Trao đổi tại Chương trình đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân diễn ra sáng 12.6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, 2 năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong việc chỉ đạo ban hành các chính sách liên quan đến người lao động, các đối tượng yếu thế.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ ban ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành rất nhiều chính sách liên quan, hỗ trợ người lao động. Đặc biệt, trong đó có nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ, ban hành với tốc độ nhanh nhất, sớm nhất và có hiệu quả.
Đặc biệt, Nghị quyết 68 hỗ trợ người lao động trong phòng chống dịch; Nghị quyết 116 về hỗ trợ người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Cho đến nay, tổng kết 2 nghị quyết này đã có 55 triệu lượt người được thụ hưởng với 81.000 tỉ đồng. Đây là con số chưa từng có trong lịch sử.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, các chính sách đã được bao phủ tương đối rộng rãi. Đối với công nhân lao động, con em công nhân lao động bị ảnh hưởng COVID-19 là nội dung rất được quan tâm trong xây dựng chính sách.
Về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân, ông Dung cho biết, đây là chính sách được triển khai nhanh nhất, sớm nhất. Hiện nay, có 2 tỉnh Điện Biên, Lai Châu không có đối tượng, còn 61 tỉnh thành đã tập hợp xong, dự kiến có khoảng 3,4 triệu lượt người sẽ được hỗ trợ.
Đối tượng được hỗ trợ gồm 2 nhóm: Hỗ trợ người lao động kiên trì bám trụ sản xuất và hỗ trợ người lao động quay trở lại sản xuất.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện các địa phương bắt đầu hỗ trợ. Tuy nhiên, tiền hỗ trợ chậm đến tay công nhân vì 2 lý do.
"Nhiều địa phương quá trình tiếp thu chính sách rất nhanh, rất gọn. Cũng còn nhiều địa phương thêm thủ tục, niêm yết công khai. Chính sách cho phép nhận theo tháng hoặc nhận 1 lần cho 3 tháng. Một bộ phận công nhân muốn để tròn 3 tháng, tức là hết tháng 6 mới tiến hành" - ông Dung nói.
Ngoài nguyên nhân trên, ông Dung cho rằng, tổng số tiền dự kiến của gói hỗ trợ là 6.600 tỉ đồng, trích từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương. Hiện nay, một số địa phương đề nghị Trung ương cho ứng tiền hỗ trợ.
Sau khi xin ý kiến Thủ tướng, chiều 11.6, ông Dung và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thống nhất, xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội cho phép ứng 70% kinh phí này, để tất cả địa phương triển khai đảm bảo đúng ngày 15.8 là kết thúc chính sách này với kết quả tốt nhất.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến ngày 3.6, đã có 19 tỉnh, thành phố nhận được hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà của doanh nghiệp.
Tổng số hồ sơ tiếp nhận đề nghị từ 2.007 doanh nghiệp với 46.461 lao động, hỗ trợ 33,2 tỉ đồng. Hồ sơ đã thẩm định phê duyệt là 319 doanh nghiệp với 21.361 lao động, số tiền đã quyết định phê duyệt là 25,4 tỉ đồng. Hồ sơ đã giải ngân là 100 doanh nghiệp với 6.297 lao động, số tiền 3,1 tỉ đồng.