chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử công đoàn tỉnh nghệ an

Hướng tới kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Những “Nữ chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch covid-19

16:41 24/02/2022

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, lực lượng tuyến đầu của huyện Con Cuông là đội ngũ CBCCVC NLĐ Trung tâm Y tế huyện và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc Nghệ An. Căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực, nhưng những “chiến sỹ áo trắng” vẫn lặng thầm “gánh trên vai” sứ mệnh cao cả - chữa bệnh cứu người. Họ không ngại đến các điểm nóng của dịch bệnh, thức thâu đêm lấy mẫu xét nghiệm, tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, xa người thân yêu để ngày đêm chống lại dịch bệnh… Dù khó khăn, gian khổ, nhưng những “chiến sỹ áo trắng” vẫn lao vào “cuộc chiến” với tâm thế sẵn sàng và một trái tim nhiệt huyết nhất vì người dân, quê hương và đất nước.

 

 

Vượt qua khó khăn, tất cả vì người bệnh

Chị Nguyễn Thị An Ly, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Nam Nghệ An đã từng tăng cường cho Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid - 19 số 13 huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh từ ngày 21/09/2021 đến ngày 1/11/2021. Quy mô điều trị của Bệnh viện là 1.000 giường bệnh, chia thành khu A và khu B, điều dưỡng Nguyễn Thị An Ly được phân công tại khu A, thuộc khu điều trị cho bệnh nhân nặng gồm20 y bác sĩ mỗi ngày điều trị từ 100 - 150 bệnh nhân.

 

Hình ảnh chăm sóc bệnh nhận F0 của Y Bác sỹ BVĐK KVTN Nghệ An

 

Công việc hằng ngày của điều dưỡng là chăm sóc bệnh nhân, thực hiện các y lệnh của bác sĩ, đồng thời trực tiếp test và đo sinh tồn cho bệnh nhân. Chị An Ly chia sẻ: Tại bệnh viện dã chiến, trong khó khăn, dịch bệnh đeo bám, cán bộ, nhân viên y tế và các bệnh nhân coi nhau như người nhà. Do bệnh diễn biến rất nhanh nên từng biểu hiện, cử động nhỏ của bệnh nhân đều được y, bác sĩ theo dõi sát sao để có biện pháp điều trị kịp thời, cố gắng không ai bị nặng hơn. Dù ngăn cách bởi những lớp đồ bảo hộ, khẩu trang kín mít, nhưng bằng ánh mắt, hành động, các y, bác sĩ khuyên nhủ, động viên bệnh nhân, chia sẻ, đồng cảm với tâm trạng bệnh nhân như những người ruột thịt.

Điều dưỡng Nguyễn Thị An Ly nhớ lại những ngày đầu mới vào nhận nhiệm vụ, gặp không ít khó khăn, phải tập làm quen với công việc. Từ cách thức làm việc, đến làm quen với máy móc, trang thiết bị trong một tâm lý luôn sẵn sàng nhưng phải đặt mình vào vị trí của bệnh nhân và vào hoàn cảnh nguy cơ mắc bệnh cao. Tuy là một công việc cao cả mang sự mệnh to lớn nhưng không tránh khỏi nỗi sợ hãi “Liệu bản thân mình có bị mắc căn bệnh này không” sợ rằng mình lại thêm một gánh nặng cho đồng nghiệp. Hàng ngày chứng kiến cảnh sinh ly tử biệt của bệnh nhân, thật sự đau xót, thương người bệnh đến tột cùng. Luôn mang trên mình bộ quần áo phòng hộ 8/24h bí bách, nóng nực, cơ thể mất nước, nhất là bất tiện về những vấn đề cá nhân, lại phải túc trực bên cạnh người bệnh không được lơ là thức thâu đêm để theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhân. Lại phải làm quen với cuộc sống mới, bất đồng về ngôn ngữ, giọng nói, phải tập trung cao độ để có thể tiếp thu được mọi ý kiến chỉ đạo và nhận nhiệm vụ được giao. Đến những bữa ăn trái ngược khẩu vị, phong tục tập quán cũng là một vấn đề cần thời gian để thích nghi dần, là ph nữ khi xa nhà, xa người thân không tránh khỏi tâm trạng lo lắng và nhớ nhà, nhớ người thân. Vòng quay công việc cứ thế cuốn lấy các y, bác sĩ làm cho nỗi nhớ nhà, nhớ người thân cũng vơi bớt phần nào. Có những thời điểm vừa kết thúc ca trực, quay trở ra thay đồ, vệ sinh cá nhân đảm bảo an toàn phòng dịch thì nhận được hiệu lệnh quay lại phòng bệnh ngay vì bệnh nhân chuyển biến nặng, y, bác sĩ lại vội vàng đóng bộ đồ bảo hộ tiếp tục công việc.

