chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử công đoàn tỉnh nghệ an

Cái khó ló… sáng tạo

17:16 21/12/2022

Từ hạn chế, bất cập trong quá trình sản xuất, những sáng kiến, cải kiến kỹ thuật “made by công nhân” ra đời đem lại nhiều lợi ích thiết thực như: nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường làm việc, đồng thời tiết kiệm chi phí, nhân công cho công ty và tăng thu nhập cho người lao động.

 

“Truyền lửa” cho đồng nghiệp

Từng có kinh nghiệm làm việc ở nhiều nơi, qua nhiều vị trí nhưng Đinh Phùng Đạt thừa nhận: Phải đến thời điểm đầu quân cho Công ty TNHH MTV Masan MB, anh mới tìm được mảnh đất màu mỡ để thỏa sức thể hiện tài năng. Với quan điểm “Hãy là số 1 trong lĩnh vực của bạn”, anh đã bắt tay vào nghiên cứu các phương pháp cải tiến kỹ thuật và nhanh chóng trở thành chủ nhân của hàng loạt sáng kiến như: Giảm rối các dây nguyên liêu khâu cấp gia vị; Giảm nhân công khi sản xuất hàng khuyến mãi mỳ Omachi… Những sáng kiến trên không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn hỗ trợ cải thiện môi trường và giảm sức lao động đáng kể.

 

Anh Đinh Phùng Đạt - Công nhân Công ty TNHH MTV Masan MB

 

Chia sẻ về sáng kiến, anh Đinh Phùng Đạt bộc bạch: Trong quá trình sản xuất hệ thống dn hướng của các dây gia vị mì hay b rối và mắc nên gây khó khăn trong quá trình sản xuất, tốn nhân công, kéo dài thời gian hoàn thành sản phẩm và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trước những bất cập đó, tôi đã có giải pháp nâng cao các thanh dẫn hướng và hàn thêm các con lăn để dẫn hướng và chống xoắn. Sau hoàn thành và triển khai thì dây gia vị dễ chạy hơn, thao tác công nhân cũng dễ dàng hơn, lại giảm được nhân công lao động và quan trọng nhất nâng cao chất lượng sản phầm và sản lượng.

Nói thì có vẻ khá đơn giản, nhưng khi đưa vào thử nghiệm vẫn gặp một số bất cập, chúng tôi lại tiếp tục chỉnh sửa, thay đổi về thiết kế, vật liệu và phương pháp gia công. Phải trải qua 5 lần thử nghiệm thất bại, chúng tôi mới đạt được thành phẩm vừa ý. Ngày chạy máy thành công, mấy anh em ôm nhau reo hò hạnh phúc - Đinh Phùng Đạt chia sẻ thêm.

Nhận xét về người đoàn viên công đoàn xuất sắc này, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Masan MB Lê Thị Nga, cho biết: Đinh Phùng Đạt luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, là người cầu tiến, ham học hỏi. Ngoài ra, Đạt là người dẫn dắt và đào tạo nhiệt tình cho các bạn nhân viên mới vào nghề không chỉ hiểu về dây chuyền sản xuất, công việc từng vị trí làm việc mà còn chỉ bảo về văn hóa làm việc của công ty.

Hơn 7 năm làm việc tại Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An, trải qua nhiều vị trí khác nhau, nhưng với cương vị nào anh Lê Hữu Diệu - Quyền Phó phòng phụ trách Kỹ thuật Cơ cũng đều nỗ lực hoàn thành tốt công việc. Anh trăn trở đi tìm các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm sức lao động cho công nhân và đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hợp lý, làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng.

 

Anh Lê Hữu Diệu - Quyền Phó phòng phụ trách Kỹ thuật Cơ

 

Năm 2022, anh Lê Hữu Diệu đã có các sáng kiến, như: Giải pháp bộ rà trục tự động; Cụm thiết bị lái tôn CPC cho dây chuyền mạ màu; Cải tiến bộ khung dễ thay trục vắt khô tôn cho dây chuyền NOF; Thiết kế máy nắn phẳng tôn cho dây chuyền NOF.

