Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Công đoàn nghệ an

Tấm hình Bác Hồ và kỷ niệm Ngày thành lập Đảng ở chiến trường miền Nam

20:32 03/02/2022

Đêm Giao thừa chúng tôi có sáng kiến buộc ba đèn pin vào các cành cây phía trên, che kín mặt đèn chỉ để chừa một lỗ nhỏ dọi thẳng vào sao vàng năm cánh và hình búa liềm, rọi vào tờ bạc có hình Bác Hồ nên hình Tổ quốc, hình Bác càng lung linh.

Một lớp học nhóm trong kháng chiến. Ảnh Tư liệu: GD&TĐ

Giáp Tết âm lịch Nhâm Tý năm 1972 chuẩn bị đón năm mới 1973, chúng tôi vừa kết thúc lớp sư phạm sơ cấp cho học viên ở các tỉnh khu vực Trung Nam Bộ thì nhận được tin của Ban lãnh đạo Khu 1 (gọi tắt là K1) nhắn về căn cứ của K để ăn Tết Nguyên đán và nghe phổ biến tình hình và chủ trương mới của Trung ương cục khi Hiệp định Paris vừa được ký kết và kỷ niệm Ngày thành lập Đảng. Nhận được lệnh, anh Hồ Minh Kha và tôi sắp xếp nhanh đồ đạc vào chiếc bòng nhỏ (đồ dùng như là ba lô nhưng nhỏ gọn hơn) theo giao liên về căn cứ của K.

Bấy giờ đang giữa mùa khô, đường từ nơi chúng tôi ở về căn cứ có nơi phải đi xuồng dọc bờ kênh, có nơi phải đi bộ luồn lách trong rừng rậm lúp xúp của Đồng Tháp Mười. Nhiều đoạn đường mòn đi dưới những tán rừng dày đặc cành cây đan vào nhau. Thỉnh thoảng gặp những ngã ba, ngã tư có những cành cây tươi rấp ngang. Đồng chí giao liên dặn: các anh đi cẩn thận, bám đội hình kẻo lạc đường vướng trái (lựu đạn, mìn) của đàng mình gài để phòng biệt kích.

Đi khoảng bốn tiếng đồng hồ thì chúng tôi đến “bãi khách” của K. Nói là bãi khách nhưng chỉ là một khu rừng nhỏ được phát quang cây ở phía dưới, có những hầm tròn, hầm chữ A để tránh bom pháo, có sẵn những chiếc cọc phụ ở các gốc cây để mắc võng. Ở đây chúng tôi được gặp chị Sáu Lưới, chú Ba Hồng, chú Tư Tây… lãnh đạo Khu 1 và một số cán bộ trong cơ quan Khu. Ngay sau đó được dư hội ý để phân công công việc. Tết năm đó, kỷ niệm 43 năm ngày thành lập Đảng lại trùng vào ngày mồng Một Tết Nguyên đán nên không khí chuẩn bị càng rộn rịp hơn. Bà con ở các lõm giải phóng ven biên giới Việt Nam - Campuchia gửi vào nào là thịt lợn, gà vịt, cá, bánh tét, rượu đế, rượu gài… Có cả thuốc lá Điện Biên và hai gói kẹo Hải Châu quà miền Bắc từ trên R (Trung ương cục) gửi xuống.

Nhóm giáo viên chúng tôi được giao trách nhiệm chuẩn bị bàn thờ, trang hoàng nơi tổ chức kỷ niệm. Ngay từ đầu giờ chiều, chị Sáu Lưới đã dặn tôi: “Thầy Hai Tiến chuẩn bị báo cáo về lịch sử ngày thành lập Đảng. Anh Ba Hồng báo cáo về thắng lợi của Hiệp định Paris và nhiệm vụ trước mắt, kết hợp công nhận đảng viên chính thức”. Khó nhất là tìm nguyên liệu làm cờ Tổ quốc, cờ Đảng và ảnh Bác Hồ để lập bàn thờ. Anh Sáu Kha có sáng kiến lấy giấy trắng trong tập giấy soạn giáo án kết lại thành hai hình chữ nhật dài khoảng hai gang, rộng môt gang tay. Tôi xin cô Năm Liên y sỹ của cơ quan lọ thuốc đỏ bên bệnh xá quân đội mới tặng để tô màu đỏ, lấy mấy củ nghệ hòa với ít nước tô hình sao vàng năm cánh cờ Tổ quốc, hình búa liềm cờ Đảng rồi hong trên bếp than cho khô. Riêng ảnh Bác Hồ, hỏi cả cơ quan không ai có.

Bản thân tôi khi lên đường vượt Trường Sơn có đem theo hai tấm ảnh Bác thu nhỏ cỡ 3×4 cm mua bên bờ Hồ Gươm, đã để kỹ trong sổ tay nhưng vào đến chiến khu C Tây Ninh tôi đã tặng chú Nguyễn Hựu Dụng trưởng tiểu ban một tấm, còn một tấm nữa tôi tặng má Năm ở ấp Kẻ Cùng, người đã nuôi tôi khi tôi bị thương ở bàn chân trên đường từ R về vùng Đồng Tháp khi vượt qua lộ 1. May chú Ba Hồng nhớ ra: “Hôm anh Thái Duy Trấp người Yên Thành và anh Trần Hanh bị địch bắt, trong đồ đạc các anh để lại gửi về căn cứ có 2 tờ bạc mười đồng có hình Bác Hồ. Thế là chúng tôi tìm được tờ bạc có hình Bác và đính ở vị trí trang trọng dưới hai lá cờ. Hoa thì các em đoàn thanh niên hái cho một bó hoa lục bình, một bó hoa súng.

