Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhấn mạnh, hai năm qua, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID – 19 nên việc đàm phán, thương lượng tiền lương tối thiểu đã không được thực hiện. Hiện nay, với việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID – 19”, hầu hết các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động bình thường. Bên cạnh các doanh nghiệp khó khăn, cũng có một bộ phận doanh nghiệp phát triển tốt, có doanh nghiệp đột phá về doanh thu, lợi nhuận” do là doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, người lao động đã qua 2 năm chưa được tăng lương tối thiểu, đời sống khó khăn càng thêm chồng chất những khó khăn. Do đó, yêu cầu về tăng lương tối thiểu càng trở nên cấp thiết và không để “lỗi hẹn” với sự mong chờ của người lao động.
“Doanh nghiệp phải coi tăng lương là đầu tư, hãy chia sẻ khó khăn với người lao động, chấp nhận ít lợi nhuận, không lợi nhuận, thậm chí có thể lỗ ngắn hạn vì người lao động, vì rằng người lao động không thể thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các điều kiện phục vụ nhu cầu tối thiểu của sinh hoạt đời sống hàng ngày” – đồng chí Ngọ Duy Hiểu khẳng định.
Bên cạnh vấn đề tăng lương tối thiểu, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo CĐCS đẩy mạnh thương lượng với người sử dụng lao động về tiền lương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện của người lao động ngày một tốt hơn.
Nhận định những tác động của tăng lương tối thiểu đến việc làm và năng suất lao động ở Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Việt Cường – Thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia cho rằng, lương tối thiểu giúp tăng tiền lương bình quân của người lao động có mức lương thấp. Khi mức lương tối thiểu tăng lên sẽ làm tăng tỷ lệ người lao động nhận lương dưới mức tối thiểu. Vì vậy cần có những biện pháp để đảm bảo việc tuân thủ mức lương tối thiểu. Đặc biệt, người lao động lương thấp cần được hỗ trợ trong đại dịch COVID – 19.
Chia sẻ tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Vân Hà - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh cung cấp thông tin, Bắc Ninh hiện có hơn 450.000 người lao động làm việc trong các khu công nghiệp. Mức thu nhập bình quân theo cung cấp của Sở Lao động Thương binh và Xã hội là 8,26 triệu đồng/người/tháng nhưng theo số liệu báo cáo của các cấp công đoàn, thu nhập của người lao động trực tiếp chỉ dao động trên 5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, số người thụ hưởng lương ở mức cao thì không nhiều, đa số lao động trực tiếp có mức lương là 6,5 triệu đồng/người/tháng thì chưa đảm bảo cuộc sống. Do đó, trong số 75.6% lao động ngoại tỉnh thì nhiều người trong số họ phải gửi con về quê để ông bà nuôi hệ lụy là thế hệ trẻ em không có bố mẹ nuôi dưỡng.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Vân Hà, tiền thuê trọ tại Bắc Ninh là 1-1,5 triệu đồng/phòng/tháng; cộng với tiền điện, nước, tiền ăn, chi phí nuôi con, gửi trẻ… thì thu nhập này chỉ đủ cho người lao động trang trải cuộc sống, gần như không có tích luỹ. Để đảm bảo cuộc sống cho người lao động, thì cần có mức thu nhập tối thiểu từ 6,8-7,8 triệu đồng/người/tháng. Đây mới chỉ tính những chi phí tối thiểu nhất, còn chưa tính đến chi phí khác như ốm đau... Từ thực tế trên, đồng chí Nguyễn Thị Vân Hà khẳng định sự cần thiết phải tăng lương tối thiểu để đáp ứng nhu cầu của người lao động.
Từ điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thành Đô - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP thông tin, mức lương của người lao động Thành phố Hồ Chí Minh trước dịch bệnh COVID - 19 đã không đảm bảo mức sống tối thiểu cho bản thân, chưa nói đến gia đình họ. Dịch bệnh kéo dài khiến người lao động không có lối thoát nên phải lựa chọn trở về quê hương để tiếp tục mưu sinh.
Đến với Hội nghị, các chuyên gia đến từ Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động đã giúp cán bộ công đoàn nội dung liên quan đến tiền lương, tiền lương tối thiểu theo giờ, thương lượng về tiền lương tại doanh nghiệp.