Khó khăn… trường kỳ
Nhiệm vụ vận động thành lập công đoàn cơ sở và phát triển đoàn viên chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng với tổ chức công đoàn. Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, nhiệm vụ này đã khó lại càng khó, nhất là vận động thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm.
Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở là một trong những nhiệm vụ được các cấp công đoàn Nghệ An đặc biệt quan tâm. Ảnh: ĐVCC |
Là đơn vị tích cực trong việc vận động thành lập công đoàn cơ sở và phát triển đoàn viên nhiều năm nay, hơn ai hết, những cán bộ Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam hiểu thấu những rào cản để đưa tổ chức công đoàn vào doanh nghiệp. “Trước đây, doanh nghiệp và người lao động từ chối tham gia tổ chức công đoàn vì không muốn đóng đoàn phí. Tuy nhiên, sau khi Luật Lao động quy định việc đóng đoàn phí là bắt buộc ở cả doanh nghiệp có hay không có tổ chức công đoàn thì đây không còn là lý do từ chối nữa. Tuy nhiên, còn có rất nhiều chủ doanh nghiệp không nhìn nhận đúng về vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn, cho rằng thành lập công đoàn là mất thời gian, phiền phức…”, chị Nguyễn Hoàng Yến, cán bộ Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam nói.
Chị Yến cũng chia sẻ thêm, từ chối hay phủ nhận vai trò tổ chức công đoàn mới chỉ là một phần câu chuyện. Ở một số doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động còn phớt lờ và không tiếp đón đoàn công tác dù đã lên lịch hẹn từ trước. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự trong việc tập hợp công nhân và thành lập tổ chức công đoàn, nhất là ở các doanh nghiệp thường xuyên thay đổi nhân sự hoặc tình hình kinh doanh, sản xuất khó khăn… Khó khăn này không chỉ ở các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất mà còn tồn tại ở các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đặc thù ngành khác.
Xã Diễn Bích là địa phương đầu tiên trong tỉnh thành lập nghiệp đoàn nghề cá. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Một trong những ngành nghề tập trung đông lao động nhưng khó phát triển đoàn viên là nghề đánh bắt hải sản. Tính đến hết tháng 4 năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An chỉ mới có 1 nghiệp đoàn nghề cá được thành lập là Nghiệp đoàn nghề cá Diễn Bích. Lý giải điều này, chị Phan Thị Trang - Trưởng ban Tổ chức Liên đoàn Lao động tỉnh nói: “Vì tính chất công việc nên người lao động làm nghề đánh bắt hải sản rất khó để tập trung, vận động như nhiều ngành nghề khác. Hơn nữa, cuộc sống người dân ngành nghề này vốn dĩ đã khó khăn, nhiều người trong số họ không hiểu về tổ chức công đoàn và không thích ràng buộc nghĩa vụ hay trách nhiệm. Rào cản về trình độ cũng như khác biệt quan điểm sống cũng là một lý do khiến việc vận động thêm phần vất vả. Phần lớn họ sẽ không mở lòng khi nghe người ngoài vận động mà chỉ tin tưởng những người gần gũi, thân thiết với mình. Tuy nhiên, Công đoàn Nghệ An luôn xác định, ngư dân là một trong những đối tượng cần đặc biệt quan tâm, không chỉ bởi vì sự lớn mạnh của tổ chức mà còn vì vai trò giữ gìn biển, đảo quê hương của họ”.
Hòa mình vào người lao động
Tại huyện ven biển Quỳnh Lưu, bằng tâm huyết và sự sáng tạo, những cán bộ công đoàn, 2 nghiệp đoàn nghề cá đã được thành lập với tổng số đoàn viên là 2.368 đoàn viên. Đây là kết quả của một quá trình dài vận động, chia sẻ, đồng hành với ngư dân.
Anh Tô Văn Thắng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Diệp Thanh |
Chia sẻ về quá trình này, anh Tô Văn Thắng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Quỳnh Lưu nói: “Trước khi bắt tay vào thực hiện, chúng tôi đã gặp cấp ủy, chính quyền để trao đổi chủ trương, tìm hiểu về hoạt động của đơn vị trước. Sau khi nắm rõ tình hình, kết nối với những người có uy tín tại đơn vị, Công đoàn huyện sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi gặp gỡ, vận động. Tuy nhiên, không nên kỳ vọng cao vào những cuộc gặp gỡ tập trung này, bởi thực tế là rất khó tập trung thuyền viên một cách đầy đủ, dù chúng tôi đã cố tình chọn ngày trăng, ít người đi đánh cá để tổ chức. Có những ngư dân không đến với lý do mệt, có những ngư dân không đến vì chủ tàu không cho, có những ngư dân đến một chút rồi về, có những ngư dân đến rồi gác chân lên bàn nói chuyện riêng… Họ đã quen với cuộc sống tự do, ăn sóng nói gió nên không thể thuyết phục họ nếu chỉ làm theo những cách làm cũ”.
