Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ về những mối lo về dịch bệnh Covid-19 thời điểm hiện nay. Ảnh: Thành Cường
PV: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những nguy cơ dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam?
GS.TS Nguyễn Thanh Long: Trong 24 giờ qua, nhìn bức tranh tổng thể về Covid-19 trên toàn cầu, nhất là các nước trong khu vực, chúng tôi rất lo lắng nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam. Ở Ấn Độ trong 24 giờ qua đã phát hiện thêm 340.000 trường hợp nhiễm mới. Tại Campuchia, trong 24 giờ qua, đã phát hiện trên 600 trường hợp nhiễm Covid-19. Ở Lào, trong 24 giờ qua, đã phát hiện số ca nhiễm cao nhất so với số ca phát hiện/1 ngày tại Việt Nam. Nguy cơ dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào nước ta là rất cao, hết sức đáng quan ngại.
PV: Trước nguy cơ xuất hiện những ca lây nhiễm tại cộng đồng do việc nhập cảnh trái phép, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã thực hiện những giải pháp nào?
GS.TS Nguyễn Thanh Long: Thời gian qua, Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế liên tục có những cảnh báo về việc có thể có đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam. Nguy cơ đợt dịch thứ 4 hiện hữu. Chúng tôi lo lắng nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam cộng thêm là nỗi lo một bộ phận người dân chúng ta đã là mất cảnh giác đối với việc lây nhiễm Covid-19. Đơn cử nhiều người đã không đeo khẩu trang, không có thói quen thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Ứng phó với nguy cơ dịch, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có những chỉ đạo về công tác phòng chống dịch; liên tục có những cảnh báo đối với người dân. Đồng thời, Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, các ngành chức năng, các địa phương đã triển khai rất quyết liệt tất cả những biện pháp ngăn chặn việc lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam; đồng thời triển khai các kịch bản trong tình huống dịch lan rộng, dịch xuất hiện tại các địa phương, nhất là ở khu vực Tây Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An kiểm tra tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
PV: Thưa Bộ trưởng! Sự tham gia của các lãnh đạo tỉnh, thành phố và các bộ ngành có ý nghĩa hỗ trợ thiết thực ra sao trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19?
GS.TS Nguyễn Thanh Long: Ngay từ đầu, Việt Nam đã xác định phòng chống dịch Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ” và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Phương châm này hết sức quan trọng, đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn, kiểm soát, khống chế dịch và triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại các địa phương.
Qua các đợt dịch thứ nhất, thứ 2, thứ 3, đã thấy rõ vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Sự hành động nhanh, quyết liệt đã giúp cho việc kiểm soát tình hình dịch tại địa phương, hạn chế lây nhiễm tại cộng đồng. Thời gian tới, chúng ta tiếp tục quán triệt thực hiện tốt sự chỉ đạo của Ban Bí thư trong việc tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong phòng chống dịch Covid-19.
PV: Hiện nay, Bộ Y tế đang khảo sát và triển khai thành lập bệnh viện dã chiến tại thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Mục tiêu của việc thành lập bệnh viện dã chiến này là gì?
GS.TS Nguyễn Thanh Long: Chúng tôi đánh giá khu vực Tây Nam là khu vực trọng điểm phòng chống dịch hiện nay bởi vì dịch bệnh Covid-19 ở Campuchia có khả năng xâm nhập Việt Nam. Việc kiểm soát biên giới đường bộ chúng ta đang làm rất tốt nhưng việc kiểm soát biên giới trên biển lại đang là một thách thức đối với các tỉnh ở khu vực này. Vì vậy, Bộ Y tế đặt ra vấn đề phải thành lập bệnh viện dã chiến ở khu vực Tây Nam để chủ động, tích cực ứng phó những kịch bản xấu có thể xảy ra. Hiện tại đường sá giao thông ở khu vực này có nhiều khó khăn. Ngay tại Hà Tiên hiện đang điều trị một số ca nhiễm Covid-19. Vì vậy, quyết định thành lập bệnh viện dã chiến tại khu vực này để có thể kiểm soát, điều trị cho bệnh nhân trong tình hình dịch lây lan mạnh tại khu vực này là hoàn toàn cần thiết.
Kiểm tra công tác thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho cán bộ y tế tại bệnh viện. Ảnh: Thành Cường
PV: Hiện Bộ Y tế đã chuẩn bị những kịch bản nào nếu dịch xảy ra tại khu vực biên giới Tây Nam?
GS.TS Nguyễn Thanh Long: Bộ Y tế đang rất lo lắng với nguy cơ dịch bệnh ở khu vực biên giới Tây Nam. Vì vậy, Bộ đã thành lập 5 đoàn công tác với sự tham gia của Bộ trưởng, Thứ trưởng đi rà soát lại tất cả các kịch bản phòng chống Covid-19 của từng địa phương trong khu vực. Một điều lo lắng là nguy cơ các biến chủng kép của Ấn Độ, biến chủng của Anh tại Campuchia có thể xâm nhập vào nước ta mà chúng ta không thể biết được. Nếu xảy ra, thì việc việc lây nhiễm tại cộng đồng là rất lớn. Vì vậy, chúng tôi rất quyết liệt chỉ đạo khu vực này làm sao có thể khống chế, kiểm soát khi xảy ra tình hình dịch không để luống cuống, bối rối hoặc chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.
Về phía Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị kịch bản là khu vực này xuất hiện những ca lây nhiễm tại cộng đồng, có những ca lây nhiễm trong cộng đồng mà chúng ta chưa biết, xuất hiện lây nhiễm mạnh trong cộng đồng. Các kịch bản này đều được rà soát kỹ, đánh giá lại để rồi Bộ Y tế cũng đã đưa ra nhắc nhở, khuyến cáo với các địa phương trong khu vực. Vừa rồi Ban chỉ đạo quốc gia cũng đã tổ chức họp với tất cả các tỉnh ở khu vực Tây Nam có biên giới với Campuchia để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
PV: Những yếu tố mới nào trong diễn biến dịch trên thế giới khiến chúng ta lo ngại?
GS.TS Nguyễn Thanh Long: Có nhiều yếu tố dẫn đến việc Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch trên thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Đầu tiên đó là yếu tố chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không quan tâm triển khai các biện pháp phòng chống dịch của nhiều nước trên thế giới. Thứ hai đó là sự thay đổi, biến chủng của virus hiện nay. Ví dụ Ấn Độ đã có biến chủng kép vừa tăng khả năng lây nhiễm, vừa tăng nặng các ca nhiễm, tất cả các lứa tuổi đều có thể mắc từ người trẻ tuổi đến người già. Thứ ba, mặc dù các nước đã triển khai vaccine nhưng mà giải pháp vaccine hiện nay không phải là giải pháp quyết định mà phải cần triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch.
Nhìn vào tình hình lây nhiễm Covid-19 trên thế giới thì thấy rằng tất cả các đợt dịch xảy ra sau đều lớn hơn, mạnh hơn, tàn khốc đợt trước. Với Việt Nam, Bộ Y tế cũng xác định sẽ có tình hình tương tự, cần phải hết sức cảnh giác, hết sức tập trung, tích cực, chủ động triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch. Vậy nên, chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế đã đưa ra, thường xuyên yêu cầu thực hiện tốt khuyến cáo “5K+ vaccine” để kiểm soát tốt tình hình dịch.
Thăm hỏi các cán bộ y tế của bệnh viện vừa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Thành Cường
PV: Dù chưa phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng nhưng có thể thấy nguy cơ dịch xâm nhập là rất lớn, ông có khuyến cáo gì với người dân trong thời điểm hiện nay?
GS.TS Nguyễn Thanh Long: Thời gian qua, bài học thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 đó là sự chủ động, tích cưc tham gia của người dân. Tuy nhiên, mới chỉ qua gần 30 ngày thôi, Việt Nam không có ca nhiễm cộng đồng mà hiện nay đã thấy nhiều người đã người ra đường không đeo khẩu trang, không triển khai các biện pháp theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác đã xuất hiện.
Chúng tôi khuyến cáo mọi người dân cần thực hiện triệt để khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là thực hiện đeo khẩu trang và sát khuẩn tay – yếu tố quyết định để làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi xảy ra lây nhiễm tại cộng đồng. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, chúng tôi khuyến cáo những người nằm trong diện được tiêm chủng thì cần thực hiện tốt việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Mỗi người, từng cơ quan, đơn vị không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh; phải triển khai tốt tất cả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
PV: Bộ trưởng có chỉ đạo nào đối với tỉnh Nghệ An trong công tác phòng chống dịch Covid-19 ở địa phương?
GS.TS Nguyễn Thanh Long: Đối với Nghệ An, Bộ Y tế đánh giá cao sự nỗ lực phòng chống dịch của tất cả mọi người dân; sự chỉ đạo, triển khai các giải pháp phòng chống dịch của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đánh giá Nghệ An là địa phương có nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào. Bởi vì Nghệ An có đường biên giới rất dài với nước bạn Lào. Thời điểm này, Lào đang xảy ra tình trạng lây nhiễm Covid-19 tại cộng đồng. Việc vượt biên, nhập cảnh trái phép tại khu vực biên giới Nghệ An vẫn đang là vấn đề quan ngại.
Thời gian vừa rồi, Nghệ An đã liên tục rà soát lại tất cả các tình huống, kịch bản phòng chống dịch song Bộ Y tế vẫn khuyến cáo là tỉnh cần phải luôn luôn cảnh giác với nguy cơ dịch xâm nhập vào địa phương. Nguy cơ xảy ra dịch tại Nghệ An là rất lớn đặc biệt là trong dịp lễ, tết. Bộ Y tế khuyến cáo người dân Nghệ An, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt thông điệp 5K; phải chuẩn bị tốt các tình huống, kịch bản đối với vấn đề lây nhiễm Covid-19. Tất cả các cơ sở y tế phải xác định rằng có thể phát hiện ca lây nhiễm trong khu vực mình để tầm soát, rà soát lại và có kịch bản cho tình huống dịch lây nhiễm trong cộng đồng và ngay trong đơn vị của mình.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!