Kể về các sáng kiến trên, Lê Hữu Diệu tâm đắc nhất với sáng kiến Giải pháp bộ rà trục tự động”. Anh Diệu nói: Dây chuyền sản xuất mạ nhôm kẽm lên bề mặt tôn sử dụng trục để nhúng băng tôn xuống chảo chứa nhôm kẽm nóng chảy, quá trình chạy sản xuất trục bị dính xỉ làm xấu bề mặt tôn, người công nhân phải thực hiện đục bằng tay để loại bỏ xỉ. Trong qua trình đục gây phế phẩm, giảm chất lượng bề mặt tôn, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động. Nhận thấy những bất cập đó, tôi đã thiết kế thiết bị chạy tự động làm sạch xịt liên tục trong quá trình sản xuất, công nhân không phải đục trục, lượng xỉ không bị tích tụ nên không gây hư hỏng, bề mặt lớp mạ tôn có chất lượng, tăng phần trăm thành phẩm.

Thông qua những sáng kiến, anh Lê Hữu Diệu luôn mong muốn nhân lên “ngọn lửa sáng tạo” cho đồng nghiệp, đặc biệt là những kỹ sư, công nhân lao động trẻ. “Có những ý tưởng tôi phải kiên trì đeo đuổi cả năm mới thành hiện thực. Cũng có nhiều lần tôi thất vọng vì kết quả không như ý muốn. Nhưng tôi luôn tâm niệm: Hãy nuôi dưỡng đam mê, tình yêu và trách nhiệm đối với công việc mình đã lựa chọn. Đó sẽ là tiền đề để chúng ta nghĩ xa hơn, tiến xa hơn và thành công hơn trong công việc, cuộc sống” - anh Lê Hữu Diệu nhắn gửi.

Trong quá trình công tác tại công ty, anh Võ Văn Bảo, đoàn viên công đoàn Công ty CP may Minh Anh - Kim Liên luôn trăn trở cải thiện hiệu quả sản xuất thông qua hoạt động cải tiến kỹ thuật để cố gắng đạt mục tiêu chung của công ty và hướng đến sự hài lòng của khách hàng. Vì thế, anh luôn cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ năng công việc mỗi ngày để thích ứng với tình hình sản xuất của công ty. Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do công đoàn công ty phát động và những chính sách đãi ngộ của công ty đối với những công nhân có những sáng kiến trong lao động, sản xuất, anh Bảo đã không ngừng suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp vào thực tiễn nhằm giảm chi phí và tăng năng suất lao động.

 

Anh Võ Văn Bảo - đoàn viên công đoàn Công ty CP may Minh Anh - Kim Liên

 

Cụ thể, anh đã có 3 sáng kiến nổi bật mang lại hiệu quả cao, được Ban Giám đốc công ty ghi nhận, đưa vào áp dụng trong thực tiễn sản xuất, gồm các sáng kiến: “Đẩy năng suất chuyền may”, “May gấu không có gá” và “Cải tiến hơi máy gông Kansai”. Là công nhân lành nghề có nhiều kinh nghiệm, anh Bảo luôn sát cánh cùng anh em công nhân phát huy các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và đảm bảo hoạt động sản xuất hiệu quả. Dưới sự giúp đỡ và kèm cặp của anh, nhiều thế hệ lao động trưởng thành là những công nhân dày dạn kinh nghiệm, có tay nghề cao.

Bằng những sáng kiến, giải pháp, anh Bảo đã có nhiều đóng góp cho công ty, liên tục được các cấp công đoàn ghi nhận, biểu dương. Đặc biệt, anh Bảo vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh trao tại Chương trình “Ngày hội công nhân - Chào xuân Quý Mão” do LĐLĐ tỉnh tổ chức vào tháng 12 này.

