Thủ tướng Phạm Minh Chính và cán bộ công đoàn tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Những kiến nghị, đề xuất từ cán bộ công đoàn
Tại Hội nghị, đại diện LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh cho biết, qua khảo sát, nhu cầu mua nhà phần lớn thuộc về các công nhân có việc làm ổn định, thu nhập khá, còn những công nhân có thu nhập thấp chỉ có nhu cầu thuê nhà. Mặt khác, 2/3 công nhân có con nhỏ gửi về quê, họ cũng dành khoảng 2/3 thu nhập gửi về quê hỗ trợ người thân và nuôi con nhỏ.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương nêu thực tế, địa phương hiện có 27 khu công nghiệp. Số công nhân trong các khu công nghiệp là hơn 500.000 người. Vừa qua, có gần 250.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm (trong đó có gần 25.000 người bị chấm dứt hợp đồng lao động).
Theo khảo sát của Công đoàn Bình Dương, các doanh nghiệp đang cầm cự đơn hàng, tối đa đến trung tuần tháng 4/2023 sẽ giảm rất sâu. Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua có 55 doanh nghiệp không có thưởng Tết cho người lao động (NLĐ).
Thủ tướng xúc động khi nghe những kiến nghị của cán bộ công đoàn các địa phương liên quan đến đời sống của NLĐ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Loan, trên địa bàn tỉnh đã có 80% doanh nghiệp hoạt động trở lại, 90% lao động trở lại làm việc. Tuy nhiên, mới có 30% doanh nghiệp ngành Chế biến gỗ, Dệt may, Da giày có đơn hàng ổn định hơn. Các doanh nghiệp còn lại trong các lĩnh vực này có khả năng đơn hàng sẽ giảm sâu trong quý II/2023.
Đại diện Công đoàn Bình Dương đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành liên quan xem xét chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp trong thời gian cầm cự nào có nguồn chi phí trả lương cho NLĐ. Bên cạnh đó, có chính sách quan tâm đến lao động nữ làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, đảm bảo thời gian làm việc để họ có thêm thời gian chăm lo gia đình, chăm sóc và giáo dục con cái.
Việc nâng cao mức lương tối thiểu vùng sẽ giúp cho vùng trọng điểm công nghiệp giữ chân được lao động trước những làn sóng dịch chuyển lao động từ sau dịch Covid-19 đến nay. Cần có quy định mức lương tối thiểu vùng để NLĐ đảm bảo duy trì điều kiện sống, yên tâm ở lại làm việc. Bên cạnh đó cần xử lý các trường hợp nợ đọng, chậm, trốn đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi NLĐ.
Đồng chí Nguyễn Duy Minh - Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng đề nghị Chính phủ xem xét, đánh giá việc thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước nhằm giảm nguy cơ đứt gãy các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là xuất khẩu.
Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh báo cáo với Thủ tướng những khó khăn của NLĐ. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ tính toán xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Làm được như vậy sẽ giảm tải áp lực giao thông, phù hợp với đặc tính di chuyển nơi làm việc của NLĐ. Đồng thời có chính sách hỗ trợ người dân là chủ nhà trọ nâng cấp chất lượng nhà trọ dành cho công nhân.
Đại diện LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất Chính phủ đầu tư các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động. Các Bộ, ngành quản lý nhà nước về lĩnh vực này cần tính toán các chương trình cụ thể, thiết thực và áp dụng khoa học công nghệ có tính mới, đòi hỏi đầu tư cao để hấp dẫn hơn.
Đối với vấn đề việc làm của NLĐ, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy cho rằng cần nâng cao chất lượng đào tạo đầu vào và tiếp tục đào tạo nâng cao tay nghề ngay cả khi công nhân đã chính thức được nhận vào làm việc tại nhà máy. Theo Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, lực lượng lao động hiện nay chủ yếu là lao động phổ thông, có mức thu nhập phổ biến từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng, nếu không tăng ca. Mức thu nhập cũng như chất lượng đầu vào thấp sẽ khiến chất lượng nguồn nhân lực ngày càng thấp đi, kết quả sản xuất không cao.
Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm đến chất lượng đầu vào theo thị trường lao động chứ không chỉ dừng lại ở chất lượng của các trường nghề. Nâng cao tay nghề và tính toán mức lương tối thiểu vùng làm sao để NLĐ có lương đủ sống.
Thủ tướng giao nhiệm vụ trực tiếp cho các Phó Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, nguồn lực, thời gian có hạn, yêu cầu thì cao, phải chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, thực chất, mang lại hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được, đáp ứng những nhu cầu thiết thực của công nhân, NLĐ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại Hội nghị. Ảnh: DƯƠNG GIANG |
Năm 2023, Thủ tướng đề nghị tập trung, ưu tiên công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực cho 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.
Thứ nhất là tăng cường tạo công ăn, việc làm cho công nhân, NLĐ thông qua đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn liên quan các thị trường, hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn; đồng thời nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng cho công nhân đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.
Thứ hai là giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân "an cư lạc nghiệp". Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp thực hiện; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo.
Thứ ba là từng bước giải quyết, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe người lao động. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp thực hiện; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo trực tiếp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà Tết cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NHẬT BẮC |
Thủ tướng yêu cầu 3 Phó Thủ tướng phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ, ngành, tổ chức các cuộc làm việc cụ thể về các nội dung này và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2023.
Thủ tướng cũng cho ý kiến, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan về các kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam liên quan đến Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất'.
Đồng thời, các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc chồng chéo, khoảng trống của pháp luật trong thời gian chưa sửa các luật liên quan.
Đoàn viên được cán bộ Ban Quản lý Dự án thiết chế Công đoàn và Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam hướng dẫn về việc kí kết hợp đồng thuê căn hộ. Ảnh: THC |
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu quán triệt chủ đề điều hành "đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả" đã được Chính phủ xác định tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.