Với 451 ĐBQH tán thành, chiếm 90,56 %, Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 quyết nghị năm 2023, tổng số thu ngân sách Nhà nước là 1.620.744 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Nhà nước là 2.076.244 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 455.500 tỷ đồng, tương đương 4,42% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Quốc hội giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình, đảm bảo mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; Chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW trong năm 2023.
Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Ảnh: Quochoi.vn
Quốc hội đồng thời giao Chính phủ từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo 12,5% và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở 20,8%.
Từ ngày 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 với 453 ĐBQH tán thành; chiếm 90,96%.
Các ĐBQH Đoàn Nghệ An bấm nút thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Ảnh: Quochoi.vn
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật này nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.
Theo đó, Luật Giá sửa đổi hướng tới quy định đúng đắn, hợp lý về vai trò quản lý Nhà nước; xác định rõ ranh giới, mức độ, phạm vi, biện pháp điều tiết của Nhà nước đối với thị trường trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, khắc phục những tác động tiêu cực của thị trường, nhưng mặt khác vẫn phải bảo đảm quyền tự định đoạt, tự do kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới để làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tránh can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nhất là đối tượng yếu thế nhưng không bao cấp.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng phát biểu thảo luận về Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn
Luật Giá sửa đổi cũng khắc phục những vướng mắc về thể chế, những lỗ hổng chính sách; những bất hợp lý của hệ thống pháp luật đang cản trở quá trình phát triển; tạo sự minh bạch trong quản lý Nhà nước về giá, công khai thông tin doanh nghiệp; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, cụ thể, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế; đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Các ĐBQH Đoàn Nghệ An tại phiên làm việc ngày 11/11 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
Trước đó, trong phiên làm việc sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Trong phiên thảo luận có 15 đại biểu phát biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình, làm rõ một số ý kiến của các vị ĐBQH thảo luận. Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số, được sửa đổi theo nguyên tắc “thực sao thì số vậy” và “số phải phong phú hơn thực”.