Tháng công nhân năm 2024 - đoàn kết công nhân, triển khai nghị quyết

Nhân viên y tế ở Nghệ An mòn mỏi chờ phụ cấp chống dịch

09:02 22/06/2022

Những ngày đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nhân viên y tế và cả những lực lượng khác đã phải gồng mình chống dịch suốt ngày đêm. Theo quy định, họ sẽ được hưởng phụ cấp, nhưng suốt 1 năm đã trôi qua, dịch cũng đã cơ bản được khống chế từ lâu, nhưng khoản tiền đó họ vẫn chưa thấy đâu.

 

Gồng mình chống dịch

Chị T. (29 tuổi) lắc đầu tỏ vẻ ngao ngán khi được hỏi đến khoản tiền phụ cấp chống dịch mà chị và các đồng nghiệp đáng ra đã được nhận. Chị T. là cán bộ của một cơ sở y tế ở TP Vinh, nhưng chị xin được giấu tên thật khi kể về vấn đề này vì sợ ảnh hưởng đến công việc.

Hơn 1 năm trước, khi dịch bắt đầu bùng phát ở Nghệ An, chị T. được huy động tăng cường đến khắp các điểm nóng, những ổ dịch phức tạp nhất, với công việc chính là lấy mẫu xét nghiệm, nhưng cũng có lúc vì quá tải, chị phải kiêm thêm nhiều nhiệm vụ khác. Con gái đang nhỏ, nhưng vì nhiệm vụ, 2 mẹ con phải xa cách suốt hơn 2 tháng. Làm việc nhiều, lại phải khoác trên mình bộ đồ bảo hộ nóng bức, có nhiều lúc, chị tưởng chừng như kiệt sức. “Đó là quãng thời gian vất vả nhất, đáng nhớ nhất kể từ khi em vào ngành Y. Dù vất vả, nhưng bọn em vẫn luôn tự hào vì góp chút công sức để chiến thắng đại dịch”, T. nói.

Nhân viên y tế ở Nghệ An mòn mỏi chờ phụ cấp chống dịch ảnh 1

Một nữ nhân viên y tế ở Nghệ An kiệt sức khi tham gia chống dịch. Ảnh: H.C

Tuy nhiên, T. vẫn không khỏi ngậm ngùi khi đến bây giờ, chị và những đồng nghiệp của mình vẫn chưa nhận được khoản phụ cấp chống dịch. “Đó có thể không phải số tiền lớn, nhưng là sự ghi nhận đối với đội ngũ tham gia chống dịch. Mỗi lần nhắc đến chuyện này lại chạnh lòng”, T. nói thêm.

Khoản tiền mà T. nói đến chính là chế độ phụ cấp cho người tham gia chống dịch theo Nghị quyết 16 của Chính phủ đã quy định. Cụ thể, với những người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; những người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc Covid-19, nghi mắc Covid-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SASR-CoV-2 tại cơ sở y tế; người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người mắc Covid-19 sẽ được hưởng phụ cấp mức 300.000 đồng/người/ngày.

Còn những người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; người làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường tại cơ sở y tế để phục vụ cho phòng xét nghiệm SASR-CoV-2 sẽ được hưởng phụ cấp chống dịch mức 200.000 đồng/người/ngày.

Nhân viên y tế ở Nghệ An mòn mỏi chờ phụ cấp chống dịch ảnh 2

Nhân viên y tế ngày đêm gồng mình chống dịch. Ảnh: H.C

Mức 150.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú); Người làm nhiệm vụ cưỡng chế cách ly y tế, truy tìm đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế nhưng không chấp hành biện pháp cách ly y tế; Người phiên dịch, đội cấp cứu 115, kíp vận chuyển người bị cách ly; lái xe đưa cán bộ đi kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch; Người làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại tổ, chốt, đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới; làm thủ tục cho người nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển; Người làm nhiệm vụ khoanh vùng, phong tỏa, tuần tra, kiểm soát và đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực cách ly y tế tập trung, chốt kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn dân cư có người nhiễm Covid-19…

Ngoài ra, còn có các mức phụ cấp thấp hơn dành cho nhiều trường hợp khác góp công trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Như vậy, đối với trường hợp của T., chị sẽ được hưởng 300.000 đồng/ngày trong quãng thời gian tham gia vào công tác chống dịch. T. không nhớ rõ chị đã tham gia bao nhiêu ngày chống dịch, nhưng chị nhẩm tính, khoản tiền chị được hưởng lên tới hàng chục triệu đồng.

