13:54 21/10/2021
Sáng 21/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống Covid-19 và tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên thảo luận tại Tổ đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An. Cùng dự có đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An.
Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Thành Duy
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2021, nước ta ước thực hiện dự kiến đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, năm 2021, dự kiến có 4/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Năm 2022, Chính phủ dự kiến đặt ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%.
Thảo luận về các nội dung này, GS. TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nhận định: Đến thời điểm này, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát và chuyển sang trạng thái bình thường mới với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Do đó, theo đại biểu cần tăng cường công tác truyền thông để Nhân dân hiểu, chia sẻ và đồng thuận với chủ trương của đất nước, đồng hành với Chính phủ.
Đại biểu Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Duy
Bên cạnh đó, liên quan công tác đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ khi ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động, tuy nhiên trong thực tiễn vẫn còn khó khăn do quy trình, thủ tục. Do đó, theo đại biểu, cùng với xác định đúng đối tượng, triển khai đúng quy định về tài chính thì thủ tục phải gọn để gói hỗ trợ sớm được giải ngân, tạo điều kiện cho người được thụ hưởng.
Mặt khác, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị cần có các giải pháp kịp thời để huy động lại nguồn lực lao động hoặc đào tạo nhanh lao động để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất.
Liên quan đến vấn đề lao động, việc làm, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cho rằng, do tác động của dịch Covid-19 dẫn đến làn sóng lao động hồi hương, thừa thiếu lao động cục bộ giữa các địa phương. Nơi lao động rời đi thì thiếu, nơi lao động trở về lại thừa. Do đó, cần giải pháp về việc làm và an sinh xã hội cho người lao động; đồng thời cần khảo sát, điều tra xã hội học số lao động trở về để nắm được khả năng tay nghề và tổ chức kết nối việc làm.
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Duy
Cũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt cần sử dụng thống nhất một ứng dụng để cập nhật truy vết, tích hợp số liệu, kết nối thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương; quan tâm đầu tư cho trạm y tế cấp xã và mô hình “bác sĩ tại gia” để nâng cao khả năng phòng bệnh từ tuyến cơ sở; quan tâm phân bổ vắc xin cho các địa phương có vị trí là đầu mối các tuyến giao thông, có đa dạng các loại hình giao thông.
Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An cũng góp ý nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề cử tri phản ánh là mâu thuẫn giữa giá thu mua nông sản vẫn thấp nhưng giá bán vẫn cao. Do đó cần có giải pháp về tầm vĩ mô để giải quyết mâu thuẫn này.
Cùng với đó cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135 và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi đã có chủ trương hợp nhất một Ban Chỉ đạo cả 3 chương trình này; đồng thời cần đẩy nhanh phân bổ kinh phí thực hiện các chương trình trên;…
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Duy
Ngoài ra, các đại biểu cũng quan tâm đề nghị các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị, bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, thì cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Còn đại biểu chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An Trần Nhật Minh đề nghị cần có giải pháp, chính sách để khởi động lại thị trường trong nước.
Liên quan đến giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An đồng tình, bên cạnh vào cuộc của hệ thống chính trị, còn cần thể hiện ở yếu tố có tính chuyên gia thật cao, thông qua những phân tích các dữ liệu thực tế để có kịch bản sát trong từng tình huống, cấp độ khác nhau. Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An cần có chính sách quan tâm đến nữ giới vì đây là đối tượng chịu nhiều tác động, ảnh hưởng do dịch bệnh.
Đại biểu Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Duy
Đại biểu Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để tiếp tục thực hiện hoặc có chính sách mới cho người dân vùng đặc biệt khó khăn trước đây, nay thuộc xã khu vực 1 để thực hiện các chính sách như: Mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ lĩnh vực giáo dục đào tạo...
Cùng với đó, đề nghị Ủy ban Dân tộc tham mưu Chính phủ cho các xã an toàn khu, xã biên giới thuộc khu vực 1 vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được vào diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã phân tích những khó khăn, kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid -19 thời gian qua.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Thành Duy
Trong đó, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm hết sức khó khăn, bất lợi, đặc biệt là trong quý III/2021. Tuy nhiên, Chính phủ đã nỗ lực trong công tác phòng, chống và đến nay cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, đưa ra chiến lược mới là “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Chính phủ cũng đã có những quyết sách nhanh, hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần khắc phục, giải quyết khó khăn. Mặt khác, Chính phủ đã quyết liệt cải cách thể chế; thể hiện tư tưởng phân cấp, phân quyền mạnh hơn.
Tuy nhiên, tình hình trong năm nay vẫn còn khó khăn, dự kiến có 4/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra; giải ngân vốn đầu tư cũng rất thấp bộc lộ khâu tổ chức thực hiện yếu; hoạt động doanh nghiêp khó khăn.
Vì vậy, trong thời gian tới, cũng như trong năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị có giải pháp khôi phục phát triển kinh tế; đồng thời phân tích, làm rõ và có giải pháp khôi phục các vấn đề về xã hội; tiếp tục phải hoàn thiện thể chế; tiếp tục giữ vững, không để xảy ra các vấn đề về an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Theo Thành Duy - Baonghean.vn
THÔNG BÁO
Kế hoạch Tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động với Đoàn Đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8 và tặng quà cho Công nhân lao động Năm 2024
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô và tài sản cố định khác năm 2024
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp năm 2023
Thông báo công khai tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công năm 2023
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
TƯ VẤN PHÁP LUẬT
LIÊN KÊT WEBSITE
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP