22:57 20/11/2023
Thầm lặng toả hương giữa núi rừng
Giáo dục Nghệ An những năm qua đạt được nhiều kết quả, thành tích tốt và là một trong những tỉnh có chất lượng giáo dục và đào tạo hàng đầu. Trong đó, chất lượng giáo dục phổ thông đạt kết quả khá toàn diện. Kết quả, học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế liên tục ở tốp dẫn đầu của cả nước. Chất lượng giáo dục miền núi được nâng lên, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần. Đóng góp vào thành tích ấy có sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ nhà giáo trong toàn tỉnh, nhất là đội ngũ nữ giáo viên lực lượng chiếm 74% tổng số giáo viên. Các cô giáo đã dành nhiều tâm huyết của mình bám trường, bám lớp, bám bản vì học sinh thân yêu.
Trong 80 cô giáo, có 19 cô hiện giảng dạy tại các xã biên giới đặc biệt khó khăn, có những cô đã cắm bản từ 20 đến trên 30 năm. Các cô đã rời bỏ những con đường bằng phẳng để đến với vùng đất khó khăn - nơi mà cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhà bếp chỉ được quây bằng những tấm phên tre tạm bợ, trẻ không có nước sạch để dùng. Có những nơi cách xa trung 30-40 km, xe máy không đi nổi, thôn bản không có điện, điện thoại không có sóng và còn nhiều phụ huynh không mặn mà với việc cho con em tới lớp.
Đường đi đến trường của cô giáo Hà Thị Dậu - Trường PTDTBT tiểu học Tri Lễ 2
Các cô đã phải trèo đèo, lội suối cõng con chữ lên non; đến từng nhà vận động học sinh đến lớp, tận tụy nấu cho học sinh từng bữa cơm ngon, chia sẻ tiền nhà hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vận động các mạnh thường quân, các tổ chức hỗ trợ cho học sinh quần áo, sách vở. Với tất cả sự tận tụy, tâm huyết các cô đã không chỉ trao truyền con chữ mà còn dạy các em về nhân cách sống. Đó là cô Lê Thị Thanh (Giáo viên Trường Tiểu học Châu Khê) đã "cắm bản" 34 năm ở điểm trường thuộc xã biên giới khó khăn. Đó là cô Nguyễn Thị Tình (Giáo viên Trường PTDTBT TH&THCS Nậm Càn) 17 năm dạy ở vùng biên giới xa xôi, chồng công tác tại huyện Thanh Chương, vợ chồng, con cái chịu cảnh cách trở đôi nơi. Những khó khăn của nơi công tác có khi cũng khiến các cô nao núng muốn bỏ nghề nhưng bằng tình yêu nghề, các cô đã vượt qua, tiếp tục yêu trò, bám lớp. Chia sẻ về 19 năm “cắm bản” của mình, cô Trần Thị Tuyết (Giáo viên Trường THCS Môn Sơn) bộc bạch: "Có khi cũng đã muốn bỏ nghề vì điều kiện công tác quá khó khăn; điểm trường THCS Môn Sơn cách trung tâm huyện 20 km- nơi địa bàn toàn người dân tộc Thái và Đan Lai, nhưng chính tình yêu nghề, mến trẻ, thương đồng bào giúp tôi tiếp tục bám trụ và vượt qua những khó khăn”.
Đường đến trường của cô giáo Vi Thị Hằng - Trường Mầm non Lượng Minh
Các cô như cây thông trên sườn núi, như cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời. Những lời giảng, bài thơ, câu hát của các cô ngày ngày vẫn reo vui giữa núi rừng miền Tây, đầy lạc quan tin tưởng vì sự nghiệp trồng người.