Nhiều địa phương chi trả chưa đầy đủ

 

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, một lãnh đạo Sở Y tế xác nhận việc chậm trễ chi trả phụ cấp chống dịch, trong đó trách nhiệm thuộc về các huyện, thành, thị. Sau khi nhận được phản ánh từ các cơ sở y tế, Sở Y tế cũng đã có văn bản gửi UBND TP Vinh đề nghị sớm chi trả phụ cấp chống dịch.

Còn theo một vị lãnh đạo Trung tâm Y tế TP. Vinh, đã hơn 1 năm nay, kể từ dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở TP Vinh, các khoản phụ cấp chống dịch của nhân viên y tế trên địa bàn chưa được chi trả một đồng nào. Khoản tiền này khoảng 8,1 tỷ đồng. Trung tâm Y tế TP Vinh đã 2 lần gửi văn bản lên UBND thành phố nhưng không nhận được phản hồi.

Điều đáng buồn là trong số này có khoảng 93 triệu đồng tiền phụ cấp chống dịch cho đoàn nhân viên y tế của Hà Tĩnh sang tăng cường cho TP Vinh khi dịch lên đỉnh điểm vào tháng 8/2021 đến nay cũng chưa được chi trả. Đây là khoản tiền dành cho 152 nhân viên y tế đã tích cực hỗ trợ TP Vinh trong suốt 3 ngày lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng. Trong khi trước đó, vào tháng 6/2021, Nghệ An cũng cử một đoàn nhân viên y tế sang Hà Tĩnh giúp địa phương này chống dịch. Và chỉ ít ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ, khoản tiền phụ cấp đã được phía Hà Tĩnh chi trả xong.

Nhân viên y tế ở Nghệ An mòn mỏi chờ phụ cấp chống dịch ảnh 3

Nhân viên y tế Nghệ An xách vali lên đường chống dịch. Ảnh: C.H

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Phòng Tài chính TP Vinh thừa nhận, địa phương đã chậm trễ trong việc chi trả phụ cấp chống dịch theo Nghị quyết 16. Đối với khoản phụ cấp cho các nhân viên, địa phương mới chỉ chi trả được 1,4 tỷ đồng vào đầu năm 2021. “Kinh phí phòng chống dịch quá lớn, trong khi đó ngân sách địa phương thì hạn hẹp. Việc chi trả đã vượt quá khả năng của TP Vinh”, vị này nói và cho hay, TP Vinh còn khoảng 10 tỷ đồng phụ cấp chống dịch trong năm 2021 đến nay chưa chi trả xong, trong đó phần lớn là của các nhân viên y tế.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nghệ An, không chỉ riêng TP Vinh, tại nhiều địa phương trong tỉnh, các lực lượng tham gia chống dịch cũng đang mòn mỏi chờ tiền phụ cấp. Tại huyện Kỳ Sơn, ông Sầm Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, chế độ chính sách của cán bộ y tế chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện mới chỉ chi trả được khoảng một nửa. Phần còn lại chưa được chi trả là do ngân sách của địa phương còn hạn hẹp. Tương tự, tại thị xã Cửa Lò cũng chỉ mới chi trả được khoảng một nửa… Còn tại huyện Nam Đàn thậm chí chỉ khoảng 200 triệu đồng phụ cấp chống dịch được chi trả. “Anh em nhân viên y tế rất thất vọng. Đến bây giờ mà mới chỉ trả được 200 triệu đồng cho những người đi tiêm vắc-xin, còn những người làm công việc khác chưa được đồng nào”, một vị lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn bức xúc.

