Quyết tâm vượt chỉ tiêu
Sau khi Bộ Luật Lao động với quy định các doanh nghiệp được thành lập tổ chức đại diện cho người lao động có hiệu lực, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP) được thực thi, Công đoàn Việt Nam sẽ không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động. Trước thực tế này, Công đoàn Việt Nam hiểu rằng, việc thu hút đoàn viên công đoàn, công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở là không thể tránh khỏi cạnh tranh và sẽ gặp khó khăn.
Cán bộ công đoàn KKT Đông Nam khảo sát nắm bắt tình hình doanh nghiệp. Ảnh: ĐVCC |
Theo thống kê, hiện nay, các loại hình doanh nghiệp ở Nghệ An phát triển nhanh, nhiều doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, giày da, điện tử đầu tư vào các huyện và khu công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng công nhân lao động lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước hoạt động trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh về số lượng nhưng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lượng lao động không lớn, nhiều doanh nghiệp chỉ mang tính gia đình, sử dụng lao động thời vụ, công nhân lao động đa số tuổi đời còn trẻ, xuất thân từ lao động nông thôn, chưa có tác phong lao động công nghiệp và hạn chế về kiến thức pháp luật, quan hệ lao động ở khu vực này còn nhiều mặt chưa thật sự ổn định, dễ phát sinh mâu thuẫn.
Bên cạnh đó một số doanh nghiệp thực hiện chính sách đối với người lao động còn bộc lộ nhiều hạn chế như: chưa xây dựng được thang, bảng lương hoặc có nhưng không hợp lý, tỷ lệ người lao động chưa được tham gia bảo hiểm xã hội còn khá lớn, nhiều doanh nghiệp vi phạm thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, điều kiện làm việc… Đây là những nguyên nhân chính làm cho quan hệ lao động ở một số doanh nghiệp căng thẳng dẫn đến tranh chấp lao động, lãn công, đình công, ảnh hưởng đến môi trường phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Công đoàn ngành Giáo dục là 1 trong 2 đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ thành lập công đoàn cơ sở trong tháng công nhân năm 2022. Ảnh: ĐVCC |
Trước tình hình thực tế còn nhiều vấn đề cần giải quyết, việc xây dựng Đề án “Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” là hết sức cần thiết.
Nhận định tình hình thời gian tới, đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nhấn mạnh: “Theo thống kê, đến nay vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn. Trong thời gian tới, với sự mời gọi đầu tư của tỉnh, sẽ còn nhiều doanh nghiệp mới có đông công nhân lao động được cấp giấy phép thành lập và đi vào hoạt động. Công đoàn Nghệ An cần tận dụng tối đa thời điểm vàng để phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở nhằm đảm bảo chiếm lĩnh thị trường trước khi tổ chức khác đại diện cho người lao động được thành lập. Để làm được điều này, các cấp công đoàn cần chỉnh đốn, đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở theo hướng phù hợp thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Các cấp công đoàn phối hợp với chuyên môn đồng cấp xây dựng chiến lược, biện pháp cụ thể quyết tâm thực hiện vượt mức chỉ tiêu của đề án đề ra”.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Để hiện thực hoá những chỉ tiêu đề ra, xây dựng Đề án “Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ.
Công đoàn KKT Đông Nam thành lập công đoàn cơ sở trong Tháng Công nhân 2022. Ảnh: ĐVCC |
Theo đó, cần tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh và của công đoàn các cấp, đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền chuyên môn, các cấp các ngành. Cụ thể, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, nhất là trách nhiệm của các đồng chí Chủ tịch Liên đoàn Lao động cấp huyện, Công đoàn ngành trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
Liên đoàn Lao động cấp huyện cần phối hợp với chính quyền để tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên cấp huyện do đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên của ngành do đồng chí Lãnh đạo Sở làm Trưởng ban và có sự tham gia của các phòng ban cấp Sở. Ngoài ra, cần thành lập đội ngũ cộng tác viên gồm những người có chức vụ, uy tín, tại cấp huyện, xã, phường, thị trấn, cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động, cán bộ chuyên trách công đoàn tâm huyết mới nghỉ hưu, đội ngũ cộng tác viên dư luận giúp công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Cán bộ công đoàn cấp huyện cũng cần tăng cường mối quan hệ công tác với Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan để phối hợp chỉ đạo, quản lý doanh nghiệp, lao động trên địa bàn.
Các cấp công đoàn cần đổi mới các hình thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục người lao động tham gia công đoàn. Để làm được điều này, cán bộ công đoàn cần nắm bắt rõ tình hình và nhu cầu việc làm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh , thành lập nhóm “công nhân nòng cốt” tại các doanh nghiệp, tại các khu nhà trọ làm hạt nhân cho việc phát hiện, vận động công nhân vào tổ chức công đoàn, phát huy lợi thế của nền tảng công nghệ thông tin để phục vụ tuyên truyền. Đối với một số doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn trong việc vận động giám đốc doanh nghiệp thì thực hiện nhiều biện pháp vận động khác.
Để thu hút công nhân lao động, chất lượng cán bộ công đoàn là một yếu tố mang tính quyết định. Vì vậy, cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ công đoàn làm công tác phát triển đoàn viên. Theo đó, nghiên cứu đề xuất doanh nghiệp phối hợp, bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách đối với doanh nghiệp có đủ 1.000 đoàn viên thuộc đối tượng tính quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, công tác cán bộ, cơ cấu ban chấp hành công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp, công tác tập huấn, bồi dưỡng… cũng cần được quan tâm, cải thiện.
Tham gia tổ chức công đoàn, người lao động được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Ảnh: ĐVCC |
Đề án cũng đã chỉ ra những giải pháp nhằm đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn trong doanh nghiệp, tạo động lực thu hút người lao động gia nhập tổ chức công đoàn; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chú trọng công tác sơ kết, tổng kết và khen thưởng; Gắn việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở với xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở; Sử dụng nguồn lực tài chính có hiệu quả, bước đầu tạo sự khác biệt giữa đoàn viên và người lao động chưa tham gia Công đoàn đồng thời kiên quyết bảo vệ người lao động khi quyền lợi hợp pháp bị vi phạm.
Các cơ chế chính sách cho công tác phát triển đoàn viên, trong đó ưu tiên tăng mức kinh phí hỗ trợ, xây dựng cán bộ chuyên nghiệp trong công tác phát triển đoàn viên, tổng kết đánh giá nhân rộng các mô hình tiêu biểu. Theo đó, giai đoạn 2022 - 2030, Công đoàn Nghệ An sẽ ban hành các cơ chế hỗ trợ đặc thù để phát triển đoàn viên tại 5 địa bàn trọng điểm của tỉnh, gồm: Khu Kinh tế Đông Nam, thành phố Vinh, huyện Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, trong đó tập trung chính vào Khu Kinh tế Đông Nam.