Trong trường hợp thời gian cách ly y tế không đủ 14 ngày thì không thuộc đối tượng nhận hỗ trợ COVID-19. Ảnh minh hoạ: M.Phương
1. Một số người lao động khi thực hiện cách ly y tế tại gia đình, nếu theo quyết định cách ly của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì người lao động không đủ 14 ngày cách ly y tế thực tế.
Tuy nhiên, sau thời gian cách ly theo cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người lao động tự ý nghỉ ở nhà thêm 3-5 ngày (nếu tính cả số ngày người lao động tự ý nghỉ việc thì mới đủ liên tục 14 ngày trở lên). Vậy trường hợp này có được tính cả thời gian tự nghỉ để giải quyết chế độ theo chương V (chính sách ngừng việc) của Quyết định 23 không?
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thông tin: Theo quy định tại Điều 17, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg thì: một trong các điều kiện được hưởng hỗ trợ là: ngừng việc và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong toả theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên.
Thời gian 14 ngày này được hiểu là đồng thời thời gian cách ly y tế hoặc trong khu vực bị phong toả (theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền) từ 14 ngày trở lên và thời gian ngừng việc (theo Khoản 2 Điều 99 Bộ luật Lao động) từ 14 ngày trở lên.
Do vậy, trong trường hợp thời gian cách ly y tế theo quy định cách ly của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đủ 14 ngày thì không thuộc đối tượng để giải quyết chế độ theo chương V (chính sách ngừng việc) của Quyết định 23.
2. Người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ ngừng việc tại Điều 17 Quyết định 23, nếu phải điều trị do nhiễm COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế để phòng chống COVID-19 (F1) thì có được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn tại Chương VII của Quyết định 23?
Bộ LĐTBXH cho biết: Người lao động được hưởng đồng thời cả 2 chính sách hỗ trợ ngừng việc và hỗ trợ điều trị COVID-19, cách ly y tế theo quy định tại Chương V và Chương VII của Quyết định 23 nếu đáp ứng đủ điều kiện của từng chính sách hỗ trợ.