Tháng công nhân năm 2024 - đoàn kết công nhân, triển khai nghị quyết

Những quy định mới về chế độ BHXH bắt buộc có hiệu lực từ ngày 01/9/2021

16:28 19/08/2021

Ngày 7/7//2021, Bộ lao động và thương binh xã hội đã ban hành Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH bắt buộc. Quy định mới về chế độ BHXH chính thức áp dụng từ 01/9/2021. Theo đó có một số thay đổi một số nội dung nổi bật về chế độ BHXH bắt buộc tại Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH (Thông tư 06), cụ thể như sau:

 

 

1. Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc:

Tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 06 bổ sung thêm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như sau:

“Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Luật BHXH thì tham gia BHXH bắt buộc theo đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Luật BHXH”.

Như vậy, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà đồng thời là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc theo nhóm đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng.

2. Thay đổi mức hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ không trọn tháng

Tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi nội dung về mức hưởng chế độ ốm đau như sau:

“b) Tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau được tính từ ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của tháng đó đến ngày trước liền kề của tháng sau liền kề. Trường hợp có ngày lẻ không trọn tháng thì mức hưởng chế độ ốm đau của những ngày lẻ không trọn tháng được tính theo công thức dưới đây nhưng tối đa bằng mức trợ cấp ốm đau một tháng…”

So với quy định hiện hành, Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH bổ sung quy định mức hưởng chế độ ốm đau của những ngày lẻ không trọn tháng tối đa bằng mức trợ cấp ốm đau một tháng.

3. Thay đổi về tiền lương tính hưởng chế độ ốm đau

Tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH  sửa đổi nội dung về tiền lương tính hưởng chế độ ốm đau như sau:

“Người lao động thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo người lao động vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.”

Trước ngày 01/9/2021: Mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của chính tháng người lao động nghỉ ốm đau.

4. Thêm trường hợp hưởng trợ cấp một lần khi sinh con đối với lao động nam

Tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư 06 bổ sung trường hợp hưởng trợ cấp một lần khi sinh con đối với lao động nam như sau:

“c) Trường hợp người mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH  thì người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 Luật BHXH”.

Như vậy, trường hợp cả hai vợ chồng cùng tham gia BHXH mà người vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì người chồng đóng BHXH đủ 06 tháng trong 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con bằng 02 tháng lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

5. Thay đổi mức hưởng chế độ thai sản khi sinh đôi

Tại Khoản 6 Điều 1 Thông tư 06 sửa đổi mức hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nữ mang thai đôi như sau:

“Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu thì thời gian hưởng, trợ cấp thai sản khi sinh con và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu”.

Theo đó, chế độ thai sản được tính theo số lượng con mà lao động nữ đã sinh ra, không kể còn sống hay đã chết.

Quy định hiện hành: Lao động mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có thai bị chết hoặc chết lưu thì chế độ thai sản chỉ giải quyết đối với con còn sống nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ vẫn được tính theo số con được sinh ra. 

6. Bổ sung trường hợp nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương trùng với thời gian nghỉ thai sản và thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nam khi vợ sinh con

- Tại Khoản 7 Điều 1 Thông tư 06 bổ sung trường hợp nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương trùng với thời gian nghỉ thai sản như sau:

“Khi tính thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34 và Điều 37 Luật BHXH, đối với trường hợp NLĐ đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động thì thời gian trùng với thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương không được tính hưởng chế độ;  thời gian nghỉ việc ngoài thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương được tính hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34 và Điều 37 Luật BHXH”.

Đây là quy định hoàn toàn mới mà trước đó Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH chưa hề đề cập.

- Ngoài ra, Khoản 7 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH cũng bổ sung quy định về thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nam khi vợ sinh con. Theo đó trường hợp nghỉ nhiều lần thì thời gian bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng vẫn phải trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con và tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá thời gian quy định. 

7. Bổ sung quy định về nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

- Khoản 8 Điều 1 Thông tư 06 bổ sung quy định về thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản như sau:

“ Khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật BHXH là khoảng thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn được hưởng chế độ thai sản mà sức khỏe của NLĐ chưa phục hồi”.

Việc bổ sung nội dung này nhằm hướng quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật BHXH:

“Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày”.

Trước đó, chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. 

- Ngoài ra, Khoản 8 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH cũng bổ sung quy định: Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định tại Điều 40 Luật BHXH thì không giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con.

