Lương chậm, tương lai mịt mờ
Nhiều tháng nay, gia đình cô T.T.H (32 tuổi), phải chạy ăn từng bữa. Cô H. là giáo viên hợp đồng của một trường mầm non trên địa bàn huyện Tân Kỳ, tuy nhiên, suốt 5 tháng nay, cô không được nhận đồng lương nào. “Một giáo viên mà phải chạy ăn từng bữa chắc không nhiều người tin. Nhưng thật sự gia đình tôi đang lâm vào cảnh như thế”, cô H., nức nở.
Chồng thất nghiệp, lại phải nuôi 2 con nhỏ, từ lâu mọi chi phí sinh hoạt trong nhà đều đặt lên đôi vai cô H.. Thu nhập không cao, với khoản lương của giáo viên mầm non chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng, cô phải tằn tiện lắm mới đủ để trang trải cuộc sống. Thế nhưng, kể từ tháng 4 đến nay, cô H., không còn được nhận lương, khiến cuộc sống gia đình bị đảo lộn.
“Gần đây tôi bị bệnh, phải đi phẫu thuật nên được bao nhiều tiền dành dụm cũng đã trả viện phí hết. Vì thế, khi bị chậm lương, không biết xoay xở đâu, chỉ mỗi tiền ăn thôi mà tôi cũng phải đi vay mượn khắp nơi”, cô H., kể với đôi mắt ngấn lệ. Cô từng là học sinh giỏi, đủ điểm để đỗ vào nhiều trường đại học danh giá. Tuy nhiên, chỉ vì tình yêu với con trẻ, cô quyết định chọn ngành sư phạm mầm non. Tuy nhiên, cô H. không ngờ rằng, hơn 10 năm sau khi tốt nghiệp, cô vẫn chưa thể ổn định với công việc mà mình đã lựa chọn.
Không chỉ cô H., trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhiều giáo viên mầm non cũng lâm vào cảnh tương tự. Riêng tại huyện Tân Kỳ, đã có đến 105 giáo viên mầm non không được trả lương từ tháng 4 đến nay. Đó đều là những giáo viên đã được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và được hưởng đầy đủ chế độ chính sách như viên chức theo Nghị định 06/2018/NĐ – CP và Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT – BGDĐT – BTC – BNV. Hay còn gọi ngắn gọn là giáo viên hợp đồng 06 và 09. Tuy nhiên, khi hợp đồng theo quy định này chấm dứt từ đầu năm 2022, những giáo viên này đã không còn được ngân sách Trung ương trả lương. Không những thế, tương lai của họ cũng rất mịt mờ.
Một giáo viên hợp đồng 06 ở huyện Tân Kỳ đang miệt mài làm việc dù nhiều tháng qua không được lĩnh lương. Ảnh: Tiến Hùng |
Còn tại huyện Yên Thành, có tới 238 giáo viên mầm non hợp đồng 06 và 09 đang bị chậm lương nhiều tháng. Đây là địa phương có số giáo viên hợp đồng dạng này lớn nhất của tỉnh. Ông Trần Xuân Tĩnh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành cho biết, tất cả các giáo viên đều lâm vào cảnh 3 đến 4 tháng nay không có lương. Nhiều cô giáo có hoàn cảnh khó khăn, cũng thường xuyên phản ánh lên Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Dù bị chậm lương suốt nhiều tháng, tương lai lại mù mịt nhưng những giáo viên này vẫn rất nhiệt huyết với nghề. Họ vẫn cần mẫn với công việc thường ngày. “Chúng tôi chỉ muốn được ghi nhận, có được sự ổn định để yên tâm công tác hơn”, một giáo viên mầm non hợp đồng 06 ở huyện Yên Thành nói.
"Cần phải làm theo quy trình"
Khoảng 10 năm về trước, Nghệ An lâm vào cảnh thiếu giáo viên trầm trọng. Trong khi đó, ngành Giáo dục Mầm non đang thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Từ thực tế này, Nghệ An đã xin kinh phí từ Trung ương để tuyển giáo viên hợp đồng, nhằm đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp theo quy định và đủ điều kiện được công nhận phổ cập cho trẻ 5 tuổi từ năm 2016.
Vì thế, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Nghệ An có tổng cộng hơn 2.500 hợp đồng lao động giáo viên mầm non đã được ngân sách Trung ương cấp kinh phí ổn định, giáo viên ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và được hưởng đầy đủ chế độ chính sách như viên chức theo Nghị định 06/2018/NĐ – CP và Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT – BGDĐT – BTC – BNV, với kinh phí bình quân 160 tỷ đồng/năm.
