Vì quyền lợi người lao động
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, do thiếu đơn hàng, những tháng đầu năm 2023, có 32 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động, chủ yếu lĩnh vực may mặc, giày da, điện tử, với 6.237 lao động bị giảm giờ làm, 2.307 lao động chấm dứt hợp đồng lao động; một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thời điểm phải bố trí cho lao động ở một số bộ phận nghỉ không hưởng lương…
Sau nhiều năm gắn bó với một doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Đông Nam, chị Hồ Thị Thúy, trú ở xã Hưng Yên Bắc (Hưng Nguyên) cho biết, từ đầu năm đến nay, không riêng chị mà nhiều lao động làm cùng công ty gặp khó khăn do bị giảm giờ làm.
“Từ năm 2022, do không tăng ca nên thu nhập của tôi không còn như trước. Dù vậy, với thu nhập ổn định khoảng 7 triệu đồng/tháng, tôi cũng có chi phí để trang trải cuộc sống. Nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, giờ làm bị giảm, đồng nghĩa giảm lương, nguồn thu nhập chính của gia đình bị ảnh hưởng nên đời sống gia đình khá chật vật”, chị Thúy chia sẻ.
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã có nỗ lực giữ việc làm, thu nhập cho người lao động. Các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đã ký kết tại Thỏa ước lao động tập thể; đồng thời, tổ chức các hoạt động phong trào nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.
Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn KIDO Vinh, đóng tại xã Lạc Sơn (Đô Lương), có trên 3.500 công nhân, lao động, Công đoàn công ty này đã xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, tiến hành tổ chức đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về các điều khoản có lợi cho người lao động, trong đó phải kể đến là điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca từ 18.000 đồng lên 23.000 đồng.
Cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, để hỗ trợ kịp thời cho lao động gặp khó khăn, Liên đoàn Lao động tỉnh đã kịp thời triển khai rà soát, hỗ trợ 2 đợt cho công nhân, lao động bị giảm thời gian làm việc, tạm hoãn hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, với tổng số tiền 1 tỷ 339,7 triệu đồng theo Quyết định 6696 và Quyết định 7785 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ kinh phí của Liên đoàn Lao động tỉnh.
Tuy nhiên, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế và phát sinh các vụ tranh chấp lợi ích. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngừng việc tập thể tại 2 doanh nghiệp, với trên 5.000 công nhân tham gia. Mặc dù số vụ đình công giảm 4 vụ so với năm 2022, song vẫn để lại những hệ lụy.
Sau khi các vụ ngừng việc tập thể xảy ra, các tổ chức công đoàn tại Nghệ An đã nhanh chóng vào cuộc, tiếp xúc, đối thoại, thương lượng giữa các bên. Sau khi doanh nghiệp đối thoại với người lao động và thông báo thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách, công nhân đã trở lại làm việc. Tuy nhiên, các vụ đình công trên đã ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định
Theo ông Nguyễn Văn Thục - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, đầu tháng 12 vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh khảo sát nắm bắt tình hình đời sống, việc làm, thu nhập, tiền lương, thưởng Tết của công nhân. Qua nắm bắt sơ bộ, những tháng cuối năm 2023, bước đầu tình hình lao động đã được phục hồi, các doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng, công việc của người lao động ổn định hơn, thu nhập người lao động trong các doanh nghiệp bình quân 6 triệu đồng đến 6.300.000 đồng/người/tháng.
Qua tìm hiểu tại các huyện Đô Lương, Yên Thành, đại diện Liên đoàn Lao động các huyện cho biết, đến thời điểm này, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn cơ bản ổn định. Các doanh nghiệp duy trì sản xuất và lo việc làm, thu nhập ổn định cho công nhân.
Những tháng cuối năm, Liên đoàn Lao động các huyện đã chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp quan tâm đến phúc lợi và thực hiện đúng các chính sách như đã cam kết với người lao động.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn bất ổn dẫn đến việc thương lượng tiền lương, thưởng Tết sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Tuy vậy, các doanh nghiệp cần coi thưởng Tết là cách giữ chân người lao động, tăng năng suất làm việc. Do đó, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần tăng cường đối thoại với người lao động để thống nhất các khoản lương, thưởng hợp lý, tránh những mâu thuẫn trong quan hệ lao động. Việc đối thoại với người lao động rất quan trọng để cả hai bên bày tỏ nguyện vọng, lắng nghe, giải đáp và tìm thấy tiếng nói chung trong quan hệ lao động. Khi những kiến nghị của người lao động được giải quyết thỏa đáng, chắc chắn họ sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động - Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Văn Thục khẳng định.
Theo ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, để góp phần ổn định quan hệ lao động dịp cuối năm, Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành Kế hoạch chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp tết Nguyên đán 2024 theo phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”.
Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn, từ cấp trên trực tiếp cơ sở đến cơ sở, quan tâm tham gia hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, hoàn thiện các quy chế, đặc biệt là xây dựng, công khai hệ thống thang, bảng lương, quy chế thưởng, chế độ phúc lợi để công nhân, lao động được biết lộ trình nâng lương, hạn chế ngừng việc tập thể tự phát. Các cấp công đoàn phải xác định bảo vệ người lao động là một nhiệm vụ quan trọng, tuy nhiên, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng cần được xem trọng để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định…