10:12 01/05/2021
Những đóng góp lặng thầm
Nằm giữa lòng thành phố Vinh, Trường THPT Dân tộc Nội trú Nghệ An có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Tây của tỉnh học tập. Các em học sinh ở đây đều có hoàn cảnh rất khó khăn, xa gia đình, người thân. Ngoài việc học tập các em sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ đều tại trường. Hằng ngày, ngoài giờ lên lớp, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường còn có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục kĩ năng sống cho các em, chăm lo cho các em từ bữa ăn đến giấc ngủ.
Cô Nguyễn Thị Hương Lan, Tổ trưởng Quản trị đời sống tâm sự: Chúng tôi làm việc không có ngày nghỉ. Các cô nuôi trong trường đều coi các em như con, quan tâm, chăm lo đến chất lượng từng bữa ăn, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh và an toàn thực phẩm. Các em học sinh ở đây đều gọi chúng tôi là mẹ. mẹ Lan, mẹ Hà…
Chia xẻ về những kỷ niệm đáng nhớ, cô Nguyễn Trang nhân viên y tế nhà trường nhớ lại: Hôm đó vào ngày chủ nhật, đã gần 10 h đêm, em Hòa ( Học sinh Khóa 26 của trường) đau bụng dữ dội. Tôi vội vàng chở em đi bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết em bị đau ruột thừa cấp phải mổ ngay. Không có gia đình, người thân, tôi là người ký đơn cam kết với bệnh viện, túc trực bên em đến khi mổ xong. Khi tỉnh lại cả tôi và em đều khóc. Em nói: Khi em đau nhất , khi em vào phòng mổ, khi em tỉnh lại…người đầu tiên em nhìn thấy là cô. Còn tôi khóc vì em đã tai qua nạn khỏi.”
Là nhân viên văn phòng, công tác tại Trường THPT Héc man đã 5 năm với mức lương chỉ 3 triệu đồng/1 tháng, cô Đoàn Thị Hòa còn là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ. Những khó khăn riêng không làm cô nản lòng, cô luôn gắn bó với trường, hết lòng vì công việc.
Trao đổi với người lao động
Đối với các trường THPT ngoài công lập, những năm gần đây do công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn nên chất lượng đầu vào rất thấp. Các em học sinh khối dân lập không chỉ hạn chế về học tập mà do tuyển sinh không đủ chỉ tiêu nên không có cơ hội lựa chọn học sinh. Nhiều em chưa ngoan,còn nghịch, cá tính, khó bảo. Có em gia đình bất lực, hoặc phó mặc cho thầy cô. Để cảm hóa, dạy dỗ các em, Cô Giáng Hương, giáo viên trường THPT tư thục Nguyễn Huệ nói: Chúng tôi không chỉ là thầy, cô, là cha mẹ mà còn là bạn bè, giáo dục các em không chỉ bằng kiến thức mà bằng cả tấm lòng, sự cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh từng em. Với mức lương quá thấp, không thể đủ trang trải cuộc sống nhưng chúng tôi vẫn gắn bó với trường vì chúng tôi yêu nghề mà mình đã chọn.
Những câu chuyện được cô Lan, Cô Trang, cô Giáng Hương chia sẻ đã gây xúc động mạnh mẽ đối với đoàn viên, người lao động có mặt trong chương trình Cảm ơn người lao động do Công đoàn ngành phối hợp với Trường THPT Dân tộc nôi trú tổ chức ngày 29/4 vùa qua. Đây cũng là lần đầu tiên Công đoàn ngành giáo dục tổ chức hoạt động ý nghĩa này để ghi nhận, tôn vinh những người lao động âm thầm, lặng lẽ đóng góp cho giáo dục tỉnh nhà
Lắng nghe và cảm ơn
Được hỏi về những mong muốn, đề xuất , tâm tư nguyện vọng, Cô Lan chỉ mong cấp trên xem xét để những chị làm việc trong bếp ăn đã làm việc lâu năm nhưng chỉ hợp đồng thời vụ được chuyển ký theo Hợp đồng 68; một số người đã đi học và có bằng trung cấp nấu ăn nhưng vẫn chưa được hưởng lương theo bằng cấp. Cô Giáng Hương mong Sở có cơ chế hỗ trợ các trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu, góp phần đảm bảo đời sống việc làm cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo khối dân lập
Từ những chia sẻ của đoàn viên, người lao động, ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, thay mặt cho lãnh đạo ngành phát biểu đánh giá cao những đóng góp to lớn của đội ngũ nhân viên, người lao động trong ngành và các trường ngoài công lập. Cảm ơn các thầy cô, những đoàn viên, người lao động đã bám trụ với nghề trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, chăm lo cho học sinh chu đáo. Về phía ngành sẽ luôn quan tâm, lắng nghe và nghiên cứu xuất giải quyết những khó khăn, bất cập cho giáo viên, nhân viên các trường ngoài công lập. Mong muốn tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường chung tay, chung sức cùng xây dựng ngành Giáo dục Nghệ An đoàn kết, yêu thương, trách nhiệm, sẻ chia và phát triển
Những bó hoa tươi thắm, nhưng món quà tuy giá trị vật chất không nhiều nhưng đó là tình cảm ấm áp, là sự chia xẻ, động viên, thấu hiểu của tổ chức công đoàn gửi tới các thầy cô, các cán bộ, đoàn viên đang âm thầm lặng lẽ đóng góp công sức của mình trong sự nghiệp trồng người.
Tặng quà cho người lao động
" Chúng tôi muốn tổ chức chương trình này để cảm ơn người lao động nhất là để nói lời cảm ơn tới những thầy cô các trường ngoài công lập, đội ngũ nhân viên y tế, cô nuôi, cán bộ phục vụ ttrong các nhà trường. Đó là những người lao động gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nhiều thiệt thòi, những người lặng lẽ, đứng sau những thành công của ngành giáo dục. ” Ông Đặng Văn Hải, chia xẻ về ý nghĩa của chương trình Cảm ơn người lao động do Công đoàn ngành Giáo dục tổ chức nhân dịp Tháng công nhân năm 2021 .
Trần Vân
THÔNG BÁO
Kế hoạch tổ chức Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh
Kế hoạch Tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động với Đoàn Đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8 và tặng quà cho Công nhân lao động Năm 2024
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô và tài sản cố định khác năm 2024
Thông báo công khai tình hình quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp năm 2023
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
TƯ VẤN PHÁP LUẬT
LIÊN KÊT WEBSITE
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP