Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các phòng, ban của Tổng LĐLĐ Việt Nam, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa và LĐLĐ một số huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng của cả hệ thống Công đoàn. Do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiến hành lấy ý kiến đóng góp tại một số tỉnh, thành, Công đoàn ngành (trong đó có Công đoàn Thanh Hóa) về một số nội dung Dự thảo lần 2 báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XII) trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Phó Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến tập trung vào các vấn đề cụ thể như: Đề mục, kết cấu, thứ tự, nội dung cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp được đề cập trong mỗi mục; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cách làm mới để nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Hùng - Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết, một số nội dung xin ý kiến các cấp Công đoàn vào dự thảo như: Tiêu đề báo cáo đã đầy đủ chưa, nếu chưa cần bổ sung thành tố nào; đánh giá bối cảnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, dự thảo đã nêu sát và phù hợp với tình hình thực tiễn chưa.
Những nhận định, đánh giá về kết quả đã đạt được, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm đã đầy đủ, đúng và sát với thực tiễn chưa; Về mục tiêu trong dự thảo đã đảm bảo tính tổng quát, khả thi chưa; Có cần điều chỉnh thành tố nào trong các mục tiêu; Các đột phá được nêu trong dự thảo báo cáo đã phản ánh đúng những trọng tâm, trọng điểm chưa...
Đóng góp ý kiến về nội dụng dự thảo, bà Trịnh Thị Hoa - Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa - cho biết, dự thảo lần 2 báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam rất chặt chẽ, đầy đủ các nội dung. Đặc biệt tiêu đề của báo cáo thể hiện đầy đủ, ngắn gọn và dễ nhớ.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cũng nêu thêm những ý kiến, cần bổ sung một số từ ngữ trong dự thảo, thể hiện tính quyết liệt và mạnh mẽ hơn.
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu khác đã sôi nổi đóng góp ý kiến vào các nội dung trọng tâm như: Hệ thống tổ chức Công đoàn hợp lực thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; các nội dung nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, đặc biệt là các nội dung về nâng cao phúc lợi của đoàn viên công đoàn; vai trò, tầm quan trọng và nội dung công tác đoàn viên, các giải pháp đẩy mạnh công tác tập hợp đoàn viên, đặc biệt là phát triển đoàn viên trong công nhân trực tiếp sản xuất khu vực ngoài Nhà nước.
Cùng với đó, các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến về vai trò của công đoàn cơ sở, nhiệm vụ trong các loại hình Công đoàn cơ sở; các giải pháp thu hút công nhân lao động tại doanh nghiệp vào hệ thống Công đoàn Việt Nam.
Kết thúc hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu Công đoàn Thanh Hóa vào dự thảo.
Thông qua các ý kiến thể hiện, các cán bộ Công đoàn đã tìm hiểu khá sâu, hiểu và góp ý kiến thẳng thắn đối với một số nội dung trong dự thảo. Qua đó, đoàn công tác sẽ tiếp thu những ý kiến này để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện dự thảo lần 2 báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XII) trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.