 

Dừng lại là tụt hậu

Bằng bản lĩnh vững vàng và lòng đam mê nghề nghiệp, anh Trịnh Đức Thọ - nhân viên Trạm xử lý nước thải Nam Cấm (Ban Quản lý dự án Khu vực Khu kinh tế Nghệ An) không ngừng tìm tòi, nghiên cứu các sáng kiến mới, áp dụng thành công và đem lại hiệu quả trong công việc được giao.

 

Anh Trịnh Đức Thọ - nhân viên Trạm xử lý nước thải Nam Cấm (Ban Quản lý dự án Khu vực Khu kinh tế Nghệ An)

 

Năm 2022, Trịnh Đức Thọ chuyển công tác về Trạm xử lý nước thải Nam Cấm, anh nhận thấy trong quá trình thu gom, xử lý nước thải từ các doanh nghiệp phát sinh ra một khối lượng bùn rất lớn. Ban quản lý dự án Khu vực KKT Nghệ An đã ký hợp đồng vận chuyển, xử lý bùn thải với giá 3.500 đồng/kg bùn. Bùn thải được vận chuyển tới đơn vị có chức năng xử lý bằng phương pháp chôn lấp và đốt, tốn diện tích chôn lấp và ảnh hưởng đến môi trường. Để tiết kiệm chi phí cho quá trình xử lý bùn thải và đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, Trịnh Đức Thọ đã có sáng kiến “Quy trình xử lý bùn thải”. Chia sẻ về sáng kiến, Thọ kể: Tôi dùng bạt ni lông trải lót trên nền sân bê tông rồi ép bùn đổ lên tận dụng ánh nắng mặt trời để bốc hơi nước có chứa trong bùn, giảm trọng lượng, khối lượng bùn lên đến 2/3. Nếu trời mưa dùng bạt che đậy cẩn thận đảm bảo không bị ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, đặc biệt là xử lý bằng phương pháp ủ phân compost, sản xuất phân vi sinh, bùn thải được bán làm phân bón.

Trịnh Đức Thọ tâm sự: Khi sáng kiến này được áp dụng đã xử lý bùn thải an toàn, hiệu quả và tiết kiệm, làm lợi cho Trạm gần 300 triệu đồng/năm. Nhưng điều mà tôi thấy vui, hài lòng nhất, đó là phương pháp này an toàn với môi trường, bùn sau khi xử lý là nguồn phân bón tốt cho cây trồng.

Tôi thấy mình may mắn khi được làm việc trong một tập thể mà từ Ban giám đốc đến tất cả nhân viên đều luôn trong trạng thái chuyển đổi, tìm tòi, cải tiến để công việc đạt hiệu quả cao nhất. Nếu mình dừng lại là mình tụt hậu - Trịnh Đức Thọ chia sẻ.

Tâm huyết, yêu nghề, say mê nghiên cứu, truyền cảm hứng sáng tạo và nhiệt tình trong các phong trào, hoạt động đoàn thể - đó là nhận xét của Chủ tịch Công đoàn Công ty CP may Minh Anh - Kim Liên Nguyễn Thị Thu Hà khi nói về người đoàn viên tiêu biểu, xuất sắc Phạm Nguyên - nhân viên cơ điện Công ty.

Phạm Nguyên đã cùng các đồng nghiệp đề ra phương châm Tận dụng mọi khả năng hiện có về người và máy móc thiết bị vật tư để chủ động sáng tạo trongsản xuất. Với quyết tâm đó, năm 2022, anh đã có 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi hàng chục triệu đồng cho công ty. Cụ thể: Trong quy trình sản xuất, có công đoạn người lao động phải thực hiện thủ công, dùng tay mở bao miệng túi, cho sản sẩm vào và dán lại. Nguyên đã cải tiến dùng hệ thống hơi thổi vào miệng bao, giảm thời gian và tiết kiệm nhân công. Đồng thời, Nguyên cũng đã chế tạo Máy chém gấu”, thay vì công nhân dùng tay cắt gấu bằng kéo bấm. Những sáng kiến này đã không chỉ làm lợi cho công ty hàng chục triệu đồng mỗi năm, mà còn cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

 

