Khó khăn kéo dài sau Tết , nhiều doanh nghiệp phải chật vật chèo lái công ty vượt qua “cơn bão thiếu đơn hàng” để vừa đảm bảo công việc kinh doanh, sản xuất, vừa giữ chân người lao động.
Giữ chân người lao động
Sáng 30/1, trong ngày làm việc đầu tiên năm mới tại Công ty TNHH VietGlory (Diễn Châu), hơn 6.100 công nhân háo hức nhận những phong bao lì xì trước giờ vào ca. Theo đó, lãnh đạo và công đoàn công ty đã chuẩn bị 6.400 phong bao lì xì để mừng tuổi, động viên tinh thần công nhân trong ngày đầu năm ra quân, hơn 300 lao động không có mặt đều có lý do chính đáng. Điều này đối lập hoàn toàn với tình trạng ngừng việc tập thể sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, 2022 đã từng xảy ra tại công ty này.
Ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh lì xì cho công nhân Công ty TNHH Great Longview Việt Nam trong ngày làm việc đầu năm. Ảnh: Diệp Thanh |
Làm việc với Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban giám đốc Công ty TNHH VietGlory cho biết: "Cũng như các doanh nghiệp khác, tình hình kinh doanh, sản xuất của công ty chúng tôi giảm hơn so với các năm.
Tuy nhiên, công ty đã và đang nỗ lực tìm mọi cách để không sa thải bất cứ nhân viên nào. Trước mắt, công ty đang nhận đơn hàng từ các chi nhánh khác về cho công nhân sản xuất, cho công nhân nghỉ phép nhiều hơn, thay vì chỉ nghỉ Chủ nhật như trước đây thì bây giờ nghỉ thêm thứ Bảy. Năm 2023 dự kiến sẽ còn khó khăn nhưng lãnh đạo công ty sẽ cố gắng để duy trì công việc cho công nhân như trong năm nay".
Ông Vũ Duy Từ - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu chia sẻ: “Công ty TNHH VietGlory đã có những thay đổi đáng ghi nhận trong quan hệ lao động, dù kinh doanh sản xuất đang khó khăn nhưng đời sống, thu nhập, quyền lợi người lao động đều được đảm bảo.
Theo nắm bắt địa bàn huyện Diễn Châu, các doanh nghiệp FDI quy mô lớn ít bị ảnh hưởng về số lượng đơn hàng hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam quy mô vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn, một số buộc phải cắt giảm hàng trăm nhân sự và kéo dài thời gian nghỉ Tết. Liên đoàn Lao động huyện sẽ có mặt tại các đơn vị này trong ngày đầu ra quân để nắm bắt tình hình”.
Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may dù đối mặt với khó khăn nhưng vẫn nỗ lực tìm giải pháp để đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Ảnh chụp tại Công ty CP May Minh Anh – Kim Liên (Khu Công nghiệp Bắc Vinh). Ảnh: Thanh Quỳnh |
Tại Nghĩa Đàn, dù không thoát khỏi “cơn bão” thiếu đơn hàng nhưng Công ty cổ phần Phụ gia nhựa Mega đứng chân trên địa bàn xã Nghĩa Long đã có nhiều nỗ lực để tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty đã thành lập được 11 năm và có 230 lao động. Năm vừa qua, đây là một trong những doanh nghiệp được đánh giá là đảm bảo tốt việc làm và các chế độ phúc lợi cho người lao động trên địa bàn huyện.
Ông Trần Văn Tiến – Giám đốc công ty chia sẻ, nằm trong khó khăn chung của ngành nhựa khi thị trường có nhiều biến động tiêu cực, đã có những thời điểm công ty gặp khó trong tìm kiếm đơn hàng. Cao điểm của thực trạng này diễn ra từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 9 năm 2022. Để giữ chân người lao động, trong 3 tháng đó doanh nghiệp buộc phải nỗ lực duy trì hai nguồn chi trả. Nguồn thứ nhất là đảm bảo mức lương cơ bản để đóng bảo hiểm cho công nhân. Nguồn thứ 2 là đảm bảo kế hoạch sản xuất cho công nhân để họ có thể làm việc từ ½ đến 2/3 thời gian trong tháng. Số ngày làm việc này được chấm công và thanh toán một cách đầy đủ, đúng hạn.
Công ty cổ phần Phụ gia nhựa Mega (xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn) trao quà Trung thu năm 2022 cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: CSCC |
“Dù rằng đã nỗ lực đảm bảo lợi ích cho người lao động nhưng công bằng mà nói, thu nhập của công nhân vẫn giảm đi so với thời điểm chưa gặp khủng hoảng. Vì vậy, trong khoảng thời gian đó, Ban Lãnh đạo và Công đoàn công ty thường xuyên tổ chức các buổi trò chuyện, trao đổi để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Đồng thời chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải để họ hiểu và chia sẻ, đồng hành cùng công ty vượt qua thử thách đang đặt ra.
Và rồi, vào giai đoạn cuối năm, khi thị trường ngành nhựa bắt đầu ổn định trở lại thì công ty ngay lập tức sẵn sàng nhập cuộc. Phúc lợi Tết nhờ vậy được đảm bảo ổn định thông qua lương tháng 13 và các suất quà cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Tết sum vầy năm Quý Mão.
Bước sang năm 2023, doanh nghiệp đã đón nhận một số tín hiệu đáng mừng khi bắt đầu có những đơn hàng lớn. Cùng với đó, sau khi đầu tư thêm 2 dây chuyền sản xuất vào năm ngoái thì năm nay công ty sẽ bắt đầu mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thậm chí, thời gian tới công ty có thể sẽ tăng giờ làm và tuyển thêm lao động để đáp ứng những vị trí bổ sung cho hai dây chuyền mới.
Vượt qua giai đoạn khó khăn, hiện tại Công ty cổ phần Phụ gia nhựa Mega (xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn) đã bắt đầu đón nhận những đơn hàng có tiềm năng trong những tháng đầu năm. Ảnh: CSCC |
Tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã có nhu cầu tuyển dụng mới lao động, nhất là các doanh nghiệp điện tử. Nhiều dự án đầu tư lớn tại Nghệ An đã bắt đầu đi vào hoạt động dự báo sẽ thu hút hàng ngàn lao động trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, người lao động cần nắm bắt thông tin để có một lựa chọn phù hợp cho công việc của mình trong thời gian tới
Không để công nhân mất việc
Với mục tiêu không để công nhân mất việc, nhiều doanh nghiệp chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho công nhân. Thậm chí, chấp nhận những đơn hàng bị ép giá để người lao động được tiếp tục làm việc.
Đó là thực tế đang diễn ra tại doanh nghiệp May mặc Đức Phát (xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Đàn). Anh Đàm Quang Tiến – Chủ tịch Công đoàn công ty chia sẻ, “Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhiều chuỗi cung ứng bị tác động nên giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Điều này khiến cho chi phí sản xuất tăng theo. Vậy nhưng khách hàng không chấp nhận tăng giá sản phẩm. Thực trạng này kéo dài khiến cho doanh nghiệp không có lời khi duy trì sản xuất. Thậm chí, khi đối mặt với tình trạng bị ép giá thì công ty cũng buộc lòng thực hiện để tạo thêm việc làm nhiều nhất có thể cho công nhân. Đã có lúc, công ty đành tạm ứng tiền của bạn hàng trước khi tất toán hợp đồng mới có nguồn thu trả lương cho người lao động.
Bước sang năm 2023, tình hình vẫn chưa có gì khởi sắc. Doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và buộc phải cắt giảm thêm 10 lao động. Những giải pháp đã thực hiện cũng rất khó để duy trì lâu dài nhưng hiện tại thật khó để tìm được hướng đi nào khả thi hơn…”.
Liên đoàn Lao động tỉnh và Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam nắm bắt tình hình lao động sản xuất tại một số doanh nghiệp đông công nhân lao động. Ảnh: Diệp Thanh |
Tương tự, tại Công ty TNHH Great Longview Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP), lãnh đạo công ty cũng đang gồng mình để duy trì công việc cho công nhân. Ông Phạm Đình Hoá - Quản lý sản xuất công ty cho biết: “Tình hình ảnh hưởng lớn, đơn hàng ít. So với các năm khác đơn hàng ít hơn hẳn, số lượng lao động đi làm trở lại 100%, trừ một số trường hợp nghỉ phép thôi. Nhiều đơn vị buộc phải giãn đơn hàng để tất cả có công việc đều và chấp nhận thiệt hại về lợi nhuận để đời sống công nhân được đảm bảo. Tuy nhiên, để duy trì lâu dài thì cần một biện pháp hiệu quả hơn”.
Tại một số công ty thuộc ngành dệt may trên địa bàn tỉnh, không khí đìu hiu, ảm đạm bao trùm khi hoạt động sản xuất buộc phải tạm ngừng do thiếu đơn hàng. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Nhìn ra bình diện toàn tỉnh, báo cáo về tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn của Liên đoàn Lao động Nghệ An đã dự báo tình hình quý I/2023 các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do tình hình thế giới có nhiều biến động. Trong đó nhiều đơn vị dự báo từ giờ đến cuối năm và quý 1/2023 vẫn không có đơn hàng mới.
Để tháo gỡ khó khăn, ổn định tình hình cần kịp thời triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động và chú trọng đến năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động trong những khoảng thời gian có biến động. Các hình thức giao dịch việc làm không chỉ là tiến hành trực tiếp mà có thể tiến hành gián tiếp trên nền tảng công nghệ số để người lao động có thể dễ dàng tìm kiếm được việc làm phù hợp.
Đồng chí Kha Văn Tám - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trao quà cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Khu Công nghiệp Bắc Vinh. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Đối với những lao động đã bị chấm dứt hợp đồng, cần xây dựng, thực hiện các phương án sử dụng lao động và hỗ trợ đào tạo nghề để nâng cao tay nghề hoặc hướng tới chuyển đổi việc làm. Tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tình hình để thanh lọc, đẩy người lao động từ trên 35 tuổi ra khỏi doanh nghiệp để tuyển dụng lao động trẻ hơn, chi phí thấp hơn. Từ đó đảm bảo tối đa lợi ích chính đáng cho người lao động trên địa bàn tỉnh./.