Nhiều bất cập
Tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh Nghệ An có 19 doanh nghiệp có trên 1.000 lao động, trong đó 8 doanh nghiệp thuộc Khu Kinh tế Đông Nam, 11 doanh nghiệp đóng tại các huyện, thị xã, thành phố khác. Trong số 132 doanh nghiệp thuộc Khu Kinh tế Đông Nam có 75 đơn vị đã thành lập tổ chức công đoàn. Trong số 75 công đoàn cơ sở này, có 48 công đoàn cơ sở do Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam quản lý trực tiếp với 24.695 đoàn viên…
Các dự án đầu tư vào Nghệ An trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Ảnh: CSCC |
Với chính sách trải thảm đỏ thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An và chủ trương hạn chế thu hút các dự án đầu tư sử dụng đông công nhân lao động vào các địa bàn khu vực kinh tế trọng điểm của Chính phủ, trong tương lai, số dự án sử dụng đông công nhân, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tìm Nghệ An sẽ rất cao. Hiện tại, đã có một số dự án có nhu cầu tuyển dụng cao trên địa bàn cũng đang gấp rút hoàn thiện quá trình xây dựng.
Theo báo cáo, tại các doanh nghiệp có trên 1.000 lao động trên địa bàn, tổ chức công đoàn cơ sở sau khi thành lập đã đi vào hoạt động với nhiều hoạt động khá hiệu quả, phù hợp, góp phần hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Trong 19 công đoàn cơ sở có 1.000 đoàn viên trở lên có 100% công đoàn cơ sở đã xây dựng thỏa ước lao động tập thể. Tuy nhiên, bên cạnh đó, thực trạng cho thấy hoạt động công đoàn cơ sở còn bị động, thời gian, hình thức tổ chức hoạt động gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào hoạt động sản xuất và ý kiến của chủ sử dụng lao động, còn hình thức, kém thu hút, tài chính hạn chế, thỏa ước lao động tập thể còn mang tính chất hình thức, đối phó… Những điều này dẫn đến đình công xảy ra ở một số đơn vị. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay đã có 5 vụ đình công, ngừng việc tập thể.
Bà Phan Thị Trang - Trưởng ban Tổ chức Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An chia sẻ về sự cần thiết của xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Đông Nam và các công đoàn cơ sở có đông công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Ảnh: Diệp Thanh |
Nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, bà Phan Thị Trang - Trưởng ban Tổ chức Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cho biết: “Có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Cụ thể, trong số các nguyên nhân khách quan không thể không kể đến khó khăn từ phía cán bộ công đoàn cơ sở. Phần lớn họ đều kiêm nhiệm, ít có thời gian để tham gia bồi dưỡng, tập huấn, nghiên cứu, dẫn đến hạn chế về năng lực. Chưa kể, vì lo sợ liên luỵ, ảnh hưởng công việc nên một số sẽ ngại va chạm với giới chủ khi bảo vệ quyền lợi cho công nhân. Ngoài ra, hệ thống pháp luật hiện nay chưa có đủ chế tài để tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở hoạt động, lương và phụ cấp đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách còn nhiều bất cập, chưa tương xứng, đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở thường xuyên biến động, nhiều chủ doanh nghiệp thiếu hợp tác, việc bố trí cán bộ chuyên trách về cơ sở còn nhiều vướng mắc từ doanh nghiệp, cơ chế…”.
Nhận định nguyên nhân chủ quan, bà Trang cho rằng Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam, Liên đoàn Lao động các huyện, thành, thị chưa thực sự sâu sát, đồng hành cùng công đoàn cơ sở, chất lượng cán bộ công đoàn cơ sở còn thiếu và yếu trong khi yêu cầu, chỉ đạo của công đoàn cấp trên lại quá nhiều…
Nhiều khó khăn trong giải pháp
Sau nhiều phiên thảo luận với rất nhiều ý kiến góp ý, Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Đông Nam và các công đoàn cơ sở có đông công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An” đã chỉ ra được một số giải pháp cụ thể.
Chương trình đối thoại giữa Ban quản lý KKT Đông Nam, cán bộ công đoàn cơ sở và công nhân lao động. Ảnh: Diệp Thanh |
Theo đó, về công tác tuyên truyền, nhiều ý kiến thống nhất rằng, các cấp công đoàn cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, lan tỏa các chương trình ký kết phúc lợi đoàn viên, linh hoạt, đổi mới trong tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chủ trương, các hoạt động của các cấp công đoàn, cung cấp kiến thức pháp luật cho đoàn viên, người lao động… Đặc biệt, cần triển khai Nghị quyết số 02 NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, Kế hoạch số 58-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như chương trình hành động của Liên đoàn Lao động tỉnh về đổi mới công đoàn. Đồng thời, Liên đoàn Lao động huyện, thành, thị, Công đoàn ngành cần xây dựng chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với đặc thù của địa phương, của ngành để triển khai xuống cơ sở.
Công tác chính sách pháp luật cũng là nội dung đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ đội ngũ cán bộ công đoàn để tổ chức các cuộc đối thoại giữa công nhân lao động, các doanh nghiệp với lãnh đạo ủy ban nhân dân các cấp. Công tác khen thưởng, thi đua, chăm lo cho đoàn viên cũng cần được quan tâm, đổi mới, tạo sự khác biệt…
Công nhân lao động huyện Yên Thành trình bày kiến nghị trong một cuộc ngừng việc tập thể. Ảnh: CSCC |
Trong công tác tổ chức cán bộ, tổ chức công đoàn cũng cần bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, nhiệt tình, tâm huyết, bản lĩnh để truyền cảm hứng, dẫn dắt đoàn viên hoạt động. Song song với đó, các cấp công đoàn cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, xây dựng và ban hành đầy đủ hệ thống quy chế hoạt động, chương trình công tác năm hợp lý, xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên cụ thể, đổi mới trong sinh hoạt và tổng kết…
Bên cạnh các giải pháp trên, nhiều ý kiến quan tâm, trăn trở quanh nội dung bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách hoạt động tại các doanh nghiệp đông đoàn viên, công nhân lao động. Tuy nhiên, đây là một nội dung không dễ gì thực hiện. Ông Vương An Nguyên - Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam chia sẻ: “Hiện nay, Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam mới chỉ bố trí được 1 cán bộ công đoàn chuyên trách tại Công đoàn Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam (Khu Công nghiệp Nam Cấm) – đơn vị có 2.834 đoàn viên. Tuy nhiên, vì bất cập của các quy định nên các vấn đề liên quan đến lương, thưởng, vai trò, trách nhiệm… của cán bộ công đoàn chuyên trách vẫn còn nhiều điều phải bàn”.
Ông Kha Văn tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh yêu cầu Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Đông Nam và các công đoàn cơ sở có đông công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An” cần có sự cụ thể, đầy đủ với những giải pháp mới mẻ. Ảnh: Diệp Thanh |
Được biết, chiếu theo Quyết định số 1617/QĐ-TLĐ ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trên địa bàn tỉnh có 15 công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp ngoài nhà nước có đủ điều kiện để bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách. Ngoài ra, các giải pháp liên quan đến công tác tài chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của đoàn viên công đoàn… cũng được nhiều cán bộ công đoàn đề cập.
Thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề ở công đoàn cơ sở, ông Kha Văn Tám - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh khẳng định tầm quan trọng của đề án cũng như tính cấp thiết của các giải pháp. Người đứng đầu Công đoàn Nghệ An chia sẻ: “Vấn đề chỉ có thể được giải quyết triệt để khi được nhìn nhận một cách đầy đủ, cụ thể cả về nguyên nhân, mục tiêu, giai đoạn, giải pháp… Đó cũng là lý do đội ngũ cán bộ công đoàn chủ chốt phải thật sự trăn trở, đầu tư thời gian và công sức để hiến kế cho đề án. Có như vậy, bài toán về nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở mới tìm được lời giải”.