Tháng công nhân năm 2024 - đoàn kết công nhân, triển khai nghị quyết

Từ thợ may vươn lên thành trưởng nhóm công nghệ

09:44 16/12/2022

Yêu nghề, luôn tận tụy, chịu khó tìm tòi, sáng tạo trong công việc, trong 5 năm làm việc tại Công ty cổ phần may Minh Anh, Đô Lương, anh Phạm Văn Kiên - Trưởng nhóm Công nghệ và cải tiến đã luôn mày mò, nghiên cứu và cho ra nhiều sáng kiến cải tiến kĩ thuật góp phần giảm chi phí, đem lại năng suất cao trong sản xuất.

 

Hầu như sáng nào cũng vậy, anh Phạm Văn Kiên luôn là một trong những người đến sớm nhất Công ty cổ phần may Minh Anh, Đô Lương. Trước giờ vào ca, anh tranh thủ kiểm tra nội dung công việc trong ngày, phân công công việc cho từng người trong nhóm, sau đó mới bắt tay làm việc cùng mọi người.

 

Anh Phạm Văn Kiên - Công ty cổ phần may Minh Anh - Đô Lương miệt mài với công việc

 

Sinh năm 1989, ở xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, học hết cấp 3, anh Kiên ở nhà làm ruộng, năm 2015, sau khi học may, anh vào làm ở  Công ty cổ phần may Minh Anh - Kim Liên. Năm 2017, anh chuyển về làm ở công ty cổ phần may Minh Anh - Đô Lương. Thông minh, cần cù, chịu khó trong công việc, từ một thợ may, anh Kiên được chọn đi đào tạo sau đó về làm ở nhóm công nghệ, chuyên về mẫu mã và cải tiến kĩ thuật trong sản xuất. Trong quá trình làm việc, anh luôn xuống tận các tổ, các phân xưởng để nắm bắt, lắng nghe ý kiến của mọi người, nghiên cứu quy trình làm việc của máy móc, từ đó để nghiên cứu, cải tiến khắc phục những tồn tại, hạn chế, làm lợi cho người lao động và công ty.

 Thời gian này, anh Phạm Văn Kiên đang cùng mọi người trong nhóm tập trung nghiên cứu, cải tiến công đoạn gá túi + dán nắp túi + chắp phối ngang thân trước. Cải tiến công đoạn này không chỉ giúp công nhân tiết kiệm được thời gian, mà còn nâng cao chất lượng, độ thẩm mãy của các sản phẩm.

 

Cách đây không lâu, chính anh cũng đã mày mò, nghiên cứu, cải tiến công nghệ hãm chun bằng máy Can Sai, một công đoạn mà các nhà máy may khác đều phải làm bằng thủ công, lắp chun vào sản phẩm băng tay, làm rất tốn thời gian, không có tính thẩm mỹ. Việc  cải tiến công nghệ hãm chun bằng máy Can Sai đã giúp rút ngắn được thời gian, giảm số lượng người làm, các sản phẩm lại có độ đẹp và chính xác hơn. Chị Nguyễn Thị Hằng ở tổ may 6 cho biết: Từ khi công nghệ hãm chun bằng máy Can Sai được áp dụng, chị và mọi người ở đây đỡ vất vả rất nhiều, các sản phẩm được hoàn thiện một cách nhanh chóng, đều và đẹp.

 

Anh Phạm Văn Kiên (bên phải) và cộng sự đang thảo luận phương án cải tiến quy trình sản xuất trên máy tính

 

Trong 5 năm làm việc tại công ty, anh đã có nhiều sáng kiến, cải tiến công đoạn trong quy trình sản xuất như: “cữ gá sắt 2 trong 1” vừa chắp + viền hàng áo chần bông, cải tiến công đoạn “gá dán túi tròn áo mưa” sử dụng “máy lập trình”, cải tiến công đoạn may nhám + quay lộn nẹp thân trước, cải tiến công đoạn gá túi + dán nắp túi + chắp phối ngang thân trước... Ngoài ra, bản thân còn tham gia đội, nhóm, tạo ra nhiều cải tiến khác với giá trị tiết kiệm lên đến hàng trăm triệu đồng, tham gia Chương trình 01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid – 19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động. Những cải tiến, sáng chế của anh đã góp phần giảm nhân công, tăng năng suất lao động và thu nhập cho công ty.

 

Là một người phụ trách công nghê, anh Kiên không chỉ chăm chăm làm theo những cái có sẵn mà luôn cố gắng cải tiến làm sao cho nó tiện dụng và hiệu quả nhất. Khi được hỏi về bí kíp sáng tạo, anh khiêm tốn: “Để có được sáng kiến tốt, bản thân phải luôn tâm huyết với công việc, gắn bó với công ty, coi công ty là nhà của mình, từ đó trăn trở, suy nghĩ từ thực tế sản xuất để tìm ra cái được và cái chưa được, rồi từ đó sáng chế, cải tiến tính năng, công dụng của từng máy móc. Mỗi khi có được một sáng kiến cải tiến được áp dụng, tôi lại cảm thấy rất vui vì mình đã góp phần mang lại sự tiện lợi, năng suất làm việc cho công nhân, đồng thời đem lại lợi nhuận cho công ty”.

