Hơn 60 địa phương tham gia
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Phó Ban chỉ đạo Quốc gia cho biết, theo kế hoạch luân phiên Lễ phát động Tháng Hành động “Tháng Hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2023” do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.
Năm nay do dịp nghỉ lễ gần với ngày 28.4 nên Ban chỉ đạo đã dự kiến tổ chức Lễ phát động vào ngày 26.4. Về kế hoạch tổ chức và các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động được các Bộ ngành liên quan đề xuất được Ban chỉ đạo cơ bản nhất trí.
Với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc", Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 được tổ chức từ ngày 1.5 đến ngày 31.5 ở tất cả các cấp công đoàn trên cả nước.
Đến nay, đã có 12 bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và hơn 60 địa phương trong cả nước đã xây dựng kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023.
Ban chỉ đạo cho biết, ngay sau buổi lễ phát động sẽ có các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, trong Tháng phát động ATVSLĐ, các hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động; thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn lao động; đối thoại, hội nghị, hội thảo, thi an toàn, vệ sinh viên, thăm doanh nghiệp... cũng được diễn ra.
Giảm tai nạn lao động đáng kể
Thông tin về kết quả công tác ATVSLĐ và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Trong bối cảnh bình thường mới sau dịch COVID-19 nhưng với những nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể người lao động, công tác ATVSLĐ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tình hình tai nạn lao động năm 2022 giảm ở tất cả các chỉ số, cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động nặng. Cụ thể, tai nạn lao động chết người giảm 3,87% số vụ (720 vụ, giảm 29 vụ).
Đây đã là năm thứ 4 liên tiếp tai nạn lao động chết người trong khu vực không có quan hệ lao động giảm. Bên cạnh đó, điều kiện lao động cũng được cải thiện đáng kể; phong trào thi đua đảm bảo ATVSLĐ phát triển mạnh.
Cục trưởng Hà Tất Thắng thông tin thêm, năm 2022, điều kiện lao động và tình hình sức khỏe công nhân cũng tiếp tục được cải thiện. Trong tổng số mẫu quan trắc môi trường là 944.127 mẫu (tăng 80% so với năm 2021), có 42.574 mẫu không đạt quy chuẩn vệ sinh lao động, chiếm 4,5%, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2021.
Số người lao động được khám sức khỏe là 2.543.380, tăng 74% so với năm 2021; tỷ lệ người lao động có sức khỏe yếu (loại IV, V) là 6,3%, giảm 7,2 % so với năm 2021.
Bên cạnh đó, phong trào thi đua quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 tiếp tục được duy trì, có 1.699 công đoàn cơ sở tổ chức các phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao động, với 15.725 sáng kiến. Mạng lưới an toàn, vệ sinh viên tiếp tục được mở rộng với 205.441 an toàn, vệ sinh viên. Tổ chức thăm hỏi 18.664 nạn nhân bị tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) trên toàn quốc.
“Trong năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết mới cho 8.164 trường hợp người bị TNLĐ, BNN với tổng chi trả từ quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN là gần 882 tỉ đồng.” - Cục trưởng Hà Tất Thắng chia sẻ.