8. Thay đổi cách tính lương hưu của người nghỉ hưu trước tuổi

- Tại Khoản 15 Điều 1 Thông tư 06 thay đổi về cách tính lương hưu của người nghỉ hưu trước tuổi như sau:

“…a) Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi có thời gian lẻ dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, thời gian lẻ từ 6 tháng trở lên thì tính mức giảm là 1%”.

Trước đây, trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi của năm đó".

- Tại Khoản 15 Điều 1 Thông tư 06 cũng bổ sung quy định về mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu như sau:

“…b) Mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP”.

Trước đó, chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. 

Ngoài ra, Khoản 16 Điều 1 Thông tư 06 cũng bổ sung 2 quy định mới như sau:

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mà có từ đủ 20 năm trở lên đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không theo đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn khi nghỉ hưu có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng lương hưu thì được áp dụng quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở.

- Việc xác định số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% được căn cứ vào thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động.

9. Bổ sung quy định về tiền lương tháng đóng BHXH để tính hưởng lương hưu

Khoản 19 Điều 1 Thông tư 06 bổ sung quy định về tiền lương tháng đóng BHXH để tính hưởng lương hưu như sau:

“Khi tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần mà có thời gian đóng BHXH trước ngày 01/10/2004 theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH của thời gian này được chuyển đổi theo chế độ tiền lương tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.

Riêng đối với NLĐ có thời gian làm việc trong các doanh nghiệp đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà hưởng BHXH từ ngày 01/01/2016 trở đi thì tiền lương tháng đóng BHXH trước ngày 01/10/2004 nêu trên được chuyển đổi theo tiền lương quy định tại Nghị định 205/2004/NĐ-CP”.

10. Bổ sung quy định về trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng

Khoản 23 Điều 1 Thông tư 06 bổ sung quy định về trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng như sau:

“Thời điểm xem xét tuổi đối với thân nhân của NLĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật BHXH là kết thúc ngày cuối cùng của tháng NLĐ chết.

Khi giải quyết chế độ tử tuất nếu hồ sơ của thân nhân NLĐ không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày 01/01 của năm sinh để tính tuổi làm cơ sở giải quyết chế độ tử tuất.

Việc xác định mức thu nhập của thân nhân NLĐ để làm căn cứ giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 3 Điều 67 Luật BHXH được xác định tại tháng NLĐ chết.

Thân nhân đã được giải quyết hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo đúng quy định mà sau đó có thu nhập cao hơn mức lương cơ sở thì vẫn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng”.

 

BBT

Từ khóa:

BHXH

TIN TỨC MỚI NHẤT

Bãi bỏ lương cơ sở, lương công chức, viên chức được tính thế nào?
16:02 22/04/2024

Thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024, bảng lương mới công chức, viên chức sẽ bãi bỏ lương cơ sở. Vậy bảng lương của công chức, viên chức được tính thế nào?


Một số quy định mới về hưởng trợ cấp thất nghiệp từ năm 2024
08:58 18/01/2024

Từ ngày 15/2/2024, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo tháng dương lịch; sửa đổi quy định bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp; người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hàng tháng về việc tìm kiếm việc làm.


Trước khi nghỉ hưu người lao động có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp
15:58 05/01/2024

Người lao động có thể nghỉ việc, lấy trợ cấp thất nghiệp trước khi đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng để hưởng trọn quyền lợi từ Bảo hiểm xã hội (BHXH).


Chính sách BHXH, BHYT năm 2024: Những thay đổi quan trọng cần biết
14:06 05/01/2024

Việc tuổi nghỉ hưu năm 2024 của người lao động tăng lên so với quy định về tuổi nghỉ hưu năm 2023 kéo theo điều kiện hưởng lương hưu năm 2024 của người lao động cũng thay đổi.


Điểm mới của 3 luật và 3 chính sách có hiệu lực từ ngày 1/1/2024
08:22 02/01/2024

Từ ngày1/1/2024, 3 luật sẽ có hiệu lực thi hành gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, Luật Đấu thầu 2023, Luật Thi đua, khen thưởng 2022, cùng với nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực.


THƯ VIỆN ẢNH

LIÊN KÊT WEBSITE

SỐ LƯỢNG TRUY CẬP