Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) thảo luận tại nghị trường. Ảnh: QH
Phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội chiều nay (8.11), đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) - Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.Hà Nội - nêu thực trạng đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 thứ tư "đã tấn công trực tiếp vào lực lượng công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, để lại những hậu quả nặng nề".
Theo đó, hàng trăm nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động, hàng triệu lao động mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương.
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, dù các cấp chính quyền, các tổ chức đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, thực tiễn dịch bệnh "đã làm phát lộ thêm hàng loạt vấn đề bức xúc của công nhân, đặc biệt là nhà ở".
Số đông lao động di cư từ quê đến thành phố đang ở trong khu nhà trọ ẩm thấp, chật hẹp, san sát nhau, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự rất cao.
Vì vậy, đại biểu đoàn Hà Nội đề xuất cần bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó có cơ chế chính sách riêng về xây nhà ở cho công nhân. Đồng thời, ông cho rằng, nên cần có cơ chế để Công đoàn tham gia xây nhà ở cho công nhân; có gói hỗ trợ người dân xây nhà ở cho công nhân thuê, mua. Các cơ quan cần ban hành quy định tối thiểu phòng trọ công nhân.
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, sau khi doanh nghiệp tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh bùng phát, phần lớn công nhân hết tiền. Điều đó cho thấy, thu nhập của công nhân còn rất thấp, không có tích lũy hoặc tích lũy không đáng kể.
Ông cho rằng, các gói hỗ trợ người lao động còn khó khả thi, khó áp dụng, nên cần tăng cường kiểm tra để người lao động được hưởng các gói này. Đồng thời, ông Thường đề nghị cần quan tâm đến những tổn thương tâm lý và tinh thần mà người lao động phải chịu do dịch bệnh.
Còn đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) bày tỏ lo ngại với bức tranh kinh tế các tỉnh phía Nam, trong đó có TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Tăng trưởng GRDP của các địa phương này được dự báo không đạt mục tiêu đặt ra. Trong khi người dân mất việc làm, sụt giảm thu nhập, doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề.
"Nền kinh tế các tỉnh phía Nam như một cơ thể đã lao lực, cần một nguồn lực kinh tế để bồi bổ, hồi phục" - đại biểu Hằng đề nghị các tỉnh phía Nam cần được hỗ trợ, ưu tiên nguồn lực. Trong đó, bà đề nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư cơ sở, vật chất, hạ tầng nhất là giao thông cho các tỉnh phía Nam để cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức chống chịu