Bà Vũ Thu Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) hỏi: Tôi là nữ, sinh ngày 8.8.1973; tham gia đóng bảo hiểm ngày 1.6.1991. Tôi có trên 15 năm làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Xin hỏi cơ quan Bảo hiểm xã hội, khi tôi nghỉ hưu trước tuổi, có được hưởng nguyên lương hay không?
Về việc này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời:
Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi, bổ sung tại Điểm b Khoản 1 Điều 219 Bộ Luật lao động năm 2019, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội trở lên trong đó, có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người nghỉ hưu đủ tuổi.
Khoản 3 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về mức lương hưu hằng tháng đối với lao động nữ hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động như sau: Từ ngày 1.1.2018 trở đi, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng Bảo hiểm xã hội.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Đối chiếu các quy định nêu trên, trường hợp của bà nếu nghỉ việc bà đã có đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có trên 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì bà được hưởng lương hưu hằng tháng.
Tuy nhiên, do thông tin bà cung cấp chưa nêu về tổng thời gian thực tế đã đóng Bảo hiểm xã hội và thời Điểm dự kiến nghỉ hưu của bà nên Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa có căn cứ để trả lời bà cụ thể.