Không chỉ có chị Ly mà còn rất nhiều y, bác sỹ không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, từng ngày, từng giờ chạy đua với thời gian để hoàn thành việc lấy mẫu cho nhân dân. Có chị chồng công tác xa nhà, con còn nhỏ, hoặc cả 2 vợ chồng cùng tham gia vào trận chiến...

 

 

Hình ảnh các y, bác sỹ Trung tâm Y tế huyện lấy mẫu truy vết F0 

 

Mong muốn được góp sức mình vào cuộc chiến chống COVID-19

Sau hơn 1 tháng tham gia tình nguyện tăng cường cho TPHCM trở về nơi công tác, bản thân lại tiếp tục được giao các nhiệm vụ mà mình phụ trách, để cùng đồng nghiệp tiếp tục cho công tác phòng, chống dịch tại huyện. Từ những ngày đầu trên địa bàn huyện Con Cuông ghi nhận các trường hợp F0 tại cộng đồng tại xã Cam Lâm, xã Lạng Khê. Qua điều tra, có nhiều F1 liên quan ở nhiều địa phương khác nhau, điều dưỡng Nguyễn Thị An Ly và đội ngũ y bác sỹ đã xông pha đến các thôn bản thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu. Dù đêm khuya hay sáng sớm, đôi khi phải thức trắng đêm để lấy mẫu gửi về cho đồng nghiệp xét nghiệm, nhằm phục vụ cho việc truy vết nhanh, khoanh vùng khống chế dịch bệnh. Hằng ngày họ mặc trên người bộ đồ bảo hộ kín mít và kết thúc công việc khi trời đã gần sáng và không may trong quá trình làm nhiệm vụ đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này đã có 7 đồng chí bị nhiểm Covid – 19, trong đó có 5 nữ ngành Y (trên tổng số 33 ca F0 là cán bộ đoàn viên công đoàn trong toàn huyện), chỉ thế thôi là đủ thấy nỗi vất vả và hy sinh của những chiến sỹ áo trắng

Chị Ly tâm sự: Chúng tôi làm việc không chỉ vì nhiệm vụ mà còn vì cộng đồng và mong muốn được góp sức mình vào cuộc chiến chống COVID-19 mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Trong đợt lấy mẫu diện rộng cho toàn bộ Bản Chôm Lôm xã Lạng Khê, đối tượng lấy mẫu nhiều, có những ngày cán bộ lấy mẫu phải đứng xuyên đêm. Tuy công việc vất vả, đối mặt với nhiều rủi ro nhưng các chiến sỹ ấy không nề hà, sẵn sàng xông pha làm nhiệm vụ lấy và chuyển mẫu nhanh nhất kịp thời về Trung tâm để có kết quả sớm nhất cho người dân. Bên cạnh đó các y bác sĩ của Trung  tâm Y tế còn tích cực tiêm phòng vaccine covid cho người dân trên địa bàn huyện. Trong quá trình lấy mẫu có một số trường hợp không hợp tác nên các cán bộ y tế phải giải thích, động viên để họ hiểu và phối hợp cho lấy mẫu. Nhiều trường hợp già yếu không thể ra điểm tập trung để lấy mẫu được, đội ngũ cán bộ lấy mẫu đã phải đến tận nhà của bà con để lấy mẫu. Tính đến thời điểm này, trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư trên địa bàn có 1.813 người cách ly tập trung, cách ly tại nhà 3.750 người, lấy mẫu xét nghiệm SASR-Cov-2 7.264 lượt, phát hiện 357 bệnh nhân dương tính với SASR-Cov-2. Trong đó, có 41 ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng. Tổng số người dân được tiêm 1 mũi 53.880/67.784 đạt 79,4%; người trên 18 tuổi tiêm mũi 1 đạt 95,8%. Tổng dân số tiêm mũi 2 là 53.361/67.784 đạt 78,7%; người trên 18 tuổi tiêm mũi 2 đạt 88,3%.

Vất vả là thế, nhưng đằng sau những lớp khẩu trang in hằn lên khuôn mặt, những bộ quần áo bảo hộ bịt kín là những nụ cười, sự nhiệt huyết, tận tâm của y, bác sĩ với công việc mà họ đã chọn. Những cán bộ y tế xung kích trên mọi mặt trận chống dịch, không chỉ tại địa phương mà họ còn tăng cường hỗ trợ cho TPHCM, Bình Dương và một số bệnh viện thu dung trong thời điểm phức tạp nhất của dịch COVID-19. Theo chủ trương của Sở Y tế, huyện Con Cuông đã có 3 đồng chí nữ y, bác sỹ tham gia đi tăng cường hỗ trợ tại các bệnh viện, họ đã và đang góp sức mình truy vết kịp thời, kiểm soát tốt dịch bệnh. Những việc làm thầm lặng, tận tâm của những chiến sỹ ấy đã nhân lên sức mạnh, niềm tin để chúng ta cùng chiến đấu để chiến thắng đại dịch COVID-19.

 

Bác sỹ kiệt sức sau nhiều giờ chăm sóc bệnh nhận F0

 

Bệnh nhân Nguyễn Thị H. (giáo viên Trường Mầm non Lạng Khê) chia sẻ: Khi được điều trị tại Bệnh vin thu dung của huyện, đặt tại Trường Tiểu học Lạng Khê. Bản thân khi phát hiện dương tính với dịch Covid – 19 cũng hoang mang, lo lắng liệu mình sẽ có triệu chứng nặng hay không. Nhưng sau khi được các bác sĩ của Bệnh viện ĐKKVTN Nghệ An trực tiếp điều trị cho chúng tôi, hỗ trợ, động viên, hướng dẫn, sử dụng thuốc và có chế độ điều trị hợp lý thì chúng tôi an tâm hơn rất nhiều.

Từ khi điều trị cho đến khi thông báo sắp được xuất viện, chúng tôi rất vui mừng và mong muốn được trở về nhà. Tôi rất xúc động khi chứng kiến cảnh suốt ngày đêm các nhân viên y tế nhiệt tình chăm sóc, đưa từng cốc nước, bữa ăn cho bệnh nhân. Chúng tôi xin cảm ơn sự tận tình của các y bác sĩ ngày đêm chữa trị cho mình, bệnh tình nay đã hoàn toàn bình phục cũng nhờ sự nhiệt tình của các y bác sĩ ở đây. Và cũng biết ơn các y bác sĩ phải xa gia đình để ngày đêm ở bên chúng tôi, họ không chỉ là y bác sĩ điều trị bệnh, mà còn là người thân chăm sóc, lo lắng cho chúng tôi hàng ngày trong quá trình điều trị, giúp đỡ chúng tôi khỏi bệnh.

 

Niềm vui của bệnh nhân và các y, bác sỹ sau khi được điều trị âm tính

 

Họ không chỉ là bác sỹ, họ còn là chiến sỹ, là những người anh hùng của cuộc chiến. Đó là lời tâm sự thật của người dân, của thân nhân khi chứng kiến hình ảnh các y bác sỹ ngày đêm tận tụy chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân trong cuộc chiến với dịch bệnh này. Đây là lúc mà các nhân viên y tế cần hơn bao giờ hết sự ủng hộ về tinh thần của cộng đồng. Hãy dành cho họ tình cảm yêu thương, tôn trọng. Hãy tiếp thêm sức mạnh để họ có thể đứng vững nơi tuyến đầu chống dịch.

Viết Hùng

Từ khóa:

Covid-19

TIN TỨC MỚI NHẤT

Đồng loạt tổ chức chào cờ, hát Quốc ca trong Tháng Công nhân
09:43 03/04/2024

Video quay lại cảnh hơn 1.000 công nhân lao động Công ty TNHH Wooin Vina (đóng tại huyện Diễn Châu) mặc áo cờ đỏ sao vàng đứng chào cờ, hát Quốc ca ngay tại xưởng sản xuất được Liên đoàn Lao động  tỉnh tuyên truyền trên mạng xã hội nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Đó là hình ảnh đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều cảm xúc mãnh liệt.


Tháng Công nhân trở thành điểm nhấn hoạt động công đoàn của năm 2024
13:55 27/03/2024

Với nhiều kế hoạch thực hiện các khâu đột phá, năm 2024 sẽ là một năm có nhiều điểm nhấn quan trọng của tổ chức Công đoàn Nghệ An. Trong đó, Tháng Công nhân hứa hẹn nhiều hoạt động sáng tạo có tính lan toả cao.


Vấn đề thu hút lao động tại Khu kinh tế Đông Nam
15:25 05/03/2024

Năm 2024, Khu Kinh tế Đông Nam, một số dự án tiếp tục mở rộng kinh doanh và nhiều dự án trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có nhiều khởi sắc.


Công ty may mặc lớn nhất Nghệ An dùng cơ chế thưởng để thu hút lao động
14:07 29/02/2024

Tổng Công ty May Minh Anh Nghệ An đang cần tuyển dụng gần 3.000 công nhân lao động trên địa bàn cho 3 nhà máy may trực thuộc.


Cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động tại địa phương
15:56 22/02/2024

Chuyển dịch lao động về địa phương lao động sản xuất đang là xu hướng và mong muốn của người lao động  và doanh nghiệp. Sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán Giáp Giáp Thìn 2024, có hàng chục nghìn lao động người Nghệ An trở về quê có nhu cầu tìm việc làm và học nghề. Thực trạng đó đòi hỏi các cấp ngành, chính quyền các địa phương  và tổ chức công đoàn  phải vào cuộc nhằm tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm và ổn định việc làm.


THƯ VIỆN ẢNH

LIÊN KÊT WEBSITE

SỐ LƯỢNG TRUY CẬP