Nhân viên y tế ở Nghệ An mòn mỏi chờ phụ cấp chống dịch ảnh 4

Mệt nhoài sau một ngày lấy mẫu xét nghiệm diện rộng ở TP Vinh. Ảnh: CTV

Cũng theo vị này, không chỉ chậm trễ mà thủ tục để chi trả cũng có nhiều bất cập, khiến nhân viên y tế không hài lòng. Cụ thể, trước đây quy định người đi tiêm vắc-xin Covid-19 sẽ được phụ cấp 7.500 đồng/mũi, nên nhân viên y tế rất phấn khởi. Nhưng sau đó lại quy định lại mỗi ngày không quá 150.000 đồng, đồng thời kèm theo điều kiện phải có chứng chỉ Y khoa mới được chi trả. “Trong khi đó, trước đây để tiêm vắc-xin phải có nhiều lực lượng tham gia, gồm cả công an, dân quân, nhân viên hành chính… Để bố trí được một bàn tiêm, mất cả hàng chục người chứ không chỉ có công của mỗi người tiêm. Bây giờ quy định như thế, chúng tôi nhận tiền về cũng chả biết chia cho anh em như thế nào”, vị này nói và cho biết thêm, việc chi trả còn có bất cập, đặc biệt là trả tiền xăng xe khi phải có hóa đơn mới được chi trả.

“Đây là thực trạng chung. Nhiều nhân viên y tế rất buồn lòng. Theo tôi cấp có thẩm quyền cũng ngồi lại với nhau để sớm có phương án giải quyết”, vị cán bộ y tế nói thêm.

Tiến Hùng - Thành Chung

Từ khóa:

TIN TỨC MỚI NHẤT

Đồng loạt tổ chức chào cờ, hát Quốc ca trong Tháng Công nhân
09:43 03/04/2024

Video quay lại cảnh hơn 1.000 công nhân lao động Công ty TNHH Wooin Vina (đóng tại huyện Diễn Châu) mặc áo cờ đỏ sao vàng đứng chào cờ, hát Quốc ca ngay tại xưởng sản xuất được Liên đoàn Lao động  tỉnh tuyên truyền trên mạng xã hội nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Đó là hình ảnh đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều cảm xúc mãnh liệt.


Tháng Công nhân trở thành điểm nhấn hoạt động công đoàn của năm 2024
13:55 27/03/2024

Với nhiều kế hoạch thực hiện các khâu đột phá, năm 2024 sẽ là một năm có nhiều điểm nhấn quan trọng của tổ chức Công đoàn Nghệ An. Trong đó, Tháng Công nhân hứa hẹn nhiều hoạt động sáng tạo có tính lan toả cao.


Vấn đề thu hút lao động tại Khu kinh tế Đông Nam
15:25 05/03/2024

Năm 2024, Khu Kinh tế Đông Nam, một số dự án tiếp tục mở rộng kinh doanh và nhiều dự án trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có nhiều khởi sắc.


Công ty may mặc lớn nhất Nghệ An dùng cơ chế thưởng để thu hút lao động
14:07 29/02/2024

Tổng Công ty May Minh Anh Nghệ An đang cần tuyển dụng gần 3.000 công nhân lao động trên địa bàn cho 3 nhà máy may trực thuộc.


Cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động tại địa phương
15:56 22/02/2024

Chuyển dịch lao động về địa phương lao động sản xuất đang là xu hướng và mong muốn của người lao động  và doanh nghiệp. Sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán Giáp Giáp Thìn 2024, có hàng chục nghìn lao động người Nghệ An trở về quê có nhu cầu tìm việc làm và học nghề. Thực trạng đó đòi hỏi các cấp ngành, chính quyền các địa phương  và tổ chức công đoàn  phải vào cuộc nhằm tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm và ổn định việc làm.


THƯ VIỆN ẢNH

LIÊN KÊT WEBSITE

SỐ LƯỢNG TRUY CẬP