10:14 02/08/2024
3 câu hỏi về dân vận khéo trong công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS
Dân vận là gì và dân vận khéo trong công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS là gì? Bác Hồ từng giải thích: “Dân vận là động viên tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”. Theo đó, để phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS, tổ chức Công đoàn, cụ thể là cán bộ công đoàn được giao trách nhiệm phải tìm mọi cách giải thích để NLĐ hiểu rõ, phải bàn bạc, hỏi ý kiến của bản thân NLĐ. Khi vận động gia nhập tổ chức Công đoàn cũng như thành lập CĐCS phải theo dõi, giúp đỡ, khuyến khích và thường xuyên cùng đoàn viên, NLĐ rút kinh nghiệm về mọi mặt. Không ai ngoài cán bộ công đoàn trong tương tác với NLĐ chính là 2 chủ thể của công tác này.
Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Đông nam trào quà cho công nhân Khu Công nghiệp Vship Nghệ An
Nhưng không chỉ cán bộ công đoàn làm công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS, có chăng, cán bộ công đoàn là “nhạc trưởng” chỉ huy chiến lược trong một địa bàn, cơ sở. Cũng học theo lời Bác: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân phụ trách dân vận. Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm”. Theo đó, cán bộ công đoàn phải vận động được các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, sự phối hợp của chính quyền, đoàn thể,… cùng tham gia công tác này. Đó là chiến lược tạo nên sức mạnh tổng hợp cho công tác vận động gia nhập tổ chức Công đoàn và thành lập CĐCS.
Dân vận như thế nào, trước hết là đối với cán bộ công đoàn? Bác nêu 6 phẩm chất cần có là: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi là sự sâu sát, nắm bắt, hiểu được NLĐ. Còn miệng nói, tay làm chính là sự nêu gương, nói đi đôi với làm chứ không phải nói suông để NLĐ, thấy lợi ích, tin tưởng khi gia nhập tổ chức Công đoàn, doanh nghiệp ủng hộ và đặt kỳ vọng khi thành lập CĐCS.
Cán bộ công đoàn phải dành rất nhiều thời gian, công sức, từ việc gặp gỡ, trao đổi, thuyết phục chủ doanh nghiệp để có sự đồng thuận về chủ trương đến việc vận động, thuyết phục để NLĐ gia nhập công đoàn; hay việc thành lập ban vận động, lựa chọn, giới thiệu nhân sự ban chấp hành CĐCS và kịch bản tổ chức công bố quyết định thành lập CĐCS... Tất cả đều phải chuẩn bị chu đáo, nhiều phương án, xử lý linh hoạt và kiên trì đeo bám cơ sở, “mưa dầm thấm lâu” cán bộ công đoàn cứ đi nhiều lần sẽ thành công.
Gắn với chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ
Vận dụng dân vận khéo vào công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS của tổ chức Công đoàn ngày nay trong điều kiện có sự ủng hộ của chính quyền, có công cụ thông tin, truyền thông, có mạng internet... nhưng vẫn rất cần sự sâu sát, lắng nghe, bàn bạc với NLĐ. “Dân vận khéo” là phải sát NLĐ, phù hợp với đặc điểm, lợi ích của từng đối tượng, từng con người, hoàn cảnh trong một đơn vị. Chính vì thế, việc triển khai công tác dân vận đối với NLĐ ở mỗi đơn vị có những đặc thù, những điểm khác nhau. Tổ chức Công đoàn phải rất bài bản về cả nội dung và phương pháp.