Bác Hồ và đoàn đại biểu từ miền Nam ra thăm miền Bắc (1949). Ảnh tư liệu

Đêm Giao thừa chúng tôi có sáng kiến buộc ba đèn pin vào các cành cây phía trên, che kín mặt đèn chỉ để chừa một lỗ nhỏ dọi thẳng vào sao vàng năm cánh và hình búa liềm, rọi vào tờ bạc có hình Bác Hồ nên hình Tổ quốc, hình Bác càng lung linh. Nhìn thấy cờ Tổ quốc, cờ Đảng, thấy Bác Hồ như là thấy được cả miền Bắc, như vơi bớt nỗi nhớ những người thân, nhớ miền Bắc. Buổi sáng mồng Một Tết cũng là sáng mồng 3 tháng 2 chúng tôi tề tựu về lễ đài kỷ niệm. Cũng chỉ đơn sơ một tấm phông vải căng ngang, một cái bàn làm bằng cọng dừa nước, mấy dãy ghế làm bằng cành tràm, hơn hai chục con người đã nghiêm trang làm lễ chào cờ, hát Quốc ca, Đảng ca, lãnh tụ ca. Sau lễ nghi thức, tôi đã kể lại sự kiện lịch sử ngày thành lập Đảng mồng 3 tháng 2 năm 1930 rồi đọc bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của Tố Hữu để mọi người hiểu thêm. Nhìn xuống cử tọa thấy ai cũng rưng rưng khi nghe tôi đọc thơ Tố Hữu. Tôi đã đọc bài thơ này nhiều lần nhưng chưa có lần nào thấy mình hạnh phúc và vinh dự như lần đọc thơ giữa Đồng Tháp Mười ngày ấy. Khi đến phần điều hành của chú Ba Hồng - Phó Bí thư Khu 1, đến phần công bố quyết định đảng viên chính thức, tôi được vinh dự nằm trong danh sách một trong ba đảng viên dự bị được công nhận là đảng viên chính thức của Đảng nhân dân cách mạng miền Nam. Càng vinh dự hơn ngay sau khi đọc quyết định công nhận đảng viên chính thức, tôi được chỉ định bổ sung vào Chi ủy Chi bộ Giáo dục - y tế - thanh niên của Khu1 và được chú Ba Hồng căn dặn: “Đồng chí Hai Tiến tuy mới kết nạp đảng đầu tháng 6 năm 1972 nhưng trong hoàn cảnh gian khổ, ác liệt ở vùng xôi đỗ đan cài giữa ta và địch, đồng chí đã cố gắng bám dân, bám đất, cùng các đồng chí trong chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chi bộ có 2 đảng viên bị địch bắt giam, cần thiết bổ sung thêm một cấp ủy cho Chi bộ Giáo dục. Gắn nhiệm vụ cấp ủy là gắn thêm trách nhiệm, càng phải gương mẫu chịu đựng gian khổ hy sinh, cấp ủy tin tưởng vào đồng chí, mong đồng chí hoàn thành tốt trọng trách được giao”.

Sau buổi lễ kỷ niệm, anh em chúng tôi quây quần bên mâm cỗ Tết. Giọng Bắc, giọng Nam rôm rả ấm cúng trong ngày kỷ niêm 43 năm ngày thành lập Đảng, cũng là ngày mồng Một Tết cổ truyền của dân tộc.

Đến hôm nay, 50 năm đã qua, chị Sáu Lưới sau năm 1975 về công tác ở Hội Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, chú Ba Hồng về tham gia Tỉnh ủy Bạc Liêu, anh Hồ Minh Kha - Bí thư Chi bộ ngày ấy về làm Hiệu trưởng Trường cấp 2 ở Quỳnh Lưu, anh Trần Hanh, anh Thái Duy Trấp vượt ngục trở về căn cứ, rồi về Nghệ tiếp tục làm nghề giáo viên. Những người chị, người anh đã dìu dắt tôi, bảo vệ tôi trong những năm tháng gian khổ ác liệt nhất nhưng cũng là những ngày đẹp nhất của tuổi thanh niên, nay hầu hết đã về với thế giới của người hiền nhưng những kỷ niệm về ngày trở thành đảng viên chính thức mồng 3 tháng 2 năm 1973, ngày thành lập Đảng, là kỷ niệm sâu sắc nhất của đời tôi.

Ngô Đức Tiến - Theo Baonghean.vn

Từ khóa:

TIN TỨC MỚI NHẤT

[Infographics] Chân dung Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung
15:54 11/11/2024

Chiều 11/11, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An khoá XIX, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nhiệm kỳ 2020 - 2025.


Nhận diện mưu đồ chống phá đất nước núp bóng “công đoàn độc lập”
14:30 29/10/2024

Những năm gần đây, để thực hiện mưu đồ đen tối, các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu ra sức gia tăng hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi lên là vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền và người lao động.


Nghệ An ban hành công điện ứng phó với bão Trami
15:34 27/10/2024

UBND tỉnh Nghệ An đã có Công điện số 42/CĐ-UBND gửi các đơn vị, địa phương về việc chủ động ứng phó bão Trami.


Bốc thăm, xếp lịch thi đấu chung kết Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam
13:28 25/10/2024

Sáng 25-10, ban tổ chức Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024 đã bốc thăm chia bảng, xếp lịch thi đấu vòng chung kết.


Bảo đảm thời gian để cán bộ công đoàn không chuyên trách thực hiện nhiệm vụ
22:03 24/10/2024

Sáng 24.10, tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).


THƯ VIỆN ẢNH

LIÊN KÊT WEBSITE

SỐ LƯỢNG TRUY CẬP