21:54 07/05/2021
Đồng chí Phùng Chí Kiên (1901-1941). Ảnh Tư liệu
Năm 1925, Nguyễn Vĩ đi làm thuê để giúp đỡ gia đình và đây là quãng thời gian đồng chí được giác ngộ cách mạng và tham gia vào Hội Việt Nam thanh niên cách mạng. Tháng 12/1926, Nguyễn Vĩ được Hội Việt Nam thanh niên cách mạng cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện chính trị do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Tại đây, cuộc gặp gỡ với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và bí danh do Người đặt cho là “Phùng Chí Kiên - sự gặp gỡ giữa ý chí và lòng kiên trung”. Trong quá trình giảng dạy, nhận thấy đồng chí Phùng Chí Kiên là người nhiệt huyết với cách mạng, tư chất thông minh, có tư duy về quân sự, nên Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn đồng chí cùng một số thanh niên Việt Nam gửi vào đào tạo tại Trường Quân sự Hoàng Phố.
Năm 1927, Trường Quân sự Hoàng Phố bị đóng cửa do Tưởng Giới Thạch phản bội, Phùng Chí Kiên đã cùng với cán bộ cách mạng Việt Nam đứng về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại hành động phản cách mạng của bọn quân phiệt. Tháng 12/1927, khi cuộc khởi nghĩa Quảng Châu nổ ra, Phùng Chí Kiên chỉ huy một đơn vị của đội quân cộng sản. Ngày 30/12/1928, đồng chí Phùng Chí Kiên bị quân Tưởng bắt và giam trong nhà tù Quảng Châu. Sau 9 tháng giam cầm, Phùng Chí Kiên được trả tự do và trở lại Trường Quân sự Hoàng Phố. Tháng 12/1929, Phùng Chí Kiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, gia nhập Hồng quân và thời gian sau được tín nhiệm và được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4, quân đoàn 2, Hồng quân Đông Giang. Tháng 12/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương gọi Phùng Chí Kiên về Hồng Kông. Tại đây, Đồng chí được gặp lại Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được truyền đạt những chủ trương, đường lối mới của Đảng sau Hội nghị hợp nhất. Những ngày ở Hồng Kông, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tháng 1/1931, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi Phùng Chí Kiên sang học Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, với quyết tâm cao, đồng chí ra sức học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và nghiên cứu kinh nghiệm đấu tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước của Nhân dân Liên Xô để sau này vận dụng vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam.
Đầu năm 1934, đồng chí Phùng Chí Kiên về Ma Cao, Trung Quốc và tham gia Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng. Tháng 3/1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao, Trung Quốc, đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định vào Ban Thường vụ của Đảng. Giữa năm 1937, đồng chí được cử về Sài Gòn cùng đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Khoảng một năm sau, do yêu cầu mới của cách mạng, đồng chí quay lại Hương Cảng để chỉ đạo Ban Chỉ huy ngoài nước của Đảng thay đồng chí Lê Hồng Phong được cử về nước hoạt động.
Tháng 10/1938, thực dân Anh đã ra lệnh bắt giữ và hai tháng sau đó, trục xuất đồng chí khỏi Hương Cảng, đồng chí Phùng Chí Kiên đã đến Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động - đây là khoảng thời gian đồng chí được làm việc gần gũi với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tại đây, đồng chí Phùng Chí Kiên cùng một số đồng chí khác nhanh chóng củng cố lại Ban Chỉ huy ngoài nước của Đảng và tổ chức xuất bản tờ báo Đồng Thanh để phục vụ công tác tuyên truyền, vận động và định hướng đấu tranh cách mạng cho quần chúng, ủng hộ nhân dân Trung Quốc đánh Nhật.
Tháng 6/1940, đồng chí Phùng Chí Kiên cùng với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Tĩnh Tây, một thị trấn thuộc tỉnh Quảng Tây, giáp biên giới Trung - Việt, để chuẩn bị về nước. Tại đây, đồng chí được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp biên soạn một số bài giảng và trực tiếp giảng dạy cho 40 cán bộ để đưa về Cao Bằng xây dựng khu căn cứ cách mạng. Những bài giảng này, về sau được tập hợp lại thành tài liệu mang tên: “Con đường giải phóng dân tộc” - một tài liệu quan trọng phục vụ chương trình đào tạo, huấn luyện cán bộ của Đảng ta nói chung, của Quân đội ta nói riêng.
Tháng 1/1941, đồng chí Phùng Chí Kiên cùng với một số cán bộ cách mạng được huấn luyện tại Trung Quốc theo Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pắc Bó, tỉnh Cao Bằng. Sau ba tháng, phong trào Việt Minh đã phát triển rộng khắp với hơn 2.000 hội viên. Tại đây, đồng chí Phùng Chí Kiên được giao nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ khu căn cứ Cao Bằng, đồng chí đã thành lập các đội tự vệ và tự vệ chiến đấu; đồng thời, tích cực tham gia tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cốt cán cho cách mạng. Đó chính là cơ sở thực tiễn để Đảng ta hoàn chỉnh chuyển hướng chiến lược và sách lược cách mạng; vạch ra đường lối, phương pháp giành chính quyền.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, tại Khuổi Nậm, Pắc Bó - Hà Quảng, đồng chí Phùng Chí Kiên tiếp tục được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách quân sự, trực tiếp chỉ huy khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và Trung đội Cứu quốc quân có 37 người. Tháng 9/1940, khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, gây tiếng vang lớn trong cả nước, làm thực dân Pháp ra sức tìm cách đối phó. Cuối tháng 6/1941, chúng đã huy động 4.000 quân để mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ, nhằm đánh vào cơ quan đầu não của phong trào Cộng sản Đông Dương và Đội Cứu quốc quân. Trước tình hình đó, đội Cứu quốc quân chia làm hai cánh rút về phía Cao Bằng và Lạng Sơn. Cánh quân do đồng chí Hoàng Văn Thái và Đặng Văn Cáp chỉ huy rút về phía Lạng Sơn sau đó sang biên giới Việt - Trung an toàn. Cánh quân rút về phía Cao Bằng do đồng chí Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri làm chỉ huy, khi qua vùng Na Rì (Bắc Cạn), bị địch phục kích, mặc dù bị thương nặng, đồng chí vẫn quyết tâm bắn chặn quân địch và ra lệnh cho mọi người nhanh chóng thoát khỏi vòng vây của giặc. Đồng chí Phùng Chí Kiên đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh vào ngày 22/8/1941, ở tuổi 40 khi tài năng đang độ chín muồi.
Sự hy sinh của đồng chí là một mất mát lớn cho cách mạng Việt Nam, như Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết trên báo Cờ giải phóng, số 2, ra ngày 26/8/1943: “Anh Phùng đã vĩnh biệt chúng ta được hai năm rồi!... Thế là một chiến sĩ tài ba, lỗi lạc đã bỏ mình… Cái chết của anh thật là một sự thiệt thòi cho Đảng. Nó còn gieo biết bao nỗi thương tiếc cho các đồng chí. Anh Phùng đã khuất. Nhưng tinh thần của anh vẫn sống mãi với non sông, cây cỏ”. Ghi nhận công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 23/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89-SL truy phong cấp tướng cho đồng chí - Đây là sắc lệnh phong tướng đầu tiên của Nhà nước ta. Tháng 11/2003, đồng chí Phùng Chí Kiên được Đảng, Chính phủ ra quyết định công nhận là nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (khóa 1), cán bộ lãnh đạo quân đội cấp tướng, liệt sĩ hy sinh anh dũng trong chiến đấu.
Với 40 tuổi đời, hơn 15 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tấm gương của một người cộng sản mẫu mực kiên trung, một nhà chính trị, quân sự song toàn. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên gắn bó với những trang sử hào hùng của Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Từ một thanh niên yêu nước, sớm ra đi theo con đường cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, là người học trò ưu tú, trung thành và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đào tạo bài bản, trở thành người chiến sĩ Cộng sản quốc tế, nhà chính trị sắc sảo, thông qua chiến đấu và rèn luyện trong phong trào cách mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên đã trở thành nhà quân sự tài ba, người Chỉ huy trưởng của đội Cứu quốc quân - một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Để tưởng nhớ công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên, người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, kiên trung, ở tỉnh Nghệ An và nhiều địa phương trong cả nước đã có nhiều ngôi trường, tuyến phố trang trọng được mang tên Phùng Chí Kiên. Hiện nay tỉnh Nghệ An đã và đang hoàn thiện Khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên trên vùng đất mà gia đình đồng chí từng sinh sống, để nơi này trở thành địa chỉ đỏ giáo dục tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đồng thời cũng là nơi tôn vinh, lan tỏa truyền thống cao đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của đồng chí Phùng Chí Kiên, là dịp chúng ta ôn lại quá trình hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí, đồng thời nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay phải luôn nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, tự giác kiên trì học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Sỹ Thành, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
THÔNG BÁO
Kế hoạch tổ chức Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh
Kế hoạch Tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động với Đoàn Đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8 và tặng quà cho Công nhân lao động Năm 2024
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô và tài sản cố định khác năm 2024
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp năm 2023
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
TƯ VẤN PHÁP LUẬT
LIÊN KÊT WEBSITE
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP