Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Công đoàn nghệ an

Báo cáo của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An khóa XVIII trình Đại hội Công đoàn tỉnh Nghệ An lần thứ XIX

16:51 20/11/2023

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN; TẬP TRUNG THỰC HIỆN TỐT CHỨC NĂNG ĐẠI DIỆN, BẢO VỆ QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP, CHÍNH ĐÁNG CỦA ĐOÀN VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG; TRUNG TÂM TẬP HỢP, ĐOÀN KẾT CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG, GÓP PHẦN XÂY DỰNG NGHỆ AN PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG

 

Đại hội Công đoàn tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2023 - 2028, là sự kiện chính trị quan trọng của đội ngũ công nhân viên chức, người lao động (CNVCLĐ), mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tổ chức Công đoàn tỉnh Nghệ An. Đại hội diễn ra trong thời điểm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và CNVCLĐ tỉnh Nghệ An đang thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp triển khai kết luận Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” đi vào cuộc sống, là cơ sở chính trị quan trọng để tổ chức Công đoàn Nghệ An phát triển trong giai đoạn mới.

Phương châm Đại hội: “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”.

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN TỈNH NGHỆ AN LẦN THỨ XVIII , NHIỆM KỲ 2018 - 2023

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn tỉnh Nghệ An chịu tác động của những diễn biến phức tạp tình hình thế giới và khu vực. Cạnh tranh thương mại, xung đột chính trị - kinh tế, thiên tai, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid -19 đã tác động không nhỏ đến việc làm, thu nhập, đời sống của CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn toàn tỉnh. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đã tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế, đạt mức tăng trưởng khá[1]. Văn hoá - xã hội tiếp tục được quan tâm. Môi trường đầu tư từng bước cải thiện, các doanh nghiệp trên đà phục hồi và phát triển[2], tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Đội ngũ công nhân, lao động trong tỉnh tiếp tục phát triển. Hiện có 171.283 đoàn viên (96.873 đoàn viên nữ), 2.885 công đoàn cơ sở (CĐCS), tăng 25.397 đoàn viên, giảm 185 CĐCS so với đầu nhiệm kỳ. Điều kiện làm việc CNVCLĐ từng bước đã được cải thiện; Thu nhập bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp từ 5,3 - 6,1 triệu đồng/người/tháng.

Tại các Khu công nghiệp tập trung có hơn 5.000 lao động có nhu cầu thuê nhà ở. Số lượng cán bộ công chức, viên chức giảm, lao động trong các doanh nghiệp, khu vực phi chính thức tăng. Tình trạng vi phạm pháp luật lao động tại một số doanh nghiệp còn diễn ra. Trong nhiệm kỳ xảy ra 121 vụ tai nạn lao động, 19 cuộc đình công. So với nhiệm kỳ trước, tăng 08 cuộc đình công và giảm 12 vụ tai nạn lao động. Nguyên nhân của các cuộc đình công chủ yếu là đề nghị về lợi ích, những quyền lợi cao hơn Luật quy định hoặc ngoài Luật. Nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động vẫn còn tồn tại[3].

1. Những kết quả đạt được nhiệm kỳ 2018 - 2023

1.1. Thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động

          Nhiệm kỳ qua, công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao dộng được quan tâm tổ chức thực hiện với sự chủ động, tích cực của các cấp Công đoàn. Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò trong tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Các cấp công đoàn phân công cán bộ bám sát cơ sở, thường xuyên lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, xây dựng đội ngũ công nhân nòng cốt tại các doanh nghiệp, thiết lập các kênh thông tin đa chiều từ cơ sở, tăng cường hoạt động đối thoại ở nhiều cấp. Công tác phối hợp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tiếp tục có nhiều chuyển biến. Số lượng và chất lượng hội nghị cán bộ công chức, hội nghị đối thoại tại nơi làm việc được nâng lên. Hàng năm có 100% đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ công chức (CBCC); tỷ lệ hội nghị đối thoại, hội nghị người lao động tại doanh nghiệp đạt từ 50% - 76% . Tổ chức 21 hội nghị đối thoại cấp huyện, ngành. Tổ chức thành công Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh và công nhân lao động (CNLĐ) trên địa bàn tỉnh năm 2022.

           Công tác bảo vệ quyền lợi tại Tòa án, công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật được tập trung thực hiện. Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh thí điểm khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH tại Tòa án thành phố Vinh. Công đoàn cấp trên cơ sở đã chủ động tham gia giải quyết kịp thời, có hiệu quả 19 cuộc đình công, trong đó nổi bật là LĐLĐ huyện Diễn Châu, Yên Thành, Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam; Hỗ trợ 13 vụ đòi quyền lợi cho 65 lao động với số tiền trên 779 triệu đồng. Hỗ trợ pháp lý tại Tòa án cho 09 CNLĐ. Tư vấn pháp luật cho 921 lượt người; Triển khai điểm tư vấn pháp luật tại Khu Công nghiệp Bắc Vinh...

          Tổ chức 15 hội thảo, tham gia góp ý 69 văn bản có liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn. Những nội dung tham gia xây dựng, phản biện chính sách đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, góp phần bảo vệ quyền lợi người lao động, điển hình như: Góp ý xây dựng dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị 37- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; Dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; dự thảo quyết định UBND tỉnh về phối hợp giải quyết các cuộc đình công trái pháp luật... 

          Công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) tại các doanh nghiệp được quan tâm với 468/543 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết TƯLĐTT đạt tỷ lệ 86,2% (cao hơn nhiệm kỳ trước 9,8%), vượt chỉ tiêu đề ra; Chất lượng các bản Thỏa ước được chú trọng[4]. Hàng năm tiến hành tổng kết, khen thưởng, hỗ trợ kinh phí và ban hành 02 Đề án để triển khai thực hiện công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT.

          Chủ trì và tham gia 158 cuộc giám sát. Một số nội dung Công đoàn chủ trì giám sát có hiệu quả như: giám sát thực hiện Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các doanh nghiệp hàng năm; tham gia thanh tra liên ngành BHXH tại 69 doanh nghiệp. Nội dung giám sát liên quan đến Bộ Luật Lao động, BHXH. Thông qua giám sát, kiểm tra đã góp phần xử lý kịp thời các bất cập, vi phạm trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật.

          Công tác ATVSLĐ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động như: tham gia điều tra 64 vụ tai nạn lao động, bình quân mỗi năm giám sát 10 doanh nghiệp, thăm hỏi 207 lượt công nhân bị thương tật do tai nạn lao động với số tiền 116 triệu đồng, hướng dẫn đội ngũ an toàn vệ sinh viên hoạt động…

          1.2. Công tác chăm lo cho đoàn viên và người lao động được triển khai kịp thời, đổi mới về cách thức thực hiện

          Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các cấp công đoàn đã tập trung mọi nguồn lực, kịp thời chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Nhiều mô hình sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ đoàn viên, người lao động ra đời. Phát động trong CNVCLĐ toàn tỉnh ủng hộ vào quỹ Phòng chống dịch Covid-19. Kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh hưởng ứng tham gia chương trình “Một triệu liều vắc xin cho công nhân nghèo”. Tổ chức 04 hội nghị để hướng dẫn chỉ đạo các nhiệm vụ liên quan đến dịch Covid-19, điển hình như: hội nghị để tháo gỡ các vướng mắc trong giải quyết chế độ cho CNLĐ bị F0, hội nghị liên tịch giữa LĐLĐ tỉnh và Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH tỉnh để thống nhất hướng dẫn quy định thủ tục để các đối tượng CNLĐ là F0 được hưởng chế độ BHXH trong thời gian nghỉ việc; Hướng dẫn chế độ làm việc, cách ly của các đối tượng CNLĐ là F1 tại doanh nghiệp... Ban hành 05 văn bản về hướng dẫn chi hỗ trợ cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid -19, CNLĐ trở về từ miền Nam; hướng dẫn CNLĐ đang thuê nhà trọ và CĐCS trong việc chuẩn bị hồ sơ theo Quyết định 08 để nhận hỗ trợ. Xây dựng các kịch bản hoạt động hỗ trợ của Công đoàn tương ứng với các cấp độ dịch. Phối hợp với Đài Truyền hình Nghệ An tổ chức tư vấn trực tiếp về chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19; Kết nối thông tin để giới thiệu việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động khó khăn từ nguồn tài chính công đoàn; tổ chức “bếp ăn Công đoàn”; tổ chức hoạt động "Chuyến xe Nghĩa tình" hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 300 CNLĐ khu nhà trọ Bắc Vinh bị mất việc làm. Các cấp Công đoàn đã hỗ trợ và huy động hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền 27.104.763.000 đồng.

          Hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên và người lao động được triển khai với nhiều cách làm mới, thiết thực và kịp thời. Tổng số tiền tổ chức các hoạt động “Tết Sum vầy” là 57 tỷ 444 triệu đồng. Chương trình “Ngày hội công nhân - Chào Xuân Quý Mão” năm 2023 có 1.500 người tham dự. Chương trình "Mái ấm Công đoàn" với 239 căn nhà được xây mới và sửa chữa với tổng số tiền 8,425 tỷ đồng, xây dựng 02 nhà bán trú cho giáo viên với số tiền 01 tỷ đồng. Chương trình Vay vốn giải quyết việc làm” đã giải ngân 1,3 tỷ đồng. Có 235/543 doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca cho người lao động từ mức 15.000 đồng trở lên, 155 doanh nghiệp đưa nội dung ký kết bữa ăn ca vào TƯLĐTT. Triển khai Chương trình 1734/Ctr-TLĐ ngày 14/11/2019 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Nâng cao phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, người lao động giai đoạn 2019 - 2023”, đã có 71 thỏa thuận được ký kết với hơn 30.000 CNLĐ được thụ hưởng. Một số thỏa thuận có hiệu quả như tầm soát ung thư với Công ty Medlatex, giảm giá vé xe buýt với Công ty xe Buýt Thạch Thành, hỗ trợ ngăn chặn tình trạng “Tín dụng đen” trong CNVCLĐ. So với nhiệm kỳ trước, việc triển khai chương trình đã góp phần nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong việc hỗ trợ đời sống vật chất tinh thần cho người lao động.

           Thực hiện Quyết định 6696/QĐ-TLĐ ngày 16/01/2023 của Tổng Liên đoàn về thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, LĐLĐ tỉnh đã xét duyệt hỗ trợ đợt 1 cho 513 người thuộc 06 doanh nghiệp với số tiền 541,7 triệu đồng, đang xét hồ sơ đề nghị đợt 2 với tổng số tiền 2,4 tỷ đồng cho 1.945 người lao động.

            1.3. Công tác tuyên truyền, vận động có nhiều đổi mới, đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới

          Nội dung, phương thức tuyên truyền của Công đoàn được đổi mới theo hướng chủ động, kịp thời, khai thác tốt các phương tiện truyền thông hiện đại. Thực hiện nắm bắt dư luận xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin để sản xuất và thực hiện công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Tổ chức các cuộc thi "Tìm hiểu 90 năm Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Nghệ An", "Nét đẹp công đoàn và người lao động" ...trên Facebook, Trang Thông tin điện tử đạt kết quả cao.

          Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật được tổ chức với nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng. Việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng, Công đoàn có sự đổi mới, giảm thời gian truyền đạt, tăng thời gian thảo luận. Chủ động cung cấp tài liệu, hướng dẫn đội ngũ báo cáo viên hoạt động; phối hợp với các Ban xây dựng Đảng cung cấp thông tin chính thống đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của Công đoàn.

          Chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Kế hoạch số 58/KH-TU để triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; tập trung triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, quán triệt[5]. Là đơn vị đầu tiên trong toàn quốc tổ chức cuộc thi trực tuyến “Cán bộ công đoàn tỉnh Nghệ An tìm hiểu Nghị quyết   với sự tham gia của 48.700 lượt người, trong đó có trên 13.000 cán bộ, đoàn viên công đoàn từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở[6]. Triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị, đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Công đoàn Nghệ An trong công tác phối hợp, tổ chức các hoạt động, nâng cao năng lực cán bộ công đoàn cũng như phát triển đoàn viên tại các doanh nghiệp.

          Phong trào học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ được triển khai rộng khắp ở các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Trên 65% CNLĐ được đào tạo nghề; phối hợp với chính quyền, chuyên môn tổ chức các Hội thi nâng cao tay nghề[7]. Phong trào văn hoá - thể thao luôn được quan tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả. 2.997 giải thể thao cấp cơ sở, 120 giải thể thao cấp trên cơ sở, 1.165 hội diễn văn nghệ cấp cơ sở, 34 hội diễn cấp trên cơ sở đã được tổ chức.

          Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được duy trì thường xuyên. Kết quả: 100% cán bộ công đoàn, 86% đoàn viên, CNVCLĐ được học tập, quán triệt các nội dung chuyên đề về Chỉ thị 05, viết thu hoạch, đăng ký các nội dung làm theo.

          Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai thực hiện tốt. Tuyên truyền kịp thời các chính sách về hỗ trợ đối với lao động bị nhiễm Covid-19; tổ chức biểu dương Nữ chiến sỹ áo trắng tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19Công tác nắm bắt dư luận xã hội, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về tổ chức Công đoàn được triển khai. Thông qua đội ngũ cộng tác viên kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất kiến nghị của công nhân, lao động phản ánh lên các cấp chính quyền xem xét giải quyết.

          Chỉ đạo 100% CĐCS tổ chức hướng ứng “Tháng Công nhân” hàng năm với tinh thần đổi mới, hướng mạnh đến CNLĐ trực tiếp sản xuất bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa. Hoạt động tại các đơn vị doanh nghiệp được quan tâm và đẩy mạnh; Khối các đơn vị hành chính, hành chính sự nghiệp có nhiều hoạt động hướng đến CNLĐ trong và ngoài địa bàn đang gặp khó khăn. Cùng với việc thăm hỏi, tặng quà CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, biểu dương CNLĐ tiêu biểu, tìm kiếm đối tác để ký kết và thực hiện các chương trình phúc lợi đoàn viên, nhiều chương trình có quy mô, sức lan tỏa lớn được LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn tổ chức trong Tháng Công nhân như: Chương trình “Đến với nhà trọ công nhân", “Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ, tiếp xúc với CNLĐ”, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tiếp xúc với cử tri là CNLĐ; diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp - doanh nghiệp vì công nhân”; chương trình “Hát cho công nhân nghe - Nghe công nhân hát”, thi nét đẹp trong CNLĐ, "Giải nhiệt mùa hè"; khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí, thay dầu xe máy, “Ngày hội CNLĐ”… Tổng kinh phí chi cho hoạt động “Tháng Công nhân” nhiệm kỳ qua khoảng gần 20 tỷ đồng. 

          1.4. Các phong trào thi đua yêu nước được tổ chức rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm và bám sát thực tiễn

          Các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực được đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ tích cực tham gia hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” tiếp tục phát huy vai trò, khẳng định giá trị cốt lõi và xuyên suốt trong các phong trào thi đua của tổ chức công đoàn[8]. Các phong trào thi đua chuyên đề “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”, “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Văn hóa, Thể thao” tiếp tục được phát động và triển khai trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức công đoàn” được phát động tạo động lực thiết thực để phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và sự tâm huyết của cán bộ công đoàn.

           Triển khai Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”: Nghệ An dẫn đầu cả nước về số người đăng ký và số người nộp sáng kiến (với 23.454 sáng kiến). Có 04 sáng kiến được Tổng LĐLĐ Việt Nam biểu dương. Nghệ An biểu dương 06 tập thể và 56 sáng kiến có nhiều thành tích trong triển khai, chỉ đạo và thực hiện phong trào; Triển khai Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” kết thúc giai đoạn 1, Nghệ An có 21.725 lượt nộp sáng kiến, đạt hơn 700% chỉ tiêu giai đoạn 1, xếp thứ 5 trong toàn quốc.  Kết quả của những chương trình đã góp phần duy trì sản xuất trong thời điểm dịch bệnh, giữ được việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế - xã hội; giá trị làm lợi ước tính của các đề tài, sáng kiến là hàng trăm tỷ đồng. 

            Công tác khen thưởng có chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào thực chất, đảm bảo quy định; Tỉ lệ công nhân, lao động trực tiếp được khen thưởng tăng lên, hàng năm có nhiều CNLĐ được UBND tỉnh tặng bằng khen[9]; 118 đề tài được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo, tăng 222% so với nhiệm kỳ trước.

          1.5. Công tác xây dựng tổ chức Công đoàn tiếp tục được củng cố, chăm lo; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh

          Trong nhiệm kỳ đã thành lập mới 200 CĐCS (đạt 130,7% so với chỉ tiêu cả nhiệm kỳ), phát triển 55.130 đoàn viên (đạt 334,12% chỉ tiêu nhiệm kỳ), trong đó có 184 công đoàn ngoài nhà nước với số lượng 50.387 đoàn viên. Số đoàn viên tăng lũy kế so với đầu nhiệm kỳ là 25.397 đoàn viên. Thành lập mới 03 nghiệp đoàn nghề cá với số lượng 2.480 đoàn viên. Công tác quản lý đoàn viên, cập nhật dữ liệu đoàn viên, đổi thẻ đoàn viên được quan tâm triển khai kịp thời[10]. Ban hành Nghị quyết về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong doanh nghiệp và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn.

          Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hướng về cơ sở thực hiện nghiêm túc. Trong nhiệm kỳ, đã tiến hành sáp nhập 01 ban chuyên môn LĐ tỉnh, giải thể Báo Lao động Nghệ An. quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn LĐ tỉnh với 21 Ban Thường vụ các huyện, thành, thị ủy. Công tác rà soát, bổ sung quy hoạch, tiếp nhận, điều động bổ nhiệm cán bộ công đoàn đã được thực hiện theo quy định[11]. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ được tổ chức thực hiện đúng kế hoạch[12].   

          Công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được các cấp công đoàn tham gia bằng việc chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện theo Quyết định 217, 218/QĐ-TW. Giới thiệu 10.276 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp; 19/21 Chủ tịch Công đoàn cấp huyện được bầu vào cấp ủy cùng cấp.

          Chương trình xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm… được tích cực triển khai, thực hiện thông qua việc ban hành kế hoạch với chỉ tiêu, lộ trình, nội dung cụ thể[13].

          1.6. Hoạt động Nữ công được triển khai bằng nhiều hoạt động thiết thực

          Công tác chăm lo cho nữ CNVCLĐ được quan tâm triển khai và nhân rộng với nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực. Các mô hình chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nữ CNVCLĐ và con CNVCLĐ được duy trì và đổi mới như mô hình "Sức khỏe của bạn"; tổ chức "Trại hè cho con CNLĐ", "Diễn đàn chung tay phòng chống bạo lực cho phụ nữ và trẻ em"; chương trình "Chia sẻ yêu thương, cùng em đến trường", "Mẹ đỡ đầu"... Thực hiện tốt sự phối hợp với các ban ngành có liên quan, nhất là phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để chăm lo tốt hơn cho nữ CNVCLĐ như: Diễn đàn “Vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; Cuộc thi "Duyên dáng áo dài" trong nữ CNLĐ; trao 736 suất quà cho nữ CNLĐ nghèo trong các Khu công nghiệp.

          Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” trong nữ CNVCLĐ được triển khai sâu rộng với 91,5% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu hai giỏi. Tổ chức 02 hội nghị biểu dương cấp tỉnh phong trào“Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2010 - 2020, biểu dương “Gia đình CNVCLĐ tiêu biểu” giai đoạn 2016 - 2020.

          Phối hợp tổ chức 81 cuộc kiểm tra giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ. Nội dung kiểm tra tập trung: Việc thực hiện Nghị định 85/2015/NĐ-CP, ngày 01/10/2015 về quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ; chế độ nghỉ thai sản, được quy định tại Điều 32 Luật BHXH năm 2014 và Nghị định 145/2020/NĐ- CP ngày 14/12/2020 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

          Hàng năm, nữ CNVCLĐ được tạo điều kiện tham gia tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao trình độ, tay nghề, bậc thợ. Nhiều chị đã được tín nhiệm và bầu vào vị trí chủ chốt trong Đảng, chính quyền và tổ chức công đoàn[14].

          Công tác kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng  được quan tâm, 76% công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước thành lập Ban Nữ công quần chúng.  

          1.7. Công tác tài chính, tài sản công đoàn được chú trọng; nguồn thu được đảm bảo góp phần chăm lo tốt hơn cho người lao động

           Trong nhiệm kỳ, công đoàn các cấp đã thực hiện đúng các quy định về phân cấp quản lý, sử dụng tài chính, tài sản nhất là các chủ trương mới như: Tăng tỷ lệ cấp kinh phí và đoàn phí cho CĐCS; tập trung nguồn lực hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động gặp khó khăn về thiên tai, dịch bệnh; phân cấp thẩm quyền trong đầu tư mua sắm, đầu tư sửa chữa cải tạo tài sản công từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên... Chủ động xây dựng Đề án “Tập trung phát triển nguồn lực làm cơ sở để tổ chức các hoạt động” làm căn cứ để thực hiện một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII. Các chỉ tiêu của Đề án cơ bản thực hiện hoàn thành và vượt kế hoạch. Giai đoạn 2018 - 2021 có 05/08 chỉ tiêu đạt và vượt[15], còn 03 chỉ tiêu chưa đạt[16]. Thực hiện việc phân cấp thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản đến Công đoàn cấp huyện, ngành. Thu tài chính công đoàn tăng qua các năm[17]; bình quân 05 năm tăng 12,2% chỉ tiêu kế hoạch. Thực hiện thu khối doanh nghiệp qua tài khoản chung của Tổng Liên đoàn đạt 84% so với chỉ tiêu được giao.

          Chi tài chính được thực hiện đúng theo quy định. Các chế độ, định mức chi tiêu được kiểm tra, giám sát chặt chẽ; Tập trung chi hoạt động bảo vệ lợi ích đoàn viên, người lao động và công tác tuyên truyền[18]. Nguồn tài chính tích lũy ngày càng tăng. Tỷ lệ tăng trưởng tài chính tích lũy bình quân hàng năm đạt 21,72%.

          Công tác quản lý tài sản ngày càng chặt chẽ, có hệ thống; không có hiện tượng sử dụng lãng phí; Việc quản lý hạch toán tài sản được thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp trên trực tiếp cơ sở; Công tác mua sắm, sử dụng tài sản từng bước được quan tâm, chú trọng về công năng sử dụng. Kế hoạch sử dụng nguồn vốn mua sắm, đầu tư xây dựng được bố trí cân đối từ nguồn tài chính tích lũy và nguồn hoạt động thường xuyên. Thực hiện việc sắp xếp tài sản công của tổ chức Công đoàn theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay có 21 đơn vị cấp huyện, 03 đơn vị trực thuộc đã hoàn thiện hồ sơ trình Tổng Liên đoàn, Bộ Tài chính xem xét phê duyệt, đạt tỷ lệ 100%.

          Lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc quản lý tài chính, tài sản các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế công đoàn. Sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của 02 đơn vị sự nghiệp, thực hiện cơ cấu lại 01 doanh nghiệp Công đoàn.

          1.8. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; công tác giải quyết đơn thư

 khiếu nại tố cáo được tiến hành kịp thời

          Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Công đoàn các cấp đã thực hiện  29.876 cuộc kiểm tra, giám sát (kiểm tra chấp hành Điều lệ: 13.261 cuộc; kiểm tra quản lý tài chính 13.359 cuộc; giám sát 3.254 cuộc).

          Tập trung kiện toàn, bố trí sắp xếp ủy viên UBKT LĐLĐ tỉnh và UBKT cấp trên trực tiếp cơ sở đủ số lượng, đảm bảo chất lượng theo đúng tinh thần Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ ngày 03/8/2015 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của UBKT Công đoàn”.

          Công tác giải quyết và tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo kịp thời, không để đơn thư tồn đọng. Các cấp công đoàn đã tiếp nhận 188 đơn thư khiếu nại, tố cáo phản ánh (trong đó có 05 đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của công đoàn). Đã có 143 người trở lại làm việc, 04 người được hạ mức kỷ luật; số tiền bồi thường cho đoàn viên và người lao động là 417.642.000 đồng. Công tác tham mưu xử lý kỷ luật được UBKT các cấp tiến hành đúng quy định[19].

          1.9. Công tác chỉ đạo, điều hành được đổi mới; công tác đối ngoại tiếp tục được thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước

          Đổi mới công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo hướng phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Xây dựng mối quan hệ đoàn kết thống nhất trong ban thường vụ, ban chấp hành. Bám sát các các Nghị quyết, Chỉ thị, định hướng chủ trương lớn của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII để triển khai thực hiện.

          Linh hoạt tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Chú trọng cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hội họp, phát hành văn bản; Nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hội nghị, hội thảo và các hoạt động chăm lo cho người lao động. Tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả 03 khâu đột phá: "Nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ cán bộ công đoàn”, “Chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên gắn với bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động”, “Tập trung phát triển nguồn lực làm cơ sở để tổ chức các hoạt động".

          Xây dựng mối quan hệ phối hợp với chính quyền, chuyên môn và các tổ chức trong hệ thống chính trị, các ngành để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đã được đề ra[20]. Tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để tạo thêm nguồn lực hỗ trợ tổ chức các hoạt động[21]. Thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sắp xếp, kiện toàn và tổ chức hoạt động.

          Mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với Công đoàn tỉnh Gyeonggy - Hàn Quốc và Công đoàn tỉnh Xiêng Khoảng - Lào được củng cố, phát triển với các hoạt động trao đổi đoàn, học tập kinh nghiệm đã góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa LĐLĐ tỉnh với tổ chức Công đoàn địa phương các nước đóng góp vào thành công chung của công tác đối ngoại Công đoàn và công tác đối ngoại nhân dân.

          1.10. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết

          Có 23 chỉ tiêu đạt và vượt, có 05 chỉ tiêu chưa đạt[22] (có bảng thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 kèm theo).

          2. Hạn chế và nguyên nhân

          2.1. Hạn chế

          Hoạt động khảo sát, nắm bắt việc thực hiện các chế độ chính sách chưa được thực hiện thường xuyên. Công tác tham gia kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa cao. Chất lượng TƯLĐTT đạt loại A còn hạn chế. Chất lượng, số lượng hội nghị người lao động, đối thoại hàng năm chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại một số doanh nghiệp chưa kịp thời. Tác phong công nghiệp của một bộ phận CNLĐ chưa tốt.

          Tỷ lệ đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các lợi ích từ các hoạt động chăm lo của các cấp công đoàn chưa cao. Việc phát động phong trào thi đua ở một số đơn vị còn hình thức. Tỷ lệ CNLĐ được khen thưởng chưa nhiều. 

          ng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội ở một số đơn vị chậm được đổi mới. Hoạt động “Tháng Công nhân” chưa đồng đều. Công tác điều tra, nắm bắt, dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời. Tổ chức thi tay nghề, nâng bậc thợ chưa rộng khắp. Công tác đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch về tổ chức công đoàn trên các trang mạng xã hội triển khai hiệu quả chưa cao.

           Thành lập CĐCS, phát triển đoàn viên và việc giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước còn nhiều hạn chế.

          Chất lượng kiểm tra tài chính đồng cấphoạt động của UBKT của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và cấp cơ sở chưa cao. Việc giải quyết và tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có nơi, có lúc còn bị động.

          Công tác quản lý tài chính, tài sản ở một số đơn vị được phân cấp chưa chặt chẽ; sử dụng nguồn lực tài chính chưa khoa học; một số đơn vị đóng kinh phí không đúng theo quy định; tỷ lệ thu kinh phí ở khối doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn chưa đạt kế hoạch đề ra; việc tái cơ cấu tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Du lịch Thương mại Công đoàn Nghệ An còn vướng mắc.

          Có 05 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 chưa đạt (Tỷ lệ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt loại hoàn thành tốt nhiệm vụ (đạt 95,85% kế hoạch). Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn tổ chức hội nghị người lao động (đạt 88,7% kế hoạch). Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc (đạt 88,7% kế hoạch). Tỷ lệ bản TƯLĐTT đạt loại A (đạt 61,4% kế hoạch). Chưa xây dựng được thiết chế công đoàn.

          2.2. Nguyên nhân

          Nguyên nhân khách quan

          Hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn thay đổi nhanh với nhiều quy định mới; sự phát triển và tác động tiêu cực của mạng xã hội; tình hình kinh tế - xã hội thế giới và đất nước có nhiều biến động, đặc biệt là đại dịch Covid-19; công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động còn hạn chế; tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động còn tiếp diễn; đời sống của một bộ phận người lao động còn gặp khó khăn.

          Nguyên nhân chủ quan

          Công tác tham mưu với cấp ủy đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công đoàn, công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan trong tổ chức hoạt động có lúc, có nơi thiếu chủ động, chưa hiệu quả.

          Một bộ phận cán bộ công đoàn chậm đổi mới tư duy, chưa theo kịp yêu cầu của hoạt động công đoàn trong tình hình mới. Một số cán bộ công đoàn còn hạn chế về nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức hoạt động.

          Công tác chỉ đạo, hỗ trợ của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với CĐCS chưa quyết liệt, kịp thời; chưa làm tốt công tác phối hợp, huy động các nguồn lực xã hội để tổ chức có hiệu quả các hoạt động Công đoàn. 

          3. Bài học kinh nghiệm

          Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII Công đoàn tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII, có thể rút ra nhiều bài học, trong đó trọng tâm là một số bài học kinh nghiệm sau:

          Một là: Chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, Tổng Liên đoàn, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền và tranh thủ sự hỗ trợ các nguồn lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện nhiệm vụ.

          Hai là: Tập trung nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và thường xuyên đổi mới các hình thức chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động ngay từ cấp cơ sở.

          Ba là: Tập thể Ban Chấp hành và Ban Thường vụ phải đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong công tác, quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động công đoàn, hướng về người lao động. Quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Công đoàn cho cán bộ công đoàn. Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trình độ, năng lực, sâu sát với đoàn viên.

          Bốn là: Công tác tuyên truyền phải tiến hành kịp thời, bằng nhiều hình thức phù hợp để lan tỏa, nhân rộng các gương điển hình, những cách làm hay trong hoạt động Công đoàn.

          Năm là: Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải linh hoạt, sáng tạo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết. 

          Đánh giá chung: Nhiệm kỳ qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song   các cấp Công đoàn tỉnh Nghệ An đã tập trung đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện thắng lợi cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội  Công đoàn tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII đã đề ra. Thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động;công tác tuyên truyền, vận động có nhiều đổi mới; công tác chăm lo cho đoàn viên và người lao động thực sự được quan tâm triển khai với nhiều hoạt động nổi bật; các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực tiếp tục được phát huy hiệu quả và có sức lan toả; công tác xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được tập trung thực hiện; công tác Nữ công có nhiều nội dung hoạt động thiết thực, hiệu quả; công tác tài chính và quản lý tài chính, tài sản công đoàn được tăng cường; công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng; công tác đối ngoại có nhiều kết quả; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên đổi mới, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc (năm 2021), UBND tặng Cờ thi đua xuất sắc (năm 2022).

          II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH, MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU VÀ KHÂU ĐỘT PHÁ NHIỆM KỲ 2023 - 2028

          1. Dự báo tình hình

          Dự báo trong 05 năm tới, phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn tỉnh Nghệ An sẽ có những thuận lợi cơ bản. Pháp luật Lao động, Luật Công đoàn tiếp tục được hoàn thiện; Luật thực hiện dân chủ cơ sở có hiệu lực từ ngày 01/7/202. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu xác định Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An hiện nay là một trong những điểm đến của các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế, đặt ra nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực lao động có kỹ thuật, chất lượng cao. Đội ngũ CNVCLĐ Nghệ An sẽ tăng nhanh về số lượng khi nhiều dự án lớn đi vào hoạt động. Xu hướng có sự gia tăng của lao động di cư đến Nghệ An làm việc. Nghị quyết 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” sẽ là cơ sở chính trị quan trọng để hoạt động công đoàn tiếp tục được chăm lo và hoàn thiện hơn.

          Tuy nhiên, phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn tỉnh Nghệ An cũng đứng trước không ít khó khăn: Dưới tác động của cách mạng công nghệ 4.0, thay đổi công nghệ, sự phức tạp của tình hình thế giới nhiều doanh nghiệp sẽ không đủ sức cạnh tranh làm cho người lao động đối diện với nguy cơ mất việc làm. Có sự cạnh tranh với các tổ chức khác trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn, thu kinh phí công đoàn. CNLĐ tập trung đông ở một số khu công nghiệp tạo sức ép về nhu cầu phát triển hạ tầng, giải quyết các vấn đề xã hội và an ninh trật tự. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ làm dôi dư một số công chức, viên chức. Âm mưu của các thế lực thù địch luôn muốn chuyển hóa các cuộc đình công thành các cuộc biểu tình, gây rối trên địa bàn tỉnh. 

          2. Mục tiêu 

          Xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn các cấp vững mạnh; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới, trọng tâm là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của đoàn viên, người lao động; giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; là trung tâm tập hợp, đoàn kết công nhân lao động góp phần xây dựng Nghệ An phát triển nhanh và bền vững.

          3. Chỉ tiêu phấn đấu:

        Chỉ tiêu hàng năm:  

            - 100% CĐCS khu vực hành chính, sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước ban hành và và tổ chức thực hiện đúng quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc.

          - Có ít nhất 90 % công đoàn tại doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia với người sử dụng lao động ban hành, triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; 70% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, tổ chức đối thọai tại nơi làm việc.

          -  Có ít nhất 90% CNVCLĐ được tham gia học tập chủ trương, chính sách, pháp luật  của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết của công đoàn. 

          - Có ít nhất 80% đoàn viên, người lao động được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do công đoàn tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.

          - Vận động ít nhất 65% đoàn viên và người lao động tự học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động, năng lực số.

          - Có ít nhất 85% CĐCS cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, 60% CĐCS khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước, nghiệp đoàn đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ; 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

          - 100% Ủy viên Ban Chấp hành công đoàn các cấp được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn.

          - Thu kinh phí khối sản xuất kinh doanh qua tài khoản chung của Tổng LĐLĐ Việt Nam đạt 100% theo chỉ tiêu của Tổng Liên đoàn giao.

          - Bình quân mỗi CĐCS giới thiệu ít nhất 01 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp.

          - LĐLĐ tỉnh kiểm tra ít nhất 25% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về tài chính và chấp hành Điều lệ Công đoàn.

          - Ít nhất 10% CĐCS khối doanh nghiệp (trong đó 100% CĐCS có 500 lao động trở lên) được công đoàn cấp trên kiểm tra, giám sát về tài chính.

          Chỉ tiêu nhiệm kỳ:

          - Có ít nhất 75% số vụ việc của đoàn viên có nhu cầu tư vấn, tranh tụng về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng sẽ có đại diện công đoàn tham gia hoặc được công đoàn hỗ trợ.

          - Có ít nhất 91% các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được TƯLĐTT; ít nhất 40% bản TƯLĐTT đạt loại A.

          - Hoàn thành xây dựng ít nhất 01 thiết chế của tổ chức công đoàn. Xây dựng ít nhất 02 công trình nhà công vụ cho cán bộ đoàn viên vùng sâu, vùng xa.

          - Tổ chức được ít nhất 02 giải Thể thao, 01 Hội diễn (Liên hoan) nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh.

          - 100% CĐCS hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, 80% trở lên CĐCS ngoài khu vực nhà nước đủ điều kiện, thành lập được Ban Nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

          - Thành lập mới 200 CĐCS, phát triển mới 80.000 đoàn viên công đoàn. Cuối nhiệm kỳ Công đoàn tỉnh Nghệ An có 210.000 đoàn viên.

          - 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được trang bị phòng họp trực tuyến, thực hiện phòng họp không giấy; 100% công đoàn cấp trên cơ sở thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động trên không gian mạng; 90% đoàn viên sử dụng thành thạo các dịch vụ công trực tuyến có liên quan chế độ chính sách người lao động.

           - 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở kiểm tra tài chính đồng cấp đúng tiến độ.

          4. Khâu đột phá:

          (1) Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, trọng tâm là chủ tịch công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có kỹ năng hoạt động công đoàn, tâm huyết trách nhiệm, uy tín.

          (2) Tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời gian làm việc.

          (3) Chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động Công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và Tài chính.

          III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NHIỆM KỲ 2023 - 2028

          1. Tập trung đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động

          Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là hoạt động thường xuyên, cần ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực. Chủ động phối hợp, đề xuất với cơ quan liên quan duy trì thường xuyên công tác tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến người lao động.

          Tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 10b/NQ-BCH ngày 12/01/2017 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Nâng cao hiệu quả công tác pháp luật của tổ chức công đoàn trong tình hình mới”. Đổi mới hình thức tư vấn pháp luật: Tư vấn tại văn phòng, tư vấn qua điện thoại; Các cấp công đoàn triển khai thêm các hoạt động tư vấn khác (đối thoại nơi làm việc, nơi ở, tư vấn pháp luật sau giờ tan ca, trước cổng doanh nghiệp...). Tập trung nâng cao năng lực thực hiện hiện quyền khởi kiện, đại diện đoàn viên và người lao động tham gia tố tụng tại toà án theo quy định của pháp luật.

          Tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

          Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10c/NQ-BCH ngày 12/01/2017 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới. Tích cực tham gia tổ chức thực hiện “Tháng hành động về ATVSLĐ” hàng năm, nâng cao chất lượng công tác ATVSLĐ, đảm bảo điều kiện làm việc cho đoàn viên, người lao động. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác ATVSLĐ và mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở cơ sở, góp phần xây dựng văn hóa an toàn lao động tại khu vực doanh nghiệp; đẩy mạnh phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp” tại các đơn vị, doanh nghiệp...

          Triển khai, thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-LĐLĐ ngày 11/8/2022 của Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Nghệ An về “Tăng cường vai trò của các cấp Công đoàn Nghệ An trong việc nâng cao chất lượng, số lượng TƯLĐTT tại các doanh nghiệp giai đoạn 2022 - 2028”. Trong đó, chủ động đề xuất, thương lượng, ký kết TƯLĐTT để đưa lại nhiều quyền lợi cao hơn quy định, trọng tâm là tiền lương, điều kiện làm việc.

          Tham gia xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp lao động cùng cấp, lãnh đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa; cung cấp dịch vụ hỗ trợ đoàn viên; chỉ đạo, tổ chức tiếp nhận, phản ánh nguyện vọng, lợi ích của đoàn viên, lấy ý kiến các chuyên gia để tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, người lao động, nhất là những chế độ, chính sách ở địa phương. Phối hợp có hiệu quả với người sử dụng lao động, tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong đó, tập trung việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nâng cao tỷ lệ và chất lượng hội nghị dân chủ, đối thoại tại doanh nghiệp, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị hành chính sự nghiệp. Hỗ trợ CĐCS tham gia với người sử dụng lao động xây dựng thang, bảng lương.

          Nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của người lao động, tình hình quan hệ lao động, sản xuất kinh doanh, thực hiện chế độ, chính sách của doanh nghiệp; tổ chức chặt chẽ lực lượng đoàn viên công đoàn để lãnh đạo, tổ chức đình công theo quy định pháp luật. Tham gia giải quyết kịp thời, hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động, đình công.

          Làm tốt công tác vận động CNLĐ nâng cao ý thức, tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật và nội quy lao động của doanh nghiệp, góp phần hạn chế đình công xẩy ra tại các địa phương, đơn vị.

          2. Tổ chức các hoạt động góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đoàn viên, người lao động

          Đổi mới căn bản hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo hướng tập trung và huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện công tác chăm lo, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho đoàn viên, người lao động. Trong đó, ưu tiên chăm lo, nâng cao tỉ lệ thụ hưởng với các đối tượng thu nhập thấp, lao động nữ, lao động yếu thế, lao động đặc thù; quan tâm chăm lo con công nhân, viên chức, người lao động.

          Triển khai thực hiện Kết luận số 03/KL-BCH, ngày 18/01/2022 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-TLĐ ngày 25/02/2016 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”.

          Tăng cường ký kết các chương trình phúc lợi với doanh nghiệp, phúc lợi xã hội, trong đó quan tâm việc đánh giá kết quả đoàn viên, người lao động được thụ hưởng.   Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp để hoàn thành xây dựng thiết chế  Công đoàn tại khu công nghiệp Bắc Vinh. Vận động, tiết kiệm kinh phí để xây dựng nhà công vụ cho cán bộ đoàn viên vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục đề nghị và tiến hành giám sát việc bố trí quỹ đất trong các khu công nghiệp để xây dựng nhà ở, các thiết chế văn hóa thể thao cho công nhân.

          Duy trì và tiếp tục đổi mới các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở và người lao động. Tổ chức các hoạt động chăm lo dịp Tết Nguyên đán cho CNVCLĐ: Chương trình “Tết Sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn”, “Gian hàng 0 đồng”, “Gian hàng giảm giá”; ngăn chặn tình trạng “Tín dụng đen”, thăm hỏi CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Đẩy mạnh các hoạt  động “Đền ơn đáp nghĩa”, ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo”…; các hoạt động xã hội, từ thiện, tương thân tương ái trong đoàn viên, người lao động. Kiện toàn và sắp xếp lại các loại quỹ thành Quỹ xã hội từ thiện Công đoàn Nghệ An.

          3. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động

          Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp trong đoàn viên, người lao động. Tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đối tượng đoàn viên, người lao động ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và doanh nghiệp FDI về ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động, nội quy doanh nghiệp.

          Tổ chức các hoạt động kỷ niệm các Ngày lễ lớn của đất nước, của tổ chức Công đoàn, góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng, nâng cao nhận thức của đoàn viên, người lao động về Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, nhân cách, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới; khơi dậy khát vọng phát triển xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng giàu mạnh.

          Tăng cường tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cấp ủy Đảng và chính quyền trong công tác chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh.                           

          Tổ chức tuyên truyền, giám sát việc thực hiện các chuyên đề hàng năm về thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Đề án 03 về công tác tư tưởng và Chỉ thị 08 về tiếp tục phát huy vai trò nêu gương, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện nếp sống văn hóa, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ đảng viên, công chức, viên chức gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

          Xây dựng, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng nòng cốt, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của tổ chức công đoàn. Nắm chắc, dự báo chính xác, định hướng kịp thời, xử lý đúng đắn, hiệu quả các vấn đề tư tưởng của đoàn viên, nhất là về tổ chức và hoạt động công đoàn. Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội. Tăng cường bảo vệ các giá trị của Công đoàn Việt Nam, kiên quyết, kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

          Đổi mới công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh người công nhân thời đại mới, tuyên truyền các cá nhân điển hình theo từng hình mẫu để lan tỏa gần gũi trong đội ngũ CNLĐ. Tiếp tục phát huy có hiệu quả hoạt động truyền thông trực tiếp kết hợp truyền thông hiện đại; khai thác, sử dụng có hiệu quả các kênh tuyên truyền hiện đại (Facebook, Youtube, Zalo, Instagram, Tiktok…). Đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị phục vụ công tác truyền thông như: Nâng cấp Trang thông tin điện tử Công đoàn Nghệ An về chức năng quản lý, bố cục và giao diện chính, giao diện bài viết, tính năng bài viết… Nâng cao chất lượng trang fanpage, Youtube Công đoàn Nghệ An để tăng lượng người theo dõi. Ứng dụng công nghệ thông tin để nắm bắt và dự báo tình hình tư tưởng, tâm trạng của CNVCLĐ; sản xuất các sản phẩm truyền thông như: infographic, khung hình đại diện, video, clip… Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị truyền thông đa phương tiện cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp.

          Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong “Tháng Công nhân”, để đoàn viên, người lao động có “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”.

          Tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tham gia các phong trào: “Học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp”, “Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở”, “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp”, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá; Chỉ đạo Nhà Văn hóa Lao động tỉnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, chú trọng đưa các hoạt động tinh thần đến với CNLĐ. Vận động CNVCLĐ ứng dụng các App chuyển đổi số có liên quan đến quyền và nghĩa vụ trong lao động, sản xuất kinh doanh.

          4. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức thi đua và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng

          Tổng kết, đánh giá tính hiệu quả, sức lan tỏa của các phong trào thi đua để điều chỉnh, hoàn thiện, tập trung phát triển có trọng điểm. Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, giám sát thực hiện các phong trào thi đua đảm bảo tính thường xuyên, liên tục. Tiếp tục phát triển và khẳng định vai trò nòng cốt của phong trào Lao động giỏi, Lao động sáng tạo. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua chuyên đề nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn. Phát triển các phong trào, các cuộc vận động lớn trong nữ CNVCLĐ. Đổi mới ni dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Cụm, Khối thi đua.

          Phát động và triển khai cuộc vận động “Đoàn kết, cùng đoàn viên, người lao động vượt khó”; nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”; tích cực tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

          Đẩy mạnh công tác phát hiện, lựa chọn, tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến; chú trọng phát hiện các gương điển hình, tổ chức biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời, tạo sự lan toả; quan tâm tổng kết, phát triển mô hình mới, cách làm hay. Quan tâm đề xuất số lượng khen thưởng thành tích cao cho lực lượng CNLĐ trực tiếp. Chủ động chỉ đạo, phát động thi đua trên các công trình trọng điểm chào mừng các sự kiện chính trị của đất nước, tỉnh nhà.

          Hoàn thiện tiêu chí bình xét khen thưởng theo hướng cụ thể, trọng tâm, lượng hóa được thành tích, định lượng được tiêu chuẩn, bảo đảm khen thưởng kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, tập trung cho người lao động trực tiếp. Duy trì ổn định và tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên cho cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng các cấp.

          5. Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; thu hút người lao động, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp vào Công đoàn Việt Nam

          Thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Chú trọng phát triển đoàn viên trong công nhân trực tiếp sản xuất ngoài khu vực ngoài nhà nước, đổi mới cách thức tiếp cận tuyên truyền phát triển đoàn viên; phát huy tốt vai trò Ban chỉ đạo, tổ hỗ trợ phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

          Đẩy nhanh tiến độ cập nhật thông tin đoàn viên lên phần mềm quản lý đoàn viên, thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý đoàn viên.

          Nâng cao năng lực lãnh đạo của Ban Chấp hành; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động CĐCS. Phát huy uy tín, trách nhiệm của cán bộ công đoàn và sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của hệ thống chính trị, tạo sự khác biệt giữa đoàn viên với người lao động nhằm thu hút người lao động vào tổ chức công đoàn...

          Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy các cấp công đoàn tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, đồng bộ.

          Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp; xây dựng quy hoạch cán bộ, đào tạo cán bộ theo vị trí việc làm, chuẩn bị đội ngũ một cách chủ động, đủ năng lực tiếp nhận và tổ chức thực hiện với tư duy đổi mới, hiện đại, phù hợp.

          Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Đối với cán bộ công đoàn chuyên trách quan tâm đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch và theo khung năng lực vị trí việc làm. Đối với cán bộ CĐCS quan tâm bồi dưỡng cán bộ CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh về nghiệp vụ công tác công đoàn. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ công đoàn xuất thân từ công nhân, cán bộ nữ, cán bộ trẻ được rèn luyện thực tiễn và cán bộ công đoàn cấp cơ sở ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

          Đổi mới công tác đánh giá, xếp loại đoàn viên đảm bảo thực chất. Thường xuyên phát hiện, bồi dưỡng, phát huy vai trò đoàn viên ưu tú, có triển vọng, chuẩn bị nguồn cán bộ công đoàn và giới thiệu cho Đảng xem xét, phát triển; chú ý giới thiệu, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú là công nhân trực tiếp sản xuất. Tham gia thành lập và nâng cao chất lượng của tổ chức cơ sở Đảng tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

          Chủ động thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tham gia thực hiện cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc, hướng đến phục vụ đoàn viên, người lao động doanh nghiệp tốt hơn.

          6. Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại lớn mạnh, xây dựng Đảng, nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

           Quan tâm tổ chức các hoạt động hướng đến công nhân trẻ, công nhân nữ, công nhân dân tộc thiểu số. Quan tâm thực hiện hiệu quả chính sách bình đẳng giới, các chính sách hỗ trợ công nhân nữ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, vận động đề cao, tôn vinh người công nhân. Tham gia phát triển việc làm bền vững cho công nhân. Phối hợp triển khai Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030” theo Quyết định số 1268/QĐ-TLĐ ngày 19/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

          Chủ động đề xuất và tham gia với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đào tạo lại, đào tạo nâng cao để công nhân làm chủ công nghệ mới, thích ứng với những thay đổi về công nghệ sản xuất, về việc làm trong trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số; Phát huy vai trò của trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật số 1 Nghệ An trong tham gia đào tạo, đào tạo lại và nâng cao tay nghề cho công nhân.

          Tiếp tục phát huy hiệu quả các hoạt động của Tháng Công nhân theo hướng chú trọng các hoạt động tại cơ sở nhất là tại doanh nghiệp, chăm lo tốt hơn quyền lợi của người lao động, thúc đẩy sự tiến bộ của người lao động, khẳng định vai trò tích cực của người lao động trong xây dựng, phát triển cơ quan, đơn vị.

           Tiếp tục đề nghị các cơ quan có liên quan quan tâm đời sống vật chất và tinh thần của CNLĐ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

          Phát hiện, bồi dưỡng, phát huy vai trò đoàn viên ưu tú, có triển vọng, chuẩn bị nguồn cán bộ công đoàn và giới thiệu cho Đảng xem xét, phát triển. Tham gia thành lập và nâng cao chất lượng của tổ chức cơ sở đảng ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

          Tham gia giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.

           7. Tập trung thực hiện công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động

          Đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, giáo dục các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ, nhận thức trong đoàn viên và lao động nữ. Đổi mới công tác đào tạo cán bộ nữ công, cán bộ lãnh đạo Công đoàn là nữ và coi trọng vấn đề giới trong công tác cán bộ phù hợp với tình hình hiện nay.

          Chủ động đề xuất, tham gia xây dựng, chính sách pháp luật liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới. Chú trọng nội dung giám sát, phản biện về chế độ, chính sách, pháp luật và bình đẳng giới liên quan đến lao động nữ; tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành về việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới. Tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tại nơi cư trú, phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Nghệ An thời đại mới: Có tri thức, đạo đức, sức khỏe, khát vọng vươn lên; có trách nhiệm với gia đình và Tổ quốc”.

          Nâng cao chất lượng hoạt động của công tác nữ công và Ban Nữ công quần chúng của công đoàn các cấp, nhất là CĐCS doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước: Tiếp tục triền khai thực hiện Nghị quyết số 12b/NQ-BCH ngày 12/7/2017 về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tập trung thành lập, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng đặc biệt là Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

          8. Xây dựng nguồn tài chính để thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn

          Công đoàn các cấp thường xuyên rà soát, xây dựng, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện quy định về tài chính công đoàn đảm bảo các tiêu chuẩn, chế độ định mức theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn. Thực hiện nghiêm túc việc sử dụng nguồn lực tài chính đúng mục đích, phân bổ nguồn lực theo hướng tăng tỷ trọng chi trực tiếp cho hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động trên cơ sở xác định rõ các nội dung hoạt động trọng tâm trong kỳ kế hoạch.

          Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp để thu đúng, thu đủ và kịp thời, chống thất thu kinh phí và đoàn phí khối doanh nghiệp, tăng dần tỉ trọng thu đoàn phí trong cơ cấu thu tài chính công đoàn. Tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại xây dựng cơ sở dữ liệu thu kinh phí qua tài khoản tập trung của Tổng Liên đoàn. Chi tài chính công đoàn cân đối, tiết kiệm, hiệu quả và có tăng trưởng.

          Quản lý việc sử dụng tài chính, tài sản công đoàn chặt chẽ, gắn với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác quản lý sử dụng tài chính, tài sản, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong các cấp công đoàn.

          Tiếp tục thực hiện cơ chế phân cấp quản lý, sử dụng tài chính, tài sản triệt để, toàn diện theo hướng tăng dần tỷ lệ đơn vị tự chủ về tài chính. Xác định định mức chi tài chính phù hợp với vùng miền, đặc thù từng loại hình hoạt động công đoàn để đảm bảo tính tự chủ ngày càng cao.

          Ứng dụng các phần mềm quản lý về tài chính, tài sản để quản lý, kiểm tra, giám sát các báo cáo dự toán, quyết toán tài chính, tài tản... 

           Phối hợp với các tổ chức tài chính hỗ trợ về lãi suất vốn vay, các ưu đãi trong sử dụng vốn vay nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được vay với lãi suất phù hợp để ổn định cuộc sống.

           Tiếp tục thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn về phân loại đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế công đoàn. Thực hiện phương án tự chủ giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo; sắp xếp đổi mới Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Du lịch và Thương mại Công đoàn Nghệ An theo hướng cổ phần hóa phù hợp với xu thế phát triển.

          9. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động công đoàn

          Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác kiểm tra, giám sát; triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện công tác kiểm tra, trọng tâm là kiểm tra tài chính đồng cấp.

          Tập trung kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết đại hội công đoàn các cấp; việc cụ thể hóa các chương trình, đề án của công đoàn cấp trên; nâng cao chất lượng kiểm tra chấp hành Điều lệ và việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của công đoàn các cấp.

          Tiếp tục chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy UBKT công đoàn các cấp; thường xuyên xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra công đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực công tác.

          Đổi mới phương pháp, quy trình công tác kiểm tra, giám sát. Kết hợp chặt chẽ giữa nội dung, chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ với  UBKT công đoàn các cấp để sớm phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm.

          Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự tự giác, thống nhất cao giữa ý chí và hành động trong cán bộ đoàn viên công đoàn về công tác kiểm tra, giám sát và phòng chống tham nhũng, lãng phí; trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu ban chấp hành công đoàn các cấp.

          10. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, thích ứng với bối cảnh tình hình mới; triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại

          Nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án của các cấp công đoàn theo hướng thiết thực, ngắn gọn, khả thi, sát thực tiễn, dễ thực hiện; đảm bảo rõ mục tiêu, việc cần làm, rõ nguồn lực, cách thức thực hiện, thời gian hoàn thành.

          Đổi mới phương thức hoạt động công đoàn trong điều kiện mới, theo hướng lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm, đảm bảo khoa học, kịp thời, thiết thực, cấp trên phục vụ cấp dưới, CĐCS gắn bó và phục vụ đoàn viên, người lao động.

          Thực hiện việc có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm được phân công phụ trách. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, phát huy dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành. Thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết và nhân rộng các mô hình tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.

          Đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của cán bộ công đoàn các cấp theo hướng giảm bớt họp hành, nói gọn, viết ngắn, tăng cường đi cơ sở và lắng nghe cơ sở; giải quyết hiệu quả, kịp thời những phản ánh của đoàn viên, người lao động, của công đoàn cấp dưới.

          Tập trung thực hiện cải cách hành chính trong hệ thống tổ chức công đoàn. Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành và hoạt động công đoàn các cấp.

          Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, tổ chức Công đoàn; sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các sở, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể các cấp trong hoạt động công đoàn. Phát huy trí tuệ, tính tích cực, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hoạt động công đoàn thích ứng với bối cảnh tình hình mới.

          Quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 15/NQ-TLĐ, ngày 11/02/2022 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Chủ động hợp tác giao lưu trao đổi, học tập kinh nghiệm hoạt động công đoàn với Công đoàn tỉnh Xiêng Khoảng - Lào, Công đoàn tỉnh Gyeongi - Hàn Quốc, theo chương trình hợp tác đã ký kết.

          Với truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân Trường Thi - Bến Thủy, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Đại hội Công đoàn tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, thể hiện ý chí quyết tâm, năng động, linh hoạt, sáng tạo, hướng tới của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn tỉnh; tận dụng thời cơ, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, đoàn kết tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Nghệ An lần thứ XIX đề ra, xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng lớn mạnh, tạo bước phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.

 

BẢNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHỈ TIÊU ĐẠI HỘI XVIII, NHIỆM KỲ 2018 - 2023

                       

TT

Nội dung

Đơn vị tính

Chỉ tiêu Đại hội XVIII Công đoàn Nghệ An

Năm thực hiện

Bình quân hoặc tổng cộng 5 năm hoặc đến hết năm 2022

Tỷ lệ % đạt được so với chỉ tiêu nhiệm kỳ

Ghi chú

2018

2019

2020

2021

2022

 

Tổng số CĐCS

 

 

3043

2968

2882

2887

2885

 

 

 

I

Nhóm chỉ tiêu của tổ chức công đoàn

 

 

 

 

 

 

 

1

Tỉ lệ đơn vị có tổ chức công đoàn tuyên truyền pháp luật

%

100

    100

    100

        100

     100

       100

            100

         100

Đạt

2

Tỉ lệ công nhân, viên chức, lao động được truyên truyền phổ biến giáo dục chính sách pháp luật

%

90

      91

      93

          92

       91

         92

              92

         102

Vượt

3

Thành lập mới công đoàn cơ sở

CĐCS

150

46

37

38

35

44

            200

    133,33

Vượt

4

Phát triển đoàn viên tăng lũy kế

Đoàn viên

15000

572

1303

3923

9182

10989

       25.963

    173,09

Vượt

5

Tỉ lệ doanh nghiệp có trên 25 lao động thành lập công đoàn cơ sở

%

100

    100

    100

        100

     100

       100

            100

         100

Đạt

6

Tỉ lệ công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước đạt vững mạnh

%

85

      88

   88,9

       98,1

    97,7

      97,6

         94,05

    110,64

Vượt

7

Tỉ lệ công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước, nghiệp đoàn đạt loại vững mạnh

%

60

   57,5

   62,2

       69,5

    74,8

      79,9

         68,78

    114,64

Vượt

8

Tỉ lệ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt loại hoàn thành tốt nhiệm vụ

%

100

    100

 89,65

       93,1

     100

      96,6

         95,86

      95,86

Chưa đạt

9

Tỉ lệ ủy viên ban chấp hành công đoàn các cấp  được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn

%

100

    149

119

158

120

90

       127,20

127%

 Vượt 

10

Tỉ lệ cán bộ chuyên trách công đoàn có trình độ cao cấp chính trị.

%

30

   31,6

   33,6

       35,9

    37,5

      38,1

           38,1

127%

 Vượt 

11

Xây dựng thiết chế của tổ chức công đoàn tại Khu Kinh tế Đông Nam

Thiết chế

1

0

0

           -  

0

0

 

 

Chưa đạt

12

Tỉ lệ công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thành lập Ban Nữ công quần chúng

%

100

    100

    100

        100

     100

       100

            100

         100

Đạt

13

Tỉ lệ công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước thành lập Ban Nữ công quần chúng

%

70

      92

      98

          98

       98

98

              98

         140

Vượt

14

Tỉ lệ nữ tham gia ban chấp hành công đoàn các cấp

%

30

      32

      45

          56

       36

42

 42.2

      140,6

Vượt

15

Tỉ lệ nữ công nhân, viên chức, lao động đạt danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"

%

90

      90

      90

          90

       91

         91

              91

         101

Vượt

16

Tỉ lệ đơn vị nộp kinh phí công đoàn

%

95

  97,40

 97,10

     96,50

  97,60

         97

              97

         102

Vượt

17

Tỉ lệ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện việc kiểm tra tài chính đồng cấp

%

100

    100

    100

        100

     100

100

            100

         100

Đạt

18

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức kiểm tra công đoàn cấp dưới (1 lần/nhiệm kỳ/công đoàn cơ sở):

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vượt

 - Số lần kiểm tra cấp dưới

Lần

= số CĐCS

585

566

567

638

       574

2.930

 

 

 - Tỉ lệ so với công đoàn cơ sở

%

100

      19

      19

          20

       22

19,89

            102

         102

19

 Tỉ lệ đoàn viên tham gia đóng góp các loại quỹ

%

90

      79

      77

          75

       85

90

              90

         100

Đạt

20

 Xây dựng sửa chữa "Mái ấm công đoàn" cho công nhân, viên chức, lao động nghèo/năm

Nhà/ năm

30

      49

      67

          39

       47

         37

            239

159%

Vượt

II

Nhóm chỉ tiêu tổ chức Công đoàn phối hợp thực hiện

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Tỉ lệ cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước tổ chức hội nghị dân chủ

%

100

    100

    100

        100

     100

100

            100

         100

Đạt

2

Tỉ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động

%

80

      56

      54

          58

       56

71

              71

        88,7

Chưa đạt

3

Tỉ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc

%

80

      56

      54

          58

       56

         71

              71

        88,7

Chưa đạt

4

Tỉ lệ người lao động trong các đơn vị có tổ chức công đoàn được ký kết hợp đồng lao động.