Phạm Nguyên - Công đoàn Công ty CP may Minh Anh - Kim Liên  

 

Phạm Nguyên chia sẻ: Khi làm việc, tôi luôn để ý, quan sát tìm hiểu để phát hiện ra những điều có thể cải tiến được trong quá trình sản xuất, với mong muốn hiệu quả công việc đạt được cao nhất, cải thiện môi trường làm việc để sức khỏe của người lao động được đảm bảo. Theo tôi, muốn thành công thì đầu tiên phải thực sự có niềm đam mê và sự nhiệt huyết. Đồng thời, phải chịu khó học hỏi ở đồng nghiệp, sau đó chủ động nghiên cứu tài liệu, áp dụng vào công việc một cách chủ động, sáng tạo.

 

Làm chủ công nghệ

Là công nhân lao động trực tiếp, anh Đặng Văn Hùng (Công ty CP Bao bì Tân Khánh An) đã có nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả cho công ty. Anh là gương mặt công nhân tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vào tháng 12 này

 

Anh Đặng Văn Hùng - Công ty CP Bao bì Tân Khánh An

 

 “Khi bắt tay vào cải tiến, chế tạo một công đoạn, máy móc nào đó điều tôi nghĩ đến là đồng nghiệp của mình sẽ giảm công việc thủ công, năng suất cao hơn, hiệu quả hơn thì chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho công ty. Đó cũng là niềm vui của tôi khi có một sáng kiến, cải tiến thành công” - anh Đặng Văn Hùng, chia sẻ.

Chia sẻ về sáng kiến gần đây nhất, anh Hùng cho biết: Bất cập của máy tạo sợi Ấn Độ dàn ép sợi lô kéo dãn và lô lạnh được thiết kế cơ cấu nâng ép bằng xi lanh từ một bên gây hiện tượng vặn xoắn lô, lực ép không đều dẫn đến mòn lô nhanh và sợi chạy ra không đạt yêu cầu, phế phẩm nhiều. Tôi và các đồng nghiệp đã mày mò, nghiên cứu trong gần 1 năm và chế tạo máy “Chuyển đổi cơ cấu lô ép trên máy tạo sợi Ấn Độ” để khắc phục những hạn chế này. Mày mò, thử nghiệm nhưng đến khi chạy thử nghiệm anh nhận thấy vẫn còn một số hạn chế, vậy là lại bắt tay tiếp tục cải tiến, thay đổi thiết kế cho phù hợp với thực tế. Kết quả đã không phụ lòng của anh Hùng, máy chuyển đổi cơ cấu lô ép sợi đã khắc phục hiện tượng dồn sợi, ổn định chất lượng sợi, giảm phế liệu, giảm thời gian sản xuất.

Với vai trò là T phó Tổ cơ điện, Hùng còn động viên anh em trong tổ hăng hái thi đua, tham gia lao động sản xuất và có nhiều đóng góp cải tiến kỹ thuật với mục tiêu nâng cao hiệu suất công việc. Với những đóng góp tích cực trong công việc, Đặng Văn Hùng được nhận nhiều giấy khen, bằng khen. Những giải thưởng, phần thưởng là niềm vui, sự khích lệ để Hùng cố gắng hơn trong công việc. Song có lẽ được công tác ở lĩnh vực mình yêu thích mới là phần thưởng mà Hùng mong muốn nhất, bởi đó chính là điểm tựa giúp anh chắp thêm đôi cánh ước mơ, thỏa niềm đam mê nghiên cứu, khám phá, sáng tạo của mình.

Luôn trăn trở suy nghĩ trong lao động, người thợ trẻ Vũ Xuân Hiệu - Trưởng bộ phận phụ trách điện sau mạ Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An) đã làm chủ công nghệ, có nhiều sáng kiến cải thiện kỹ thuật, điều kiện làm việc cho người lao động và đem lại giá trị kinh tế cho công ty.

