tích cực thi đua chào mừng đại hội xiii công đoàn việt nam, nhiệm kỳ 2023-2028

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN ĐỨC CẢNH - LÃNH TỤ CÔNG VẬN XUẤT SẮC CỦA ĐẢNG VÀ CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

20:44 02/02/2023

Tham gia phong trào yêu nước khi mới 16 tuổi, 19 tuổi trở thành chiến sỹ cộng sản, 21 tuổi sáng lập và trực tiếp lãnh đạo Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, 22 tuổi tham gia sáng lập rồi trở thành cán bộ cốt cán Đảng và hiên ngang bước lên máy chém, anh dũng hy sinh khi mới ngoài 24 tuổi, cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh không dài nhưng vô cùng sôi nổi, phong phú, tràn đầy niềm tin và nhiệt huyết, trong buổi đầu cách mạng còn trong trứng nước, muôn vàn khó khăn, gian khổ.

 

 

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại thôn Diêm Điền, xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước ở một vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, Nguyễn Đức Cảnh đã sớm được hun đúc và nuôi dưỡng tinh thần, khí phách của người cộng sản. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Đức Cảnh luôn nêu cao tinh thần của một chiến sỹ cộng sản trung kiên, yêu nước, thương nòi, gắn bó mật thiết và tha thiết yêu thương nhân dân lao động. Sự gắn bó mật thiết đó khiến cho Nguyễn Đức Cảnh thấy được ở giai cấp công nhân dù còn non trẻ, ít ỏi lúc bấy giờ có một sức mạnh to lớn nếu được đoàn kết, tập hợp lại và được vũ trang bằng lý luận cách mạng đúng đắn. Dó đó, Nguyễn Đức Cảnh đã dành cả tâm huyết và sự nghiệp của mình cho công tác vận động và truyền bá lý luận cách mạng vào quần chúng CNLĐ.

Với nhận thức “Anh em thợ mỏ đang được giác ngộ giai cấp và các đồng chí tiểu tư sản trí thức tham gia tổ chức cách mạng chúng ta phải quyết tâm vô sản hóa sinh hoạt, vô sản hóa tư tưởng…. Có như thế chúng ta mới có thể trở thành những chiến sỹ cộng sản chân chính”, Nguyễn Đức Cảnh tham gia đề xuất và phát động phong trào “vô sản hóa”. Chỉ sau thời gian ngắn, phong trào “vô sản hóa” trở thành một phong trào cách mạng rầm rộ khắp Bắc Kỳ, đưa tư tưởng vô sản lan rộng và ăn sâu vào phong trào công nhân.

Cùng với đẩy mạnh truyền bá lý luận cách mạng, Nguyễn Đức Cảnh nhanh chóng xúc tiến thành lập tổ chức tập hợp, đoàn kết, vận động công nhân. Ngày 28/7/1929, tại nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thay mặt Ban Chấp hành lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày nay. Đại hội đã thông qua chương trình, điều lệ của Công hội đỏ, bầu Ban Chấp hành Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ do Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu, quyết định xuất bản Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ (nay là Tạp chí Lao động và Công đoàn) do Nguyễn Đức Cảnh trực tiếp làm chủ bút. Đến đây, từ công lao của Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí của anh, giai cấp công nhân Việt Nam non trẻ đã được thấm nhuần lý luận cách mạng của mình là chủ nghĩa Mác-Lênin, có đội tiên phong lãnh đạo mình là Đảng Cộng sản và có tổ chức quần chúng rộng lớn tập hợp, đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ mình là Công hội đỏ.

Tháng 10/1930, trước tình hình phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh lên cao và đang bị thực dân phong kiến đàn áp, Trung ương cử đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vào tăng cường cho Xứ ủy Trung Kỳ lãnh đạo phong trào. Từ thực tiễn kinh nghiệm công tác vận động công nhân ở Trung Kỳ, Nguyễn Đức Cảnh đã đề xuất với Trung ương Đảng thành lập bộ phận tham mưu cho Đảng về công tác vận động công nhân do đồng chí Trần Phú trực tiếp đứng đầu, đồng thời tham gia nhiều ý kiến xây dựng nghị quyết của Đảng về công tác vận động công nhân.

Cuối tháng 4/1931, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt tại làng Yên Dũng Hạ, sát thành phố Vinh, sau đó bị đưa ra giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Trong xà lim án chém ở nhà tù Hỏa Lò, Nguyễn Đức Cảnh không những không hề tỏ ra run sợ mà còn giác ngộ, động viên đồng chí của mình giữ vững khí tiết của người cộng sản. Đồng chí đã dành những ngày cuối cùng của mình để đúc kết kinh nghiệm hoạt động cách mạng viết thành tập tài liệu “Công nhân vận động” dâng cho Đảng trước khi hiên ngang bước lên máy chém vào ngày 31/7/1932 khi mới ngoài 24 tuổi. Cuốn sách “Công nhân vận động” được coi là “tác phẩm đầu tiên đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn đối chiếu với lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về công tác vận động cách mạng trong giai cấp công nhân của Đảng”.

Việc dành cả trí tuệ, tâm huyết, cả cuộc đời hoạt động cách mạng gắn bó với công tác công vận động công nhân; tham gia khởi xướng và tổ chức phong trào “vô sản hóa”, sáng lập và lãnh đạo Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ và có những đúc rút quý báu về lý luận công tác công vận trong tác phẩm “Công nhân vận động”, đã cho thấy Nguyễn Đức Cảnh là một nhà hoạt động công vận đầy tài năng, tâm huyết, người đặt nền móng lý luận về công tác vận động công nhân của Đảng.

Đã hơn 93 năm kể từ ngày thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh, luôn đồng hành, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong bối cảnh tình hình mới của công cuộc đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, của Bác Hồ, kế thừa chương trình, điều lệ của Công hội đỏ do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sáng lập, quyết tâm đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” để xứng đáng là tổ chức quần chúng rộng lớn, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, thành viên quan trọng trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Ngọ Duy Hiểu

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Từ khóa:

TIN TỨC MỚI NHẤT

Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
15:25 16/09/2023

Sáng nay (16/9), tại tỉnh Nghệ An, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 39, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


Nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ Tổng Liên đoàn Lao động là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân
14:17 30/08/2023

Tham gia ý kiến thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm ủng hộ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.


Mức đóng BHYT mới của học sinh, sinh viên
08:51 15/08/2023

Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1,8 triệu đồng/tháng. Do đó, mức đóng bảo hiểm y tế của đối tượng học sinh, sinh viên cũng được điều chỉnh.


Thường trực Tỉnh uỷ gặp mặt, đối thoại với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền xã, phường, thị trấn
10:50 04/08/2023

Sáng 4/8, hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với hơn 1000 người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy.


HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII thông qua 30 nghị quyết chuyên đề tại Kỳ họp thứ 14
13:44 07/07/2023

Sáng 7/7, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và tiến hành bế mạc.


THƯ VIỆN ẢNH

LIÊN KÊT WEBSITE

SỐ LƯỢNG TRUY CẬP