%

90

      90

      90

          90

       90

90

              90

         100

Đạt

5

Tỉ lệ doanh nghiệp nhà nước có thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể  nội dung có lợi cho đoàn viên và người lao động cao hơn luật

%

100

      97

    100

        100

     100

100

            100

         100

Đạt

6

Tỉ lệ doanh nghiệp ngoài nhà nước có thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể nội dung có lợi cho đoàn viên và người lao động cao hơn luật

%

80

      77

   80,9

       77,5

 80,3

 84,2

 84.2

         105

Vượt

7

Tỉ lệ bản thỏa ước lao động tập thể đạt loại A

%

35

     8,2

   8,62

       13,8

 14,9

 21,5

 21,5

 61,4

Chưa đạt

8

Giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp (1đoàn viên/năm/ công đoàn cơ sở):

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vượt

 - Số lượng đoàn viên được giới thiệu

Đoàn viên

= số CĐCS

3185

2346

2051

2248

2278

12108

 

 - Tỉ lệ so với công đoàn cơ sở

%

75

    105

 79,04

     71,17

  77,86

    78,96

         82,40

    109,87

 

 

                  


[1]Năm 2022 tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 9,08%. GRDP bình quân đạt 51,4 triệu đồng/người. Thu ngân sách đạt 20.370 tỷ đồng.

[2]Hơn 14.050 doanh nghiệp đang hoạt động.

         [3]Tính đến hết tháng 12/2022, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 211 tỷ đồng;1.920 doanh nghiệp nợ BHXH.

[4]Loại A: 101/468 bản (chiếm 21,5%); Loại B: 257/468 bản (chiếm 54,9%); Loại C: 81/468 bản (chiếm 17,3%); Loại D: 29/468 bản (chiếm 6,2%). 

[5]Toàn tỉnh có 30 cuộc học tập, quán triệt nghị quyết do các đơn vị cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức, với sự tham gia của 5.974 người; có 1.836 cuộc do cấp cơ sở tổ chức, với sự tham gia của 72.436 người.

[6]Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến để triển khai Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động của Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW cho hơn 600 cán bộ của Ban Chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở  tại 24 điểm cầu trên toàn tỉnh. 

[7]Tổ chức các Hội thi như: “Bàn tay vàng” ngành Xây dựng, “Vô lăng vàng” ngành Giao thông, “Y tá, điều dưỡng giỏi” ngành Y tế, Giáo viên dạy giỏi ngành Giáo dục... 

[8]Có 03 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3; Có 01 tập thể và 05 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. UBND tỉnh tặng Cờ thi đua cho 03 tập thể, 02 tập thể và 85 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Tổng Liên đoàn tặng cờ thi đua cho 27 tập thể, tặng bằng khen cho 68 tập thể và 273 cá nhân. LĐLĐ tỉnh tổ chức 10 hội nghị biểu dương; tặng cờ cho 64 tập thể, tặng bằng khen cho 3.361 cá nhân.    

[9]55 CNLĐ được UBND tỉnh tặng bằng khen. 

[10]Tính đến ngày 31/12/2022 toàn tỉnh đã nhập được 115.963/171.283 đoàn viên đạt 68%. in 05 đợt thẻ đoàn viên cho 08 LĐLĐ huyên, thị với số lượng 28.931 thẻ.

[11]Trong nhiệm kỳ bổ nhiệm 30 cán bộ công đoàn chuyên trách giữ chức vụ lãnh đạo.

[12]Tổ chức 532 lớp tập huấn cho 69.776 lượt, tổ chức 04 lớp nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn chuyên trách.

                [13]LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 40 lớp tập huấn với 2.468 lượt người, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức 492 lớp tập huấn với 67.308 lượt người tham dự; 200 chủ tịch công đoàn doanh nghiệp có từ 500 đoàn viên trở lên đã được đào tạo các nội dung như: kỹ năng đàm phán, thương lượng tập thể, giám sát việc thực hiện pháp luật, quy chế dân chủ cơ sở, an toàn vệ sinh lao động; 06 Chủ tịch công đoàn doanh nghiệp có từ 2.500 đoàn viên trở lên tham gia các lớp tập huấn do Tổng Liên đoàn tổ chức.

[14]Nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chiếm tỉ lệ 18,6%; Nữ đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội: chiếm 30,77%; Nữ đại biểu trúng cử HĐND tỉnh: chiếm 27,7%), Nữ đại biểu trúng cử HĐND huyện: chiếm tỉ lệ 31,25%; nữ chuyên trách công đoàn tham gia HĐND huyện: chiếm tỉ lệ 5,7%. Nữ tham gia Ban Chấp hành công đoàn cấp cơ sở: 56%, Nữ tham gia Ban Chấp hành cấp trên cơ sở 36,9; Nữ tham gia Ban Cháp hành Đảng bộ tỉnh: 36%.

[15]Thu kinh phí khối hành chính sự nghiệp đạt 115%; Thu kinh phí khối doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đạt 111%; Phấn đấu các đơn vị nộp lên có kết dư đạt 108%; Kinh phí kết dư toàn tỉnh tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 540%; Số đơn vị phải cấp bù tối đa vượt chỉ tiêu 75%.

[16]Chưa đạt 03 chỉ tiêu: Thu kinh phí công đoàn khối chưa có tổ chức công đoàn đạt 90%; các đơn vị cấp huyện được cấp quyền sử dụng đất đạt 71%; Cán bộ làm công tác kế toán cấp trên trực tiếp cơ sở có trình độ trung cấp, đạt 62%.

[17]Năm 2019 tăng 9,7% so với năm 2018, năm 2020 tăng 5,2% so với năm 2019, năm 2021 tăng 11,6% so với năm 2020, năm 2022 tăng 10,3% so với 2021.

[18]Tỷ lệ chi hành chính chiếm từ 15% đến 18%, tỷ lệ chi hoạt động phong trào chiếm từ 65 đến 70%, tỷ lệ chi khác chiếm từ 12% đến 20%.

 [19]UBKT công đoàn các cấp đã tham mưu, xử lý kỷ luật 02 cán bộ công đoàn với hình thức khiển trách.

[20]Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh ký Quy chế phối hợp giai đoạn 2022 - 2026. Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh ký chương trình phối hợp công tác với cấp ủy của 21 huyện, thành, thị.  Ký kết Chương trình phối hợp với LĐLĐ thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022 - 2027.

[21]Nhận hỗ trợ 7,5 tỷ đồng.

[22] Tỉ lệ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt loại hoàn thành tốt nhiệm vụ (đạt 95,85% kế hoạch) 2. Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động (đạt 88,7% kế hoạch); 3. Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc (đạt 88,7% kế hoạch); 4. Tỷ lệ bản TULĐTTđạt loại A (đạt 61,4% kế hoạch); 5. Xây dựng thiết chế công đoàn (Không đạt)

BAN CHẤP HÀNH LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH NGHỆ AN KHÓA XVIII

Từ khóa:

TIN TỨC MỚI NHẤT

Toàn văn Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII
08:19 06/12/2023

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII diễn ra từ ngày 1 - 3.12.2023, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.095 đại biểu.


Báo cáo của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An khóa XVIII trình Đại hội Công đoàn tỉnh Nghệ An lần thứ XIX
16:51 20/11/2023

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN; TẬP TRUNG THỰC HIỆN TỐT CHỨC NĂNG ĐẠI DIỆN, BẢO VỆ QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP, CHÍNH ĐÁNG CỦA ĐOÀN VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG; TRUNG TÂM TẬP HỢP, ĐOÀN KẾT CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG, GÓP PHẦN XÂY DỰNG NGHỆ AN PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG


Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2023 - 2028
16:15 20/11/2023

Đại hội Công đoàn tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2023-2028 làm việc trong 02 ngày, từ ngày 07/08 - 08/08/2023 tại Hội trường Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Nghệ An; với sự tham dự của 400 đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của trên 171 ngàn cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, lao động tỉnh Nghệ An.


Thông báo kết quả Đại hội Công đoàn tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2023-2028
15:37 08/08/2023

Ngày 07 đến ngày 08/8/2023, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đã trọng thể tổ chức Đại hội Công đoàn tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2023 – 2028, với 400 đại biểu đại diện cho hơn 171.000 đoàn viên trong toàn tỉnh về dự Đại hội.


Đồng chí Kha Văn Tám tái đắc cử chức Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh
14:55 08/08/2023

Hội nghị lần thứ I Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2023-2028  vừa tổ chức lúc 13 h ngày 8/8/2023.


THƯ VIỆN ẢNH

LIÊN KÊT WEBSITE

SỐ LƯỢNG TRUY CẬP