 

Anh Vũ Xuân Hiệu - Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An

 

Làm việc tại nhà máy, Hiệu quan sát và nhận thấy hệ thống van điều khiển thường hay bị lỗi, khó sửa chữa. Vì thế, Hiệu đã thay Board van điều khiển khí nóng bằng điều khiển tự động qua PLC. Kết quả tín hiệu điều khiển van ổn định, có thể thay thế hoàn toàn bo mạch trước đây. Sáng kiến này tiếp nối cho những sáng kiến trước, đã tiếp thêm cho Hiệu tình yêu nghề, niềm đam mê công việc, lòng kiên trì và là động lực tiếp thêm sức mạnh và ý chí con đường mà Hiệu đã chọn.

Chia sẻ về thành quả các sáng kiến này, Hiệu tâm sự: “Máy móc là niềm đam mê của em, cứ mỗi lần khúc mắc hay băn khoăn ở một chi tiết, công đoạn nào đó là em trăn trở băn khoăn tìm giải pháp. Ngày nối ngày cứ suy nghĩ rồi tìm hiểu, mày mò phát hiện ra cách làm, cách khắc phục. Khi đã tìm được nút thắt ấy, em thấy lòng lâng lâng”.

Với niềm say mê, Hiệu bảo: Từ thực tiễn lao động, tôi luôn đặt cho mình những câu hỏi thường trực: “Tại sao như thế?”, “Có thể làm tốt hơn được không?”, “Làm như thế nào?”, “Khi nào làm?”, “Ai giúp mình thực hiện được vấn đề này?”. Luôn duy trì 5 câu hỏi trong công việc, tôi sẽ nảy sinh nhiều ý tưởng sáng tạo. Tôi mong mỗi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của mình sẽ góp phần tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu, sức khỏe cho người lao động nhằm đạt hiệu quả cao nhất, đem lại lợi ích thiết thực cho công ty và chính người lao động.

Hoàng Yến

Từ khóa:

TIN TỨC MỚI NHẤT

Người làm đẹp đường phố
16:41 23/12/2022

Trải qua 15 năm gắn bó, công tác tại Công ty cổ phần Công viên xây xanh Thành phố, chị Doãn Thị Xuân luôn cố gắng nỗ lực, học hỏi trau dồi kiến thức để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chị và các đồng nghiệp đang ngày ngày lặng thầm giữ cho thành phố diện mạo khang trang, hiện đại và xanh - sạch - đẹp.


HẠNH PHÚC TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ BÉ
17:01 22/12/2022

Nhanh nhẹn, chịu khó, cẩn thận, tỉ mỉ, yêu nghề là những từ ngữ thân thương mà đồng nghiệp tại công ty TNHH HI-TEX dành cho chị Trương Thị Chiên. Chị là tấm gương sáng vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất, là điển hình trong phong trào “Giỏi việc công ty - đảm việc gia đình”.


Cái khó ló… sáng tạo
17:16 21/12/2022

Từ hạn chế, bất cập trong quá trình sản xuất, những sáng kiến, cải kiến kỹ thuật “made by công nhân” ra đời đem lại nhiều lợi ích thiết thực như: nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường làm việc, đồng thời tiết kiệm chi phí, nhân công cho công ty và tăng thu nhập cho người lao động.


Những tấm gương lao động nữ ngành Nông nghiệp vượt khó vươn lên
16:18 21/12/2022

Mỗi chị một hoàn cảnh, dù khó khăn, vất vả đến đâu nhưng các chị luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn đi đầu trong mọi phong trào. Đó là chân dung về những nữ công nhân lao động tiêu biểu ngành Nông nghiệp.


Chuyện về “ngôi sao đang lên”
21:26 19/12/2022

Nhanh nhẹn, hoạt bát, sáng tạo, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, yêu nghề, chịu khó, trải qua 10 năm làm việc anh Đặng Sỹ Thanh từ một công nhân lái xe trở thành người quản lý giỏi. Anh là “Ngôi sao đang lên” tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Hiệp.


THƯ VIỆN ẢNH

LIÊN KÊT WEBSITE

SỐ LƯỢNG TRUY CẬP