Cán bộ Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam đến nắm bắt thông tin tại công đoàn cơ sở
Trong đó, cốt lõi là công tác dân vận của tổ chức Công đoàn phải luôn chú trọng việc thuyết phục, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. Mỗi lần tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, cán bộ công đoàn phải thể hiện sự cầu thị, lắng nghe, tôn trọng, có lý, có tình... thì dân vận sẽ ngày càng khéo, sự đồng thuận sẽ ngày càng cao. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn còn là “điểm tựa” cho người lao động trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng; đồng thời tổ chức công đoàn cũng phải đồng hành cùng doanh nghiệp trong lao động và sản xuất. Công tác dân vận của công đoàn phải luôn đổi mới, linh hoạt để đảm bảo là cầu nối của người lao động và chủ sử dụng lao động
Gắn với quan điểm trên, trong những năm qua, Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam đã tập trung chú trọng 2 nội dung chính: đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và công tác chăm lo cho đoàn viên, NLĐ.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Công đoàn KKT Đông Nam đã tổ chức Đoàn giám sát về việc thực hiện pháp luật tại 04 doanh nghiệp. Tập trung cao điểm chỉ đạo CĐCS phối hợp đối thoại, hội nghị NLĐ. Có 14 đơn vị tổ chức hội nghị NLĐ, 22 đơn vị tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Việc tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời gian làm việc. Hướng dẫn CĐCS thương lượng, điều chỉnh tiền lương, giá trị bữa ăn ca bằng cách cung cấp thông tin các doanh nghiệp khác trong khu công nghiệp để CĐCS có thông tin trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp. Có 06 đơn vị thương lượng thành công (mức tối thiểu lên từ 22.000 - 25.000 đồng). Tổ chức Công đoàn trực tiếp và thông qua quá trình tư vấn, tham gia phản biện, góp ý, thương lượng với người sử dụng lao động các văn bản như nội quy lao động, thang bảng lương, thỏa ước lao động tập thể, khen thưởng, kỷ luật, chế độ ăn ca… và các chính sách lao động liên quan đến người lao động trong nội bộ cơ quan, doanh nghiệp. Các hoạt động này đã làm lan tỏa vai trò, khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn.
Ngoài các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đã ghi được dấu ấn trong lòng đoàn viên, người lao động như “Tết Sum vầy”, “Giải nhiệt mùa hè”, trao quà hỗ trợ…, Công đoàn KKT Đông Nam còn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động như Giải thể thao KKT Đông Nam, Hội thi Vũ điệu Nhịp sống mới; Tuổi trẻ Thanh lịch Khu kinh tế Đông Nam… cho thấy rõ lợi ích khi trở thành đoàn viên công đoàn, qua đó đã thu hút NLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn.
Những kết quả nổi bật, toàn diện
Thực hiện Kế hoạch số 31/KH-TLĐ ngày 27/3/2024 của Tổng Liên đoàn; Kế hoạch số 26/KH-LĐLĐ ngày 23/4/2024 của Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An về phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn năm 2024, ngay từ đầu năm, Công đoàn KKT Đông Nam đã xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của năm, và đã đưa công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở vào nội dung công việc của từng tháng. Đặc biệt, dựa trên các kế hoạch trên, Ban Chấp hành đã xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở năm 2024, đưa ra các chỉ tiêu cụ thể và các giải pháp, kết hoạch tổ chức triển khai thực hiện để đạt chỉ tiêu đề ra.
Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam tô chức tết sum vầy cho công nhân lao động
Vận dụng tư tưởng dân vận khéo, đa dạng hoá cách thức vận động công nhân lao động, người sử dụng lao động, nỗ lực đổi mới để tuyên truyền, 6 tháng đầu năm 2024, Công đoàn KKT Đông Nam đã thành lập 10 CĐCS.
Trong 6 tháng đầu năm, Công đoàn KKT Đông Nam đã kết nạp 10 CĐCS, với 2.247 đoàn viên công đoàn và phát triển hơn 5.100 đoàn viên; Biểu dương 05 CĐCS có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở giai đoạn 2023-2024.
Những cuộc làm việc với lãnh đạo các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động và đưa ra giải pháp, kiến nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc đề xuất thành lập CĐCS. Đặc biệt, việc giám sát việc thực hiện pháp luật lao động và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có liên quan mật thiết đến vai trò của tổ chức Công đoàn, là nội dung có thể kết hợp với đề xuất thành lập CĐCS.
Chia sẻ với đoàn viên, NLĐ, doanh nghiệp Chia sẻ với đoàn viên, NLĐ, doanh nghiệp, "Dân vận khéo" không thể chỉ là một chiều mà là hai chiều. Phải lắng nghe, phản hồi, đối thoại, khuyến khích sự đóng góp ý kiến, sáng kiến của đoàn viên, NLĐ, doanh nghiệp. Theo đó, "Dân vận khéo" là làm cho đoàn viên, NLĐ, doanh nghiệp thấy quyền lợi, nghĩa vụ, thấy lợi ích hài hòa, triển khai những việc làm thiết thực gắn với quyền, lợi ích, hợp pháp, chính đáng của NLĐ và doanh nghiệp.
|
HOÀNG YẾN
THÔNG BÁO
Kế hoạch Tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động với Đoàn Đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8 và tặng quà cho Công nhân lao động Năm 2024
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô và tài sản cố định khác năm 2024
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp năm 2023
Thông báo công khai tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công năm 2023
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
TƯ VẤN PHÁP LUẬT
LIÊN KÊT WEBSITE
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP