Quán triệt, phổ biến kịp thời các văn bản, nội dung công tác
Nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động, tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thường xuyên quán triệt, tuyên truyền đầy đủ các nội dung của Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 13/8/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, Nghị quyết 10c/NQ-BCH, ngày 12/01/2017 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XI) về nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới, Chỉ thị số 04/CT-TLĐ ngày 3/3/2017 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các văn bản liên quan đến công tác an toàn vệ sinh lao động.
Chăm lo công tác an toàn vệ sinh lao động được xem là một trong những vấn đề quan trọng của tổ chức Công đoàn. Ảnh: Diệp Thanh. |
Chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động, phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ sử dụng lao động xây dựng và thực hiện nghiêm kế hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, nhất là dịp Tuần lễ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và Tháng hành động vì an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy, nổ hàng năm.
Hàng năm, ban hành văn bản hướng dẫn về công tác đảm bảo an toàn, phòng, chống cháy nổ; phát động và thực hiện tốt phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, công tác kiểm tra, chấm điểm thi đua hướng dẫn khen thưởng thi đua chuyên đề “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” được thực hiện thường xuyên.
Hàng năm các cấp công đoàn đều phát động Tháng An toàn vệ sinh lao động. Ảnh minh hoạ: Mỹ Hà. |
Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh đưa nội dung công tác an toàn vệ sinh lao động vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, toàn khóa của cấp mình và phân công cán bộ theo dõi phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động"; Xây dựng chương trình công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ phù hợp với điều kiện làm việc của từng đơn vị; Chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người sử dụng lao động và người lao động thực hiện nghiêm túc quyền hạn và nghĩa vụ, trách nhiệm về công tác bảo hộ lao động.
Chủ động thực hiện an toàn vệ sinh lao động
Đánh giá về kết quả công tác an toàn vệ sinh lao động được triển khai thực hiện trong thời gian qua, ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh chia sẻ: “Các cấp công đoàn đã chủ động tích cực tham gia với chính quyền, chủ sử dụng lao động thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động. Tích cực phối hợp trong hoạt động giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, việc thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hộ lao động, quản lý, theo dõi hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại các đơn vị, doanh nghiệp được quan tâm. Tập trung đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, huấn luyện và tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động đến từng người lao động tại các doanh nghiệp, động viên, khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn vệ sinh lao động”.
Vấn đề an toàn vệ sinh lao động ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khoẻ công nhân. Ảnh minh họa: Diệp Thanh |
Phát huy vai trò, trách nhiệm, công đoàn tích cực tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chế độ, chính sách về an toàn vệ sinh lao động.
Bà Hoàng Thị Thu Hương - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Hàng năm Liên đoàn Lao động tỉnh đề xuất với UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo về công tác an toàn vệ sinh lao động trong dịp Tuần lễ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu những giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh. Góp ý vào dự thảo Quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình về an toàn vệ sinh lao động và các kế hoạch, chương trình đảm bảo an toàn lao động cho người lao động; tham gia vào các văn bản để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, cung cấp dịch vụ công về an toàn vệ sinh lao động.
Tại các doanh nghiệp, công đoàn kiến nghị với người sử dụng lao động cải thiện điều kiện làm việc như: Xây dựng và phổ biến cho người lao động các nội quy, quy trình làm việc an toàn, quy trình xử lý sự cố xảy ra. Cung cấp đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân có chất lượng phù hợp với công việc nhiệm vụ được giao, 100% người lao động của các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn được khám sức khoẻ định kỳ với số lượng hàng nghìn lượt người/năm. Chế độ đăng ký sử dụng, kiểm định máy móc, thiết bị, vật tư, hóa chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã được các đơn vị nghiêm túc thực hiện theo quy định.
Hàng năm, công đoàn cơ sở tham gia với người sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức tự kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, điều tra tai nạn lao động.
Điều kiện làm việc, công tác an toàn lao động, phòng, chống cháy, nổ cũng là nội dung quan trọng để ban chấp hành công đoàn cơ sở tham gia đối thoại, đưa vào Thỏa ước lao động tập thể, từ đó “luật hóa” để tạo cơ sở pháp lý thực hiện, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động.
Vấn đề an toàn vệ sinh lao động cần được đảm bảo. Ảnh: Diệp Thanh |
Công đoàn các cấp thường xuyên phối hợp với rà soát đội ngũ làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị để kịp thời bổ sung, kiện toàn, đảm bảo 100% các cấp công đoàn đều có cán bộ theo dõi về công tác an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là những doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao, những doanh nghiệp trong ngành công nghiệp khai khoáng, thủy điện, xây dựng, giao thông...
Theo thống kê, toàn tỉnh có 373 doanh nghiệp thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên với 3.918 người. Công tác kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên cơ sở ngày càng được hoàn thiện và nâng cao chất lượng. Đội ngũ an toàn vệ sinh viên được tập huấn hàng năm có nhiều kỹ năng tốt về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nội dung huấn luyện là những quy định, hệ thống văn bản pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn vệ sinh lao động. Chú trọng ứng dụng, chuyển giao, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động, đặc biệt trong các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Trong 2 năm (2020, 2021) và 4 tháng đầu năm 2022 các doanh nghiệp trên địa bàn đã thành lập tổ phản ứng nhanh là những thành viên mạng lưới an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở được tập huấn bài bản về phòng, chống dịch Covid-19. Công tác tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đảm bảo thời gian làm việc, nghỉ ngơi, chế độ với người lao động đúng theo quy định pháp luật được nhiều đơn vị quan tâm.
Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh thăm hỏi, động viên gia đình đoàn viên bị thiệt hại do cháy nổ tại Thanh Chương. Ảnh: CSCC |
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cũng được đổi mới hình thức bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng, thực chất và có hiệu quả như thông qua băng rôn, khẩu hiệu, pa-nô; phát hàng nghìn tờ rơi, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ, đảng viên, người sử dụng lao động và người lao động.
Với sự quan tâm sâu sát của tổ chức công đoàn, sự hưởng ứng của các chủ doanh nghiệp, nhận thức về công tác an toàn vệ sinh lao động từng bước được nâng lên. Có thể khẳng định: Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đáp ứng được cơ bản yêu cầu của người lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ./.