21:35 24/09/2021
"CHỈ THỊ 16+" TẠI DOANH NGHIỆP
Trong giai đoạn thực hiện “3 tại chỗ”, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động và duy trì hoạt động sản xuất, trên địa bàn Nghệ An có không ít doanh nghiệp đã ứng phó hiệu quả, linh hoạt trước tình hình dịch bệnh và đảm bảo yếu tố phòng chống dịch.
Hoạt động sản xuất bên trong các nhà máy áp dụng "3 tại chỗ". Ảnh: PV
Trong chuyến công tác nhằm nắm bắt tình hình thực hiện “3 tại chỗ” vừa qua của LĐLĐ tỉnh, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An được đánh giá là một trong những đơn vị làm rất tốt công tác phòng chống dịch. Ông Đặng Văn Hùng - Trưởng phòng An toàn của Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An cho biết: Trước khi CBCNV vào lưu trú tại công ty, đơn vị đã tổ chức thực hiện công tác rà soát, sàng lọc nhằm kiểm soát đầu vào, đảm bảo an toàn phòng dịch. Thay đổi phương án kiểm soát theo từng thời điểm để phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Cụ thể, giai đoạn từ tháng 7/2021 tới nay, đối với CBCNV rời Khu lưu trú tập trung của doanh nghiệp này đều phải thực hiện khai báo và rà soát lịch trình di chuyển, lịch sử tiếp xúc trước khi quay lại, để đảm bảo không liên quan đến các vùng dịch, các ca nhiễm, ca nghi nhiễm. Sau khi xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả âm tính, người lao động được đưa vào khu cách ly riêng biệt trong công ty trong 21 ngày, tiếp tục được xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR 1 ngày/lần rồi mới được vào khu lưu trú.
Đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thăm hỏi, nắm bắt đời sống của công nhân "3 tại chỗ". Ảnh: PV
Không chỉ kiểm soát đầu vào, tất cả CBCNV lưu trú trong Nhà máy đều được xét nghiệm định kỳ bằng phương pháp RT-PCR 1 lần/tuần. Với nhóm công nhân có rủi ro cao như bảo vệ, kho nhập hàng..., xét nghiệm nhanh nội bộ bằng bộ kít của Công ty tự nhập mua 1 ngày/lần.
Theo lãnh đạo công ty, để đảm bảo an toàn trong dịch, doanh nghiệp cần thực hiện phòng chống dịch một cách nghiêm ngặt như đang trong “Chỉ thị 16+”. Cụ thể, chia nhiều phân khu lưu trú nhỏ theo từng bộ phận và theo các nhóm có rủi ro lây nhiễm Covid-19 khác nhau, mỗi phân khu khoảng 50-60 người, sử dụng khu vực nhà ăn, khu vực tắm giặt, vệ sinh riêng biệt và không tiếp xúc với các phân khu lưu trú khác; Trong từng phân khu lưu trú, tiếp tục chia các phòng theo dây chuyền, ca kíp để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong trường hợp có rủi ro, công nhân ở dây chuyền nào ở cùng dây chuyền đó, ca trực nào ở cùng ca trực đó; Thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế về khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, kiểm tra nhiệt độ 2 lần/ngày; Tổ chức bữa ăn tại từng phòng và phân chia giờ tắm, giặt vệ sinh cá nhân để hạn chế tối đa tiếp xúc.
Tại Nhà máy Xi măng Nghi Thiết thuộc Công ty Xi măng Sông Lam, bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện 5K, doanh nghiệp còn bố trí buồng khử khuẩn ngay ở cửa ra vào, bất cứ muốn vào đều phải đi qua buồng khử khuẩn và thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K.
Công đoàn ngành Nông nghiệp thăm hỏi, hỗ trợ người lao động thực hiện "3 tại chỗ" tại Công ty CP Thủy sản Nghệ An. Ảnh: PV
Việc kiểm soát các yếu tố từ bên ngoài cũng là một nội dung vô cùng quan trọng cần được quan tâm tại doanh nghiệp “3 tại chỗ”. Theo đó, các doanh nghiệp có ý thức cao về phòng chống dịch đã triển khai một số cách làm hay như: Nghiêm cấm người ngoài vào công ty, ưu tiên hình thức làm việc qua điện thoại, trực tuyến; hạn chế tối đa việc đưa đồ dùng cá nhân từ ngoài vào khu vực lưu trú; khử khuẩn hàng hóa bằng dung dịch Cloramin B/nước pha muối đậm đặc/buồng chiếu tia UV tại công ty trước khi đưa vào công ty; Xét nghiệm thường xuyên đối với bộ phận/đơn vị cung cấp các suất ăn cho người lao động, nhận cơm với hình thức đựng trong nồi lớn, khử khuẩn bằng nước muối đun sôi và nhân viên trong nhà máy tự phân chia thức ăn; Bộ phận giao nhận hàng hóa yêu cầu tài xế, phụ xe tới làm việc phải có phiếu xét nghiệm RT-PCR trong 3-7 ngày và được test nhanh tại cổng trước khi làm việc...
KHÔNG CHỈ LÀ SẢN XUẤT
Để người lao động yên tâm thực hiện “3 tại chỗ”, hầu hết các doanh nghiệp đã nỗ lực cải thiện điều kiện sinh hoạt như bố trí thêm nhà tắm, khu vệ sinh, mua sắm lều ngủ, bắt thêm điều hòa, hỗ trợ thêm bữa phụ, lắp đặt giá xạc điện thoại... và có những chế độ hỗ trợ tương xứng ngoài lương.
Bữa ăn đặc biệt nhân ngày Quốc khánh 2/9 tại một số doanh nghiệp thuộc KKT Đông Nam. Ảnh: ĐVCC
Tại Công ty TNHH IMS Innovation, ngoài 3 bữa chính, lãnh đạo công ty còn bổ sung thêm bánh mỳ, sữa tươi cho bữa phụ và hỗ trợ 100 nghìn đồng/ngày; tất cả những đồ dùng cá nhân như xà phòng, dầu gội, lều ngủ, chăn ga gối đều được chu cấp đầy đủ, riêng biệt; chỗ nghỉ ngơi của công nhân được bố trí trong phòng điều hòa với các vách ngăn tại các bàn ăn...
Để đảm bảo công tác “3 tại chỗ” cho hơn 600 công nhân lao động, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An đã thực hiện 4 suất ăn/ngày, hỗ trợ thêm 50 nghìn/ngày; bố trí chỗ đánh bóng bàn, cầu lông để rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần; thuê container, lắp điều hòa để người lao động có thêm chỗ nghỉ ngơi; thuê nhà vệ sinh di động để đáp ứng nhu cầu yêu cầu phòng chống dịch... Tại Công ty Xi măng Sông Lam, thời điểm cao điểm nhất, công ty thực hiện “3 tại chỗ” cho hơn 1.400 công nhân lao động nhưng vẫn đảm bảo tất cả công nhân đều được hỗ trợ bữa ăn phụ và hỗ trợ ngoài lương 80 nghìn/ngày.
Các cấp công đoàn thường xuyên nắm bắt tình hình thực hiện "3 tại chỗ" tại doanh nghiệp. Ảnh: PV
Tại Công ty TNHH Luxshare-ICT, bên cạnh việc chăm lo đời sống, đảm bảo chế độ cho 4.000 lao động, lãnh đạo và tổ chức công đoàn công ty còn sáng tạo nhiều hoạt động nhằm cải thiện điều kiện sống cho người lao động như mở dịch vụ căng tin, lắp thêm wifi, tổ chức các cuộc thi trực tuyến trong giai đoạn thực hiện “3 tại chỗ”. Ở một số doanh nghiệp, người lao động thực hiện “3 tại chỗ” còn được còn lắp máy chiếu lớn nhằm phục vụ nhu cầu giải trí, được nhận hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/tháng...
Nắm bắt tình hình thực hiện tại một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn, đồng chí Kha Văn Tám – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trăn trở: “Bên cạnh những đơn vị có ý thức cao, ứng phó tốt với diễn biến dịch và thực hiện công tác phòng, chống dịch một cách bài bản thì vẫn còn nhiều đơn vị chưa có sự đầu tư nghiêm túc cho nội dung này. Việc kiểm soát các yếu tố từ bên ngoài vào chưa nghiêm ngặt, bố trí chỗ ăn, ngủ cho công nhân lao động còn lúng túng, vẫn còn tình trạng tổ chức ăn chung cùng lúc hàng trăm người, chưa có vách ngăn trên bàn ăn, chưa phân luồng đường đi cho các ca sản xuất, chưa hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho công nhân lao động…”.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thăm hỏi người lao động "3 tại chỗ". Ảnh: PV
Trao đổi về những khó khăn từ phía doanh nghiệp, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH SangWoo Việt Nam cho biết: “Khi thực hiện “3 tại chỗ”, chúng tôi gặp một số khó khăn trong việc đưa đón CNLĐ theo mô hình “1 cung đường 2 điểm đến”, diện tích nhà xưởng hạn chế nên không thể bố trí chỗ cho số lượng 100% lao động, nhà thầu bếp ăn cũng chưa đáp ứng được sự phong phú trong thực đơn... Việc tổ chức ăn ở tại chỗ nếu trong ngắn hạn thì không sao, nhưng nếu lâu dài, người lao động sẽ bị gò bó, đời sống tinh thần không được đảm bảo dẫn đến tình trạng không mặn mà với “3 tại chỗ”…”.
Sau thời gian áp dụng “3 tại chỗ” tại đơn vị mình, rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo lắng khi phải duy trì phương án này trong thời gian dài. Bởi lẽ, khi áp dụng “3 tại chỗ”, ngân sách vận hành doanh nghiệp tăng lên với đủ loại chi phí: Chi phí quản lý, chi phí mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu ăn ở, chi phí xét nghiệm thường xuyên, chi phí hỗ trợ ngoài lương cho công nhân lao động...
Từ những khó khăn đó, các chủ doanh nghiệp đều đề xuất mong muốn được các cơ quan chức năng cấp tỉnh quan tâm, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho công nhân lao động tại các Khu công nghiệp. Đây cũng là mong mỏi của tất cả công nhân lao động trên địa bàn.
Người lao động cần được quan tâm hơn khi thực hiện "3 tại chỗ" và cần sớm được tiêm vắc-xin Covid-19. Ảnh: PV
Hoàng Hương - Diệp Thanh
THÔNG BÁO
Kế hoạch Tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động với Đoàn Đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8 và tặng quà cho Công nhân lao động Năm 2024
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô và tài sản cố định khác năm 2024
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp năm 2023
Thông báo công khai tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công năm 2023
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
TƯ VẤN PHÁP LUẬT
LIÊN KÊT WEBSITE
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP