Hội thảo “Giải pháp phòng chống tín dụng đen trong công nhân lao động” được CEP tổ chức sáng 23.2, tại TPHCM với sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam.
Cung cấp dịch vụ tín dụng, tiết kiệm cho gần 341.000 người lao động
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Vân - Tổng Giám đốc CEP, tín dụng đen là vấn nạn bởi những hệ quả tiêu cực của nó đối với đời sống của người dân, trong đó có công nhân lao động (CNLĐ). Dịch bệnh COVID-19 đã gây thiệt hại lớn đến đời sống kinh tế của CN và người lao động (NLĐ), nhất là khi bị mất việc, giảm thu nhập, khiến nhu cầu vay tiền tăng, vì vậy tín dụng đen tăng cường hoạt động.
Bên cạnh đó, công nghệ phát triển đã tạo điều kiện để tín dụng đen tiếp cận người vay nhanh hơn thông qua các app cho vay trực tuyến.
Hiện có trên 72 app cho vay trực tuyến, trong đó nhiều app cho vay mời chào rất hấp dẫn như phục vụ 24/7, giải ngân 15 phút, lãi suất thấp, chỉ cần chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, lãi suất thực người vay phải trả rất cao, thậm chí tới 800%/năm được ẩn dưới các loại phí như: Phí bản quyền, phí dịch vụ, phí xử lý, phí phạt thanh toán không đúng hạn.
Bà Vân cũng cho biết, đến cuối tháng 12.2022, CEP đang cung cấp dịch vụ tín dụng, tiết kiệm đến gần 341.000 khách hàng CN, NLĐ với tổng dư nợ cho vay là 5.608 tỉ đồng thông qua mạng lưới 36 chi nhánh CEP tại TPHCM và 9 tỉnh lân cận. Các khoản vay với lãi suất thấp và lịch hoàn trả phù hợp từ CEP đã giúp công nhân và gia đình tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, tránh vay tín dụng đen. Đồng thời, khoản tiết kiệm tại CEP là khoản dự phòng hiệu quả của CN cho các trường hợp khẩn cấp, trang trải cho những rủi ro phát sinh mà không phải vay tín dụng đen.
Tăng cường đào tạo cán bộ, ứng dụng công nghệ và quản trị rủi ro
Nhiều ý kiến của các cán bộ công đoàn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia hội thảo đều đánh giá cao vài trò của CEP trong việc hỗ trợ CN, NLĐ tiếp cận được nguồn vốn lãi suất rẻ.
Đồng thời, kiến nghị có cơ chế, chính sách để tăng nguồn vốn cho CEP cũng như sửa đổi một số quy định của pháp luật để CEP có cơ sở pháp lý, nguồn lực mở rộng hỗ trợ CN, NLĐ vay vốn vì nhu cầu vay vốn của CN, NLĐ hiện nay rất lớn, trong khi nguồn vốn của CEP còn hạn chế.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đánh giá cao hoạt động của CEP trong những năm qua đã góp phần phòng chống tín dụng đen trong CN một cách hiệu quả, thiết thực. Qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức CĐ trong việc chăm lo cho đoàn viên, CNVCLĐ.
Chủ tịch Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, tín dụng đen tồn tại là do CN, NLĐ còn gặp nhiều khó khăn, không có tích lũy, trong khi việc tiếp cận với các kênh tín dụng chính thức còn gặp nhiều khó khăn. Tín dụng đen đã gây ra nhiều hệ lụy với đời sống của CN, NLĐ, thậm chí hoạt động của doanh nghiệp.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, phục vụ đoàn viên, CNVCLĐ có nhu cầu vay vốn trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang lưu ý CEP cần tăng tỉ lệ cho vay đối với CN, tiếp tục tập trung kinh doanh, phục vụ đúng tôn chỉ, mục đích theo đúng chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ TPHCM. CEP cần có chiến lược phát triển bài bản, đào tạo đội ngũ cán bộ phải chuyên nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ, quản trị rủi ro, nhất là quản trị thanh khoản, tính toán phù hợp về nguồn vốn, dòng tiền, cơ cấu cho vay dài hạn, ngắn hạn… để luôn đảm bảo an toàn.
Chủ tịch Nguyễn Đình Khang cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm công khai tên các tổ chức tài chính được cấp phép hoạt động để CN, NLĐ khi có nhu cầu vay vốn dễ dàng chọn lọc, tránh bị rơi vào bẫy tín dụng đen...