Ông Đàm Văn Cảnh, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty New Wing Interconnect Technology đã có mặt cùng một số công nhân của công ty từ sớm. Theo ông Cảnh, công ty của ông có hơn 20.000 công nhân làm việc. Dịch COVID-19 đã khiến công ty bị ảnh hưởng song, ban lãnh đạo công ty, Công đoàn công ty đã cố gắng hỗ trợ công nhân bằng các việc làm cụ thể.
“Sau khi dịch COVID-19 tạm ổn, công ty đã có hàng loạt các chính sách hỗ trợ công nhân như đi đón công nhân ở các khu vực xa về làm việc đảm bảo số lượng hàng sản xuất. Việc này giúp công nhân không bị cắt giảm giờ làm, ngày làm, đảm bảo nguồn thu nhập cho họ”, ông Cảnh chia sẻ.
Đến với buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với Thủ tướng, ông Cảnh cảm thấy rất vinh dự, hồi hộp. Phó Chủ tịch Công đoàn công ty này cho biết đa số công nhân công ty anh đều quan tâm đến mức lương tối thiểu vùng, một số chính sách, chế độ đãi ngộ cho người lao động.
Ông Bùi Văn Trường - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Luxshare-ICT Vân Trung (Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang) cùng với Tổng Giám đốc và 20 người lao động đến dự Chương trình.
Là cán bộ công đoàn luôn gần gũi với công nhân lao động, ông Trường cho biết, sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, hiện nay người lao động rất mong được Chính phủ, chính quyền địa phương, Tổng LĐLĐVN có các quyết sách hỗ trợ để họ thuê, mua được nhà ở gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, kèm theo đó, là nhà trẻ, nơi khám chữa bệnh… Nếu được ở trong căn nhà mơ ước thì người lao động không phải thuê trọ với giá cao, chi phí điện nước giảm… qua đó sẽ “an cư - lạc nghiệp”.
Ngoài ra, ông Trường cho biết, hiện nay nhiều công nhân lao động còn mong muốn thủ tục nhận các chế độ hỗ trợ COVID-19 theo Quyết định của Thủ tướng được giải quyết nhanh gọn, để họ sớm được nhận quyền lợi. Cùng với đó, công nhân mong được tổ chức công đoàn, lãnh đạo địa phương phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nâng cao tay nghề cho họ và tạo điều kiện để người lao động học cao hơn để họ có thể chuyển đổi công việc nhằm có thu nhập tốt hơn…
Là cán bộ công đoàn, ông Trường rất ấn tượng về những hành động, quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, nhất là lúc dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp. Trong đó, Thủ tướng có những quyết định hỗ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng COVID-19, hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân…
Anh Phạm Văn Sơn (xã Vũ Xá, Lục Nam, Bắc Giang), Công nhân công ty Luxshare ICT. Vào tháng 10.2021, trên đường đi từ nhà đến công ty (cách công ty khoảng 30km) không may bị tai nạn giao thông. Sau vụ tai nạn, công ty đã hỗ trợ đóng bảo hiểm. Hiện anh đang chờ làm hồ sơ tai nạn lao động. Hôm nay anh được gia đình đưa đến dự cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân.
Có mặt từ hơn 6h sáng, chị Đặng Thị Phương (sinh năm 1985) - Công nhân Công ty TNHH C&K Global (Bắc Giang) - mất ngủ vì hội hộp khi lần đầu tiên sau 5 năm làm công nhân được tham dự Chương trình gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng. “Tôi tự hào lắm, tôi khoe với cả gia đình vì được dự hội nghị hôm nay. Tôi hi vọng cuộc đối thoại lần này, người đứng đầu chính phủ có thể lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động. Và tôi mong chờ lương tối thiểu vùng sớm tăng để người lao động yên tâm làm việc” - chị Phương chia sẻ.
Anh Dương Văn Thạo (SN 1993, quê Tân Yên, Bắc Giang). Anh Thạo đã làm công nhân Công ty TNHH Luxshare được 3 năm. Đây là lần đầu tiên anh Thạo được tham gia chương trình gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng.
"Tôi cảm thấy rất vui và vinh dự khi được tham gia chương trình này. Tôi hy vọng được giải đáp các thắc mắc về chế độ đãi ngộ, bảo biểm công nhân", anh Thạo bày tỏ.
Công nhân Bắc Giang háo hức chờ sự xuất hiện của Thủ tướng. Anh Nguyễn Văn Hải - công nhân TNHH Onechang Vina (Bắc Giang) cho biết - anh có mặt ở hội trường từ khá sớm.
Có thâm niên 11 năm làm công nhân, đây là lần đầu tiên anh Hải có cơ hội được gặp, đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ. “Bên cạnh hồi hộp tôi còn cảm thấy tự hào. Ở đây tôi được giao lưu với công nhân khác và hơn cả là được gặp gỡ cán bộ công đoàn, Thủ tướng chính phủ” - anh Hải nói.
8h: Hàng nghìn công nhân đến tham gia sự kiện đối thoại với Thủ tướng Chính phủ tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bắc Giang.
Còn hơn 1 tiếng nữa Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động mới chính thức diễn ra nhưng không khí tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bắc Giang đã vô cùng nhộn nhịp.
Hàng nghìn công nhân đã có mặt từ sáng sớm tham dự chương trình, hào hứng thảo luận những vấn đề sẽ chia sẻ với người đứng đầu Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Đông đảo công nhân, lao động cả nước mong muốn được gặp gỡ, đối thoại với người đứng đầu Chính phủ về việc làm, thu nhập, điều kiện việc làm, cơ hội cống hiến, trách nhiệm tham gia phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của công nhân. Trước nguyện vọng này, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.
Chương trình gặp gỡ, đối thoại sẽ có 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trước khi diễn ra chương trình gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động, sáng 12.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp xuống phòng trọ của một gia đình công nhân thuê trọ tại thôn An Thịnh, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang để thăm hỏi, động viên, chia sẻ, tặng quà gia đình.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm một phòng trọ tại khu nhà ở xã hội dành cho công nhân Công ty Fuji.
Chương trình là diễn đàn để đoàn viên, công nhân lao động được gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ; được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nêu và truyền thông điệp tới người lao động cả nước. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.
Thông qua chương trình, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với công nhân lao động; tiếp tục triển khai Chương trình Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước, chăm lo đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động; khẳng định quyết tâm, khát vọng của công nhân lao động tích cực thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Để chuẩn bị cho chương trình, ngày 16.5, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp Công đoàn, các cơ quan báo chí Công đoàn mở diễn đàn, tổ chức nghiên cứu, nắm bắt, tổng hợp kiến nghị, ý tưởng, đề xuất của công nhân lao động với Đảng, Nhà nước đến nay đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động tập trung vào 10 nhóm vấn đề.
Trong khuôn khổ chương trình, Thủ tướng Chính phủ cùng đơn vị liên quan sẽ ấn nút Chương trình “Giờ thứ 9+” - đây là một chương trình giải trí truyền hình dành cho công nhân lao động trên kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động sôi nổi của Tháng Công nhân năm 2022 nhằm “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp quan tâm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” theo tinh thần của Thông báo số 77-TB/TW ngày 24.2.2012 của Ban Bí thư kết luận về tổ chức Tháng Công nhân; thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị “Người đứng đầu chính quyền các cấp định kỳ đối thoại và chỉ đạo giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động” theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”