Giáo viên hợp đồng 06 và 09 ở huyện Yên Thành trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà |
Trong những năm qua, khi có chỉ tiêu, UBND các huyện đã ưu tiên tuyển dụng trước đối với số giáo viên hợp đồng này vào viên chức. Đến hết năm 2021, tỉnh Nghệ An chỉ còn 1.777 giáo viên hợp đồng lao động 06 và 09. Tuy nhiên, theo quy định, kể từ đầu năm 2022, họ không được tiếp tục hưởng lương từ ngân sách Trung ương.
Trước tình hình đó, ngày 16/12/2021, UBND tỉnh Nghệ An ban hành công văn về việc tham mưu giải quyết chính sách đối với giáo viên hợp đồng 06 và 09. Theo đó, tỉnh Nghệ An chủ trương xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ giáo viên hợp đồng 06 và 09 trong năm 2022. Trong thời gian chờ Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ tham mưu hướng dẫn để UBND các huyện, thành phố, thị xã được sử dụng từ nguồn ngân sách sự nghiệp giáo dục năm 2022 và các nguồn hợp pháp khác hỗ trợ các trường mầm non để chi trả tiền lương và các chế độ theo quy định cho số lao động hợp đồng, nếu nguồn thu sự nghiệp không đảm bảo.
Sở Tài chính sau đó ban hành công văn, hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn ngân sách chi sự nghiệp giáo dục năm 2022 đã được giao để chi trả cho số lao động hợp đồng trong chỉ tiêu còn thiếu. Số giáo viên mầm non hợp đồng lao động còn lại, các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các trường mần non ưu tiên sử dụng từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị để chi trả.
Tuy vậy, chỉ có một số ít địa phương sau đó đã chi trả lương cho giáo viên từ nguồn ngân sách huyện. Còn lại, hầu hết đều giao cho trường mầm non chi trả lương cho giáo viên từ nguồn thu sự nghiệp và nguồn chi thường xuyên được cấp năm 2022. Song do nguồn thu quá nhỏ, nhiều trường chỉ có thể chi trả theo hình thức tạm ứng với số tiền 2 – 3 triệu đồng/tháng, hoặc chỉ chi trả được vài tháng hoặc chưa chi trả.
“Riêng trường tôi có tới 8 giáo viên hợp đồng 06 và 09. Tính ra mỗi tháng tiền lương hơn 40 triệu đồng. Nếu dùng nguồn của trường chắc chắn không thể đủ để trả cho các cô. Nhưng vì một số cô hoàn cảnh quá khó khăn, nhà trường phải kêu gọi sự chia sẻ từ các đồng nghiệp. Vì thế, các giáo viên trong trường sẵn sàng cho đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn vay khi cần”, cô Cao Thị Mai – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Hương (huyện Tân Kỳ) nói.
Các giáo viên hợp đồng 06, 09 ở huyện Tân Kỳ trong buổi phổ biến nội dung ôn tập cho đợt đặc cách tuyển dụng dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9. Ảnh: Tiến Hùng |
Đến trung tuần tháng 7/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 16. Theo đó, toàn bộ giáo viên mầm non hợp đồng 06 và 09 sẽ được hưởng lương từ ngân sách của tỉnh. Cụ thể, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ một lần với mức kinh phí tối đa 100 triệu đồng/người cho đối tượng giáo viên mầm non; Hỗ trợ 100% kinh phí để chi trả các chế độ, chính sách (như viên chức) cho đối tượng giáo viên mầm non kể từ ngày 1/9/2022 đến ngày 31/12/2025...
Ngay sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ra văn bản hướng dẫn thực hiện và đề nghị các huyện khẩn trương rà soát đối tượng được hưởng và xác định nhu cầu kinh phí để cấp bổ sung cho các trường mầm non để kịp thời chi trả theo đúng quy định. Hiện qua tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ tháng 1 – tháng 8, có 1.769 giáo viên thuộc diện 06, 09 sẽ được bổ sung ngân sách để chi trả với số tiền hơn 81 tỷ đồng. Dự kiến từ tháng 9 – 12, số giáo viên được chi trả là 1.420 người với số tiền hơn 36 tỷ đồng.
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc ban hành Nghị quyết số 16 đã tháo gỡ khó khăn cho ngành và các địa phương trong việc giải quyết chế độ cho giáo viên mầm non. Tuy nhiên, việc chi trả phải thực hiện đúng theo các văn bản hướng dẫn, quy định và quy trình.
“Ngành Giáo dục đang đôn đốc các địa phương hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trình Sở Tài chính và trình UBND tỉnh thông qua danh sách để kịp thời chi trả lương cho các giáo viên. Trong thời gian sắp tới, các giáo viên mầm non theo diện 06 và 09 nếu đủ các điều kiện sẽ sớm được các địa phương xem xét để được tuyển dụng vào biên chế”, ông Thành nói.