Những đóa hoa trên đá
Những cô giáo ở miền xuôi, thuận lợi hơn nhưng số phận cũng nhiều thiệt thòi. Trong 80 cô được biểu dương, có 16 cô phải gồng gánh một mình nuôi con vì chồng mất, chồng hi sinh; có 25 cô có chồng con và bản thân không may mắc bệnh hiểm nghèo. Đó là hoàn cảnh của cô Phan Thị Quỳnh (Giáo viên trường Mầm Non Châu Tiến), chồng hi sinh khi con còn nhỏ, một mình chị vừa làm người mẹ tần tảo, vừa làm người cha nghiêm khắc với các con. Đó là hoàn cảnh cô Phạm Thị Hằng (Giáo viên trường Mầm Non Nghi Công Nam), sinh 2 con đều bị bại não, 13 năm chăm sóc, chạy chữa, mệnh yểu các con vẫn bỏ gia đình chị ra đi. Đó là hành trình gian nan của mẹ con chị Nguyễn Thị Hương (Giáo viên Trường THCS Nghĩa Phúc) có con trai đầu bị bệnh suy thận giai đoạn 4 vừa bị Viên gan C mãn tính, 2 mẹ con đang phải làm các quy trình xét nghiệm chuẩn bị hiến thận cho con. Đó là hoàn cảnh đầy thương cảm của cô Đinh Thị Chung (Giáo viên trường Tiểu học Xuân Lâm) bị ung thư giai đoạn 3, hiện đang xạ trị tại Bệnh viện K Hà Nội.
Nhưng những bất hạnh, khó khăn riêng trong từng cảnh ngộ, không làm các cô gục ngã hay rời xa bục giảng. Bằng ý chí quyết tâm, tình yêu với nghề, các cô đã nỗ lực vươn lên chăm lo cho gia đình, hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhiều cô tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi đạt thành tích cao, là giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Trong 80 cô, có 48 cô đã được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, 15 cô được tặng bằng khen của LĐLĐ tỉnh, có 8 cô được tặng bằng khen Bộ Giáo dục đào tạo, có 7 cô được tặng Bằng khen Tổng LĐLĐ Việt Nam và có 3 cô được tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ.
Đáng nể phục nhất là cô Nguyễn Thi Kim Nhung (Giáo viên trường THPT Đô Lương 2), chồng mất khi cô 31 tuổi, con đầu 5 tuổi và cháu thứ 2 mới 13 tháng, bản thân bị ung thư máu, một mình nuôi 2 con, chưa có nhà, đang ở Ký túc xá của Nhà trường. Nhưng vượt qua sự thiệt thòi của số phận cô đã nuôi 2 con trưởng thành, dành nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, được tặng Bằng khen của khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bằng khen Thủ tướng Chính phủ. Khi được hỏi động lực nào giúp cô vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh, cô Nhung chia sẻ: "Nhìn thấy sự thay đổi hàng ngày của các học sinh đang dạy và nhất là thành quả của các lớp học sinh mình từng dạy đã ra trường giúp mình có động lực vượt qua được những thiệt thòi của số phận để nỗ lực, cống hiến nhiều hơn cho nghề ".
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung - giáo viên Trường THPT Đô Lương 2 đã vượt lên hoàn cảnh đạt nhiều thành tích cao
Như lẽ thường tình, phụ nữ thường tủi thân, mềm lòng trước những khó khăn, mất mát, những thiệt thòi của số phận, với các cô đó chỉ là những cảm xúc nhất thời. Dường như sự vất vả của số phận, sự thiếu may mắn của cuộc đời như càng thêm sự thấu cảm, sự sẻ chia, bởi vậy mà tình yêu nghề, yêu trò của các cô lại càng thêm đong đầy. Các cô như những bông hoa mọc lên từ cát sỏi khô cằn, đầy bản lĩnh và nhiều yêu thương.
80 nữ giáo viên với 80 hoàn cảnh khác nhau, đơn vị công tác khác nhau, mỗi người một số phận, nhưng tựu trung ở các cô là vẻ đẹp của lòng nhân ái, tình yêu nghề, yêu trẻ, tinh thần trách nhiệm và cả sự can đảm, bản lĩnh trước những được mất cuộc đời.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GĐ&ĐT trao bằng khen cho các giáo viên tiêu biểu vượt khó
Những gập ghềnh các cô đã đi qua và có cả những thử thách đang chờ đợi nhưng các cô vẫn vững bước, vượt lên hoàn cảnh, tiếp tục lặng thầm làm “người chở đò” đưa khách qua sông, đưa các thế hệ học sinh đến với bến bờ tri thức.
Phúc Lợi
THÔNG BÁO
Kế hoạch Tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động với Đoàn Đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8 và tặng quà cho Công nhân lao động Năm 2024
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô và tài sản cố định khác năm 2024
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp năm 2023
Thông báo công khai tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công năm 2023
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
TƯ VẤN PHÁP LUẬT
LIÊN KÊT WEBSITE
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP