấu ấn, khẳng định vị thế, vai trò và năng lực thích ứng trong tình hình mới. Tôi xin điểm lại 10 hoạt động, sự kiện lớn, để lại dấu ấn từ góc nhìn cá nhân:
1. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với nhiều chủ trương, định hướng mới về xây dựng giai cấp công nhân, lãnh đạo tổ chức Công đoàn; Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi với tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động và yêu cầu của Đảng. Để sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN đã ban hành Chương trình hành động số 02/CTr-BCH ngày 20/7/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị và tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt, triển khai sâu rộng tới các cấp công đoàn.
2. Các cấp công đoàn chủ động, tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp... nỗ lực vượt khó, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đồng hành với Chính phủ và chính quyền các cấp. Hàng vạn cán bộ công đoàn ngày đêm tận tụy, bất chấp hiểm nguy tham gia chống dịch, kịp thời chăm lo, hỗ trợ người lao động, tham gia sản xuất, kinh doanh, rất nhiều đồng chí trở thành cán bộ tuyến đầu.
3. Tổng LĐLĐVN đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tham gia xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách do Chính phủ ban hành hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Công đoàn cơ sở tích cực thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động về phương án sản xuất đảm bảo duy trì việc làm và an toàn cho người lao động, về các chế độ lương, thưởng, quyền lợi bảo hiểm và phúc lợi cho người lao động.
4. Triển khai chủ đề công tác năm 2021 “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở”, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, các cấp công đoàn đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn cơ sở, như mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, tăng cường thương lượng, đối thoại; đào tạo giảng viên nguồn kiêm chức...
5. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động công đoàn, phát huy vai trò chủ thể của đoàn viên trong các hoạt động, tập trung nguồn lực và hướng mạnh các hoạt động về cơ sở.
6. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản phục vụ nhiệm vụ quản trị nội bộ hệ thống, đảm bảo phù hợp với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, ưu tiên là các văn bản trong lĩnh lực tổ chức - cán bộ, tài chính, tài sản, quản lý các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc tổ chức Công đoàn.
7. Ban hành Kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở đến năm 2023. Ngay sau khi ban hành Kế hoạch, đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kế hoạch đến các cấp công đoàn. Tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã quán triệt, giao nhiệm vụ cho chủ tịch LĐLĐ các tỉnh, thành phố và công đoàn ngành, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cần tạo bước đột phá mới.
8. Triển khai Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” thu hút hơn 200.000 tác giả tham gia với hơn 250.000 sáng kiến được chính thức công bố trên nên tảng công nghệ của Ban Tổ chức. Lễ tổng kết Chương trình và tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu đã diễn ra trang trọng, ấn tượng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những đánh giá tốt đẹp, khen ngợi Chương trình.
9. Tổ chức nhiều cuộc thi có ý nghĩa thiết thực, thu hút đông đảo các tác giả tham gia, việc sử dụng công nghệ số giúp cho một số cuộc thi có sức lan tỏa mạnh: Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”, thi sáng tác ca khúc và video clip về phòng chống COVID-19 “Giai điệu nơi tuyến đầu” và “Thời khắc khó quên”, thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn...
10. Phối hợp với Bộ Y tế và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình “Việt Nam - Khát vọng bình yên” nhằm tuyên dương, tôn vinh cán bộ, đoàn viên và lực lương tuyến đầu chống dịch. Chương trình gây xúc động mạnh, thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động và khán giả đón xem, tạo dấu ấn, khẳng định mạnh mẽ vai trò, sự đóng góp của tổ chức Công đoàn, đoàn viên, người lao động tuyến đầu trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Nhưng hẳn sẽ còn những điều đồng chí chưa hài lòng hoặc trăn trở?
- Vì dịch bệnh, còn một số việc lớn các cấp công đoàn chưa làm được như kỳ vọng, đó là việc triển khai chủ đề công tác năm “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở”, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; việc đẩy mạnh thương lượng với người sử dụng lao động hình thành các thỏa ước lao động tập thể mới và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở...
Nhiều vấn đề lâu nay tôi luôn trăn trở, nhưng qua dịch bệnh, tôi thấy càng băn khoăn, lo lắng hơn, đó là:
(1) thu nhập của phần lớn công nhân nói chung còn thấp, khi nhà máy đóng cửa, dừng hoạt động thì chỉ ít ngày sau đó, công nhân đã hết nguồn sống, trong khi hai năm liên tục, người lao động chưa được tăng lương tối thiểu vùng, khó khăn càng chồng chất khó khăn.
(2) một bộ phận lớn công nhânphải sống trong những phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp, mất vệ sinh, san sát nhau, khi có dịch bệnh thì lây lan rất nhanh.
(3) số cán bộ công đoàn chuyên trách quá ít để chăm lo, bảo vệ người lao động, nhất là trong bối cảnh có khủng hoảng như dịch bệnh vừa qua, trong khi nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn ngày càng nặng nề.
(4) tình trạng vi phạm pháp luật đối với người lao động của chủ doanh nghiệp còn nhiều.
(5) dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, sức khỏe, việc làm, thu nhập, đời sống của hàng triệu gia đình công nhân, nhất là những đứa trẻ sẽ ra sao trong năm 2022?
Ngoài những trăn trở trên đây, điều ám ảnh nhất đối với tôi về năm 2021 là hơn 32 nghìn đồng bào, chiến sĩ tử vong do COVID-19, trong đó có gần 1.000 đoàn viên công đoàn. Cùng với đó là dòng người hồi hương bất chấp mọi hiểm nguy, mất an toàn, gồm cả nữ công nhân mang thai sắp đến ngày sinh nở, có con nhỏ và bố mẹ già...
Từ những thành công và cả trăn trở đối với năm 2021, theo đồng chí, có những bài học nào cho năm 2022?
- Theo tôi, có 5 bài học có thể rút ra trong công tác chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo của tổ chức Công đoàn, đó là:
Thứ nhất, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; tích cực phối hợp với Chính phủ, chính quyền, các cơ quan liên quan và doanh nghiệp. Đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của tổ chức Công đoàn, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Thứ hai, việc xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch hoạt động công đoàn phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, ngành, đất nước.
Thứ ba, đổi mới tư duy và hành động, tổ chức và hoạt động công đoàn; coi việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, xuyên suốt của tổ chức Công đoàn trong những năm tới.
Thứ tư, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, uy tín, có năng lực đối thoại, thương lượng, dẫn dắt và truyền cảm hứng, tận tụy với nhiệm vụ được giao, hết lòng vì người lao động, dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám chịu trách nhiệm.
Thứ năm, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo trong mọi hoạt động; thể hiện năng lực thích ứng, khả năng giải quyết khủng hoảng và xử lý mọi tình huống thực tiễn đặt ra.
- Xin cảm ơn đồng chí.
“Tôi tâm niệm rằng, mỗi cán bộ công đoàn đều thực sự tâm huyết, sáng tạo,quyết liệt, nói đi đôi với làm, làm hiệu quả và thực chất, làm vì sứ mệnh mà người lao động trao gửi, chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022 có tính bản lề và rất quan trọng, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của tổ chức Công đoàn, để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động”.