08:02 02/09/2024
Những người “cầm cân” công tâm
Sự đầu tư của nhiều dự án lớn và sự tăng trưởng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua là một tín hiệu vui về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những chỉ số đáng mừng về kinh tế là những yếu tố phức tạp được ghi nhận về quan hệ lao động trong những năm gần đây. Theo thống kê, từ năm 2021 đến tháng 4/2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 17 cuộc ngừng việc tập thể, đình công trái pháp luật, riêng 8 tháng đầu năm 2024 đã có 4 cuộc ngừng việc tập thể của công nhân lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có những cuộc ngừng việc tập thể tính chất rất phức tạp, số lượng người tham gia đông, thời gian giải quyết kéo dài. Mặc dù diễn ra khá ôn hoà nhưng thực trạng này kéo theo nhiều hệ lụy không hay cho cả doanh nghiệp, người lao động và địa phương.
Trong số những doanh nghiệp để xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể, Công ty TNHH Viet Glory (xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu) được xem là “điểm nóng” khi có đến 3 lần đình công trong 3 năm liên tiếp. Ở lần đình công gần nhất, ngày 2/10/2023, hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Viet Glory tập trung tại nhà để xe và không làm việc ca chiều. Khi sự việc xảy ra, Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu cùng các cơ quan chức năng của huyện đã có mặt, nắm bắt tâm tư, thu thập 8 nhóm kiến nghị của người lao động và chuyển tới lãnh đạo công ty. Trong đó, hai nội dung chính là tăng lương cơ bản và xem xét lại mức khoán sản phẩm. Còn lại là các nội dung liên quan đến lợi ích người lao động khác như chế độ độc hại, thai sản, phạt tiền chuyên cần, thời gian họp, thái độ của quản lý, cơ chế chấm công…
Đại diện các cơ quan đến làm việc tại cuộc đình công của công nhân Công ty TNHH Viet Glory
“Trong sự việc ngừng việc tập thể, hàng nghìn công nhân sẽ có hàng nghìn ý kiến. Cán bộ công đoàn sẽ là những người trực tiếp đứng ra làm việc với công nhân, có vai trò lắng nghe, tổng hợp các ý kiến đó thành nhóm cụ thể, xem xét sự việc để thương lượng hài hoà lợi ích. Quan trọng hơn hết, với kiến thức pháp luật lao động của mình, cán bộ công đoàn phải biết ý kiến nào là đúng, là hợp lý, ý kiến nào là sai, là vô lý. Đây chính là khi cán bộ công đoàn thể hiện sự khéo léo trong công tác dân vận với cả công nhân và chủ doanh nghiệp” – ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nhấn mạnh.
Trong sự việc ở Công ty TNHH Viet Glory, trước kiến nghị tăng lương của người lao động, lãnh đạo công ty cho biết, tình hình kinh doanh sản xuất khó khăn hiện tại không cho phép công ty điều chỉnh thêm, mong cán bộ công nhân viên thông cảm và chia sẻ. Trước tình hình đó, cán bộ công đoàn các cấp đã phân tích cho đoàn viên, người lao động hiểu rằng, công ty này đã trả cho công nhân mức lương cơ bản 4.130.000 đồng/tháng, cao hơn mức tối thiểu vùng quy định, nên yêu cầu của công nhân là không có cơ sở. Đồng thời, bằng kiến thức pháp luật và lập luận của mình, cán bộ công đoàn đã thuyết phục lãnh đạo công ty tính toán lại cách áp sản lượng, tiền chuyên cần và nâng các chế độ phúc lợi, xem lại thái độ của quản lý… Sau 5 ngày căng thẳng, với sự vào cuộc khéo léo, thấu lý đạt tình của tổ chức công đoàn, hơn 5.000 công nhân lao động Công ty TNHH Viet Glory đã đồng ý quay lại làm việc.
Công ty TNHH Điện tử BSE (Nam Cấm) cũng là một doanh nghiệp nhiều lần xảy ra ngừng việc tập thể. “Lần gần nhất là cuối tháng 4/2024, nguyên nhân ngừng việc là do công ty đã đẩy một số lao động lớn tuổi ra làm công tác vệ sinh, khiến công nhân bất bình. Trước đó, doanh nghiệp này từng áp dụng trừ lương khi công nhân nghỉ do cha, mẹ mất… Trong tình huống này, doanh nghiệp đã không hiểu về những đạo lý, truyền thống, văn hoá cơ bản của người Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi vừa phải vận động, trấn an người lao động, vừa phải giải thích cho doanh nghiệp hiểu rõ vấn đề. Hầu hết doanh nghiệp nào cũng có sự hậu thuẫn của đội ngũ luật sư nên bên cạnh việc nắm chắc luật, còn phải kiên quyết khi cần và phân tích thấu tình, đạt lý” - bà Hoàng Thị Thu Hương, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam nói.
Liên quan đến nội dung này, Công đoàn Nghệ An quan tâm, tập trung chỉ đạo tổ chức 3 hội nghị để tìm giải pháp phòng ngừa, giải quyết đình công trên địa bàn, tham mưu xây dựng đề án “Một số giải pháp phòng ngừa, hạn chế các cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2030. Quá trình xây dựng nội dung, cán bộ công đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức hội thảo làm việc, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương có đông công nhân lao động như Bình Dương, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh...
Phát biểu trong chuyến làm việc của Liên đoàn Lao động tỉnh tại Công ty vừa qua, ông Yao Xiao Qian - Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn VietGlory vui mừng thổ lộ: “Chúng tôi thật sự biết ơn sự đồng hành, hỗ trợ của Công đoàn Nghệ An suốt nhiều năm qua. Nếu không có các bạn, công ty sẽ không thể được như hôm nay”. Với 2 nhà xưởng và hơn 8.300 lao động, công việc kinh doanh sản xuất và mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp này đang ngày càng khởi sắc. Minh chứng lớn nhất cho điều này có lẽ là bầu không khí vui vẻ của công nhân lao động khi được nâng lương, tăng phụ cấp và được đối xử một cách tôn trọng.
Trong dân vận, Bác nhắc, phải “Cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu”. Trong công đoàn, cán bộ công đoàn phải cùng nhau giải thích cho người lao động, người sử dụng lao động hiểu. Khi người lao động và người sử dụng lao động đã thông rồi, thì cán bộ công đoàn phải tiếp tục “đi sát”, đồng hành và hướng dẫn.
“Lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người lao động” được xem là biện pháp tối ưu để phòng ngừa, giải quyết mâu thuẫn quan hệ lao động.
Trong chiều dài phát triển của tổ chức Công đoàn Nghệ An, có lẽ chưa bao giờ các diễn đàn dành cho công nhân lại được tổ chức nhiều như những năm gần đây. Kể từ khi Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức công đoàn trong tình hình mới được ban hành, hàng trăm diễn đàn của đoàn viên, người lao động được tổ chức ở các cấp, hàng ngàn ý kiến người lao động được ghi nhận, phản ánh.
Điểm nhấn trong chuỗi những diễn đàn này có lẽ là sự kiện hội nghị đối thoại đầu tiên giữa Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và công nhân, lao động diễn ra giữa năm 2022. Tham dự sự kiện này, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khẳng định: “Đây có thể xem là hội nghị đối thoại kiểu mẫu với chương trình bài bản, dân chủ, kiến nghị của người lao động đa dạng, phong phú, đều là những vấn đề rất điển hình, được người lao động quan tâm. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh điều hành hội nghị một cách thú vị, tạo một không khí gần gũi, chân thành, tôn trọng, thấu hiểu”. Để tổ chức sự kiện này, các cấp Công đoàn Nghệ An đã lên kế hoạch suốt 2 năm, triển khai nhiều hoạt động khảo sát, tập hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động ở tất cả các huyện, ngành, tất cả các công đoàn cơ sở qua nhiều kênh, bằng nhiều hình thức.