Trước thực tế đó, anh Tô Văn Thắng đã quyết định hoà mình vào người lao động và trở thành bạn của họ trước. Thế là, những ngày cuối tuần, người đứng đầu Công đoàn huyện Quỳnh Lưu đã đến với ngư dân trong vai trò một người bạn với quần đùi, áo cộc, với những câu chuyện đời thường vụn vặt, với những trận bóng, những cuộc nhậu dân biển… Dần dà, không biết từ bao giờ, anh Thắng đã trở thành một người bạn thân thiết của những ngư dân Sơn Hải và Quỳnh Long. Họ tin tưởng, yêu quý anh như thể anh là một ngư dân.
Ngư dân xã Sơn Hải chia sẻ tại lễ công bố quyết định thành lập nghiệp đoàn nghề cá. Ảnh: Diệp Thanh |
“Để gần hơn với người lao động, với ngư dân, cần rất nhiều sự chân tình, cởi mở và nên quên hết những chức vụ, vị thế của mình. Bên cạnh đó, Công đoàn huyện vẫn chủ động hỗ trợ, trao tặng cờ, quà, thăm hỏi ngư dân có hoàn cảnh khó khăn. Hơn hết, cán bộ công đoàn phải trang bị bản lĩnh vững vàng, kiến thức chắc chắn để có thể hỗ trợ, tư vấn, giải đáp những thắc mắc của người dân các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động và về tổ chức công đoàn…” - anh Thắng thổ lộ. Từ cách làm này, LĐLĐ huyện thành công thành lập 2 nghiệp đoàn nghề cá tại xã Quỳnh Long và Sơn Hải. Đặc biệt, sự kiện Công bố Quyết định thành lập Công đoàn cơ sở tại xã Sơn Hải đã diễn ra trong sự quy củ, nghiêm túc chưa từng có của những ngư dân. Ngoài ra, trong Tháng Công nhân năm 2022, LĐLĐ huyện Quỳnh Lưu còn thành lập mới 2 công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp với 262 đoàn viên.
Kiên trì vận động và nắm chắc luật cũng là từ khóa mà Công đoàn KKT Đông Nam áp dụng trong vận động thành lập công đoàn cơ sở. Theo đó, với những đơn vị khó vận động, Công đoàn KKT Đông Nam phân công địa bàn cho từng cán bộ công đoàn để nắm chắc về những đặc điểm tình hình kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, giám sát việc thực hiện Luật Lao động tại doanh nghiệp…
Anh Vương An Nguyên - Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam chia sẻ: “Trong những lần làm việc trực tiếp, cán bộ công đoàn sẽ có không ít cơ hội để vừa kiểm tra, giám sát tình hình doanh nghiệp, vừa tạo dựng mối quan hệ với đội ngũ cán bộ nhân sự của công ty. Những tư vấn, giải đáp của cán bộ công đoàn là cơ sở để xây dựng uy tín, vị thế của tổ chức trong mắt doanh nghiệp. Khi họ cần, mình hỗ trợ nhiệt tình thì khi mình cần, họ cũng sẽ sẵn sàng tạo điều kiện giúp đỡ, tác động với chủ doanh nghiệp”.
Trao quà hỗ trợ cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: ĐVCC |
Bên cạnh thái độ thiện chí, nhiệt tình hỗ trợ, những cán bộ Công đoàn KKT Đông Nam xác định cần có một thái độ cứng rắn, phản biện, cùng các đoàn liên ngành xử lý những doanh nghiệp chây ỳ, thiếu thiện chí.
Là 1 trong 2 đơn vị làm tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong Tháng Công nhân năm 2022, Công đoàn ngành Giáo dục cũng đã áp dụng những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Anh Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục cho biết: “Hai năm qua, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các trường mầm non ngoài công lập và các trung tâm ngoại ngữ gặp khó khăn nặng nề. Trước tình hình đó, biến khó khăn thành cơ hội, công đoàn ngành đã tổ chức các sự kiện lắng nghe, động viên cho giáo viên, người lao động tại những đơn vị này và trao tặng những phần quà để hỗ trợ cho họ. Sau sự kiện, trước tình cảm của cán bộ công đoàn, các đơn vị đều chủ động bày tỏ mong muốn về thành lập tổ chức công đoàn để được quan tâm nhiều hơn, hoạt động bài bản hơn, ổn định quan hệ lao động và có cơ hội để học hỏi, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Đây cũng là tiền đề để thành lập tổ chức công đoàn ở các đơn vị ngoài công lập khác”.
Một chương trình "Cảm ơn người lao động" do Công đoàn ngành Giáo dục tổ chức. Ảnh: ĐVCC |
Anh Hải chia sẻ thêm: “Tôi cho rằng, trước khi đề nghị họ thành lập công đoàn cơ sở thì cán bộ công đoàn phải chứng minh cho họ thấy lợi ích đã. Để làm được điều này, công đoàn cấp trên cần chủ động quan tâm, hỗ trợ trước với thái độ chân thành, kể cả khi chưa có tổ chức công đoàn, cần xây dựng các chương trình có tính lan tỏa, lâu dài, cụ thể”.