chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử công đoàn tỉnh nghệ an

Nghệ An: Hàng loạt nhà máy may hoạt động cầm chừng, cắt giảm lao động

10:12 12/04/2023

Nhiều doanh nghiệp dệt may trên địa bàn Nghệ An hiện nay gặp khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, phải hoạt động cầm chừng, cắt giảm lao động.  

 
Nghệ An: Hàng loạt nhà máy may hoạt động cầm chừng, cắt giảm lao động ảnh 1

Các nhà máy may ở huyện Diễn Châu hiện nay đang trong tình trạng thiếu đơn hàng. Ảnh: Mai Giang

"Đói" đơn hàng

Đại diện Nhà máy may Nam Thuận ở xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu cho biết: Nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2019 với số vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng; lúc cao điểm có 1.200 công nhân, chủ yếu gia công quần áo cho các nước châu Âu. Từ cuối năm 2022 đến nay do khó khăn chung của ngành dệt may, đơn vị phải cắt giảm lao động xuống còn 300 công nhân, mỗi công nhân chỉ làm việc từ 15-16 ngày/ tháng.

Hàng tháng, doanh nghiệp này đang phải bù lỗ 1,5 tỷ đồng để trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân. Hiện nay, doanh nghiệp phải tìm hướng tìm kiếm thị trường mới, có thể các đơn hàng có giá trị thấp hơn nhằm giữ nhịp độ sản xuất và chờ cơ hội có các đơn hàng trong thời gian tới.

Còn ở Nhà máy may xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, hoạt động từ năm 2017, lúc cao điểm có gần 1.000 công nhân, gồm các cơ sở nhỏ lẻ hoạt động ở huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và tỉnh Hà Tĩnh. Đơn vị chủ yếu gia công quần áo cho thị trường Nga, tuy nhiên từ khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine đến nay thì đơn hàng không có, đơn vị phải hoạt động cầm chừng. Cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu đều gặp khó khăn; đến nay hết quý 1/2023 vẫn chưa có dấu hiệu tích cực nào. 

Từ đầu năm 2023 đến nay, Nhà máy may ở xã Nghĩa Long đã phải cắt giảm xuống còn trên 600 công nhân. Chưa kể, đơn vị còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khác như giá xăng, dầu liên tục biến động, chi phí dịch vụ logistics cao, lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp đội lên 5 - 10%.

Nghệ An: Hàng loạt nhà máy may hoạt động cầm chừng, cắt giảm lao động ảnh 2

Nhà máy may An Hưng ở xã Công Thành, huyện Yên Thành cắt giảm 800 lao động. Ảnh: Văn Trường

Tại Nhà máy may An Hưng ở xã Công Thành, huyện Yên Thành được xây dựng với quy mô khá lớn, đầu tư trên 600 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2021, chủ yếu xuất bán đơn hàng cho các nước Mỹ và Canada, Úc...

Thời cao điểm có trên 2.000 lao động, hầu hết công nhân phải làm tăng ca; tuy nhiên từ cuối năm 2022, thị trường các nước châu Âu đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng may mặc nên họ không đặt hàng. Trước thực trạng đó, Nhà máy may An Hưng phải cắt giảm 800 lao động.

 

Doanh nghiệp dệt may ứng biến trước khó khăn

Đại diện Nhà máy may An Hưng (Yên Thành) cho biết: "Để ứng phó với tình trạng khó khăn, ngoài việc phải cắt giảm lao động, đơn vị đang phải nhận làm một số đơn hàng có lợi nhuận thấp; đồng thời tiếp tục tìm kiếm thêm các thị trường mới. Giờ doanh nghiệp may mặc chúng tôi cũng phải nỗ lực hết sức để cầm cự chờ sang quý 2 với hy vọng kinh tế thế giới có triển vọng tươi sáng hơn".

Một số cơ sở may mặc ở huyện Diễn Châu chia sẻ thêm: Điều quan tâm nhất của doanh nghiệp là cơ quan có thẩm quyền, ngành ngân hàng, tài chính nên tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về vốn vay hay giảm, giãn thuế để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp.

Địa bàn huyện Diễn Châu hiện có 12 nhà máy và các cơ sở may mặc, giày da, tạo việc làm cho trên 15.000 lao động, trong điều kiện khó khăn chung của ngành may, hầu hết các nhà máy may của Diễn Châu cũng phải cắt giảm lao động. Đại diện UBND huyện Diễn Châu cho biết thêm: Huyện sẽ tiến hành rà soát các nhà máy may, giày da trên địa bàn để nắm tình hình khó khăn để từ đó có giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp may.

Để ứng biến khó khăn, huyện Diễn Châu động viên ngành dệt may tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn hạn để bảo đảm duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Tiếp tục nghiên cứu khả năng chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường và luôn sẵn sàng lực lượng sản xuất tốt nhất để đón cơ hội khi thị trường có dấu hiệu hồi phục.

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cũng cho biết: Dệt may là một trong lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn của Nghệ An. Toàn tỉnh có hơn 50 nhà máy đang hoạt động, sản phẩm dệt may của tỉnh có mặt ở khoảng 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đa số các nhà máy hiện nay chủ yếu sản xuất theo mô hình gia công cho khách hàng nước ngoài. Trong năm 2022, có những thời điểm các nhà máy may trên địa bàn Nghệ An phải tăng ca. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay các đơn hàng cho ngành dệt may bị giảm sút. Hiện chỉ có số ít doanh nghiệp bảo đảm đơn hàng, còn lại đa số đang thiếu hụt đơn hàng từ 25-30%, do thiếu hụt đơn hàng nên nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng. Thực trạng trên đã và đang ảnh hưởng lớn đến thu nhập, cuộc sống của hàng trăm nghìn công nhân lao động.

Tình hình khó khăn trong xuất khẩu dệt may được dự báo còn tiếp diễn. Sở Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp lĩnh vực này phải theo dõi sát tình hình thị trường, tìm các giải pháp chủ động ứng phó linh hoạt. Trong đó, ưu tiên tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường mới, tích cực đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực quản trị để tiết kiệm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm.

Cùng với đó, việc tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn để bảo đảm duy trì sản xuất và tìm cách giữ chân người lao động, tránh thiếu hụt người làm khi đơn hàng phục hồi trở lại là vô cùng cần thiết.

Văn Trường - Nguồn Baonghean.vn

Từ khóa:

TIN TỨC MỚI NHẤT

HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 19
14:21 22/04/2024

Đây là kỳ họp chuyên đề được tổ chức với phương châm chủ động, linh hoạt, đồng hành trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương HĐND tỉnh Nghệ An.


Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 120 Ngày sinh đồng chí Trần Phú
16:30 05/04/2024

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) vừa ban hành hướng dẫn các cấp công đoàn tuyên truyền dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1.5.1904 - 1.5.2024).


Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động
14:32 20/03/2024

Ngày 19/3/2024, thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW (Chỉ thị số 31) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.


Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Các ngành, địa phương phải chủ động nắm bắt, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp
10:10 13/03/2024

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung mong muốn các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp, doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi, phản ánh những vướng mắc, khó khăn; yêu cầu các ngành, địa phương chủ động giải quyết ngay các kiến nghị, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.


Công an Nghệ An long trọng kỷ niệm 76 năm thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân
14:10 11/03/2024

Sáng 11/3, được sự đồng ý của Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an, tỉnh Nghệ An, Công an Nghệ An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 76 năm Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy (11/3/1948-11/3/2024) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.


THƯ VIỆN ẢNH

LIÊN KÊT WEBSITE

SỐ LƯỢNG TRUY CẬP