Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Công đoàn nghệ an

Tổ chức Công đoàn đã vận dụng nhiều lý luận giá trị của đồng chí Lê Hồng Phong

20:40 05/09/2022

Đó là nhấn mạnh của đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tại Hội thảo khoa học: “Đồng chí Lê Hồng Phong - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam” được tổ chức tại TP Vinh ngày 5/9. 

 

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong đã gắn bó với phong trào công nhân và hoạt động công đoàn. Sau khi học hết bậc sơ học, trong khoảng thời gian từ năm 1920 - 1923, đồng chí Lê Hồng Phong bước vào cuộc sống công nhân, hòa mình với phong trào công nhân và người lao động tại Nhà máy Diêm Bến Thủy (thành phố Vinh, Nghệ An).

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Từ cuộc đời một người thợ, một anh công nhân, đồng chí Lê Hồng Phong trở thành một chiến sĩ hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, chiến sĩ kiến cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đồng chí đã có những đóng góp rất lớn cho lý luận phong trào công nhân mà từ đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

“Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong là dịp để chúng ta cùng ôn lại và khẳng định những cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam, với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế nói chung và với giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng” - đồng chí Ngọ Duy Hiểu nói.

 

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại hội thảo

 

Từ những nghiên cứu thực tiễn về sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chia sẻ về 5 giá trị căn bản được rút ra và liên hệ về 5 nội dung này trước yêu cầu đổi mới hoạt động Công đoàn Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong rất coi trọng việc xây dựng, củng cố tổ chức vững mạnh và coi đây là yếu tố tiền đề để có thể hoạt động hiệu quả. Từ khi Công hội đỏ ra đời vào ngày 28/7/1929, phong trào đấu tranh cho công nhân đã phát triển và ngay sau đó vấp phải sự khủng bố, đàn áp dã man của thực dân Pháp, sự liên lạc giữa Đảng và quần chúng cũng gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, đồng chí Lê Hồng Phong được Quốc tế cộng sản giao nhiệm vụ về củng cố tổ chức cở sở cách mạng, trong đó tổ chức Đảng và Công hội đỏ là hai tổ chức mà đồng chí hết sức quan tâm, ưu tiên và dành nhiều tâm sức, trí tuệ để xây dựng và củng cố. Sau đó, các cơ sở cách mạng đã hồi phục và tiếp tục phát triển.

Thứ hai, mô hình tổ chức phải linh hoạt để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Trong đó, hai minh chứng rõ nhất là đồng chí Lê Hồng Phong đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng thời điểm đó quyết định thành lập các ban chỉ huy ngoài nước và hoạt động rất hiệu quả, cùng với đó thành lập các tổ chức hội để mở rộng tổ chức, huy động nguồn lực cho cách mạng, phù hợp với điều kiện lúc thì hoạt động bí mật, lúc thì công khai.

Thứ ba, các nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức phải thực sự đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Trong các bài phát biểu của mình, đồng chí Lê Hồng Phong cho rằng nếu chỉ dựa vào các cuộc đình công thì không đáp ứng được yêu cầu cách mạng, mà cần tìm tòi ra các hình thức khác và đồng chí cũng đã đề xuất các hình thức.

Thứ tư, coi trọng công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức giác ngộ giai cấp cho công nhân, đây là yếu tố hết sức quan trọng nhằm nâng “chất” lực lượng cách mạng. Thời điểm đó , đồng chí đã cùng với các đồng chí cách mạng tiền bối dành nhiều thời gian để tuyên truyền, đưa chủ nghĩa Mác – Lê Nin về Việt Nam, về các nhà máy, công xưởng. Đồng chí đã sâu sát, hiểu về đời sống công nhân, nhận thức của công nhân để tuyên truyền phù hợp. Từ đó, giai cấp công nhân, người lao động có thêm niềm tin yêu vào Đảng, ý thức được con đường cách mạng, con đường đấu tranh và tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

Thứ năm, tăng cường sự đoàn kết giữa giai cấp công nhân, nông dân, tri thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Lê Hồng Phong hết sức coi trọng việc mở rộng lực lượng cách mạng, trong đó đánh giá vai trò của Đảng, của giai cấp công nhân là trung tâm, để đoàn kết các giai cấp, xây dựng lực lượng cách mạng lớn mạnh.

Từ 5 giá trị căn bản đó, liên hệ với hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam hiện nay, đồng chí Ngọ Duy Hiểu chia sẻ: “Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, nhìn từ Nghị quyết này cùng với các chủ trương khác đặt ra, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, có thể thấy rằng rất nhiều giá trị trong lý luận, quan điểm của đồng chí Lê Hồng Phong còn nguyên giá trị đến nay”. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ ra 5 nội dung đã được vận dụng trong hoạt động của Công đoàn Việt Nam.

Trước hết, đó là vận dụng việc xây dựng và củng cố tổ chức, không ngừng xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Để làm tốt điều này, tổ chức Công đoàn đã tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nhất là trong bối cảnh có sự ra đời tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp (ngoài tổ chức Công đoàn) theo Bộ luật Lao động năm 2019. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành kế hoạch tập trung phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở, hướng tới phủ kín, phủ dày tổ chức Công đoàn, nhất là tại khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Cùng với đó là nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở.

Thứ hai, về mô hình tổ chức, Công đoàn Việt Nam đang tiếp tục đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị. Hiện nay, mô hình tổ chức đã cơ bản hoàn thiện trong bối cảnh hoạt động công đoàn rất phong phú, đa dạng. Có những công đoàn cơ sở có hàng chục nghìn đoàn viên và cũng có những công đoàn cơ sở chỉ có hơn 10 đoàn viên, việc thiết lập hệ thống mạng lưới công đoàn phong phú, đa dạng, vừa mở, vừa linh hoạt, vừa năng động nhằm đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của công nhân lao động.

Thứ ba, hoạt động công đoàn liên tục đổi mới, phải xuất phát từ lợi ích, nhu cầu của người lao động, xem đó là điểm xuất phát cho mọi hoạt động công đoàn. Phương thức hoạt động đổi mới, linh hoạt, phù hợp với điều kiện làm việc của công nhân lao động. Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, lựa chọn nội dung tuyên truyền hữu ích, phù hợp với công nhân lao động. Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo hoạt động công đoàn phải hướng mạnh về cơ sở, lấy công nhân lao động làm đối tượng phục vụ của cán bộ công đoàn.

Thứ tư, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giai cấp cho công nhân lao động. Triển khai nhiều giải pháp về tuyên truyền, trong đó chú trọng tuyên truyền những quy định rất cơ bản của pháp luật liên quan đến người lao động để họ chủ động bảo vệ mình, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng. Coi trọng tuyên truyền qua mạng xã hội, xem đó là một trong những hình thức tuyên truyền phù hợp với công nhân lao động hiện nay, giúp họ dễ tiếp cận, nắm bắt thông tin.

Thứ năm, Công đoàn Việt Nam đang triển khai các giải pháp để phát huy vai trò của giai cấp công nhân, để công nhân thực sự giữ vai trò nòng cốt trong liên minh công nông và tri thức bằng việc nâng cao chất lượng giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, để giai cấp công nhân hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, Công đoàn Việt Nam nhận thức sâu sắc những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đường lối cách mạng, trong tập hợp giai cấp công nhân và phát triển phong trào trong công nhân lao động của đồng chí Lê Hồng Phong. Đến nay, các bài học đó vẫn còn nguyên giá trị và sẽ tiếp tục được tổ chức Công đoàn phát huy, triển khai trong tình hình mới.

Thanh Tùng - Mai Liễu

Từ khóa:

TIN TỨC MỚI NHẤT

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tri ân các anh hùng liệt sĩ
22:18 20/07/2024

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7-1947-27/7/2024) và 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024). Ngày 19/7/2024, đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt Lào, Khu di tích lịch sử Truông Bồn và Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.



Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên công nhân lao động trên công trường Dự án đường dây 500Kv mạch 3
14:04 22/04/2024

Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3, nỗ lực để công trình được đóng điện trước ngày 30/6/2024.


Quyền lợi của lao động nữ được tốt hơn từ sự đổi mới
07:57 08/03/2024

Thực tế cho thấy, bằng sự đổi mới của hoạt động nữ công cũng như việc nâng cao chất lượng của ban nữ công quần chúng mà quyền lợi của lao động nữ được thực hiện tốt hơn.


15.000 căn nhà ở xã hội sẽ được Tổng LĐLĐVN xây dựng trong giai đoạn 2026-2030
07:53 08/03/2024

Dự kiến đến năm 2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) sẽ đầu tư xây dựng khoảng 3.000 căn nhà ở xã hội, giai đoạn 2026-2030 sẽ xây dựng khoảng từ 10.000-15.000 căn nhà cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội.


THƯ VIỆN ẢNH

LIÊN KÊT WEBSITE

SỐ LƯỢNG TRUY CẬP