Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Công đoàn nghệ an

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu: “Đàm phán tiền lương, rất sôi nổi và không kém phần kịch tính”

13:46 14/04/2022

Sau 2 phiên thương lượng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã “chốt” mức lương tối thiểu vùng năm 2022 và 2023 là 6%, tăng từ 1.7.2022 để tư vấn, đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định về tăng lương tối thiểu. Để hiểu thêm về quá trình thương lượng, Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Trưởng nhóm thương lượng của Công đoàn Việt Nam - tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

 
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu: “Đàm phán tiền lương, rất sôi nổi và không kém phần kịch tính”

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại phiên họp vừa qua của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Ảnh: Phúc Hưng

Thưa ông, ông có thực sự hài lòng về mức tăng lương tối thiểu năm 2022 được Hội đồng Tiền lương Quốc gia “chốt” là 6%?

- Nói thực sự hài lòng thì chưa, nhưng tôi nghĩ đó là mức tăng lương chấp nhận được, dù Tổng LĐLĐVN đề nghị mức tăng cao hơn. Hiện nay, phần lớn người lao động đang gặp khó khăn, một bộ phận khó khăn gay gắt, nên có tăng đến hơn 10% thì cũng khó bù đắp, giải quyết được căn cơ những khó khăn mà người lao động đang đối mặt.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp cũng đang khó khăn, còn nhiều yếu tố tác động không thuận lợi, với tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, chúng tôi chấp nhận mức tăng lương này.

Diễn biến chính của 2 phiên họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia diễn ra như thế nào trong bối cảnh người lao động và doanh nghiệp đều cùng gặp khó? Chắc vẫn rất căng thẳng như tiền lệ, thưa ông?

- Trong bối cảnh cả người lao động và doanh nghiệp đều khó khăn, việc thương lượng thực sự nhiều áp lực, vấn đề vốn đã khó nay lại khó khăn hơn. Ở phiên thứ nhất, hầu hết các thành viên đại diện cho giới sử dụng lao động đều chưa đồng tình tăng lương trong năm 2022, trong khi phía Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng từ 7,5 - 8,7 %. Các bên đưa ra quan điểm, lập luận, tranh luận rất sôi nổi. 

Phiên thứ hai tiếp tục tinh thần đó, phía Tổng LĐLĐVN hạ mức đề xuất còn 7,25 - 8,16% trên tinh thần chia sẻ với doanh nghiệp. Bắt đầu buổi thương lượng thứ hai, phía đại diện người sử dụng lao động vẫn bày tỏ quan điểm chưa tăng lương trong năm nay.

Hai bên tiếp tục trao đổi, thương lượng sôi nổi, không kém phần kịch tính. Với tinh thần thấu hiểu, chia sẻ, cuối cùng các bên cơ bản cũng tìm được tiếng nói chung với sự điều hành rất khoa học, dân chủ của Chủ tịch Hội đồng và những ý kiến phát biểu, tham vấn rất thuyết phục của các thành viên độc lập.

Về phía tổ chức Công đoàn, trước đó chúng tôi đã khảo sát 200 doanh nghiệp, dựng lên bức tranh tổng thể về việc làm, đời sống, mức sống tối thiểu và nhu cầu tăng lương tối thiểu của người lao động và doanh nghiệp.

Từ kết quả khảo sát, các thành viên của Công đoàn Việt Nam đã chuẩn bị ý kiến, lập luận rất chặt chẽ, sắc bén, thuyết phục và thẳng thắn trao đổi tại Hội đồng với mong muốn mang lại lợi ích cao nhất cho người lao động trên tinh thần có chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp. Mức tăng lương 6% là kết quả của quá trình thương lượng, đàm phán dân chủ, sôi nổi, trách nhiệm, tất nhiên có lúc cũng khá căng thẳng, nhưng trên tinh thần tôn trọng, vì lợi ích chung.

