Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Công đoàn nghệ an

Tập trung mọi nguồn lực phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở

07:33 05/08/2021

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (sau đây gọi tắt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng) và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN ban hành Chương trình Hành động, do đồng chí Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký. Trong đó, tập trung mọi nguồn lực phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở.

 

Chương trình Hành động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, trọng tâm là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

 

 

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang (ngoài cùng bên phải) thăm Công ty và công nhân lao động Công ty TNHH Luxshare - ICT Vân Trung (KCN Vân Trung, tỉnh Bắc Giang) tháng 2 năm 2021. Ảnh: Bùi Việt Lâm

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang (ngoài cùng bên phải) thăm Công ty và công nhân lao động Công ty TNHH Luxshare - ICT Vân Trung (KCN Vân Trung, tỉnh Bắc Giang) tháng 2 năm 2021. Ảnh: Bùi Việt Lâm

Chương trình Hành động là cơ sở để các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Chương trình hành động tại cấp mình và chỉ đạo xây dựng văn bản thực hiện ở cấp dưới.

Về chỉ tiêu, Chương trình Hành động xây dựng chỉ tiêu hàng năm và chỉ tiêu theo giai đoạn. Trong đó, hàng năm phấn đấu có 70% trở lên đoàn viên, công chức viên chức lao động được tham gia học tập, quán triệt, tiếp nhận thông tin về chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế, quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phấn đấu có 90% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 70% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; 98% trở lên cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức; 95% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 60% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức hội nghị người lao động và các hình thức dân chủ khác theo quy định của pháp luật. Phấn đấu có 20% số đoàn viên trở lên được hưởng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi từ các đối tác đã ký kết chương trình phối hợp; 100% đoàn viên được thăm hỏi, tặng quà khi có hoàn cảnh khó khăn; 75% đoàn viên, người lao động được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan, nghỉ mát do công đoàn tổ chức hoặc phối hợp tổ chức. Phấn đấu có 65% công đoàn các cấp đề xuất, tham gia với cơ quan chức năng và chuyên môn cùng cấp xây dựng chính sách, pháp luật, các quy chế, quy định về đào tạo chuyển đổi nghề; 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức công đoàn phối hợp, liên kết với doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động; tuyên truyền, vận động 60% trở lên đoàn viên ở doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề. Phấn đấu bình quân mỗi năm tăng thêm 650 nghìn đoàn viên công đoàn. Phấn đấu bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 01 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp. Phấn đấu có 80% trở lên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; 80% trở lên công đoàn cơ sở khu vực nhà nước và 55% trở lên công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước đạt loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công đoàn cơ sở được sử dụng 75% số thu kinh phí công đoàn của đơn vị; 100% các cấp công đoàn thực hiện công khai tài chính theo quy định của Tổng Liên đoàn; 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được kiểm tra, quyết toán tài chính đồng cấp.

Đối với chỉ tiêu theo giai đoạn, đến năm 2023 phấn đấu có 12 triệu đoàn viên công đoàn; 100% công đoàn cơ sở khu vực hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, 70% trở lên công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước đủ điều kiện thành lập được Ban nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; có từ 70% trở lên doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể; có ít nhất 65% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức công đoàn có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ có đại diện công đoàn tham gia. Phấn đấu thu tài chính công đoàn đạt 90% trở lên so với số phải thu kinh phí và đoàn phí công đoàn; 100% các đơn vị kinh tế, sự nghiệp của tổ chức công đoàn được đổi mới, sắp xếp hướng tới hoạt động hiệu quả.

Đến năm 2025 phấn đấu có 13,5 triệu đoàn viên công đoàn, hầu hết doanh nghiệp có 25 công nhân, lao động trở lên có tổ chức công đoàn; có 80% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể; có ít nhất 68% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức công đoàn có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ có đại diện công đoàn tham gia; triển khai 50 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; từ năm 2026 trở đi, phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.

Đến năm 2030 phấn đấu có 16,5 triệu đoàn viên công đoàn; nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động thì phần lớn người lao động được tập hợp, tham gia một số hoạt động của Công đoàn Việt Nam; có 85% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể; có ít nhất 75% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức công đoàn có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ có đại diện công đoàn tham gia.

Đến năm 2045 hầu hết người lao động tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn Việt Nam; phấn đấu 99% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể; phấn đấu có ít nhất 99% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức công đoàn có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ có đại diện công đoàn tham gia.

