Tiếp tục phiên họp thứ 22, sáng 10.4, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Tại phiên họp, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày tờ trình đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi).
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, mục đích của việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, tiếp cận và xử lý các vấn đề mới phát sinh, tạo cơ sở cho sự đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Việc xây dựng luật dựa trên quan điểm quán triệt và thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng liên quan đến công nhân, công đoàn, đặc biệt là Nghị quyết số 02 ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, việc sửa đổi phải đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành.
Việc sửa đổi góp phần thúc đẩy Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, người lao động ngày càng lớn mạnh. Từ đó thu hút đông đảo người lao động và các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn Việt Nam.
Đồng thời, kế thừa những nội dung đã được khẳng định tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thi hành luật hiện hành. Tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy tài chính Công đoàn phù hợp với thể chế chính trị và yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong sửa đổi Luật Công đoàn, đảm bảo các quy định của Luật Công đoàn phù hợp với thực tiễn Việt Nam, từng bước phù hợp và tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Về nội dung các chính sách trong đề nghị xây dựng luật, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, cần hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ Công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động.
Hoàn thiện cơ chế tài chính Công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam. Hoàn thiện các quy định của pháp luật Công đoàn phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ Luật lao động năm 2019.
Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động, đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ Luật lao động năm 2019 về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan trình tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn phạm vi sửa đổi, các chính sách cơ bản của dự án Luật.
Ủy ban Pháp luật nhận thấy, đây là dự án luật cần sớm được ban hành để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và bảo đảm triển khai đồng bộ với các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về tổ chức đại diện của người lao động.
Ngày 23.3.2023, Chính phủ đã có văn bản nhất trí về sự cần thiết ban hành luật. Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa dự án luật vào chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8.