08:50 02/05/2025
Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn
- Thưa Chủ tịch, tại sao nói trí thức hóa công nhân là một xu hướng tất yếu?
Chủ tịch NGUYỄN ĐÌNH KHANG: Để đảm bảo nguồn lực và động lực xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, việc phát triển giai cấp công nhân, trong đó có trí thức hóa công nhân, được xem là một trong những vấn đề căn cốt.
Vấn đề trí thức hóa công nhân được Đảng ta chính thức đề ra tại Đại hội IX, cùng với chủ trương “từng bước phát triển kinh tế tri thức ở nước ta”. Trong đó, nêu rõ: “Coi trọng phát triển về số lượng và chất lượng, nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn và nghề nghiệp, thực hiện “trí thức hóa công nhân”, nâng cao năng lực ứng dụng và sáng tạo công nghệ mới, lao động đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, xứng đáng là một lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và vai trò lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ mới”.
Nhất quán quan điểm trên, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28.01.2008 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X xác định: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, phát triển nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng, có cơ cấu đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; ngày càng được trí thức hóa: có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức; thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; có giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao”.
Điều này cho thấy việc trí thức hóa công nhân là một chủ trương nhất quán, được Đảng ta quan tâm chỉ đạo. Bởi khi nền sản xuất xã hội ngày càng phát triển, máy móc, thiết bị ngày càng được cải tiến, đặc biệt là những thay đổi có tính bước ngoặt như các cuộc cách mạng công nghiệp, chuyển đổi số, công nhân, lao động cần không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, sự sáng tạo.
Nếu trình độ chuyên môn nghề nghiệp không bắt kịp, không đáp ứng được công nghệ mới, công nhân sẽ rất khó, thậm chí là không thể đảm bảo việc làm, đảm bảo thu nhập.
Có thể thấy trí thức hóa công nhân là một xu hướng tất yếu bởi yêu cầu của chính nền sản xuất công nghiệp ngày càng tiên tiến, hiện đại và xã hội hóa cao; đòi hỏi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức; đồng thời từ chính sự phát triển của giai cấp công nhân với vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản – giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến.
Vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân đến từ địa vị kinh tế - xã hội của họ, nhưng để hoàn thành thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp công nhân phải thực sự hiện đại, lớn mạnh và đoàn kết thành một khối thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Người lao động hôm nay cần sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng thích ứng với môi trường mới, công việc mới, yêu cầu mới. Ảnh: Hải Nguyễn
Tổ chức Công đoàn đã làm những gì để tham gia thực hiện trí thức hóa công nhân, thưa Chủ tịch?
Chủ tịch NGUYỄN ĐÌNH KHANG: Chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn là một đảm bảo quan trọng cho vận động, tập hợp, đoàn kết và giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh. Khi giai cấp công nhân lớn mạnh sẽ là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong xây dựng, củng cố khối liên minh Công – Nông – Trí vững chắc, làm nền tảng cho xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quán triệt triển khai chủ trương của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân, trí thức hóa công nhân, các chương trình hoạt động của các cấp công đoàn đều tập trung vào việc nỗ lực kiến nghị và tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân lao động, như việc làm, thu nhập, đời sống, điều kiện làm việc; nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo cho con em công nhân; nâng cao giác ngộ giai cấp, am hiểu và gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt là nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp của công nhân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Với sự vào cuộc có trách nhiệm của các cấp công đoàn và sự nỗ lực vươn lên của công nhân lao động, nhận thức về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân, về yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế tiếp tục được nâng lên.
Trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng tiếp thu tri thức mới, làm chủ công nghệ hiện đại; ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp và sự am hiểu về chính sách, pháp luật, nhất là chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân có chuyển biến tích cực.
Công tác vận động đoàn viên, người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động được quan tâm thực hiện, xuất hiện một số mô hình thực hiện hiệu quả.
Tổng LĐLĐVN tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 13.2.2015 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020” và Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 19.10.2022 phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030”.
Các cấp công đoàn đã nỗ lực kiến nghị, đề xuất với chính quyền, thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động tạo điều kiện để người lao động tham gia học tập; xây dựng quỹ khuyến học, các “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa”, tủ sách học tập; tổ chức phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi; phối hợp mở các lớp đào tạo, đào tạo lại nghề theo hình thức công nhân lành nghề kèm cặp công nhân mới; thợ bậc cao, thợ lành nghề kèm cặp thợ bậc thấp; thực hiện các chính sách khuyến khích công nhân lao động học tập.
Nhiều doanh nghiệp có chương trình đào tạo nội bộ cho công nhân, cử công nhân có tay nghề giỏi đi tu nghiệp ở nước ngoài.
Theo thống kê chưa đầy đủ, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, đã có hơn 17 triệu đoàn viên, công nhân viên chức lao động được tuyên truyền, vận động nâng cao trình độ; gần 1,5 triệu lượt đoàn viên, công nhân lao động được học tập nâng cao trình độ học vấn; hơn 5 triệu lượt công nhân lao động được học tập nâng cao tay nghề; hơn 3,5 triệu lượt đoàn viên, công nhân viên chức lao động được bồi dưỡng lý luận chính trị; gần 1,3 triệu lượt công nhân lao động được tham gia các hoạt động luyện tay nghề, thi thợ giỏi; hơn 560.000 lượt công nhân lao động được học ngoại ngữ và gần 515.000 lượt công nhân lao động học tin học…
- Thưa Chủ tịch, để tiếp tục thực hiện trí thức hóa công nhân, cần có những giải pháp gì?