Chương trình Hành động cũng nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Một trong số đó là chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân”; tham mưu văn bản của Thường trực Ban Bí thư “Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn”. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền để người sử dụng lao động, cán bộ, đoàn viên và người lao động nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị, gắn với thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quyết định số 124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

Tham mưu với Đảng, Nhà nước chỉ đạo rà soát, bổ sung, xây dựng hoàn thiện các chính sách, pháp luật về lao động và công đoàn, trọng tâm là trình Quốc hội sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012, đề xuất ban hành Luật tố tụng lao động, sửa đổi Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm và các chính sách, pháp luật khác có liên quan đến người lao động. Chủ động đề xuất và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.Chủ động đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các cấp ký kết các chương trình, quy chế phối hợp, kế hoạch hoạt động nhằm kịp thời chăm lo, bảo vệ quyền lợi, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức thiết của đoàn viên, người lao động, tập trung trước hết về vấn đề nhà ở, trường học, bệnh viện, siêu thị, nơi vui chơi giải trí, cải thiện môi trường làm việc, xử lý các tình huống đột xuất ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động; đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nhà ở công nhân.

Tập trung mọi nguồn lực phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở. Đối với công tác đoàn viên, cần triển khai đồng bộ các giải pháp gồm phát triển đoàn viên, quản lý đoàn viên, nâng cao chất lượng đoàn viên và chăm lo lợi ích cho đoàn viên. Nghiên cứu, triển khai phương thức vận động có tính thuyết phụ cao, làm cho người lao động nhận thức đầy đủ về Công đoàn Việt Nam, quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Xây dựng, triển khai nhân rộng các mô hình hoạt động thiết thực, hiệu quả, để người lao động thấy rõ lợi ích của mình khi trở thành đoàn viên. Vận động, thuyết phục để người sử dụng lao động hiểu đúng về tổ chức Công đoàn Việt Nam, ủng hộ và đảm bảo quyền của người lao động trong thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp. Thực hiện quy trình, thủ tục kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Tập trung thành lập công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước, thực hiện thí điểm thành lập một số nghiệp đoàn với người lao động ở khu vực không có quan hệ lao động. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để quản lý đoàn viên, chỉ đạo hoạt động công đoàn cơ sở.

Nghiên cứu, xây dựng, ban hành quy định cụ thể các nội dung chi, định mức, đối tượng chi, cơ cấu chi tại các cấp công đoàn, chú trọng đến việc chi cho nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, cán bộ công đoàn và người lao động, các hoạt động xây dựng thiết chế công đoàn, chăm lo nâng cao đời sống cho đoàn viên, người lao động. Định kỳ thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, kiểm soát công tác thanh toán, quyết toán theo đúng quy định. Nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công đoàn tích lũy tại các cấp Công đoàn; quy định tỷ lệ để lại nguồn kinh phí tại các cấp công đoàn, cơ chế phối hợp, điều tiết giữa các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương…

Việc tổ chức triển khai thực hiện phải quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, tạo bước chuyển mạnh trong toàn hệ thống, nỗ lực phấn đấu cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị.

Đối với các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy và ban cán sự đảng, đảng ủy có thẩm quyền, phải tổ chức rà soát, bổ sung các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình này; coi việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình là cơ sở, động lực thúc đẩy hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam.

KIỀU VŨ (BÁO LAO ĐỘNG)

TIN TỨC MỚI NHẤT


Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tri ân các anh hùng liệt sĩ
22:18 20/07/2024

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7-1947-27/7/2024) và 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024). Ngày 19/7/2024, đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt Lào, Khu di tích lịch sử Truông Bồn và Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.



Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên công nhân lao động trên công trường Dự án đường dây 500Kv mạch 3
14:04 22/04/2024

Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3, nỗ lực để công trình được đóng điện trước ngày 30/6/2024.


Quyền lợi của lao động nữ được tốt hơn từ sự đổi mới
07:57 08/03/2024

Thực tế cho thấy, bằng sự đổi mới của hoạt động nữ công cũng như việc nâng cao chất lượng của ban nữ công quần chúng mà quyền lợi của lao động nữ được thực hiện tốt hơn.


THƯ VIỆN ẢNH

LIÊN KÊT WEBSITE

SỐ LƯỢNG TRUY CẬP