10:53 05/10/2021
Phối hợp để có chất lượng cao nhất
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức hội nghị dân chủ trong những năm trước, năm học 2020-2021, Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành bộ hồ sơ mẫu về tổ chức Hội nghị dân chủ cho các cơ sở giáo dục. Bộ hồ sơ mẫu này đã nhận được những phản hồi tích cực từ cơ sở, tạo được nhiều thay đổi trong việc đảm bảo chất lượng, quy trình tổ chức hội nghị dân chủ. Tuy nhiên, sự thay đổi này vẫn gặp phải những bất cập mới.
Hội nghị Viên chức - người lao động tại Trường Tiểu học Châu Bình 2 (Quỳ Châu)
Bà Hoàng Thị Thu Hương – Trưởng ban Chính sách Pháp luật – Quan hệ Lao động LĐLĐ tỉnh cho biết: “Quá trình kiểm tra hồ sơ HNDC tại các cơ sở giáo dục, LĐLĐ tỉnh thấy bên cạnh những đơn vị theo đúng hướng dẫn, tại một số huyện vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục tiến hành HNDC nặng về đánh giá nhiệm vụ chuyên môn, chất lượng hội nghị một số nơi chưa cao, nhiều đơn vị còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự thiếu thống nhất trong việc hướng dẫn tổ chức hội nghị giữa LĐLĐ huyện và phòng giáo dục”.
Để khắc phục triệt để vấn đề trên và để phù hợp hơn với tình hình dịch Covid diễn biến phức tạp, năm học này, LĐLĐ tỉnh và Sở GD&ĐT đã có sự phối hợp nhằm thống nhất lại quy trình và nội dung cho hội nghị viên chức, người lao động, đảm bảo tính dân chủ, đoàn kết. Kết quả của sự phối hợp này là Văn bản liên tịch hướng dẫn tổ chức Hội nghị viên chức, người lao động năm học 2021-2022.
Theo đó, trên tinh thần tiếp tục triển khai Bộ hồ sơ mẫu của năm học 2020-2021, hội nghị viên chức, người lao động năm nay có một số điểm mới như: Không lồng ghép việc tổ chức Hội nghị dân chủ với các hội nghị khác; Đảm bảo việc tiến hành hội nghị và lấy các ý kiến góp ý, kiến nghị đề xuất từ các tổ chuyên môn, góp ý vào các dự thảo báo cáo của cơ quan, đơn vị, góp ý vào dự thảo sửa đổi nội quy, quy chế; Nắm được lịch tổ chức hội nghị của cơ sở giáo dục, đảm bảo việc gửi trước hồ sơ, duyệt hồ sơ hội nghị trước khi cho tổ chức hội nghị.
Sự thống nhất này không chỉ tạo thuận lợi cho công tác tổ chức hội nghị dân chủ ở các đơn vị mà còn đảm bảo yếu tố dân chủ, công khai, đoàn kết, đảm bảo quyền và lợi ích của viên chức, người lao động. Sự thay đổi đó được cảm nhận một cách rõ ràng từ những người trong cuộc.
Cô giáo Vũ Thị Quỳnh Yên (Trường THCS Quán Bàu, TP. Vinh) chia sẻ: “23 năm làm giáo viên, từng tham dự rất nhiều hội nghị viên chức, người lao động nhưng không khí, tinh thần của hội nghị năm học này vẫn khiến tôi cảm thấy rất vui. Năm nay, tính đoàn kết và dân chủ được thể hiện rõ ràng, nội dung tham luận cũng như góp ý mở được mở rộng chứ không nặng về chuyên môn, công tác chuẩn bị diễn ra gọn nhẹ, chân tình, an toàn trong bối cảnh dịch bệnh... Những điều này khiến hội nghị dân chủ trở nên đúng nghĩa, các thành viên tham gia đều cảm thấy hiểu nhau hơn, mọi kiến nghị đều được ghi nhận và giải quyết một cách công bằng, minh bạch”.
Tại hội nghị các đồng chí lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ thành phố đã trao Cờ thi đua và phát thẻ đoàn viên
Là huyện đầu tiên trên địa bàn tình hoàn thành triển khai hội nghị viên chức, người lao động năm học 2021-2022, LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn đã có những cái nhìn tổng quan nhất về chất lượng hội năm nay. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn Đánh chia sẻ: “So với những năm trước, báo cáo trong các hội nghị năm nay ngắn gọn hơn, các ý kiến, kiến nghị đa dạng hơn với nhiều đề xuất bao về chế độ lương, thưởng, công tác phí, hỗ trợ chính sách đảm bảo thu nhập, việc làm cho giáo viên, người lao động trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 không thể đến trường, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, mua sắm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ và thiết bị phục vụ công tác chăm sóc giáo dục trẻ...”.
Những hội nghị mùa dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị lựa chọn hình thức tổ chức hội nghị viên chức, người lao động linh hoạt theo tình hình dịch Covid-19 ở trên địa bàn. Theo đó, nếu địa phương không bị ảnh hưởng dịch Covid-19 hoặc thực hiện theo Chỉ thị 19 của Chính phủ thì việc tổ chức Hội nghị diễn ra bình thường; Nếu địa phương thực hiện theo Chỉ thị 15 của Chính phủ thì hội nghị dân chủ phải đảm bảo thực hiện 5K với số lượng tham gia không quá 20 người, gồm người đứng đầu, chủ tịch công đoàn, đại diện các tổ chức, các tổ chuyên môn trong nhà trường; Nếu địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16 và cao hơn Chỉ thị 16 của Chính phủ thì có thể tổ chức Hội nghị trực tuyến.
Bối cảnh dịch bệnh khiến những hội nghị viên chức, người lao động năm học 2021-2022 có những điều đặc biệt, chưa từng có tiền lệ. Tham dự hội nghị viên chức, người lao động tại một số trường học trên địa bàn TP. Vinh, ông Thái lê Cường – Chủ tịch LĐLĐ TP. Vinh chia sẻ: “Bên cạnh những vấn đề của tổ chức công đoàn, là một thành viên trong ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Vinh, tôi luôn nhấn mạnh vai trò của ban lãnh đạo nhà trường và các thầy cô giáo trong công tác phòng, chống dịch trong trường học. Thời điểm hiện tại, dịch bệnh còn nhiều phức tạp, xuất hiện nhiều F0 là học sinh, dự kiến việc học trực tuyến sẽ tiếp tục được duy trì lâu dài... Để vượt lên những khó khăn, thử thách từ ngoại cảnh để đảm bảo chương trình, nâng cao chất lượng dạy và học, các thầy cô phải nỗ lực hơn các năm trước rất nhiều”.
Cũng từ thực tế đó, nhiều kiến nghị, đề xuất được đề cập nhiều trong các hội nghị dân chủ năm học 2021-2022 cũng liên quan đến dịch Covid-19. Điển hình là các nội dung như đảm bảo cơ sở vật chất trong dạy học online, quản lý giáo viên và học sinh nhằm đảm bảo an toàn trong dịch, các chế độ hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng hoặc thất nghiệp vì dịch Covid-19, bố trí người có khả năng về công nghệ thông tin để hỗ trợ cán bộ giáo viên khi tổ chức học trực tuyến…Năm học này, các đơn vị cũng đã phát động, ký cam kết thi đua gắn với phong trào “Công nhân viên chức lao động nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch covid-19”.
Để đảm bảo an toàn, tại huyện Nghi Lộc, các hội nghị dân chủ năm học 2021-2022 được chỉ đạo tổ chức với hình thức trực tuyến. Cụ thể, các trường được khuyến khích tổ chức tại nơi làm việc nhưng chia thành các nhóm nhỏ ở các phòng khác nhau và nết nối, trao đổi qua các thiết bị trực tuyến. “Vì các thầy cô giáo đã quen với hình thức học trực tuyến nên việc tổ chức hội nghị trực tuyến không gặp khó khăn gì về khâu kỹ thuật. Để hội nghị diễn ra thuận lợi, nhanh gọn, chúng tôi yêu cầu tất cả các trường phải có sự chuẩn bị tốt về nội dung và cần được phê duyệt trước. Theo đó, dự thảo báo cáo được gửi trước cho các tổ chuyên môn, tổ công đoàn cho đoàn viên, viên chức, người lao động góp ý ngay tại tổ và phiên trù bị. Các ý kiến góp ý cho dự thảo ngay sau đó được chuyên môn, công đoàn hoàn thiện chuẩn bị cho hội nghị chính thức dựa trên các thảo luận, ý kiến tổng hợp từ tổ” – ông Phan Văn Sâm, Chủ tịch LĐLĐ huyện Nghi Lộc cho biết.
Liên quan đến kỹ năng CNTT của các thầy cô, theo ghi nhận tại nhiều địa phương, hội nghị viên chức, người lao động năm nay đã được đầu tư nhiều hơn về hình thức truyền đạt. Nhiều bản báo cáo được minh họa một cách sáng tạo qua slide ảnh, video clip, được chiếu lên màn hình tivi thay vì in thành văn bản.
Diệp Thanh – Thanh Tùng
THÔNG BÁO
Kế hoạch Tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động với Đoàn Đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8 và tặng quà cho Công nhân lao động Năm 2024
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô và tài sản cố định khác năm 2024
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp năm 2023
Thông báo công khai tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công năm 2023
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
TƯ VẤN PHÁP LUẬT
LIÊN KÊT WEBSITE
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP