Sáng 16/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến quán triệt, triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Toàn cảnh Hội nghị tại trụ sở Trung ương Đảng. Ảnh: Phạm Cường
|
Cùng dự tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương; Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ 14 tỉnh, thành ủy trong vùng từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Hội nghị được truyền trực tiếp đến 22 điểm cầu các huyện, thành, thị ủy, Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, 431 điểm cầu xã, phường, thị trấn và hơn 300 điểm cầu cơ sở trực thuộc Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh.
ĐỊA BÀN CHIẾN LƯỢC ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, ngoài những lý do khách quan, chủ yếu là để quán triệt đầy đủ, sâu sắc và triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng của cả nước trong giai đoạn mới, thì việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26 còn có những lý do xuất phát từ đặc thù riêng có của vùng và thực tế sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 25 của Bộ Chính trị khóa XI.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Phạm Cường
|
Sau khi khái quát những đặc điểm về vị trí địa lý, kinh tế, văn hóa, lịch sử, con người, tiềm năng của vùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước; là mặt tiền của quốc gia, khúc ruột của Tổ quốc, là cửa ngõ của biển cả, là bệ đỡ cho các tỉnh Tây Nguyên… đồng thời, có ý nghĩa rất quan trọng cho phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Mặc dù diện mạo toàn vùng đã nhiều thay đổi tích cực và đang dần trở thành một khu vực phát triển khá năng động, đầu tàu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế… Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, hiện nay, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ hiện vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước; tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý, phát huy có hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính trụ sở Trung ương Đảng. Ảnh: Phạm Cường
|
“Kinh tế - xã hội vùng mới chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương, chưa mang tính tổng thể dấu ấn của toàn vùng”, Tổng Bí thư đánh giá. “Chính vì thế, các cực tăng trưởng chưa thể hiện vai trò là động lực tăng trưởng, là đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng; vùng miền núi phía Tây vẫn là khu vực khó khăn; phát triển văn hóa - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao cần phải ban hành Nghị quyết mới để tạo ra một bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, có tính đột phá trong việc phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn nữa tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của vùng; đồng thời, tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, vượt qua những khó khăn, thách thức mới đặt ra trong phát triển vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã phân tích những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
|
"CẢ NƯỚC VÌ BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI TRUNG BỘ. BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI TRUNG BỘ VƯƠN LÊN CÙNG CẢ NƯỚC, VÌ CẢ NƯỚC"
Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh một số vấn đề để thực hiện Nghị quyết số 26 đạt kết quả tốt nhất, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động. Theo đó, trước hết phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của vùng, cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển vùng; nắm thật vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị đề ra, những công việc phải làm để trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn vùng, của từng địa phương trong vùng, cũng như của cả nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
“Phải xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính trụ sở Trung ương Đảng. Ảnh: Phạm Cường
|
Đồng thời, Tổng Bí thư cũng lưu ý cần phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung cả nước. Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng.
“Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển vùng và từng địa phương trong vùng; đừng chia cắt, đừng cục bộ”, Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, đồng thời, cần tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển vùng và liên kết vùng về tổ chức bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai, tạo lập có hiệu quả các hoạt động hội nhập quốc tế.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính trụ sở Trung ương Đảng. Ảnh: Phạm Cường
|
Từ đó, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tính chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục cho được tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm được, rơi vào trung bình chủ nghĩa.
Trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác; đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự liên kết hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng để phát triển kinh tế vùng nhanh, bền vững hơn, giàu có, trù phú hơn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đạt mức cao hơn mức bình quân chung của cả nước trên cơ sở từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng để vượt qua những khó khăn, thách thức và phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế to lớn của vùng.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
|
Lưu ý trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, cần phải đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chính phủ và các cơ quan Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, cơ chế, chính sách ưu tiên có tính đặc thù; xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp đa ngành, gắn kết giữa phát triển công nghiệp với phát triển nông nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; ưu tiên đối ứng nguồn vốn ngân sách Nhà nước kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các chương trình trọng điểm, có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng;…
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
|
Đặc biệt, Tổng Bí thư lưu ý, yếu tố con người trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, vì dù nghị quyết hay bao nhiêu đi chăng nữa mà con người không đổi mới, không đủ trình độ, nhất là không đủ phẩm chất đạo đức, không thành một khối đoàn kết vững chắc thì sẽ rất khó thực hiện.
Do đó, Tổng Bí thư yêu cầu phải tăng cường nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị để đảm bảo thật sự trong sạch, vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; nghiêm túc thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
|
Cùng với đó, phải kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiên phong, gương mẫu về đạo đức, lối sống, thực hiện nghiêm các chủ trương về đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực sự liêm chính, trong sạch; giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, có tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo; tiếp tục cải tạo, cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
|
Đặc biệt, phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khơi dậy tinh thần cống hiến của cán bộ, công chức; đổi mới công tác dân vận và hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta với các nước bạn.
Ngay sau hội nghị này, Tổng Bí thư đề nghị, các cấp ủy và tổ chức Đảng của Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị, các địa phương trong vùng cần phải khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thật nghiêm túc Nghị quyết gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ với quan điểm phối hợp trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt; kiên quyết “không đánh trống bỏ dùi”, “không đầu voi đuôi chuột”.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính trụ sở Trung ương Đảng. Ảnh: Phạm Cường
|
“Tôi tha thiết kêu gọi và tin tưởng rằng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ ngay sau hội nghị này sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, khí phách anh hùng, tinh thần sáng tạo, quả cảm và phẩm chất cao quý rất tốt đẹp của người miền Trung, cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và chính quyền các cấp trong cả nước đã đổi mới, nỗ lực phấn đầu rồi, càng đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh hơn nữa, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ theo đúng tinh thần: Cả nước vì Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ.