Có thâm niên hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo viên, tính cả tiền lương và phụ cấp, chị Nguyễn Thị O (giáo viên THCS huyện ngoại thành Hà Nội) nhận lương 6 triệu đồng/tháng. Là giáo viên dạy môn Địa lý, chị O không dạy thêm nên số tiền này là khoản tiền cố định mỗi tháng.
"Lương 6 triệu đồng không thể nào đủ để tôi nuôi 2 con ăn học. Ngoài giờ dạy học trên lớp, tôi làm bánh, thức ăn sẵn rồi đăng lên Facebook bán cho khách. Công việc này giúp tôi có thêm 2-3 triệu đồng/tháng để nuôi con" - chị O nói.
Theo chị O, chị là giáo viên lâu năm nên lương mới được như vậy, với giáo viên mới ra trường vào viên chức, bậc lương của họ là 2,34 nhân với mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng, tính ra được khoảng gần 3,5 triệu đồng/tháng. Khi giá cả leo thang, đồng lương của viên chức giáo viên rất khó để đảm bảo cuộc sống.
"Nếu không làm thêm nghề, gia đình không có nền tảng kinh tế, lương giáo viên không thể đủ sống" - chị O nói.
Do tác động của dịch bệnh, việc cải cách tiền lương cho công chức, viên chức những năm qua đã phải chậm trễ. Vì vậy, trước đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, thay vì thời gian thực hiện từ ngày 1.7.2023, nữ giáo viên mong được lương tăng từ ngày 1.1.2023.
Sau 15 năm là công chức cấp phường tại tỉnh Thanh Hoá, anh Trần Văn B có mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng. Ngày mới vào làm việc, lương khởi điểm ở hệ số 2.34, đến thời điểm hiện tại là 4,98.
Có 2 con đang học cấp 2, vợ làm giáo viên ở thành phố Thanh Hoá, theo anh B, lương của người làm công chức nhà nước như vợ chồng anh rất khó để lo cho các con học hành đàng hoàng. Để gia tăng thu nhập, anh B vay vốn mở quán ăn với bạn.
Trước thông tin đề xuất tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2023, anh B hy vọng tăng lương cho đội ngũ công chức, viên chức sớm hơn dự kiến.
"Sau 2 lần lỡ hẹn tăng lương vào tháng 7.2020 và tháng 7.2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chúng tôi mong đợi năm 2022 sẽ tăng lương cơ sở. Song cuối năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 34/2021/QH15 lùi cải cách tiền lương từ 1.7.2022 đến khi có văn bản hướng dẫn chính thức. Do vậy, tôi mong được tăng lương sớm hơn đề xuất" - nam công chức bày tỏ.
Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003.
Với cán bộ, công chức, viên chức, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ 1.7.2019, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng.
Công chức có mức lương cao nhất là người giữ chức danh chuyên gia cao cấp bậc 3 (trừ các chức danh lãnh đạo bầu cử, bổ nhiệm) có hệ số 10.00 nhân với mức lương cơ sở là 14,9 triệu đồng, tương đương lương bộ trưởng.
Công chức còn lại được chia thành 6 nhóm theo ngạch gồm: A3, A2, A1, A0, B và C. Tương ứng với đó là từng ngạch, bậc và mức lương cụ thể cao nhất là hệ số 8.00 với mức lương 11,92 triệu đồng/tháng và thấp nhất có hệ số 1.35 với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng.
Với viên chức cũng được tính lương tương tự với hệ số từ 1.50 đến 8.00 tương ứng mức lương từ 2,235 triệu đến 11,92 triệu đồng mỗi tháng.