 

 

“Trong công việc cũng như trong cuộc sống thường ngày, mỗi người muốn tiến xa hơn, nhanh hơn không có cách nào khác đó là phải cố gắng học hỏi, lắng nghe và sáng tạo, học từ thực tiễn công việc, từ mạng xã hội, từ cấp trên và từ đồng nghiệp” – anh Kiên chia sẻ thêm.

 Để có được những thành tích đáng nể trên, ít ai biết rằng anh Kiên đã phải rất nỗ lực. Nhà cách công ty 12 km, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại còn phải chăm con còn nhỏ, không phải ai cũng có thể cùng lúc sắp xếp công việc gia đình ổn thỏa và đảm bảo nhiệm vụ ở công ty như anh. Chị Lê Thị Hà - Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: “Mặc dù không được đào tạo bài bản, nhưng với nghị lực, tính thông minh, chịu khó học hỏi, tìm tòi, đồng chí Phạm Văn Kiên đã nghiên cứu cải tiến được nhiều công đoạn trong sản xuất, góp phần làm lợi cho công ty rất lớn. Ngoài ra, đồng chí luôn tích cực tham gia các phong trào do công ty, công đoàn phát động như: Phong trào văn nghệ, thể thao, phong trào thiện nguyện…”.

Yêu nghề, luôn tận tụy và sáng tạo trong công việc, hòa đồng, có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ mọi người, đoàn viên Phạm Văn Kiên luôn được lãnh đạo công ty tin tưởng, được bạn bè đồng nghiệp, bà con lối xóm tin yêu, hàng năm đều được khen thưởng, ghi nhận. Những ngày cuối năm 2022 này, anh Kiên có thêm một niềm vui lớn: Anh là một trong 30 cá nhân tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen “đã có nhiều thành tích trong lao động sản xuất năm 2022”, được chọn đi dự Chương trình “Ngày hội công nhân - Chào Xuân Quý Mão 2023” do LĐLD tỉnh tổ chức nhân dịp “Tết sum vầy 2023. Với những gì đã và đang làm, anh hoàn toàn xứng đáng với sự vinh danh này.

Lê Lai – LĐLĐ huyện Đô Lương

Từ khóa:

TIN TỨC MỚI NHẤT

Người làm đẹp đường phố
16:41 23/12/2022

Trải qua 15 năm gắn bó, công tác tại Công ty cổ phần Công viên xây xanh Thành phố, chị Doãn Thị Xuân luôn cố gắng nỗ lực, học hỏi trau dồi kiến thức để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chị và các đồng nghiệp đang ngày ngày lặng thầm giữ cho thành phố diện mạo khang trang, hiện đại và xanh - sạch - đẹp.


HẠNH PHÚC TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ BÉ
17:01 22/12/2022

Nhanh nhẹn, chịu khó, cẩn thận, tỉ mỉ, yêu nghề là những từ ngữ thân thương mà đồng nghiệp tại công ty TNHH HI-TEX dành cho chị Trương Thị Chiên. Chị là tấm gương sáng vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất, là điển hình trong phong trào “Giỏi việc công ty - đảm việc gia đình”.


Cái khó ló… sáng tạo
17:16 21/12/2022

Từ hạn chế, bất cập trong quá trình sản xuất, những sáng kiến, cải kiến kỹ thuật “made by công nhân” ra đời đem lại nhiều lợi ích thiết thực như: nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường làm việc, đồng thời tiết kiệm chi phí, nhân công cho công ty và tăng thu nhập cho người lao động.


Những tấm gương lao động nữ ngành Nông nghiệp vượt khó vươn lên
16:18 21/12/2022

Mỗi chị một hoàn cảnh, dù khó khăn, vất vả đến đâu nhưng các chị luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn đi đầu trong mọi phong trào. Đó là chân dung về những nữ công nhân lao động tiêu biểu ngành Nông nghiệp.


Chuyện về “ngôi sao đang lên”
21:26 19/12/2022

Nhanh nhẹn, hoạt bát, sáng tạo, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, yêu nghề, chịu khó, trải qua 10 năm làm việc anh Đặng Sỹ Thanh từ một công nhân lái xe trở thành người quản lý giỏi. Anh là “Ngôi sao đang lên” tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Hiệp.


THƯ VIỆN ẢNH

LIÊN KÊT WEBSITE

SỐ LƯỢNG TRUY CẬP