Kể từ thời điểm đó đến nay, cũng với mục đích nắm bắt tâm tư nguyện vọng người lao động, các cấp công đoàn Nghệ An đã xây dựng thêm nhiều mô hình diễn đàn khác. Điển hình là Diễn đàn “Doanh nghiệp vì công nhân - Công nhân vì doanh nghiệp”, chương trình “Cảm ơn người lao động”, đối thoại chính sách với cơ quan chức năng, ... Từ những diễn đàn này, những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người lao động đã “vẽ” nên bức tranh toàn cảnh của đời sống của công nhân lao động với nhu cầu cấp thiết về nhà ở, nhà trẻ con công nhân, những chế độ chưa được đảm bảo, những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách… Bên cạnh đó, nhiều công nhân lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập trong khi giá cả thị trường tăng cao; tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội còn tiếp diễn; vấn đề việc làm, tiền lương, giờ làm ở một số nơi chưa được thực hiện đúng quy định…
Đặc biệt. Liên đoàn Lao động tỉnh đã 2 lần phối hợp tổ chức thành công Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa Đại biểu Quốc hội với công nhân lao động trên địa bàn tỉnh để lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là CNLĐ về việc làm, thu nhập, đời sống cũng như hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật. Hàng trăm ý kiến của người lao động đã được phản ánh trực tiếp tới các đại biểu Quốc hội. Đồng thời đại điện lãnh đạo sở ban ngành đã lắng nghe, giải trình những băn khoăn thắc mắc. tiếp thu những kiến nghị đề xuất đến đoàn viên, người lao động. Những kiến nghị về cơ chế chính sách, về nguyện vọng đề xuất không thuộc thẩm quyền sẽ tổng hợp và phản ánh với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật đảm bảo khả thi, sát thực tế.
“Với tính chất công việc ca, kíp, việc tập trung đông đủ một nhóm đối tượng công nhân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải đáp thắc mắc, đối thoại trực tiếp… là một điều rất khó khăn. Để khắc phục hạn chế này, đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp đã linh hoạt, sáng tạo trong tiếp cận thông tin, đơn cử như đến tận xóm trọ để phát phiếu điều tra, vào trong nhà xưởng để thăm hỏi, dán mã QR để ghi nhận ý kiến trực tuyến… Bên cạnh đối tượng công nhân, lao động, chúng tôi còn có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đối lượng chủ doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở. Từ thông tin này, các cấp công đoàn đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để có những thay đổi, điều chỉnh hợp lý, giúp đời sống công nhân được cải thiện, quyền lợi được đảm bảo, có thể yên tâm lao động sản xuất” – bà Nguyễn Thị Thu Nhi, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh chia sẻ.
Cũng với mục đích lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đem lại quyền lợi cho người lao động, ở cấp cơ sở, ban chấp hành công đoàn đã được tập huấn, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện những cuộc đối thoại với chủ doanh nghiệp một cách thường xuyên, công tác phối hợp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tiếp tục có nhiều chuyển biến. Số lượng và chất lượng hội nghị cán bộ công chức, hội nghị đối thoại tại nơi làm việc được nâng lên. Hàng năm có 100% đơn vị tổ chức Hội nghị Cán bộ công chức; Tỷ lệ hội nghị đối thoại, hội nghị người lao động tại doanh nghiệp đạt từ 50% - 76%.
Từ Đề án “Tăng cường vai trò của các cấp công đoàn Nghệ An trong việc nâng cao chất lượng, số lượng thoả ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp giai đoạn 2022-2028” của Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 468/543 doanh nghiệp có thoả ước lao động tập thể, nội dung các bản thoả ước đã nâng cao hơn quyền lợi của người lao động hơn so với quy định của pháp luật.
Có thể khẳng định, nhu cầu được nói lên tâm tư, nguyện vọng là một trong những nhu cầu thiết yếu của đoàn viên, người lao động. Từ những diễn đàn công nhân, những vướng mắc, bất cập có cơ hội được tháo gỡ, chính sách, quy định có cơ hội được hoàn thiện, những mâu thuẫn trong quan hệ lao động được phòng ngừa và bản thân công nhân, lao động một lần nữa được khẳng định vị thế của mình.
Diệp Thanh - Trần Vân
THÔNG BÁO
Kế hoạch Tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động với Đoàn Đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8 và tặng quà cho Công nhân lao động Năm 2024
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô và tài sản cố định khác năm 2024
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp năm 2023
Thông báo công khai tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công năm 2023
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
TƯ VẤN PHÁP LUẬT
LIÊN KÊT WEBSITE
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP