Người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: hải nguyễn
Mong được công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát
Tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế, BHTN được 8 năm, chị Ma Thị Nhớ hiện là công nhân tại Khu công nghiệp VSIP (tỉnh Bắc Ninh). Hoàn cảnh gia đình rất éo le, chồng bị tai nạn lao động, cả gia đình trông chờ vào đồng lương của chị.
Bình thường đã vất vả, ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến cả gia đình chị Nhớ thêm lao đao. Công ty ít việc, không tăng ca nên thu nhập của chị Nhớ chỉ còn khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Để có tiền trang trải cuộc sống, thời gian qua chị phải đăng ký làm việc “3 tại chỗ”.
Chị Nhớ chưa nắm được thông tin về gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 116 khi trao đổi với PV ngày 26.9. Song, sau khi nghe thông tin về đối tượng được hưởng theo Nghị quyết này, chị Nhớ khấp khởi trong lòng. “Đối với công nhân, nhất là trong thời gian khó khăn do dịch COVID-19 như hiện nay, thì được hỗ trợ là vui lắm rồi, giúp những người như tôi bớt chật vật trong cuộc sống”, chị Nhớ nói.
Tuy nhiên, chị Nhớ cũng chưa biết phải đi hỏi ở đâu, thủ tục cụ thể để nhận hỗ trợ như thế nào. “Tôi mong khi triển khai thì công ty, công đoàn cơ sở thông báo hướng dẫn cụ thể để tôi nắm bắt, làm thủ tục, sớm được hưởng” - chị Nhớ chia sẻ.
Ngay khi Nghị quyết 116 ban hành, bà Vũ Thị Minh Phượng - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam đã tìm hiểu cụ thể, đồng thời đăng thông tin này trong nhóm các chủ tịch công đoàn cơ sở tại khu công nghiệp để cán bộ công đoàn nắm bắt, trao đổi thông tin.
Bà Phượng đánh giá, đây là chủ trương tốt, chính sách quan tâm kịp thời, thiết thực cho NLĐ của Chính phủ. “Tôi mong sớm có hướng dẫn rõ ràng, chi tiết về thủ tục giải quyết, nơi tiếp nhận, thời điểm giải ngân… để NLĐ nắm bắt. Ngoài ra, thời điểm này, NLĐ đang rất khó khăn, rất cần hỗ trợ, nên chính sách ban hành cần có hiệu lực ngay, giải ngân nhanh chóng, kịp thời đến tay NLĐ” - bà Phượng góp ý.
Cũng trao đổi về vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cho biết: “Chúng tôi cũng vừa nhận được và chia sẻ đến các DN thông tin về việc hỗ trợ NLĐ và DN ảnh hưởng dịch COVID-19 từ Quỹ BHTN. Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao những chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt với đơn vị sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên, chúng tôi phải theo dõi thêm thông tin về điều kiện và thủ tục hưởng của gói hỗ trợ này trong thời gian tới ra sao”.
Nên ứng dụng công nghệ thông tin triển khai chính sách
Đánh giá về chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ BHTN của Chính phủ, ông Lê Quang Trung - Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho hay: “Đây là chính sách kịp thời, hợp lý, hỗ trợ thiết thực cho NLĐ và doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do đại dịch. Chính sách thể hiện bản chất và vai trò, ý nghĩa của BHTN trong nền kinh tế, thị trường lao động”.
Chuyên gia này cho rằng, đây là gói hỗ trợ cho số lượng NLĐ rất lớn. Tuy nhiên, việc chi trả hỗ trợ đối tượng này rất thuận lợi vì đã có cơ sở dữ liệu về NLĐ, DN. “Vấn đề ở đây cần phải xác định cho rõ các đối tượng thụ hưởng để ứng dụng công nghệ thông tin triển khai thật nhanh. Nếu có quy định cụ thể xác định đối tượng, BHXH Việt Nam cũng như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai nhanh chính sách này”.
Để triển khai Nghị quyết này, ông Trung cho hay, cần xác định thật rõ những đối tượng được hưởng. Đối với nhóm thụ hưởng là NLĐ, cần thống kê các trường hợp NLĐ tham gia BHTN trong DN được hưởng. Vì nhiều DN thuộc đối tượng tham gia nhưng có thể chủ DN không có ở đơn vị hoặc nhiều đơn vị tham gia nhưng gặp khó khăn chưa đóng được BHTN của những tháng gần đây. Bên cạnh đó, một số đối tượng nghỉ chế độ thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp,... cũng phải tính đến. Những NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN nhưng tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động cũng cần được hỗ trợ bởi thực chất họ rất khó khăn. Những người chưa đóng sau này họ vẫn phải đóng BHTN theo quy định.
“Với DN, được giảm chi phí đóng BHTN là điều mong muốn của họ lúc khó khăn. Giảm 1% cho DN là hỗ trợ DN giảm chi phí. Đây sự quan tâm, động lực để họ dành nguồn kinh phí phục hồi sản xuất, phòng chống dịch. Việc này rất ý nghĩa” - ông Trung nhấn mạnh.
Theo Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, cần quy định các thủ tục để NLĐ, DN được hưởng làm sao hết sức đơn giản, tránh yêu cầu nhiều văn bản, thủ tục qua nhiều cấp. Tuy nhiên, cũng cần có những quy định để tránh lợi dụng chính sách.
Ông Trung cũng cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai chính sách. BHXH Việt Nam có hệ thống dữ liệu về người tham gia bHXH rất tốt, rất thuận lợi khi triển khai chính sách này. “Cần có sự tham gia của các cấp, ngành, đặc biệt các tổ chức xã hội để tuyên truyền, giám sát, phát hiện thì phải có kiến nghị, xử lý thật kịp thời” - ông Trung cho biết thêm.
Chính sách hỗ trợ từ gói 30.000 tỉ đồng từ quỹ BHTT
Bao gồm: Hỗ trợ bằng tiền mặt cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ BHTN và giảm mức đóng vào Quỹ BHTN cho NSDLĐ. Về hỗ trợ cho NLĐ, đối tượng áp dụng là NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30.9.2021 (không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên). NLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2020 đến hết ngày 30.9.2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hằng tháng. Nguồn kinh phí hỗ trợ khoảng 30.000 tỉ đồng từ kết dư Quỹ BHTN đến hết năm 2020.
Về hỗ trợ NSDLĐ, đối tượng áp dụng là NSDLĐ quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên) đang tham gia BHTN trước ngày 1.10.2021. NSDLĐ được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN. Thời gian thực hiện giảm mức đóng vào Quỹ BHTN là 12 tháng, kể từ ngày 1.10.2021 đến hết ngày 30.9.2022. ANH THƯ
Anh Phạm Hồng Thời - công nhân Công ty kính và thiết bị lắp đặt trên địa bàn xã Thiệu Dương (TP.Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá) - cho biết, anh đóng BHXH được 36 tháng. Tháng 3.2021 anh Thời quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với công ty. Tháng 4.2021, anh rời quê ra thủ đô xin làm thợ sơn ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Ra thành phố làm công việc tự do được một thời gian ngắn thì dịch bùng phát trở lại, hết siết chặt phòng dịch đến giãn cách xã hội nên anh Thời chưa thể về quê nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Biết đến chính sách hỗ trợ NLĐ từ Quỹ BHTN, anh cho hay: “Tôi hy vọng thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện để sớm được nhận hỗ trợ. Tránh trường hợp cơ quan BHXH cấp quận, huyện đưa ra nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp”. Đỗ Phương