Thưa ông, phía Tổng LĐLĐVN đã đưa ra những lập luận chủ yếu nào để thuyết phục Hội đồng?

- Từ vị trí công tác, kinh nghiệm khác nhau, 5 thành viên trong Nhóm của Công đoàn đều chuẩn bị cho mình những căn cứ, lập luận xác đáng để thuyết phục Hội đồng, tựu chung lại có mấy lập luận chủ yếu sau: 

- Đời sống người lao động sau hơn 02 năm bị dịch bệnh COVID-19 hoành hành và hơn 1 năm chưa tăng lương tối thiểu, đang gặp rất nhiều khó khăn. Mức lương tối thiểu đang rất xa với lương tối thiểu... 

- Nước ta đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế và kinh tế quý I/2022 đang phục hồi mạnh mẽ, GDP tăng trưởng 5,03%, số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng gấp 3 lần cùng kỳ; 

- Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng liên tục, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động; 

- Thị trường lao động có những biến động lớn so với trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra; nhiều ngành, địa phương thiếu lao động, có doanh nghiệp thiếu trầm trọng; tăng lương là giải pháp thu hút người lao động;

- Quan hệ lao động những tháng gần đây khá phức tạp, các vụ ngừng việc xảy ra đều có lý do chính là yêu sách tăng lương không được đáp ứng; 

- Chính sách khoan thư sức dân để sâu rễ, bền gốc; cần tạo động lực mạnh mẽ để người lao động cùng doanh nghiệp bước vào giai đoạn phục hồi với tinh thần một người làm việc bằng hai; 

- Tăng lương tối thiểu giúp người lao động vượt qua khó khăn, để họ gắn bó với doanh nghiệp; đồng thời tạo động lực nâng cao năng suất lao động, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh, mạnh, bền vững; 

- Tăng lương tối thiểu, giúp doanh nghiệp đổi mới quản trị, tăng cường ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa doanh nghiệp, để Việt Nam không còn là mảnh đất màu mỡ của các doanh nghiệp theo đuổi lao động giá rẻ. Đây cũng là giải pháp góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh theo Nghị quyết của Đảng và Chương trình hành động của Tổng LĐLĐVN.

Ông có kiến nghị gì với Chính phủ để chính sách lương tối thiểu ngày càng khoa học, sát thực tiễn hơn?

- Trước hết, tôi mong Chính phủ cho phép áp dụng thủ tục rút gọn để sớm ban hành Nghị định về lương tối thiểu vùng áp dụng từ 1.7.2022 và năm 2023. Đó là điều người lao động đang rất mong chờ.

Thứ hai, Chính phủ sớm giao cho Tổng cục Thống kê thực hiện nhiệm vụ công bố mức sống tối thiểu hằng năm để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Thứ ba, Chính phủ tiếp tục quyết liệt điều hành giá, giữ vững ổn định thị trường, tránh tình trạng lương chưa tăng giá đã tăng trước, làm cho việc tăng lương cho người lao động không còn ý nghĩa.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Congdoan.vn

Từ khóa:

TIN TỨC MỚI NHẤT


Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tri ân các anh hùng liệt sĩ
22:18 20/07/2024

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7-1947-27/7/2024) và 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024). Ngày 19/7/2024, đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt Lào, Khu di tích lịch sử Truông Bồn và Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.



Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên công nhân lao động trên công trường Dự án đường dây 500Kv mạch 3
14:04 22/04/2024

Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3, nỗ lực để công trình được đóng điện trước ngày 30/6/2024.


Quyền lợi của lao động nữ được tốt hơn từ sự đổi mới
07:57 08/03/2024

Thực tế cho thấy, bằng sự đổi mới của hoạt động nữ công cũng như việc nâng cao chất lượng của ban nữ công quần chúng mà quyền lợi của lao động nữ được thực hiện tốt hơn.


THƯ VIỆN ẢNH

LIÊN KÊT WEBSITE

SỐ LƯỢNG TRUY CẬP