Toàn cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Diệp Thanh |
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có đồng chí Ngọc Kim Nam - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; đồng chí Kha Văn Tám - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, cùng 50 công nhân lao động tiêu biểu thuộc Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam và Liên đoàn Lao động TP. Vinh.
Gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị với 9 nhóm vấn đề
Trước phần đối thoại, các đại biểu xem phóng sự về công tác chăm lo đời sống công nhân và hoạt động Tháng Công nhân năm 2022; đời sống, tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động và lắng nghe đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của công nhân lao động đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tổng Liên đoàn.
Tại điểm cầu Nghệ An có sự tham gia của 50 công nhân lao động tiêu biểu. Ảnh: Diệp Thanh |
Để chuẩn bị cho Chương trình, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn, các cơ quan báo chí Công đoàn mở diễn đàn, tổ chức nghiên cứu, nắm bắt, tổng hợp kiến nghị, ý tưởng, đề xuất của công nhân lao động với Đảng, Nhà nước. Đến nay đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động tập trung vào 9 nhóm vấn đề.
Trong đó, vấn đề tăng lương tối thiểu, về chế độ đóng bảo hiểm xã hội; chỉ đạo, đôn đốc giải quyết các chính sách cho người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19; hỗ trợ học sinh mầm non là con công nhân khu công nghiệp; hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ tín dụng cho công nhân; vấn đề học nghề và đào tạo nghề của người lao động; tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm… đặc biệt được quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo chương trình đối thoại. Ảnh: Diệp Thanh |
Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người lao động
Trước khi bước vào phần đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu định hướng chương trình, động viên công nhân lao động và thông báo tin vui: Ngay trong sáng 12/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, lương tối thiểu vùng được tăng lên 6% và Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2022. Thông tin nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ tất cả đại biểu tham gia chương trình đối thoại.
Không khí hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Diệp Thanh |
Trong không khí cởi mở, thân tình, cuộc đối thoại đã ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị từ người lao động. Sau mỗi kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ và đại diện các bộ, ngành đã trực tiếp trả lời người lao động một cách thấu đáo, đầy đủ.
Tại điểm cầu Nghệ An, anh Nguyễn Đình Biên - công nhân Công ty TNHH Woosin Vina đại diện người lao động kiến nghị về vấn đề nhà ở, trường học cho con công nhân, nhất là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trả lời kiến nghị của anh Biên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đến nội dung này và tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 73 triệu m2 nhà ở với 122 dự án. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy dự án nhà ở xã hội ở các nhóm vấn đề: Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy đầu tư; Phối hợp với Tổng Liên đoàn để xây dựng các khu thiết chế công đoàn; Ban hành nhiều gói hỗ trợ đầu tư nhà ở xã hội...
Công nhân Nguyễn Đình Biên (Công ty TNHH Woosin Vina) nêu kiến nghị về vấn đề nhà ở cho công nhân và trường học cho con công nhân. Ảnh: Diệp Thanh |
Trước những giải đáp của Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, công nhân lao động tại Nghệ An bày tỏ sự hài lòng, thoả mãn.
Kết luận chương trình đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao ý nghĩa của chương trình đối thoại và những ý kiến của công nhân lao động.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, thời gian tới, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị sẽ tiếp tục rà soát những vấn đề tồn tại, chú ý tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động để có những thay đổi hợp lý, đồng thời đồng chí cũng mong muốn anh, chị em công nhân tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển của đất nước.
Chương trình gặp gỡ, đối thoại đã khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với công nhân lao động; tiếp tục triển khai Chương trình Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước, chăm lo đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động; khẳng định quyết tâm, khát vọng của công nhân lao động tích cực thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Đây là lần thứ 6 Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân lao động. Trước đó, cuộc đối thoại đầu tiên diễn ra năm 2016 tại Đồng Nai, gần đây nhất là vào năm 2020 tại Bắc Ninh.
Những cuộc đối thoại này là diễn đàn để đoàn viên, công nhân lao động gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ.
Dù mới ra mắt nhưng chương trình "Giờ thứ 9+" do Tổng Liên đoàn Lao động và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp sản xuất đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo công nhân lao động cả nước. Ảnh: Internet |
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính đã phủ tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. Cũng trong dịp này, Ban tổ chức đã ra mắt chương trình “Giờ thứ 9+” – sân chơi dành cho đoàn viên công đoàn, công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trên cả nước. Chương trình ý nghĩa này được phát sóng hàng tuần từ 15h-15h45 ngày Chủ nhật trên kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.