|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận Phiên họp. (Ảnh: PV/TTXVN)
|
Ngày 05/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ 20, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 và xem xét quyết định một số vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo.
Khẩn trương đưa ra xét xử 5 vụ án
Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm 2021, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng vừa phải tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tập trung chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2021.
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Phấn đấu đến hết năm 2021 kết thúc điều tra 02 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 06 vụ án, xét xử sơ thẩm 09 vụ án, xét xử phúc thẩm 07 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 05 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nhất là, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong các vụ án, vụ việc xảy ra tại Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa; khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án: (1) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; (2) Vụ án “Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan; (3) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận; (4) Vụ án “Đưa hối lộ”; “Môi giới hối lộ”; “Nhận hối lộ” liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; (5) Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Nhất là, khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra chuyên đề diện rộng về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh bất động sản giai đoạn 2011 - 2017 theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cũng yêu cầu quan tâm chỉ đạo việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, nhất là khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật trên các lĩnh vực mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán kiến nghị, đề xuất; hoàn thiện, trình Bộ Chính trị ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và các đề án khác theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Tiếp tục quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về PCTN, tiêu cực. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, nhân dân trong đấu tranh PCTN, tiêu cực.
Đồng thời khẩn trương sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; điều chỉnh phân công nhiệm vụ các Thành viên Ban Chỉ đạo để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực...
Bổ sung 01 vụ án và 05 vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo
Cũng tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã xem xét, cho ý kiến đối với Đề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực. Đề án xác định đối tượng của công tác phòng, chống tiêu cực là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị; trọng tâm chỉ đạo phòng, chống tiêu cực của Ban Chỉ đạo là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, hành vi tiêu cực khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Ban Chỉ đạo thống nhất ban hành Quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực. Quy định gồm 05 chương, 24 điều, quy định về mục đích, nguyên tắc, chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát; thẩm quyền, trách nhiệm của chủ thể, đối tượng kiểm tra, giám sát; quy trình kiểm tra, giám sát; tổ chức, trách nhiệm, quyền hạn của đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo về công tác PCTN, tiêu cực.
Ban Chỉ đạo thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 10 vụ án, 06 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Bổ sung 01 vụ án và 05 vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Giao Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc việc xử lý 01 vụ việc, 02 vụ án.
Chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm
Sau khi nghe báo cáo và thảo luận của các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo, phát biểu kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đánh giá cao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã chuẩn bị các tài liệu Phiên họp rất công phu, nghiêm túc, thận trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2021, đất nước đứng trước nhiều sự kiện trọng đại, yêu cầu nhiệm vụ lớn, nhất là sau Đại hội XIII Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội thành công tốt đẹp, kiện toàn bộ máy mới của Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan không chỉ ở Trung ương và các địa phương, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, tất cả mọi việc đều tiến hành tốt, trong đó công tác phòng, chống tham nhũng vẫn không ngừng, không nghỉ, thậm chí ngày càng quyết liệt hơn, ngày càng có hiệu quả cao hơn và thêm nhiều bài học quý, nhiều kinh nghiệm tốt hơn. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm quyết liệt, làm có bài bản, có kinh nghiệm hơn gần như thành quy trình, khâu nào làm trước, làm sau, phối hợp rất nhuần nhuyễn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, công tác xây dựng Đảng và PCTN trong thời gian qua tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm cả đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cao cấp. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khởi tố mới nhiều vụ án, nhiều bị can, trong đó có nhiều bị can là cán bộ cấp cao, thực hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành được quan tâm; nhất là đã chủ động, kiên quyết hơn trong kiểm tra, xử lý nghiêm nhiều cán bộ tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chống tham nhũng. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTN được đẩy mạnh, góp phần tạo cơ sở chính trị - pháp lý đồng bộ, khả thi để PCTN hiệu quả…
Thống nhất phương hướng thời gian tới phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, không ngừng, không nghỉ và chỉ có tiến lên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, đây là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, cắt một vài cành sâu để cứu cả cây, làm rất quyết liệt, nhưng nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục. Nội bộ Ban Chỉ đạo đoàn kết thống nhất. Nhiệm vụ sắp tới còn nặng nề, khó khăn, không được chủ quan và mong mỏi của nhân dân vẫn là phải tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không được dừng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo để làm những vụ án trọng điểm, những vụ án lớn, những vụ án mà tác động nguy hiểm, để làm răn đe cho các cơ quan, các địa phương khác. Ban Chỉ đạo không làm thay các cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng vẫn phải làm theo quy định của Đảng, Nhà nước, không trông chờ vào Ban Chỉ đạo có chỉ đạo mới làm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có kinh nghiệm là: làm liên tục, bền bỉ, bài bản, trở thành yêu cầu cấp bách, một nhiệm vụ thường xuyên, một xu thế, một phong trào không làm không được, không ngừng không nghỉ, không có ngoại lệ... Các cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng. Các thành viên Ban Chỉ đạo phải trao đổi thẳng thắn, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư đã chỉ ra những hạn chế như: việc triển khai một số nhiệm vụ công tác và tiến độ xử lý một số vụ án, vụ việc còn chậm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số trường hợp còn chưa tốt, không đúng tiến độ; vẫn còn tình trạng cấp dưới ỷ lại cấp trên... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải chỉ đạo tất cả các cấp, ngành đồng bộ, không làm thay; phát huy sức mạnh toàn dân, toàn hệ thống chính trị, huy động được sức mạnh không chỉ của các cơ quan chức năng mà còn cả các đoàn thể quần chúng, Mặt trận và nhân dân.
Tổng Bí thư yêu cầu, Ban Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh, làm tốt hơn nữa, chất lượng cao hơn nữa, khắc phục những khâu yếu, việc khó, phải chú ý khâu tự kiểm tra, tự xử lý và phải giao nhiệm vụ, yêu cầu các cấp dưới thực hiện./.