Bình Dương thêm phương án cho doanh nghiệp lựa chọn để tổ chức lại sản xuất trong tình hình mới. Ảnh: Mai Xuân
Tại Bình Dương, có khoảng 3.700 doanh nghiệp với gần 400.000 lao động đăng ký sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 điểm đến".
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp phát hiện một số khó khăn như: Dịch bệnh lây nhiễm khi F0 lọt vào nhà máy, chi phí ăn ở, phòng dịch, đưa đón cho công nhân tăng cao... Đã có khoảng 320 doanh nghiệp phát sinh dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất theo 2 phương án trên.
Mới đây, trong khi đi thăm và làm việc tại Công ty TNHH Sài Gòn Stec, ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - đã nghe doanh nghiệp báo cáo về những khó khăn trên.
Ông Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với địa phương nghiên cứu phương án để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm". Cụ thể, thí điểm tổ chức cho công nhân công ty ở tập trung một khu nhà trọ để thực hiện phương án "1 cung đường, 2 điểm đến" cho thuận tiện, tạo sự an tâm của người lao động.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cũng cho biết, tỉnh đang lên phương án để tổ chức sản xuất của doanh nghiệp phù hợp với tình hình mới. UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý khu công nghiệp Bình Dương xây dựng phương án sản xuất riêng cho các doanh nghiệp thuộc vùng đỏ (vùng nguy cơ cao về dịch bệnh) và vùng xanh (vùng an toàn về dịch bệnh).
Về chỗ ở cho người lao động, sẽ có thêm nhiều phương án cho doanh nghiệp lựa chọn như: Sắp xếp tại các dãy trọ, xây dựng các nhà trọ xanh của cho doanh nghiệp và quản lý chặt chẽ các khu nhà trọ xanh này.
Bên cạnh đó, thí điểm mô hình “nhiều điểm đến" theo hướng doanh nghiệp có thể thuê nhiều khu trọ cho công nhân chỉ cho công nhân của cùng một doanh nghiệp ở chung để đảm bảo phòng, chống dịch.
Tổ chức đi lại, đưa đón công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc phải thật sự chặt chẽ, đảm bảo công tác phòng, chống dịch (có tổ chức xe đưa đón từ nơi ở đến doanh nghiệp, sử dụng phương tiện cá nhân khi dịch đã được kiểm soát).
UBND tỉnh Bình Dương cũng đề nghị Ban Quản lý Khu công nghiệp Bình Dương phối hợp cùng Sở Y tế nghiên cứu tính toán phương án đảm bảo phòng, chống dịch đối với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Sau quá trình thực hiện, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, tiếp tục hoàn chỉnh phương án, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng cho nhiều doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp áp dụng tốt phương án "3 tại chỗ" bằng tiền mặt, nhân lực và vật lực, kinh nghiệm trong công tác xét nghiệm, sàng lọc, phòng, chống dịch bệnh cũng như điều trị cho các công nhân nhiễm bệnh.
https://laodong.vn/cong-doan/them-phuong-an-san-xuat-cho-doanh-nghiep-trong-tinh-hinh-moi-942616.ldo