- Chủ tịch NGUYỄN ĐÌNH KHANG: Tại Hội thảo Khoa học quốc gia về “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh” do Tổng LĐLĐVN chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức mới đây, các nhà khoa học, cán bộ công đoàn đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, khả thi để xây dựng giai cấp công nhân.
Trong đó, để giai cấp công nhân ngày càng hiện đại, lớn mạnh thì phải tiếp tục đẩy mạnh trí thức hóa công nhân, đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh; tổ chức hệ thống thông tin thị trường lao động; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đảm bảo sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong xã hội và trong mỗi doanh nghiệp để có hiểu biết thực chất về Cách mạng công nghiệp 4.0, về trí thức hóa công nhân…
Về phần mình, công nhân lao động cần chủ động, tích cực nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chính mình trong sự phát triển chung của doanh nghiệp cũng như của toàn xã hội; xác định phương châm học suốt đời, làm giàu tri thức và kỹ năng nghề nghiệp; chủ động tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ mới; đồng thời sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng thích ứng với môi trường mới, công việc mới, yêu cầu mới.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ của giai cấp công nhân Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; nghiên cứu dự báo về nhu cầu nhân lực cho từng ngành nghề làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bố trí lao động trong ngắn hạn và trung hạn; cơ cấu lại ngành nghề đào tạo phù hợp với những ngành nghề ưu tiên phát triển. Trong đào tạo cần kết hợp giữa đào tạo tại trường với đào tạo thực tiễn tại các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp phải có kế hoạch sử dụng lao động, bố trí lại lao động, đào tạo lại song song với việc xây dựng phương án đầu tư thiết bị, công nghệ mới; có các chính sách bảo đảm việc làm, an sinh xã hội cho người lao động yếu thế và trong số lao động phải dịch chuyển trong quá trình ứng dụng khoa học - công nghệ mới sẽ có lao động đã có tuổi, trình độ không đáp ứng được yêu cầu mới.
- Tháng Công nhân năm 2025 được tổ chức với chủ đề “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”. Xin Chủ tịch cho biết điểm mới trong các hoạt động của Tháng Công nhân – sự kiện được nhiều công nhân lao động mong đợi?
Chủ tịch NGUYỄN ĐÌNH KHANG: Mục đích của Tháng Công nhân là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, cải thiện điều kiện sống, làm việc của công nhân; tôn vinh và phát huy vai trò công nhân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Thúc đẩy công nhân tích cực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp, tiếp cận các xu hướng lao động hiện đại, thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Tháng Công nhân năm 2025, Tổng LĐLĐVN đề ra mục tiêu phấn đấu có từ 55% trở lên công đoàn cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp có ít nhất 01 hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân; 35% trở lên công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có ít nhất một hoạt động phù hợp hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2025.
Cùng với việc tiếp tục tổ chức các hoạt động đang phát huy hiệu quả tại địa phương, ngành, đơn vị, được đông đảo đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động đón nhận, được các cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động quan tâm, ủng hộ; Tháng Công nhân năm nay, tùy thuộc vào tình hình thực tế, các cấp công đoàn có thể lựa chọn để thực hiện tốt một số hoạt động, gồm: Chương trình “Công nhân sáng tạo, vững tin bước vào kỷ nguyên mới”; Chương trình “Đối thoại tháng 5” và Diễn đàn “Đảng với công nhân – Công nhân với Đảng”; Chương trình “Cảm ơn người lao động”; Tổ chức Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, giới thiệu phát triển đảng viên công nhân; Chương trình “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức đoàn viên, người lao động”.
Đối với Chương trình “Công nhân sáng tạo, vững tin bước vào kỷ nguyên mới” – một điểm mới của Tháng Công nhân năm 2025 – quán triệt, triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, công đoàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động học tập, nâng cao trình độ tay nghề; trau dồi bản lĩnh, đổi mới tác phong làm việc, nâng cao kỹ năng hội nhập; khích lệ đoàn viên, người lao động đổi mới sáng tạo, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, hiệu suất công tác, phát triển doanh nghiệp, ngành, địa phương và đất nước.
Tổ chức “Ngày hội lao động sáng tạo năm 2025”, các cuộc thi đề xuất ý tưởng, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, đổi mới quy trình sản xuất; tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, thời gian, sức lao động. Tôn vinh, biểu dương công nhân có thành tích trong lao động, sản xuất, có nhiều sáng kiến, sáng tạo; đạt thành tích cao trong các hội thi thợ giỏi…
Năm 2025 là năm diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng của đất nước: Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Năm 2025 cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện Luật Công đoàn năm 2024; năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; năm thứ tư thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Vì vậy, các hoạt động của Tháng Công nhân sẽ tập trung thực hiện, cụ thể hóa chủ đề “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”, đồng thời cũng sẽ tạo điều kiện cao nhất để đoàn viên, người lao động được thụ hưởng tốt nhất các hoạt động chăm lo, đảm bảo quyền lợi.
Tôi cũng nhấn mạnh, các hoạt động Tháng Công nhân còn nhằm khẳng định vai trò, vị trí và đóng góp của giai cấp công nhân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp đổi mới đất nước, lao động sáng tạo, tự tin bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Xin cảm ơn Chủ tịch!
THU TRÀ THỰC HIỆN - Nguồn Laodong.vn
THÔNG BÁO
Hướng dẫn Tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đại biểu tỉnh lần thứ XX và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng trong các cấp công đoàn tỉnh Nghệ An
Kế hoạch tổ chức Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh
Kế hoạch Tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động với Đoàn Đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8 và tặng quà cho Công nhân lao động Năm 2024
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô và tài sản cố định khác năm 2024
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
TƯ VẤN PHÁP LUẬT
LIÊN KÊT WEBSITE
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP